Xuân Xã và Thu Xã là hai ngày hiếm hoi trong thôn có rất nhiều người ra bày quán buôn bán. Trong đó, có không ít người chỉ ngồi im lặng phía sau sạp hàng, chẳng rao bán lấy một câu, chỉ khi có người hỏi thì mới lên tiếng.
Mọi người trong thôn đều là láng giềng lâu năm, quen biết nhau cả. Nhà này xuất thân là thợ đan tre nứa, nhà kia làm nghề mộc. Lý gia ở đầu thôn chuyên đan giày rơm đẹp nhất, Thẩm gia bên hồ sen nuôi gà vịt béo nhất. Từ khi Lâm Việt và Thẩm Lăng Chi bắt đầu bày quán bán đồ ăn, mọi người lại có thêm một câu truyền miệng: Thẩm gia bên bờ sông làm điểm tâm ngon lắm!
Những chuyện này thì Lâm Việt chẳng rõ, nhưng Thẩm Lăng Chi lại biết rõ như lòng bàn tay, vừa đi, cậu ấy vừa chỉ cho Lâm Việt xem. Hai người trước tiên ghé vào sạp hàng tre trúc mà lúc nãy họ đã trông thấy.
Sạp không lớn lắm, nhưng được bày biện gọn gàng, có chừng mười món đồ: lục lạc tre, ngựa gỗ nhỏ, thuyền con, chuồn chuồn tre... Ngoài những món đồ chơi trẻ con ưa thích, còn có vòng tay tre, nhẫn tre, quạt tròn, cùng những vật dụng quen thuộc trong nhà như ky, chổi, sọt tre,...
Người bán là một nam nhân trung niên, Thẩm Lăng Chi cất tiếng gọi: "Tứ thúc, quạt này bao nhiêu tiền vậy? Cả cái lục lạc nữa."
Nam nhân trung niên nhìn thấy hai người, liền cười đáp: "Ồ, là Lăng Chi à! Phu lang của Hoài Chi cũng tới hả? Không cần tiền đâu, hai đứa cứ lấy mà chơi đi."
Thẩm Lăng Chi lắc đầu: "Sao mà được chứ? Hôm nay ai cũng ra bày quán, nếu Tứ thúc không lấy tiền của cháu, những người khác trả tiền lại thấy không thoải mái. Chẳng lẽ, thúc định không lấy tiền của ai luôn sao? Như vậy chẳng phải mệt quá rồi à?"
Thẩm Tứ vốn không phải người giỏi ăn nói, lúc này cũng đành chịu thua trước lý lẽ của Thẩm Lăng Chi. Ông gãi đầu, rồi chỉ vào những chiếc lục lạc tre, nói: "Những món đồ chơi nhỏ này, mỗi cái một văn tiền."
Từ khi bắt đầu kiếm được tiền, những khoản một hai văn thế này, Thẩm Lăng Chi tiêu mà chẳng hề do dự, liền nói ngay: "Tứ thúc, lấy cho cháu hai cây quạt tròn tre, một cái lục lạc."
Nói xong, cậu ấy quay sang nhìn Lâm Việt, hỏi: "Ca ca, mỗi người một cây quạt tre nhé? Còn lục lạc là đệ mua để chơi. Huynh có muốn không? Hoặc là có thứ gì khác thích thì cứ nói, đệ mua cho huynh."
Lâm Việt không để ý đến đồ chơi mà lại nhìn sang mấy chiếc giỏ tre bên cạnh. Trong đó có một cái trông giống lẵng hoa, rất hợp để đựng kim chỉ, cậu liền hỏi: "Tứ thúc, giỏ tre này bao nhiêu tiền?"
"Giỏ này đắt hơn một chút, 3 văn tiền một cái." Thẩm Tứ nói.
Còn chưa kịp lấy tiền ra, Thẩm Lăng Chi đã nhanh chóng móc tiền đưa qua, nói: "Tứ thúc, mau thu tiền đi, chúng cháu còn phải đi dạo tiếp."
Thực ra, các sạp hàng đều bày khá gần nhau, chỉ cách nhau hai bên đường. Ví dụ như sạp bán đồ chơi tre trúc, đi thêm hai bước về bên phải chính là sạp của Lý thợ mộc. Trên đó bày đủ loại đồ gỗ nhỏ, cũng có đồ chơi bằng gỗ, cùng nhiều kiểu trâm cài tóc bằng gỗ tinh xảo.
Thế nhưng, Lâm Việt và Thẩm Lăng Chi lại không đi về phía sạp thợ mộc, mà quay người bước sang quán trái cây đối diện. Tháng 8' là mùa lê chín rộ, chẳng rõ giống lê này được trồng thế nào mà mỗi quả đều to bằng hai nắm tay, nhìn qua đã thấy căng mọng nước, trông vô cùng hấp dẫn.
Người bán quán này, Lâm Việt vốn quen biết từ lâu, nên lần này cậu là người mở miệng trước: "Thẩm ơi, lê này bán như thế nào vậy?"
Hách Vũ Lan cười sảng khoái, "Sáu văn tiền một cân." Vừa nói, bà vừa dùng dao cắt đôi một quả lê, đưa cho hai người.
"Việt ca nhi, Lăng ca nhi, đừng khách sáo, mau nếm thử đi. Không phải ta nói quá đâu, nhưng năm nay lê thật sự rất ngon. Vừa ngọt lại vừa mọng nước."
Lê đã đưa tận tay, Lâm Việt cũng không tiện từ chối, liền cắn một miếng. Quả nhiên rất ngọt, cậu quay sang nói: "Thẩm, lấy cho chúng cháu hai cân đi."
"Được, để ta cân cho."
Mua lê xong, hai người còn định đi dạo thêm. Nhưng chưa đi được mấy bước đã bắt đầu hối hận, sớm biết vậy thì để lát nữa mới mua, bây giờ cầm trên tay thấy nặng quá.
Lâm Việt đang định tìm chỗ nào đó để nghỉ một chút thì vừa ngẩng đầu lên đã thấy Thẩm Hoài Chi đi tới. Không chần chừ, cậu liền đưa túi lê sang cho y.
Trước khi Thẩm Hoài Chi kịp phản ứng, Lâm Việt đã nhanh chóng rời đi, chỉ để lại một câu: "Hai chúng ta còn muốn đi dạo, huynh cầm giúp bọn ta nhé!"
Thẩm Hoài Chi thật ra cũng không ngại giúp đỡ, chỉ là y vốn định đến tìm Lâm Việt để cùng nhau dạo chợ. Không ngờ Lâm Việt vừa thấy y đã quay đầu chạy mất. Y chỉ đành bất đắc dĩ lắc đầu, xách theo túi lê cùng đồ mới mua, trước tiên mang về nhà.
Theo Lâm Việt, điều duy nhất đáng tiếc trong Ngày Xã chính là hàng quán bán đồ ăn không nhiều. Ngoài sạp bánh điểm tâm của bọn họ, chỉ có một nhà bán bánh bao và một nhà bán mì nước. Đặc biệt, quán mì nước này lại ngay đối diện từ đường, chủ quán chỉ cần nấu xong trên bếp nhà mình rồi mang ra bày trên bàn ven đường cho khách ăn. Nhìn cảnh đó mà Lâm Việt không khỏi đỏ mắt, đúng là tiện lợi quá!
Đáng tiếc, vừa rồi đã ăn no trong bữa tiệc ở từ đường, giờ thực sự không thể ăn thêm nữa.
Hai người lại dạo quanh một vòng, ghé vào sạp bán đậu hũ, đặt trước hai miếng rồi trả tiền nhờ chủ quán giữ giúp, lát nữa quay lại lấy. Sau đó, họ mua thêm hai ly nước gừng mật ong, vừa uống vào thấy hơi cay, lại có chút hương cam thoang thoảng. Thỉnh thoảng uống một lần cũng khá thú vị.
Lát sau, cả hai dừng chân, mở rổ đựng điểm tâm, rồi bắt đầu rao hàng: "Bánh mềm thơm ngon, 2 văn tiền một miếng, 3 văn tiền hai miếng, mua một miếng không lỗ, mua hai miếng càng lời!"
Quả nhiên, người mua không nhiều lắm, nhưng vẫn có vài đứa trẻ kéo tay người lớn tới. Nhìn dáng vẻ của bọn nhỏ, có lẽ vừa nãy ăn chưa đủ no.
Vì chỉ mang theo một rổ bánh, Lâm Việt và Thẩm Lăng Chi cũng không đứng yên một chỗ. Một người phụ trách bán, người còn lại thì đi dạo quanh xem xét. Khi họ đang rao hàng, trên đường lại xuất hiện thêm một sạp mới, bán hạt dẻ rang, và một nhà khác đang vội vàng dọn bàn, không rõ định bán thứ gì.
Ngày Xã náo nhiệt kéo dài cho đến khi mặt trời dần ngả về Tây. Trời sắp tối, mọi người mới lần lượt ra về, nhưng trên gương mặt vẫn hiện rõ vẻ lưu luyến không nỡ rời đi.
Lâm Việt và Thẩm Lăng Chi cũng vừa bán xong rổ điểm tâm thứ hai, chuẩn bị thu dọn. Ban đầu, họ chỉ nghĩ có thể bán hết một rổ là tốt rồi, nhưng không ngờ sau đó khách vẫn kéo đến rất đông. Chỉ trong vòng một canh giờ, cả rổ điểm tâm thứ hai cũng đã sạch bách. Cuối cùng, Lâm Việt còn phải vội chạy về nhà mang nốt chỗ bánh còn lại ra bán.
Đêm xuống, không gian dần yên ắng. Sự náo nhiệt mà Ngày Xã mang đến giờ đây đã hoàn toàn lắng xuống. Sáng hôm sau, thôn làng lại trở về dáng vẻ bình yên thường ngày. Khi trời vừa tờ mờ sáng, đã có người vác sọt tre, cầm lưỡi hái xuống ruộng làm việc.
Mặt trời mọc từ phương Đông rồi lại lặn về Tây. Trong khi đó, Lâm Việt vẫn đang tính toán xem đến khi nào mới có thể kiếm đủ 1 lượng bạc. Đúng lúc này, từ Huyện thành truyền đến tin tức, triều đình chuẩn bị thu thuế vụ mùa.
Thẩm Hoài Chi và Lâm Việt từ Huyện thành trở về cũng đã hơn một tuần, nhưng suốt thời gian qua, Thẩm gia vẫn chưa mua được ruộng đất. Trước đó, Thẩm Quảng Sơ có ghé qua một lần, nói rằng có hai hộ gia đình đang có ý định bán ruộng, nhưng họ vẫn chưa quyết định dứt khoát.
Hiện tại, Thẩm gia có tổng cộng 16 mẫu ruộng, năm nay đều được miễn thuế. Ngoài ra, dưới danh nghĩa của Thẩm Hoài Chi còn có thể miễn thuế thêm 34 mẫu ruộng nữa. Trong khoảng thời gian này, y và Lâm Việt đã bàn bạc rất nhiều lần, nhưng với tình hình trước mắt, hai người không có đủ khả năng mua thêm hơn 30 mẫu ruộng.
Thẩm Hoài Chi suy đi tính lại, cuối cùng vẫn cảm thấy rằng mua thêm khoảng 15 đến 20 mẫu là hợp lý nhất. Đến lúc đó, dù là thuê người làm hay cho tá điền canh tác thì cũng đều có thể xoay sở được.
"Lẽ nào để mười mấy mẫu ruộng còn lại cứ thế lãng phí sao?" Lâm Việt hỏi.
Thẩm Hoài Chi lắc đầu: "Ngoài phần ruộng của nhà chúng ta, đến lúc đó, ta còn định chuyển nhượng thêm vài mẫu cho nhạc phụ, nhạc mẫu. Dù không nhiều, nhưng cũng xem như là một phần hiếu kính. Ngoài ra, còn có tiểu thúc của ta, chuyện miễn thuế lần này cũng là một cái cớ hợp lý. Đến lúc đó, ta và cha cùng nhau qua thăm, cũng đỡ để ông cứ canh cánh trong lòng mà không dám đến."
"Tiểu thúc khi còn ở nhà đối với ta và Lăng Chi rất tốt. Trước đây không có cơ hội báo đáp, bây giờ gặp thời điểm thích hợp, làm sao có thể bỏ lỡ? Tính thêm cả phần đó thì cũng đã gần một nửa rồi. Trong thôn còn có mấy hộ gia đình góa bụa neo đơn, đặc biệt là những nhà chỉ có một người già nuôi một đứa trẻ, ta cũng muốn giúp họ được chút nào hay chút ấy. Những gia đình như vậy trong thôn chắc khoảng bảy, tám hộ, cũng không quá nhiều. Nếu mỗi nhà chia được một mẫu ruộng miễn thuế, số lúa gạo tiết kiệm được cũng đủ ăn trong thời gian dài."
"Còn có nhà Quảng thúc và Phương Lâm cô cô, họ luôn quan tâm giúp đỡ nhà ta, cũng nên chia mỗi nhà hai mẫu. Ngoài ra, ta muốn dành ra một phần để góp vào tế điền của thôn. Nếu sau này có đứa trẻ nào trong thôn có thiên phú học hành, chúng ta cũng có thể hỗ trợ phần nào. Biết đâu, trong tương lai, thôn ta lại có thêm một Tú Tài, thậm chí là Cử Nhân!"
Nói xong, Thẩm Hoài Chi nhìn thẳng vào Lâm Việt, kiên định nói: "Đây chỉ là ý tưởng ban đầu của ta. Nếu em thấy chỗ nào chưa ổn, muốn điều chỉnh thế nào cũng được. Dù là mua toàn bộ ruộng làm của riêng hay chia bớt ra giúp đỡ người khác, ta đều nghe theo em."
Lâm Việt khẽ cười, không né tránh mà nhìn thẳng vào Thẩm Hoài Chi: "Ta không rộng lượng như huynh đâu. Người trong thôn hiện tại ta cũng không quen biết hết, giống như huynh vừa nói về những hộ góa bụa neo đơn, ta cũng chỉ nhận ra ba, bốn nhà, mà quan hệ cũng chỉ là sơ giao thôi."
Nói đến đây, giọng Lâm Việt chậm rãi đổi sang một ý khác: "Nhưng ta đồng ý với suy nghĩ của huynh. Việc chúng ta được miễn thuế lần này, trước hết là nhờ nỗ lực của huynh. Thứ hai, huynh bây giờ là Tú Tài, ta lại là phu lang Tú Tài, dù thế nào cũng nên hào phóng một chút, giúp đỡ người trong thôn cũng là điều nên làm.
Chỉ là, tục ngữ có câu rất hay: 'Một lon gạo là ơn, một gánh gạo là thù'. Chúng ta không thể cứ tùy tiện giúp người mà không có quy củ. Phần ruộng miễn thuế mà chúng ta chia ra, mỗi năm ít nhất cũng phải thu lại một phần mười số thuế đáng lẽ phải đóng. Không phải vì chút lương thực đó, mà là để nhắc nhở họ rằng, chúng ta giúp đỡ là do tình nghĩa, chứ không phải nghĩa vụ hiển nhiên của chúng ta.
Nếu không, lâu dần họ sẽ xem việc này là điều đương nhiên, thậm chí còn bất mãn, trách móc tại sao chỉ chia cho họ một mẫu ruộng mà không nhiều hơn. Như vậy thì không hay."
Thẩm Hoài Chi gật đầu đồng tình: "Cũng may có em, suy nghĩ chu toàn hơn ta rất nhiều."
Lâm Việt giả bộ lườm y một cái, rồi nói tiếp: "Ngày mai trong bữa cơm, huynh hãy bàn bạc với cha nương, xem ý của họ thế nào. Nếu họ không đồng ý, thì chúng ta cũng phải suy nghĩ lại. Dù sao đi nữa, cũng không thể để chuyện của người ngoài ảnh hưởng đến người trong nhà."
Đến trưa hôm sau, trong bữa cơm, Thẩm Hoài Chi liền nhắc đến chuyện này, cẩn thận trình bày từng suy tính của mình. Ngoài dự đoán, Thẩm Chính Sơ và Tống Tầm Xuân dường như không hề ngạc nhiên, vừa nghe xong liền gật đầu đồng ý ngay.
Chỉ là Thẩm Chính Sơ lại nói thêm một câu: "Chuyện này, cha thật sự phải cảm ơn con. Cha con không có bản lĩnh gì lớn, không giúp được chính đệ đệ của mình, chỉ có thể dùng tiền đồ của con để tạo ân tình mà thôi."
Từ nhỏ đến lớn, Thẩm Hoài Chi chưa từng nghe cha mình nói những lời như vậy, nhất thời cảm thấy có chút căng thẳng, trên mặt lộ rõ nét lo lắng: "Cha, đừng nói vậy. Trước kia tiểu thúc đối xử với chúng ta rất tốt, bây giờ giúp đỡ người trong nhà cũng là lẽ đương nhiên. Cha con với nhau, sao có thể tính toán rạch ròi như vậy được?"
Lâm Việt mỉm cười, nhẹ nhàng phản bác: "Cha, lời này của cha không đúng rồi. Nếu không phải nhiều năm qua cha và nương thắt lưng buộc bụng, dành dụm từng chút để nuôi Hoài Chi ăn học, thì bây giờ huynh ấy cũng không thể thi đậu Tú Tài. Những gì huynh ấy làm bây giờ, vốn dĩ là điều nên làm thôi."
Việc miễn thuế không phải là chuyện mà một mình Thẩm Hoài Chi có thể tự ý quyết định. Việc phân chia bao nhiêu, chia như thế nào, vẫn cần phải báo cho thôn trưởng biết. Đến khi lên Huyện thành nộp thuế, cũng phải thông báo cho quan viên phụ trách thu thuế.
Vậy nên, sau khi người Thẩm gia bàn bạc xong, ngày hôm sau họ liền đến nhà Thẩm Quảng Sơ.