Sau Khi Từ Hôn Gả Cho Thư Sinh Làm Phu Lang

Chương 173: Chương 173




Xử lý xong mọi việc trong nhà lẫn trong thôn, đến sáng hôm nay, khi ánh bình minh vừa hé rạng, Lâm Việt và Thẩm Hoài Chi liền khởi hành. Đúng khoảnh khắc mặt trời phương Đông nhô lên, chiếc xe trâu chậm rãi lăn bánh ra khỏi cửa nhà họ Thẩm.

Vẫn là chiếc xe trâu quen thuộc, vẫn do Thẩm Chính Sơ cầm cương. Tấm lưng của ông nay đã hơi còng xuống. Lần trước tiễn 2 đứa con lên đường, trên gương mặt ông ngoài mong chờ còn có một tia lo lắng không giấu được.

Hai đứa con của ông là những người đầu tiên trong thôn đi đến Phủ thành. Ngày trước, với những người quanh năm quẩn quanh ruộng đồng, nơi xa nhất từng đặt chân tới chỉ là trấn trên, thì Phủ thành chẳng khác nào chốn xa xăm tận chân trời. Vậy mà giờ đây, con ông lại đang hướng đến nơi đó.

Một nơi rộng lớn đến thế, cả đời ông chưa từng dám nghĩ tới. Lần đầu theo con lên Phủ thành, ông còn không dám ngẩng đầu nhìn phố xá phồn hoa. Vậy mà bây giờ, ông đã có thể đường hoàng ưỡn ngực bước qua cổng thành.

Có lẽ, lần này con cái ông đi rồi sẽ không quay về nữa, mà sẽ định cư luôn ở Phủ thành. Dù ngay lúc này có nhắm mắt xuôi tay, ông cũng cam lòng. Dưới suối vàng đối diện với tổ tiên, ông có thể đầy kiêu hãnh mà nói rằng: ông và thê tử vẫn mạnh khỏe, các con của họ cũng sống rất tốt.

Con trai ông, Thẩm Hoài Chi, là Cử Nhân đầu tiên của trấn này. Phu nhi ông, Lâm Việt, là người đầu tiên trong thôn lên 0hủ thành mở tiệm. Ngay cả con thứ của ông, Thẩm Lăng Chi, cũng đã thoát ly khỏi ruộng đất, không phải nhờ nhà mẹ đẻ, mà dựa vào chính sức mình mở được cửa tiệm.

Đời này, thật đáng giá.

Tống Tầm Xuân lại không được lạc quan như vậy. Bà lo lắng hơn nhiều, bởi hiện giờ Lâm Việt đang mang thai, lại còn định tiếp tục buôn bán. Quan trọng nhất là, đôi phu phu này đã bàn bạc với nhau, không muốn để bà và thông gia đi theo chăm sóc. Nghĩ đến đây, bà thật sự không yên lòng.

Bốn người rời khỏi cửa chưa được bao xa, nhà họ Lâm cũng đã đến, ba người trong nhà cùng với phu phu Thẩm Lăng Chi đều có mặt. Lần trước chưa thể tiễn đưa, hôm nay nhất định phải đến nhìn một cái.

Trùng hợp là hôm nay lại đúng tiết Sương giáng. Lúc họ lên đường, sương đọng suốt đêm vừa tan thành nước, trời đã lạnh hẳn. Xe trâu không có mui che, Lâm Việt bị mọi người giám sát chặt chẽ, khoác thêm áo bông lót bông dày, lại đội mũ, che kín mặt bằng khăn, đến mức nói chuyện cũng chẳng thuận tiện.

"Chờ khi bọn con ổn định rồi, sẽ đón mọi người lên Phủ thành chơi một chuyến."

Chu Vấn Lan mỉm cười nhìn Tống Tầm Xuân: "Đứa nhỏ này, những năm qua đúng là sống uổng tuổi, chẳng chững chạc chút nào."

Tống Tầm Xuân vỗ nhẹ tay bà: "Như thế mới tốt! Chứng tỏ hai đứa sống vui vẻ, ngày tháng thuận lợi. Nếu cứ trầm tư khổ sở, chẳng phải là ngày chẳng ra ngày sao?"

"Lời của thông gia rất có lý, chỉ mong bọn nhỏ cứ mãi như vậy, chúng ta ở nhà cũng yên tâm."

Mọi người vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, mãi đến tận đầu thôn. Không ngờ nơi đó đã có không ít người đứng đợi.

Người dẫn đầu chính là Thẩm Quảng Sơ, trên người vẫn mặc bộ y phục làm ruộng, rõ ràng là định đưa tiễn xong liền xuống đồng ngay.

"Hoài Chi, Việt ca nhi, hai đứa đến rồi. Chính Sơ, đệ muội, hai vị thông gia, chúng ta tới đây là để tiễn đôi trẻ một đoạn."

Dứt lời, ông không đợi ai đáp, liền quay đầu dìu một lão nhân bước đi lảo đảo. Thê tử của ông, Hách Vũ Lan, cũng đỡ lấy một bà lão tóc hoa râm.

Vừa nhìn thấy hai người này, Tống Tầm Xuân lập tức bước tới đón, bởi không chỉ là những người lớn tuổi nhất thôn Lâm Thủy, mà bối phận cũng cao nhất, đến phu thê Thẩm Chính Sơ còn phải gọi là thúc công, di bà.

Vì tuổi tác đã cao, thân mang bệnh tật, hai cụ đã lâu không bước ra ngoài. Không ngờ hôm nay lại đến tận đây, Thẩm Chính Sơ lập tức ghìm dây cương, cả nhà đều xuống xe.

Thẩm lão thúc công vẫy tay gọi Thẩm Hoài Chi: "Tiểu Hoài à, giỏi lắm, thật có tiền đồ! Quảng thúc của ngươi đã kể hết cho bọn ta nghe rồi. Tế điền của thôn đều đặt dưới danh nghĩa con, lương thực tiết kiệm được đều để lại cho người trong thôn, lại còn mời phu tử về dạy học.  Thái công cùng thái bà bà của ngươi, thay mặt cả thôn đa tạ ngươi."

Vị phu tử này vốn là thầy dạy tư thục ở trấn trên, giảng dạy nhiều năm, cũng tích lũy không ít danh tiếng. Chỉ là tiền học phí khá cao, người trong thôn có thể theo học chẳng được bao nhiêu.

Sau khi Thẩm Hoài Chi đỗ Cử Nhân, Hồ Bàn tiên sinh tìm đến bái phỏng. Lời lẽ của ông ta cũng rất thẳng thắn, chính là đến để cầu giáo, mong có được bút tích của Thẩm Hoài Chi. Không những mang theo lễ vật hậu hĩnh, mà còn đưa ra một điều kiện mà Thẩm Hoài Chi không thể từ chối, giảm một thành học phí so với mức trước đây y nhận thu đồ đệ, thu nhận học sinh từ thôn Lâm Thủy và thôn Du Thủy, ít nhất trong ba năm.

Thẩm Hoài Chi lập tức gật đầu, sau đó cùng Hồ Bàn tiên sinh đến tìm Thẩm Quảng Sơ, chính thức ký khế ước.

Chính từ miệng Thẩm Quảng Sơ, Thẩm lão thúc công mới biết chuyện. Vừa hay, ông cụ lập tức đi tìm người biểu muội của mình, thế là mới có cuộc gặp gỡ hôm nay.

Thẩm Hoài Chi tiến lên đỡ lấy ông cụ, cúi người thi lễ: "Thái công, thái bà bà, hai người nói nặng lời rồi, đây đều là chuyện cháu nên làm."

Thẩm thái bà sức khỏe kém hơn, hôm nay đến đây cũng là do cháu trai cõng tới. Bà cụ chỉ miễn cưỡng gọi được một tiếng tên của Thẩm Hoài Chi và Lâm Việt, sau đó nắm lấy tay hai người, vỗ nhẹ, dịu dàng dặn dò: "Đi đi, ra ngoài phải cẩn thận, đừng lo lắng cho cha nương các ngươi, còn có nãi nãi nữa, mọi người trong thôn sẽ giúp đỡ trông nom."

Thẩm Hoài Chi và Lâm Việt liên tục nói lời cảm tạ, lại cùng mọi người đưa hai vị lão nhân về tận nhà, sau đó mới lên xe trâu, hướng thẳng Phủ thành mà đi.

Thẩm Chính Sơ vẫn như mọi khi, đưa người đến nơi, dỡ hành lý và lương thực xuống xong liền chuẩn bị quay về: "Tám ngày nữa ta cùng nương con, còn có hai vị thông gia nữa, sẽ lại đến."

Khi đó đã là ngày cuối cùng của tháng 9, bất kể là Lâm Việt và Thẩm Hoài Chi quyết định thuê tiếp hay đã mua được viện mới, thì mọi chuyện cũng đã định đoạt xong. Bọn họ đến đây, vừa hay có thể giúp đỡ một tay.

Lâm Việt vừa xuống xe đã bị sắp xếp ngồi nghỉ dưới mái hiên. Nghe thấy Thẩm Chính Sơ sắp về, cậu lập tức đứng dậy muốn tiễn: "Cha, đừng vội, để con ra ngoài mua chút đồ ăn mang theo rồi hẵng đi."

Thẩm Chính Sơ khoát tay: "Đừng nhọc lòng nữa, lát nữa ta tiện đường mua là được. Con cứ ngồi đó nghỉ ngơi, chờ Hoài Chi dọn dẹp nhà cửa xong hẵng vào."

Lâm Việt khuyên không được, đành thôi.

Thẩm Chính Sơ vừa đi không bao lâu, Thẩm Hoài Chi liền cầm một chiếc túi thơm từ trong phòng bước ra, hỏi: "Cha đi rồi à?"

Lâm Việt ngước nhìn y, trong mắt lộ vẻ nghi hoặc: "Đi được gần một tuần trà rồi, sao vậy?"

Thẩm Hoài Chi khẽ thở dài, đặt túi thơm vào tay Lâm Việt: "Vừa rồi ta thu dọn áo đông thì tìm thấy cái này, bên trong có 50 lượng bạc. Cha nương hẳn là lo chúng ta muốn mua viện tử nên mới cố ý để lại, lại sợ chúng ta không nhận nên mới lặng lẽ nhét vào áo."

Năm ngoái khi rời nhà, bọn họ đã để lại hơn 30 lượng bạc, 50 lạng này, hẳn là số bạc phụ mẫu Thẩm gia kiếm được nhờ bán lương thực trong năm nay, thậm chí có lẽ còn là tiền lo hậu sự của họ.

Trong lòng Lâm Việt có chút phức tạp: "Hôm ấy nương còn hỏi ta, ta đã nói chúng ta không thiếu tiền mà, sao lại..."

"Trước cứ giữ lại, đợi lần sau họ đến thì trả lại. Khi đó chúng ta đã ổn định, họ cũng yên tâm hơn." Thẩm Hoài Chi đặt chén nước ấm trong tay mình vào tay Lâm Việt, sau đó quay vào phòng tiếp tục thu dọn.

Căn phòng đã hơn nửa tháng không có ai ở, Thẩm Hoài Chi đặc biệt đốt một chậu than trong phòng, coi như xua tan hàn khí, làm cho nơi này thêm chút hơi người.

Sáng sớm hôm sau, vì cửa tiệm chưa định mở cửa, Thẩm Hoài Chi cũng chưa cần đến phủ học, hai người hiếm hoi được ngủ nướng một hôm. Vừa mới rời giường, còn chưa kịp ăn sáng, đã nghe thấy tiếng gõ cửa từ bên ngoài sân.

Lâm Việt và Thẩm Hoài Chi đều đã đoán được phần nào, vừa mở cửa ra, quả nhiên là hàng xóm láng giềng đến, đều vì nghe tin Thẩm Hoài Chi đỗ Cử Nhân mà đặc biệt tới chúc mừng.

Mấy nhà giàu nhất trong hẻm Nghênh Xuân còn mang theo trọng lễ, ai nấy đều muốn được ghi danh dưới tên Thẩm Hoài Chi để tránh thuế khóa.

Thẩm Hoài Chi mời mọi người vào, để Lâm Việt tiếp đón trước, còn y thì đi thẳng đến phòng bếp nấu cơm. Y có thể không ăn sáng, nhưng Lâm Việt thì không thể.

Sau khi cơm sáng xong, nhóm khách đầu tiên rời đi, Thẩm Hoài Chi vẫn chưa nhận lời với thương hộ nào. Số danh ngạch trong danh sách của y không nhiều, y dự định chờ thêm một thời gian nữa rồi mới quyết định.

Hai người không ngờ rằng, khách đến hôm nay cứ nối tiếp không dứt. Ban đầu là hàng xóm láng giềng thường ngày hay trò chuyện, sau đó là những người chỉ có chút giao tình, rồi đến cả những người chỉ từng nghe nói về bọn họ. Một ngày trôi qua, chẳng làm được việc gì khác, chỉ toàn tiếp khách mà thôi.

Chưa dừng lại ở đó, Khuất Kiên Bạch và những người khác đã quay lại Phủ thành trước, còn Thôi Tế vốn là người bản địa. Đến ngày thứ ba sau khi Thẩm Hoài Chi trở lại, ba người họ liền đưa theo gia quyến ra ngoài ăn tiệc.

Vì Lâm Việt đang mang thai, hôm nay cả sáu người đều không uống rượu, chỉ dùng nước lê đường phèn mà cậu mang theo. Số lê này là do Từ Vân cho người mang đến từ sáng sớm.

Trong bữa tiệc, Thẩm Hoài Chi cùng hai người kia bàn bạc về kế hoạch trở lại phủ học sau Tết Nguyên Đán, còn Lâm Việt thì trò chuyện với Hà Tường về chuyện đổi viện tử.

"Hà tỷ, trong hẻm Nghênh Xuân còn viện tử nào cho thuê hoặc rao bán không?"

Hà Tường đối với chuyện buôn bán của nhà mình vốn rất rõ ràng, lập tức đáp: "Đúng lúc có đấy! Cuối tháng 9 vừa rồi vừa có một đợt người trả lại viện tử, ngươi muốn tìm loại nào?"

Những người rời đi lần này có kẻ vì hết bạc không thể tiếp tục theo đuổi con đường khoa cử, có kẻ tự biết không còn hy vọng thi Hương mà từ bỏ, cũng có người như Thẩm Hoài Chi, đã đỗ Cử Nhân liền hồi hương hoặc lên Kinh thành. Chỉ riêng trong hẻm Nghênh Xuân đã trống ra năm gian viện tử.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.