Lại nói An Dương Vương cưỡi ngựa đưa công chúa Mỵ Châu chạy ra bờ biển, để tìm thuyền xuôi nam, nhằm tập hợp các Lạc Hầu, Lạc Tướng nghĩ kế phục quốc. An Dương Vương không ngờ Mỵ Châu ở phía sau rắc lông ngỗng cho tình lang Trọng Thủy lần đường đi theo. Khi quân Triệu do Trọng Thủy dẫn đầu đuổi tới, An Dương Vương ngoái đầu nhìn lại mới vỡ lẽ ra mọi chuyện. Tự dằn vặt bản thân ngu muội, dẫn đến cảnh nước mất nhà tan, An Dương Vương chặt đầu Mỵ Châu, rồi tự cắt cổ kết liễu cuộc đời.
Kể từ ngày ấy, con dân Lạc Hồng rơi vào cảnh lầm than tang tóc khôn nguôi, cuộc sống của nòi giống con rồng cháu tiên chìm vào bóng đêm tăm tối suốt hàng nghìn năm ròng rã. Bọn giặc cỏ phương Bắc thống trị người Việt bằng những chính sách tàn độc, dã man nhất, chúng coi những kẻ nô lệ phương Nam như man di mọi rợ. Những người dân vong quốc bị chúng đối xử như súc vật, chúng bóc lột sức lao động một cách tàn ác, bắt vào rừng thiêng nước độc tìm sản vật núi rừng, bắt lặn xuống biển sâu để mò trai tìm ngọc, ép cho người dân không còn đường sinh tồn, sống sót.
Cám cảnh lầm than của tổ tiên khi xưa, Lý Hạo ngơ ngẩn ngâm thơ:
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương tuý mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Bất tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thỉnh hướng tư văn khan nhất thông.
“Quả là tuyệt thơ, bài thơ đó khiến cho thảo dân cảm thấy rung động đến tận đáy hồn. Hoàng thượng không những là một hiền quân, minh chủ mà còn một là bậc đại thi hào.” Cao Ngạo siết chặt hai nắm tay, cảm khái.
Lý Hạo cười bi thương: “Cả ngàn năm u mê ấy là cả ngàn năm dài đằng đẵng mà người Việt sống trong nhục nhã, tủi hổ. Những anh hùng, những bậc chí sĩ vì nước vì dân thay phiên nhau nổi dậy đấu tranh chống lũ giặc phương Bắc liên miên không dứt. Để rồi chúng ta có được nền độc lập như ngày nay, có được một Đại Việt lớn mạnh như bây giờ. Nhưng than ôi, Đại Việt lại đang đứng trước nguy cơ tan đàn xẻ nghé, nội loạn khắp nơi như những thứ ung nhọt khó chữa, dân chúng nơi nơi rên xiết thấu trời. Trẫm có tâm mà vô lực.”
Cao Ngạo gật đầu với vẻ cảm thông: “Hoàng thượng đừng mãi dằn vặt lương tâm như thế. Anh hùng hào kiệt khắp thiên hạ đâu thiếu người hiền tài còn chứa chan tâm huyết hướng về triều đình. Nếu Hoàng thượng có thể thu phục lòng dân thì việc bình định nội loạn chỉ là chuyện sớm chiều.”
“Khó lắm thay, khó lắm thay. Tiên đế đã làm ra những chuyện gì, chẳng phải khanh không biết? Lòng dân còn hướng về trẫm hay không, trẫm quả thực chưa dám chắc. Mộng tưởng của trẫm chính là khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Lý Hạo thở dài.
Cao Ngạo lặp lại: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.”
“Đúng vậy, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh chính là lý tưởng của trẫm. Một mai nếu như trẫm có bình định được thiên hạ, trẫm sẽ mở mang dân trí, mở trường cho tầng lớp con cháu bình dân đều được học. Trẫm sẽ cải cách trên mọi lĩnh vực nghề thủ công, thương nghiệp, nông nghiệp và sáng tạo ra nhiều ngành nghề mới. Khuyến khích giáo dục phát triển, dần dần bỏ lối học từ chương giáo điều như hiện nay, và có thể thì trẫm sẽ tập hợp toàn bộ những sĩ phu tài ba nhất Đại Việt để xây dựng một bộ chữ giành riêng cho người Việt, của người Việt, gần gũi với người Việt nhất. Nâng cao tư tưởng, đời sống tinh thần của người dân, đặt lại điều luật triều đình để cho người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Chăm lo cho đời sống của toàn dân Đại Việt được an cư lạc nghiệp, được ấm no hạnh phúc.” Lý Hạo hào hùng nói.
“Thảo dân xin vì Hoàng thượng dốc sức khuyển mã. Dù biết mình tài hèn sức mọn, nhưng xin Hoàng thượng đừng chê bai thảo dân.” Cao Ngạo rời khỏi ghế, quỳ một chân, hô lớn.
“Lời khanh nói có thực hay không?” Lý Hạo dò hỏi.
“Tổ tiên thảo dân có thể lưu danh thiên cổ vì tinh thần xả thân quyết tử, thì con cháu họ Cao đời sau không ai là kẻ đớn hèn. Thảo dân có thể lấy cái chết để chứng mình tấm lòng trung. Còn chưa nói đến Hoàng thượng là ân nhân cứu mạng của mẹ con thảo dân, ngài đã sai ngự y chữa trị bệnh tật của mẹ, lại còn ban cho hai mẹ con phủ đệ giàu sang, kẻ hầu người hạ. Chỉ ân nghĩa này thôi, thảo dân đã có thể vì ngài mà chết hàng trăm lần cũng đáng.” Cao Ngạo đáp rành rọt từng lời.
“Nếu những chuyện trẫm yêu cầu khanh làm trái với lương tâm của khanh... khanh có làm hay không?” Lý Hạo khép mắt hỏi tiếp.
“Quân bảo thần tử, thần bất tử bất trung.” Cao Ngạo dằn giọng.
“Tốt, đứng lên... điều đầu tiên trẫm muốn khanh làm là... dùng tất cả thủ đoạn đánh bại trẫm.” Lý Hạo mở lớn hai mắt, đập bàn, nhảy lên cao, đá thẳng vào người Cao Ngạo.
Cao Ngạo ngỡ ngàng lách người qua bên né tránh, tiếng gió vù vù bên tai. Hắn thất thần ôm ngực lùi lại mấy bước.
Ngay khi Cao Ngạo né người, Lý Hạo đã tung chiêu Hổ Nghiêng Đầu, chọc một trảo vào ngực Cao Ngạo. Đứng vững thân mình, Lý Hạo trầm giọng: “Nếu khanh không trả đòn thì cuốn gói đi khỏi đây và đừng bao giờ xuất hiện trước mặt trẫm.”
Cao Ngạo nghe vậy, vặn người thủ thế võ gia truyền của gia tộc họ Cao, uốn cong người như cây cung, bật người nhanh như mũi tên rời cung, đây chính là pho quyền pháp Mãnh Cung Phá Sơn do tổ tiên dòng họ Cao là Cao Lỗ đích thân sáng chế. Mỗi một quyền Cao Ngạo xuất ra, là mỗi tiếng tanh tách nghe như dây cung đang bắn tên xuyên qua mọi chướng ngại cản đường.
Lý Hạo xoay người tránh đòn liên tục, cơ thể hắn uốn lượn như rồng thiêng ra biển, xung quanh cơ thể hắn có những luồng gió phát ra vi vút. Hai thế võ của hai người giống nhau về bản chất, đều cương mãnh, lấy nhanh làm chủ đạo, lấy mạnh chế yếu, đối phương nhanh càng phải nhanh hơn nữa, đối phương mạnh càng phải mạnh hơn nữa, lấy công làm thủ, lấy tiến làm thoái.
Lý Hạo hoa tay lên thành những vòng tròn kỳ dị trả đòn, lúc chuyển thành trảo chụp lên cổ tay Cao Ngạo, trảo chụp tới như tiếng hổ gầm vang vọng khắp núi rừng, lúc chụm lại thành hình đầu rắn, mổ vào mu bàn tay đối phương, những đòn mổ xé gió rít lên như tiếng rắn rít gào quyết cắn xé con mồi thành vạn mảnh.
Đánh hơn ba mươi chiêu, Cao Ngạo nhảy lùi về sau, hai tay buông thõng, cánh tay khẽ run lên từng đợt: “Võ công của Hoàng thượng tên gọi là gì? Thảo dân mới chứng kiến loại võ công bá đạo, quái lạ như vậy lần đầu.”
“Đây là công phu Long Hổ Song Sát, khanh cảm thấy thế nào?” Lý Hạo nhếch mép trả lời.
“Khó có thể chống đỡ. Tuy nhiên chiêu trảo có thể được xem là hổ, chiêu mổ thì tựa như của loài rắn, chứ không thấy chiêu nào giống rồng mà gọi là công phu Long Hổ Song Sát?” Cao Ngạo lắc đầu.
“Khanh lầm, trẫm hỏi khanh, rồng có thật hay không?” Lý Hạo hừ lạnh.
“Tất nhiên là rồng có thật, nên các bậc chí tôn mới lấy biểu tượng rồng để tôn vinh.” Cao Ngạo khẳng định.
Lý Hạo cười ngất ngưởng: “Ha ha ha, rồng ư? Rồng không hề có thực, rồng chỉ là loài vật tưởng tượng của con người mà thôi. Nhưng, rắn là có thật, rắn chính là giống loài săn mồi vô cùng âm hiểm. Vừa rồi, khanh chỉ mới thấy được những chiêu thức da lông của bộ võ công Long Hổ Song Sát. Giờ trẫm sẽ cho khanh thấy được rồng chân chính nghĩa là như thế nào.”
Dứt lời, Lý Hạo lao tới Cao Ngạo xuất quyền đấm vào mặt. Cao Ngạo vung tay chực gạt quyền đó, chợt thấy quyền chuyển thành trảo bổ từ trên xuống nhằm vào đầu của mình. Cao Ngạo lùi lại đỡ trảo thì trảo lại chuyển thành chỉ, ngón tay phát ra những luồng khí âm lãnh nhằm cổ mà xoáy như lưỡi kiếm nhọn hoắt muốn đâm thủng yết hầu. Cao Ngạo vươn tay hòng chụp cổ tay Lý Hạo để chặn đòn chỉ, thì bàn tay ấy hoa lên thành hàng chục bàn tay, những chiêu quyền, trảo, mổ, chỉ đan xen pha lẫn, những đòn thế biến chiêu liền lạc như áo trời, huyền ảo khôn lường, không thể quan sát kịp.
Hự.
Cao Ngạo bị Lý Hạo đấm thẳng vào giữa bụng, cả thân mình bay ra xa, dội vào cây cột lớn như cột đình ở giữa Ngự Thiện phòng.
“Đây chính là rồng, rồng không thể thấy, không thể quan sát, không thể đoán biết. Rồng chính là biểu tượng huyền bí, chỉ có truy cầu, mãi mãi truy cầu, cho đến tột cùng của võ học, cho đến đỉnh điểm của sự thăng hoa.” Lý Hạo nhấn mạnh từng tiếng.
Cao Ngạo nôn ra một búng máu, lồm cồm bò dậy, đưa tay quệt máu, tâm phục khẩu phục: “Võ công của Hoàng thượng đã đạt cảnh giới thượng thừa, lần này thảo dân sẽ cố gắng xuất hết tuyệt kỹ để bồi tiếp Hoàng thượng. Hoàng thượng nhớ cẩn thận.”
Khép các ngón tay lại, hai chân xuống tấn, Cao Ngạo gồng người, các đốt ngón tay, các khớp xương phát ra những tiếng kêu răng rắc. Cao Ngạo hô: “Nỏ Thần Vạn Tiễn.”
Lý Hạo cười lớn: “Vậy mới phải, lên đi.”
Tiếng cười của Lý Hạo vừa dứt, Cao Ngạo đã áp sát bên phải, chặt tay trái vào gáy Lý Hạo. Lý Hạo nâng tay biến trảo lên quá đầu để đỡ đòn. Cú chặt vừa khẽ chạm vào tay Lý Hạo lập tức vụt trở về, hai chân Cao Ngạo nhằm ngực, bụng Lý Hạo mà đá.
Lý Hạo trở tay đón lấy cú đá, nhưng đã rơi vào thế hạ phong. Cao Ngạo tung ra những đòn liên hoàn cước như sấm sét, tuyệt kỹ dòng họ Cao không phải dựa vào quyền mà chủ đạo chính là những đòn cước. Đôi chân Cao Ngạo vòng qua, múa lại, đá ngang, đâm dọc như những mũi tên bay múa, tung hoành tứ phương.
Huỵch.
Lý Hạo lảo đảo lùi năm bước, hắn đã bị Cao Ngạo đá trúng vào hông bên trái. Bị trúng đòn, Lý Hạo không giận mà càng cười to: “Thống khoái, lâu lắm rồi trẫm mới có đối thủ luyện quyền thống khoái tới độ này. Cao Ngạo, hãy đỡ... Long Hổ Tranh Châu.”
Tay trảo, tay mổ tấn công Cao Ngạo theo hai hướng ngược nhau. Tay trảo đánh tới mãnh liệt như hổ vồ mồi, tay mổ quỷ dị như rồng uốn lượn trên mây. Cao Ngạo tung liền những đòn đá tựa sấm sét nhằm phá tan thế công vũ bão của Lý Hạo.
Chú thích:
- “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”: Là tư tưởng của nhà chí sĩ cách mạng khởi đầu phong trào duy tân, Phan Châu Trinh.
- Bài thơ trên là bài thơ Chí Thành Thông Thánh do Phan Châu Trinh sáng tác trong kỳ thi Hương ở Bình Định năm 1905.
Có nhiều bài thơ dịch từ bài Chí Thành Thông Thánh, tại hạ sưu tầm được một số bài thơ sau, không rõ tên tác giả, mời các độc giả tham khảo:
Việc đời nhìn lại – có mà không,
Nước non cạn lệ khóc anh hùng.
Bạo quyền, cam chịu bao người mãi
Văn chương, còn đắm giấc mộng cùn.
Nếu chịu trăm năm người mắng chửi,
Ngày nào thoát khỏi cảnh lao lung?
Mọi người đâu phải không tâm huyết,
Đọc thơ – chia sẻ nỗi niềm chung!
Thế sự quay đầu chỉ thấy không,
Giang sơn ai kẻ khóc anh hùng.
Vạn dân nô lệ cho người dắt,
Tám vế văn chương gửi giấc mòng.
Nếu mãi chịu cam lời thoá mạ,
Ngày nào ra khỏi chốn lao lung?
Các anh đâu phải không tâm huyết,
Xin đọc mấy lời chút cảm thông!
Cuộc đời ngoảnh lại vắng không,
Giang sơn nào khóc anh hùng được đâu;
Cường quyền dậm đạp mái đầu,
Văn chương tám vế say câu mơ màng,
Tháng ngày uất RuRU2 hận đành cam,
Sổ lồng tháo cũi biết làm sao đây ?
Những ai tâm huyết vơi đầy,
Dốc lòng văn đạo, thơ này thấu cho.
Ngụy Quân: “Ta chỉ là muốn chết, như thế nào liền như vậy khó đâu?” Thấy Chết Không Sờn Ngụy Quân Tử