Chương 2
Edit & beta: Cún
Năm 1924, ngày 16 tháng 3 âm lịch, dưới chân núi Trường Bạch, thành Phủ Tùng.
Lúc này vừa tờ mờ sáng. Tuy rằng đất Quan Đông đã là sáng sớm, nhưng vào mùa xuân lạnh lẽo như thế này, người ta vẫn thích cuộn mình trong chăn ấm, chẳng muốn dậy sớm. Thế nhưng hôm nay lại khác hẳn, vừa qua giờ Thìn, con phố chính sầm uất nhất trong thành, phố Điền Tử đã nhộn nhịp hẳn lên.
Người gánh hàng rong, kẻ kéo xe, người cưỡi ngựa, kẻ ngồi kiệu… từ bốn phương tám hướng đổ về. Hai bên đường, nhiều người đã bắt đầu chiếm chỗ bày hàng. Ở bãi đất trống trước cửa miếu Sơn Thần phía đông đầu phố Điền Tử, một sân khấu rộng ba trượng vuông đã được dựng lên, thợ thủ công đang tất bật hoàn thiện những công đoạn trang trí và quét dọn cuối cùng. Xem chừng hôm nay sẽ có một vở diễn lớn.
Một người đàn ông trung niên khoảng hơn bốn mươi tuổi dẫn theo một thanh niên chừng mười bảy, mười tám tuổi cũng hòa vào dòng người đi vào thành. Người đàn ông này nước da ngăm đen, dáng người không cao nhưng lưng thẳng tắp, toàn thân toát lên khí lực mạnh mẽ, trông như một người luyện võ. Còn chàng trai trẻ thì cao hơn ông ta đến nửa cái đầu, dung mạo tuấn tú, vẻ mặt đầy khí khái anh hùng.
Hai người mặc trang phục bình thường, áo dài vải bông và áo da chó, trông chẳng có gì nổi bật giữa đám đông tấp nập. Nhưng bất cứ thương nhân qua đường nào khi nhìn thấy cây gậy gỗ Hoàng Bá dài năm thước sáu tấc trong tay người đàn ông trung niên đều không khỏi đưa mắt chú ý, trên mặt hiện lên vẻ kính trọng. Không ngừng có người chắp tay chào hỏi ông ta, gọi ông là “Kim gia”, “Kim bá đầu”, “Lão bá đầu”. Người đàn ông trung niên thỉnh thoảng mới đáp lại một tiếng, phần lớn chỉ mỉm cười gật đầu rồi đi tiếp, không dừng lại trò chuyện gì thêm.
Còn chàng trai trẻ đi theo ông ta thì lại chẳng bận t@m đến những chuyện ấy, cảnh náo nhiệt trên phố đã hoàn toàn thu hút sự chú ý của hắn. Hắn vừa đi vừa không ngừng nhìn đông ngó tây, phấn khởi nói chuyện với người đàn ông trung niên: “Cha, cha nhìn kìa! Cái này hay quá, mình mua một cái đi!”, “Cha, bên kia đang làm gì vậy? Chúng ta qua xem thử đi!”, “Cha, cha có ngửi thấy mùi thơm không? Đó là món thịt xông khói mà con thích nhất!”
Người đàn ông trung niên bị hắn quấn lấy đến không còn cách nào, chỉ mỉm cười, vỗ vai hắn rồi nói: “Được rồi, được rồi! Chúng ta sẽ ở Phủ Tùng mấy ngày, náo nhiệt thì để lát nữa quay lại xem sau. Giờ phải đến Trường Bạch Lâu làm việc chính trước đã, kẻo không kịp tham gia lễ tế Sơn Thần.”
Người đàn ông này họ Kim, tên Bất Hoán. Còn chàng trai đi theo ông là con trai ông, tên Kim Thập Tam. Kim Bất Hoán vốn không phải người Quan Đông, quê gốc của ông ở huyện Ngụy, tỉnh Trực Lệ. Năm Canh Tý, khi xảy ra phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, chàng thanh niên hơn hai mươi tuổi Kim Bất Hoán đã theo Triệu Tam Đa, đại sư huynh của thần đàn địa phương, chưởng môn phái Mai Hoa Quyền, tiến kinh với danh nghĩa phò Thanh diệt Dương. Lúc bấy giờ, Lão Phật gia Từ Hi muốn lợi dụng nghĩa quân để đối phó với các nước phương Tây, liền ngự phong họ là Nghĩa Hòa Thần Quyền. Thậm chí các vị vương gia trong kinh thành khi gặp họ cũng phải cung kính nể trọng, có thể nói là uy phong lẫm liệt.
Nhưng thực tế, Lão Phật gia tuyên chiến với các nước, lại không dám điều quân chinh phạt các vùng có quân đội nước ngoài đóng trú để giành lại quyền lợi, mà chỉ sai các nghĩa quân Nghĩa Hòa Thần Quyền đánh vào các sứ quán và nhà thờ của người phương Tây ngay tại kinh thành. Khi đó, nghĩa quân từ khắp nơi đổ về Bắc Bình lên đến hàng trăm nghìn người, nhanh chóng bao vây toàn bộ khu vực sứ quán của các nước. Xét về số lượng, quân bảo vệ sứ quán của các nước cộng lại chỉ vài trăm người, nếu nghĩa quân đồng loạt xông lên, e rằng chỉ cần mỗi người một bãi nước bọt cũng có thể nhấn chìm chúng. Nhưng kỳ lạ thay, vây đánh hơn một tháng trời mà vẫn không công phá nổi.
Lúc này, Lão Phật gia tiến thoái lưỡng nan, trong lòng bắt đầu hoảng sợ, bèn bí mật sai người gửi dưa hấu, đưa thư vào trong khu sứ quán, tỏ ý muốn hòa hoãn. Nhưng đám người phương Tây lại không hiểu phong tình, quyết phải cho Lão Phật gia một bài học. Thế là Liên quân tám nước tiến đánh Bắc Bình, Lão Phật gia cùng tiểu Hoàng đế chạy trối chết, hàng chục vạn nghĩa quân cũng tan tác như chim muông.
Sau khi Lão Phật gia đàm phán với các nước xong, quay về kinh thành, thì những người từng là nghĩa quân lại trở thành kẻ chịu tội thay, bị triều đình thẳng tay truy lùng, tiêu diệt. Các sư huynh đệ của Kim Bất Hoán lần lượt bị bắt, bị giết. Bản thân ông không thể tiếp tục ẩn náu ở quê nhà, mà nghĩ rằng dù sao cha mẹ cũng đã chết vì bệnh tật và đói khát từ lâu, người anh duy nhất của ông lại tránh ông như tránh ôn dịch, vậy chẳng bằng rời khỏi quê hương, đến Quan Đông thử vận may.
Kim Bất Hoán theo đại sư huynh Triệu Tam Đa học Mai Hoa Quyền suốt bảy, tám năm. Khi đến Quan Đông, ban đầu ông làm tiêu sư cho tiêu cục. Về sau, tiêu cục dần suy thoái, ông chuyển sang làm vệ sĩ cho một gia tộc giàu có. Gia tộc này là thương nhân chuyên tiến cống nhân sâm cho hoàng thất, trong nhà vàng bạc nhiều vô kể, giàu có không khác gì sơn hào hải vị tràn đầy.
Tục ngữ có câu, “Quan Đông có ba loại báu vật là nhân sâm, da chồn và cỏ Ula.” Trong đó, nhân sâm, chính xác hơn là nhân sâm hoang dã, chính là loại báu vật đứng đầu. Loại nhân sâm này chỉ mọc trong rừng sâu ở vĩ độ từ 33 đến 48 độ Bắc, hấp thụ tinh hoa đất trời, linh khí nhật nguyệt, lấy các loài chim thú kỳ lạ làm môi giới, dùng sương mai và suối trong để nuôi dưỡng.
Trong “Bản Thảo Cương Mục”, nhân sâm hoang dã được tôn vinh là “vua của bách thảo”, dùng để bào chế dược liệu có thể trị bách bệnh, kéo dài tuổi thọ. Lại còn có những truyền thuyết thần kỳ hơn, cho rằng nhân sâm có thể cứu sống người chết, làm xương thịt mọc lại, quả thực là tinh linh của núi rừng, tiên thảo nhân gian.
Nhưng tìm được nhân sâm hoang dã không phải dễ, thợ săn sâm dù lang thang trong rừng hàng tháng trời cũng khó mà thấy được bóng dáng của nó.
Từ khi triều đại nhà Thanh thống nhất Trung Nguyên, triều đình luôn kiểm soát chặt chẽ việc khai thác sâm. Để ngăn chặn tư nhân đào bới trái phép, Cục Quan Sâm được thành lập, cử người trông coi các khu rừng mọc nhiều nhân sâm, phong tỏa nghiêm ngặt, chỉ cho phép hoàng gia hoặc quan lại cấp cao tổ chức khai thác.
Đến thời Vua Gia Khánh, sản lượng nhân sâm của Cục Quan Sâm dần suy giảm, phẩm chất cũng kém đi rất nhiều, nên triều đình quyết định phát hành “phiếu nhân sâm” và giao cho các thương nhân hoàng gia khai thác, trong đó nhân sâm chất lượng cao sẽ được chọn để tiến cung, còn nhân sâm có chất lượng thấp hơn mới được phép lưu thông trên thị trường dân gian.
Kim Bất Hoán theo chủ nhân ra vào giới thương nhân mua bán sâm, nghe quen mắt thấy, dần dà cũng học được không ít về nghề này. Sau năm Canh Tý, đất nước suy tàn, Nga và Nhật liên tục tranh giành quyền kiểm soát vùng Đông Bắc, triều đình dần mất đi khả năng khống chế khu vực này. Cục Quan Sâm chỉ còn trên danh nghĩa, nạn khai thác lậu trở nên phổ biến hơn. Thợ săn sâm ùn ùn kéo đến, phần lớn là dân lưu lạc từ tỉnh Sơn Đông, tỉnh Trực Lệ, bởi trong mắt họ, vùng Quan Ngoại chính là miền đất hứa. Đặc biệt, nghề săn sâm được xem là con đường phát tài nhanh nhất.
Kim Bất Hoán liền từ bỏ công việc làm vệ sĩ, theo một cựu quản lý của Cục Quan Sâm vào rừng săn nhân sâm. Nhưng nghề này không dành cho người bình thường, nó đòi hỏi kinh nghiệm phong phú, kỹ thuật cao, lại cần có dũng khí và vận may. Suốt ngày tháng dài lê bước trong rừng sâu núi thẳm, vực thẳm khe sâu, không ai biết sẽ gặp phải nguy hiểm gì, thậm chí có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Quả thực là lấy mạng đổi lấy miếng ăn.
Kim Bất Hoán thông minh lanh lợi, chăm chỉ học hỏi, kỹ năng săn sâm ngày một nâng cao. Ông lại có võ nghệ cao cường, tính tình nghĩa hiệp, nên được đồng đội tin tưởng. Về sau, ông trở thành một “bá đầu” lãnh đạo nhóm thợ săn sâm và quy tụ một nhóm huynh đệ đi theo mình.
Ở Quan Đông, nhân sâm còn được gọi là bổng chùy, nghề săn nhân sâm được gọi là phóng sơn. Để vào rừng săn nhân sâm, đơn thương độc mã thì quá yếu, họ thường phải tập hợp thành một nhóm thì mới dám lên núi hái sâm. Bá đầu chính là người lãnh đạo của nhóm này. Khi đã vào núi, nhanh thì hai đến ba tháng, lâu thì sáu đến bảy tháng mới có thể trở về. Mà số phận cả năm của mỗi thành viên đều đặt cược vào chuyến đi này.
Vì vậy, việc chọn bá đầu cực kỳ quan trọng. Một bá đầu giỏi phải nắm rõ quy tắc trong rừng núi, có nhân nghĩa và giàu kinh nghiệm, giỏi kỹ thuật, biết quan sát địa hình và tìm kiếm nhân sâm.
Nếu bá đầu kém cỏi, có thể khiến cả đội săn sâm trắng tay, từ đó uy tín của người này trong giới thương nhân mua bán sâm sẽ sụt giảm nghiêm trọng, về sau muốn lập đội sẽ không còn ai tin tưởng và đi theo.
Ngược lại, một bá đầu giỏi sẽ có danh tiếng lớn, không chỉ được đội săn sâm tin tưởng, mà cả các thương nhân lớn cũng sẵn sàng trả giá cao hơn khi mua nhân sâm từ họ.
Chín năm trước, Kim Bất Hoán dẫn theo một nhóm anh em vào núi Trường Bạch săn được một củ sâm bảy lá, nặng bảy lạng một phân, niên đại ít nhất bảy mươi năm, loại sâm quý hiếm còn được gọi là “Thất Tiên Nữ”. Với báu vật này, ông đã giành được ngôi vương tại đại hội Sâm Vương ở Phủ Tùng, đoạt lấy danh hiệu “Sâm Vương”.
Lúc bấy giờ, Lưu Kim Hải, bậc thầy ngọc thạch trứ danh ở Quan Đông, đã ra giá hai vạn đại dương để mua lại củ sâm này, khiến toàn bộ giới nhân sâm Quan Đông chấn động. Cũng từ đó, Kim Bất Hoán một bước thành danh, trở thành lão bá đầu được người người kính trọng trong giới săn sâm.
Trong giới săn sâm, danh xưng lão bá đầu không phải để chỉ người có tuổi tác cao, mà còn để vinh danh những người kinh nghiệm dày dặn, kỹ thuật xuất chúng, uy tín vang xa. Dù trẻ tuổi, chỉ cần đạt đủ ba điều kiện trên, cũng được tôn xưng là lão bá đầu.
Bá đầu còn được gọi là đầu gậy, vì người này luôn cầm cây gậy khóa bảo đi trước quan sát núi non, dẫn đường và tìm kiếm nhân sâm. Đặc biệt, người chiến thắng trong đại hội Sâm Vương ở Phủ Tùng sẽ được tặng một cây gậy khóa bảo làm bằng gỗ Hoàng Bá quý hiếm, đầu gậy được chạm khắc hình đầu rễ sâm núi, thân gậy chạm trổ hoa văn uốn lượn như đường vân thiết tuyến trên cây nhân sâm lâu năm, nó là biểu tượng của người đứng đầu trong giới săn sâm.
Hôm nay, Phủ Tùng lại đến kỳ đại hội Sâm Vương được tổ chức ba năm một lần.
Ban đầu, Phủ Tùng chỉ là một trấn nhỏ với vài trăm hộ dân, vì nằm cạnh hai bãi cỏ rộng nên còn được gọi là trấn Song Điền. Đến những năm cuối triều Thanh, triều đình thiết lập huyện Phủ Tùng, mở rộng quy mô, xây thành lập phủ, quy về quản hạt của phủ Trường Bạch. Dù có danh huyện, nhưng lúc ấy Phủ Tùng vẫn là một thành trấn nhỏ, dân cư thưa thớt, không mấy người biết đến. Nhưng từ sau khi Vua Tuyên Thống thoái vị, thành lập Dân Quốc, Phủ Tùng đột nhiên trở thành một nơi tập kết sôi động, thương nhân khắp nơi đổ về, dân số tăng mạnh, vươn lên trở thành vùng đất quan trọng bậc nhất của phủ Trường Bạch, thậm chí là cả tỉnh Cát Lâm, danh tiếng lan xa tận Phụng Thiên, Bắc Bình và cả nước ngoài.
Nếu hỏi nơi nào ở Quan Đông có nhân sâm tốt nhất, không đâu sánh bằng núi Trường Bạch. Mà thành Phủ Tùng lại nằm ngay dưới chân ngọn núi này, phía bắc thông đến thủ phủ Trường Xuân, phía tây kết nối với trung tâm của ba tỉnh vùng Đông Bắc – Phụng Thiên (Thẩm Dương ngày nay), phía nam thông ra Triều Tiên, địa thế vô cùng lý tưởng. Kể từ khi lệnh cấm khai thác sâm bị bãi bỏ, Phủ Tùng liền trở thành trung tâm giao dịch nhân sâm lớn nhất Quan Đông và toàn bộ Đông Á. Và đại hội Sâm Vương, được toàn bộ thương nhân giới sâm Quan Đông tổ chức ba năm một lần, cũng chọn nơi này làm nơi diễn ra đại hội.
Tạm gác chuyện ngoài lề, quay lại với cha con Kim Bất Hoán. Sau khi vào thành, hai cha con tìm đến Trường Bạch Lâu nằm trên phố Điền Tử. Kim Thập Tam đứng trước tòa lầu mà trợn mắt há mồm. Chỉ thấy tòa nhà bốn tầng lầu sừng sững ngay mặt phố, trừ cổng thành, có lẽ đây là tòa kiến trúc cao nhất toàn thành Phủ Tùng. Cả tòa lầu được chạm trổ tinh xảo, tráng lệ hùng vĩ, ngay cả nha môn quan huyện cũng không thể so bì.
Kim Thập Tam còn đang trầm trồ thì Kim Bất Hoán đã vén rèm cửa, sải bước tiến vào, hắn vội vã chạy theo. Tầng một của Trường Bạch Lâu rất rộng rãi, bốn góc phòng đều đặt lò than lớn, sưởi ấm cả gian chính. Hai mươi mấy chiếc bàn bát tiên chật kín khách ngồi, bảy tám gã tiểu nhị đội mũ dưa, mặc áo dài vải lam, đang bận rộn bưng bê, phục vụ khách khứa.
Vừa thấy Kim Bất Hoán và Kim Thập Tam bước vào, nhiều khách nhân liền đứng dậy chắp tay thi lễ, miệng hô “Kim gia”, “Kim bá đầu”. Kim Bất Hoán gật đầu hồi lễ, có khi thì vui vẻ đáp lời, có lúc lại nắm tay người quen thân mật chào hỏi.
Ngay trước cửa là một quầy thu ngân, đằng sau quầy có một lão béo mặt mũi phúc hậu, trông có vẻ là quản sự của nơi này. Vừa thấy Kim Bất Hoán, ông ta vội bước nhanh ra đón, nở nụ cười tươi rói, chắp tay nói: “Kim gia, cuối cùng ngài cũng tới rồi! Bát gia đoán chắc rằng ngài sẽ đến, quả nhiên không sai!”
Kim Bất Hoán cười cười, hỏi: “Chưởng quầy Tôn, lâu rồi không gặp, trông ông càng ngày càng phúc hậu nhỉ! Bát gia đã đến chưa?”
Chưởng quầy Tôn cười lớn: “Đa tạ lời tốt lành của ngài! Tôi thì ăn ngon ngủ kỹ, chẳng thông minh hơn được, chỉ thấy béo lên thôi. Bát gia vẫn chưa tới, ngài…”
Kim Bất Hoán cười ha hả: “Vậy chẳng phải ông đang nói tôi chỉ thông minh mà không béo lên hay sao?”
Chưởng quầy Tôn cười tít mắt, đùa rằng: “Nào dám, nào dám! Kim gia, mời hai vị lên nhã gian trên lầu hai chờ đợi. Đại lễ tế thần phải đến giờ Tỵ hai khắc mới bắt đầu, còn sớm lắm! Bát gia nói sẽ đến ngay.”
Vừa đi, ông ta vừa ríu rít nói: “Kim gia, ngài cũng lâu lắm rồi chưa quay lại Phủ Tùng đấy nhỉ? Bát gia vẫn luôn nhắc đến ngài, bảo rằng từ khi ngài gác cuốc, mấy năm nay những cây sâm tốt nhất núi Trường Bạch chẳng biết đã trôi dạt nơi nào rồi! Đại hội Sâm Vương lần trước, ngài không đến, Bát gia liền nói rằng nếu Kim gia xuất sơn, thì danh hiệu “Sâm Vương” chắc chắn chẳng đến lượt Liêu Quải gia ở Thông Hóa đâu. Ngài nói xem, khỏe mạnh như thế, sao lại rảnh rang mà gác cuốc chứ?”
Kim Bất Hoán chỉ mỉm cười nghe ông ta huyên thuyên, không đáp lời.
Lên đến lầu hai, dãy nhã gian đều đã có khách, ai nấy đều là những nhân vật quan trọng do Bát gia đích thân gửi thiệp mời. So với đám đông ở đại sảnh dưới lầu, những người trên lầu này thân phận cao quý hơn hẳn.
Kim Bất Hoán quen biết không ít người trong số đó, nên đều vào từng phòng chào hỏi, trò chuyện một lúc, rồi mới theo chưởng quầy Tôn bước vào một phòng riêng.
Từ sớm đã có tiểu nhị nhanh nhẹn pha trà hương, bày sẵn bốn đ ĩa mứt khô và hoa quả tươi.
Chờ cha con Kim Bất Hoán ngồi xuống, chưởng quầy Tôn nói: “Năm nay vẫn theo quy tắc cũ, tất cả khách quý được Bát gia gửi thiệp mời đều do Trường Bạch Lâu tiếp đãi, trong bảy ngày diễn ra đại hội không thu một đồng nào. Tôi đã dành riêng cho ngài một gian thượng hạng tại Tùng Hạc Cư ở hậu viện, đảm bảo ngài hài lòng.”
Kim Bất Hoán gật đầu đáp: “Làm phiền rồi. Ông cứ bận việc, không cần tiếp chúng tôi. Tiểu nhị cũng không cần ở lại hầu hạ. Chỉ cần khi nào Bát gia đến, thì báo cho tôi một tiếng là được.”
Chưởng quầy Tôn chắp tay đáp vâng, sau đó dẫn theo tiểu nhị lui ra ngoài.
Kim Thập Tam tính tình nóng nảy, ngồi một lúc đã không chịu được, liền chạy quanh phòng quan sát mọi thứ.
Cả căn phòng đều dùng gỗ Trắc được chế tác và nhập từ Nam Dương về, chạm rồng khắc phượng, trang hoàng sang trọng lộng lẫy. Trên tường còn treo tranh chữ danh gia, trông vô cùng quý phái tao nhã.
Hắn lại thấy trong đ ĩa hoa quả có mấy quả đào tươi, bèn cầm lấy một quả cắn ngập răng, miệng lúng búng nói: “Cha, cái Trường Bạch Lâu này đúng là không phải dạng vừa! Một tửu lâu trong huyện thành mà lại xa hoa đến thế!
Đừng nói đến chuyện bao toàn bộ chi phí ăn ở cho bao nhiêu người trong mấy ngày trời, chỉ riêng mấy quả đào tươi này, giữa cái tiết trời này, cũng không biết kiếm ở đâu ra?
Con nghĩ, đừng nói Trường Xuân, ngay cả mấy tửu lầu lớn hay quán trọ ở Phụng Thiên hay Bắc Bình (tên gọi cũ của Bắc Kinh) cũng chỉ đến thế này mà thôi!”
Kim Bất Hoán gõ tẩu thuốc, đưa lên miệng rít một hơi, liếc nhìn con trai, chậm rãi nói: “Mấy quả đào tươi này là do Bát gia đặc biệt sai người dựng nhà kính ở Bình Cốc để trồng, rồi dùng xe lửa và khoái mã vận chuyển về đây. Chuyện nhỏ nhặt này thì có đáng gì! Toàn bộ Trường Bạch Lâu này đều là sản nghiệp của Bát gia cả.”
Ông dừng một chút, rồi tiếp: “Từ khi Bang Sâm Trường Bạch phát động Đại hội Sâm Vương, tuy mang danh nghĩa là toàn bộ giới nhân sâm Quan Đông cùng tổ chức, nhưng thực tế cả bốn kỳ đại hội liên tiếp đều do Bát gia ở Phủ Tùng làm chủ sự. Nhà họ Dương của ông ta có tiếng là “Tiệm mười tám của chính thành Quan Đông”, con thử nghĩ xem hệ thống hiệu buôn nhân sâm của ông ta rộng đến mức nào?
Nhân sâm nhà họ Dương không chỉ được tiêu thụ khắp Trung Quốc trải dài từ Bắc Bình đến Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu, mà còn xuất khẩu sang Triều Tiên, Nhật Bản, thậm chí đến cả Hoa Kỳ. Ngay cả phủ của Đại soái Trương ở Phụng Thiên cũng dùng nhân sâm của nhà họ Dương quanh năm.
Chợ sâm ở Phủ Tùng đều mở phiên từ tháng Ba đến tháng Mười hằng năm, thương nhân khắp năm châu bốn bể đều đổ về thu mua. Gặp dịp Đại hội Sâm Vương diễn ra ba năm một lần thì càng náo nhiệt hơn nữa. Các thương gia buôn sâm trong và ngoài nước đều tề tụ về đây. Bang Sâm Trường Bạch chỉ cần thu phí môi giới từ các thương vụ nhân sâm mỗi năm thôi cũng đã vàng bạc đầy rương rồi.
Toàn bộ núi Trường Bạch này gần như là địa bàn độc tôn của Bang Sâm Trường Bạch. Mà Bát gia chính là Bang chủ của Bang Sâm Trường Bạch. Muốn làm người phóng sơn đi đào nhân sâm trên núi Trường Bạch, nếu không đến nhà họ Dương bái sơn cống nạp, thì đừng hòng đặt chân vào được cửa rừng.”
Kim Thập Tam lè lưỡi, nói: “Trời ạ, Dương Bát gia đúng là nhân vật lợi hại thật!” Hắn lại hỏi: “Cha, mấy năm nay cha đã gác cuốc không làm nữa, Đại hội Sâm Vương lần trước cha cũng không đến, sao lần này cha lại đến vậy ạ?”
Kim Bất Hoán rít từng hơi thuốc, nhìn chằm chằm vào cửa nhã gian, ngây người một lúc lâu rồi mới cất giọng chậm rãi: “Chín năm rồi… cuối cùng ông ta cũng chịu lấy ra.”
Câu nói này chẳng đầu chẳng đuôi, khiến Kim Thập Tam nghe mà không hiểu gì, bèn truy hỏi: “Cha nói ai? Lấy ra cái gì cơ?”
Kim Bất Hoán thở dài, nói: “Năm xưa, ta nhờ vào một cây “Thất Tiên Nữ” đoạt ngôi quán quân tại Đại hội Sâm Vương năm đó, còn được ông vua giới ngọc thạch Lưu Kim Hải mua lại với giá hai vạn đại dương, một cái giá chưa từng có tiền lệ, danh tiếng lẫy lừng khắp nơi.
Sau cuộc thi, tại Bách Nhân Yến ở phủ Dương, ta được xếp ngồi ghế đầu, cùng bàn với Dương Bát gia, Lưu Kim Hải và những nhân vật máu mặt khác. Khi ấy ta đang đắc ý, không kìm được mà khoe khoang vài câu. Ai ngờ, Lưu Kim Hải ngồi bên cạnh lại dội cho ta một gáo nước lạnh.
Ông ta bảo rằng: “Lão Kim này, cây “Thất Tiên Nữ” của ông đúng là thứ quý hiếm, nhưng vẫn chưa thể coi là “Sâm Vương” thực thụ đâu. Trong phủ Dương Bát gia còn có một cây “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ”, đó mới là báu vật chân chính!”, ta nghe vậy thì sững sờ, hỏi Lưu Kim Hải: “Lưu gia, Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ là tuyệt thế thần sâm trăm năm khó gặp, tôi vào nghề hơn chục năm cũng chưa từng nghe ai nói đã đào được. Ông đừng đùa tôi chứ?”
Lưu Kim Hải đáp ngay: “Đương nhiên là thật. Không những tôi tận mắt nhìn thấy, mà còn ra giá năm vạn đại dương, cộng thêm 30% cổ phần một mỏ ngọc thạch ở Phủ Thuận để mua, nhưng Dương Bát gia nhất quyết không bán.”
Ta lập tức quay sang Dương Bát gia hỏi xem có đúng vậy không. Nhưng ông ta chỉ cười cười, bảo rằng Lưu gia uống say nói đùa, không đáng tin. Lưu Kim Hải thấy Dương Bát gia không thừa nhận, cũng không thèm nói thêm, chỉ bảo mình đùa một chút. Mọi người cười ầm lên, chuyện này coi như gác lại.”
Kim Thập Tam càng nghe càng hứng thú, bèn hỏi: “Cha, thứ gọi là “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ” đó là cái gì vậy?”
Kim Bất Hoán giải thích: “Với chúng ta, những người lên núi đào nhân sâm, thì loài chim dẫn đường tốt nhất chính là chim gõ kiến. Loài chim này thích nhất ăn hạt nhân sâm. Nếu có thể may mắn gặp được nó, lần theo dấu vết, chắc chắn sẽ tìm được đại bổng chùy (củ sâm lớn).
Nhưng cơ hội này vô cùng khó gặp. Trong số đó, loài chim gõ kiến đầu vàng lại càng hiếm hơn, chúng ta gọi nó là “Kim Phượng Hoàng”. Nó rất tinh thông trong việc tìm nhân sâm, lại cực kỳ kén ăn, nếu không phải hạt sâm từ cây trên bốn mươi năm tuổi thì nó không ăn.
Kim Phượng Hoàng khi mớm thức ăn cho con, thỉnh thoảng đánh rơi hạt sâm vào hốc cây hay khe nứt trên thân cây bị sét đánh. Nhờ có lá mục, nước mưa bồi dưỡng, hấp thu tinh hoa của cây cối mà phát triển. Loại sâm này gọi là “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ”. Tương truyền loại sâm này có thể cải tử hoàn sinh, thịt nát xương tan đều có thể tái tạo, chính là tiên phẩm trong các loại sâm, cầu mà không được.
Nếu có ai may mắn gặp được, mười phần thì chín phần rưỡi sẽ bị mất bổng chùy mà không đào được.”
Kim Thập Tam hiểu ngay, vì trong giới thợ săn nhân sâm, có một thuật ngữ gọi là “mất bổng chùy”. Nó có hai ý nghĩa, một là, nhìn thấy từ xa nhưng đến gần thì mất hút; hai là, tìm được rồi nhưng chưa kịp đào thì mất tích. Dù có buộc dây đỏ với đồng xu hai đầu để giữ lại, nhiều khi đào lên vẫn chỉ còn chút vỏ sâm hoặc rễ mục. Người ta nói những loại sâm quý hiếm như vậy đã hấp thu tinh hoa đất trời quá lâu, sinh ra linh tính, có thể lần theo địa mạch mà trốn đi.
Kim Thập Tam vô cùng thán phục, nói: “Hóa ra cây “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ” này lại thần kỳ đến vậy! Chả trách Dương Bát gia không chịu bán, cũng không dễ dàng cho ai xem. Nhưng lần này tại sao ông ta lại chịu lấy ra cho cha xem chứ?”
Kim Bất Hoán nói: “Hôm ấy sau bữa tiệc, trong lòng ta cứ mãi vương vấn về cây “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ” này, dù thế nào cũng muốn được tận mắt thấy một lần. Ta không có ý gì khác, chỉ là làm nghề đào sâm mà nghe danh bảo vật lại không được chiêm ngưỡng, cảm giác ấy chẳng khác gì kẻ lữ hành trong sa mạc nhìn thấy suối mát mà không được uống. Thế là ta mang theo trọng lễ, lén đến phủ Dương, hi vọng tìm hiểu ngọn ngành. Nếu thực sự được nhìn thấy nó, coi như cả đời không uổng phí. Dương Bát gia khi ấy cũng không giấu diếm nữa, thừa nhận là có cây sâm này. Nhưng một báu vật trân quý như vậy sao có thể dễ dàng cho ai xem được? Ông ta thẳng thừng từ chối ta. Ta chỉ đành ủ rũ quay về, lòng nặng trĩu thất vọng. Đến mức chán nản, quyết định gác cuốc không đi đào sâm nữa. Lần này, Dương Bát gia đặc biệt gửi thiệp mời cho ta, bảo ta nhất định phải đến tham gia, còn cho ta làm một trong những giám khảo của đại hội. Quan trọng hơn, ông ta hứa sẽ cho ta được tận mắt nhìn thấy cây “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ”. Ta không hiểu tại sao ông ta lại thay đổi ý định, nhưng lại không thể cưỡng được lòng hiếu kỳ, vậy nên mới dẫn con đến đây.”
Kim Thập Tam còn muốn hỏi thêm, nhưng bỗng nghe thấy tiếng chào hỏi, trò chuyện rôm rả vang lên từ lầu một. Không biết ai đó buông một câu bông đùa, dẫn đến một tràng cười the thé, chói tai như kim loại cọ vào nhau vọng lên.
Kim Bất Hoán nói: “Dương Bát gia đến rồi. Ta ngồi đây không tiện, phải xuống đón tiếp một phen.”
Ông cầm điếu cày, gõ nhẹ vào thành khạc nhổ, trút sạch tàn thuốc, rồi cài lại vào thắt lưng. Nhìn lên đồng hồ treo tường, thấy kim giờ gần chỉ số chín, ông lại nói: “Bây giờ sắp đến giờ Tỵ, lát nữa Dương Bát gia sẽ dẫn mọi người lên miếu Sơn Thần làm lễ tế. Hôm nay, chỉ những ai được Dương Bát gia gửi thiệp mời mới đủ tư cách vào miếu, ta không thể dẫn con theo. Đây là lần đầu con đến Phủ Tùng, nơi này còn xa lạ, chớ nên đi lung tung. Trước tiên, cứ theo tiểu nhị về phòng khách nghỉ ngơi. Đến giờ Mùi (1 – 3 giờ chiều), Đại hội Sâm Vương sẽ được tổ chức ngoài sân miếu Sơn Thần, lúc đó con hãy đến xem náo nhiệt.” Dứt lời, ông chống cây gậy gỗ Hoàng Bá rồi đi thẳng ra ngoài.
Kim Thập Tam nghe thấy bên ngoài xôn xao, có vẻ như mọi người trên lầu cũng nghe động tĩnh, lần lượt kéo xuống. Lập tức, một giọng nói chói lói vang lên: “Lão Kim! Quả nhiên ông đến rồi, tốt quá! Lần này phải trông cậy vào đôi mắt tinh tường của ông, chọn ra Sâm Vương năm nay cho chúng ta đấy!”
Kim Thập Tam khẽ cau mày, thầm nghĩ, “Dương Bát gia danh tiếng lẫy lừng là thế, sao giọng nói lại giống cú mèo kêu giữa đêm vậy?” Hắn tò mò, muốn xuống lầu xem mặt mũi Dương Bát gia ra sao, nhưng lúc này một tiểu nhị bước vào, nói muốn dẫn hắn về phòng nghỉ. Từ phòng khách không cần đi qua đại sảnh, chỉ cần men theo hành lang trên lầu hai là đến được hậu viện. Phía sau Trường Bạch Lâu còn có nhiều dãy sân viện nối tiếp nhau. Kim Thập Tam theo tiểu nhị đi ngang qua hồ sen, hòn non bộ, vườn hoa, nhìn thấy lầu các san sát, chiếm diện tích đến mười mấy mẫu đất. Hắn tròn mắt kinh ngạc, thầm nghĩ, “Ta nghe nói vườn cảnh Giang Nam tinh xảo, chẳng lẽ cũng chỉ đến mức này thôi sao?” Về đến phòng khách, nhưng mới ngồi được chưa đầy một chén trà, hắn đã ngồi không yên.
“Tuổi trẻ ngồi một chỗ thế này khác gì bị nhốt trong ngục đâu?” Kim Thập Tam nghĩ đến khung cảnh náo nhiệt của Phủ Tùng, trong lòng háo hức không kìm được.
“Cả một tòa thành, chẳng lẽ lớn hơn nổi Bắc Bình hay Phụng Thiên? Đường đường nam tử hán đại trượng phu như ta, chẳng lẽ ra ngoài lại bị bắt cóc chắc?”
Hắn mò trong người, thấy vẫn còn mấy đồng đại dương cùng một ít ngân phiếu Đông Bắc, liền hớn hở rời khỏi phòng, đi thẳng về phía cửa chính của Trường Bạch Lâu. Đi ngang đại sảnh, thấy chẳng còn bóng khách nào, có lẽ đều theo Dương Bát gia lên miếu Sơn Thần hết rồi. Chỉ có vài tiểu nhị tụ tập tán dóc, vì Trường Bạch Lâu mấy ngày nay không tiếp khách ngoài, chỉ tiếp đón khách quý của Dương Bát gia, nên bọn họ cũng nhàn rỗi hưởng thụ khoảng thời gian này.
Kim Thập Tam bước ra phố, nghĩ bụng cứ đi đến miếu Sơn Thần xem thử, dù không đủ tư cách tham gia đại lễ tế thần, nhưng đứng ngoài xem náo nhiệt chắc cũng không sao.
Hắn vừa đi vừa hỏi thăm, hóa ra miếu Sơn Thần cách Trường Bạch Lâu không xa, nằm ngay đầu phía đông của phố Điền Tử, đi bộ chưa đến một khắc (15 phút) là tới. Nhưng điều hắn không ngờ đến là bên ngoài miếu đã chật cứng người, vòng trong vòng ngoài ba tầng bốn lớp, chen chúc đến nỗi cành cây trên mấy gốc hoè lớn trước miếu cũng đầy người ngồi, đông nghịt như nêm cối.
Toàn bộ đều là khách khứa khắp nơi đến Phủ Tùng tham gia Đại hội Sâm Vương và dân bản địa kéo đến xem náo nhiệt. Hắn cố gắng lách vào nhưng không tài nào chen nổi.
Hát hí kịch kể chuyện Sơn Thần. Phía đông của đám đông có một sân khấu dựng tạm, trên đó trống chiêng rộn ràng, diễn trò tưng bừng. Nhưng điều kỳ lạ là không phải điệu Nhị Nhân Chuyển quen thuộc của người Quan Đông, cũng chẳng giống kinh kịch đang thịnh hành khắp Trung Quốc.
Kim Thập Tam bèn hỏi một lão ông đứng bên cạnh: “Lão bá, đây là kịch gì vậy? Sao nghe giọng điệu và lời thoại cứ mang đậm chất Sơn Đông thế?”
Lão già liếc hắn một cái, đáp: “Chứ còn gì nữa! Đây là vở “Lưu Tử Hí” của Sơn Đông, chính Dương Bát gia đặc biệt mời gánh hát từ phủ Tế Nam đến đấy. Họ đang diễn câu chuyện về Sơn Thần của chúng ta đấy!”
Kim Thập Tam đương nhiên biết Sơn Thần và hôm nay chính là sinh thần của ngài. Khác với những Sơn Thần trong thần thoại, trong lòng những người làm nghề đào thảo dược, ông là nhân vật có thật, đó chính là ông tổ của giới thợ săn nhân sâm, Tôn Lương.
Tôn Lương vốn là người huyện Lai Dương, tỉnh Sơn Đông, sống vào cuối thời nhà Minh. Vì chữa bệnh cho mẹ, ông đã vượt biển từ bán đảo Giao Châu đến Quan Đông tìm nhân sâm. Trong cánh rừng già nơi núi Trường Bạch, ông gặp một người đồng hương cũng đi đào nhân sâm tên Trương Lộc. Hai người hợp ý, bèn lấy đất đắp lư, cắm cỏ làm hương, kết nghĩa huynh đệ, cùng nhau đi hái nhân sâm. Thấm thoát mấy tháng trôi qua, cả hai vẫn chưa tìm được cây sâm nào đủ mạnh để chữa bệnh cho mẹ Tôn Lương. Lòng như lửa đốt, ông thở dài suốt ngày. Thấy vậy, Trương Lộc đề nghị: “Chúng ta chia ra tìm kiếm, mở rộng phạm vi. Ai tìm thấy trước thì giao ngay cho huynh để huynh mang về cứu mẫu thân.”
Cuối cùng, Tôn Lương cũng đào được cây nhân sâm to như ý. Nhưng Trương Lộc không quay lại đúng hẹn. Lo lắng huynh đệ gặp chuyện, Tôn Lương cõng túi nhân sâm trên lưng, chạy khắp núi tìm kiếm. Tìm ngày tìm đêm suốt mười mấy hôm, lương khô mang theo cũng ăn hết sạch, mà vẫn không thấy tung tích của Trương Lộc. Sau khi cạn kiệt lương thực, ba ngày trời Tôn Lương chỉ ăn một con cào cào, vừa kiệt sức vừa đói, cuối cùng ngã gục bên một tảng đá lớn hình con bò đang nằm. Dùng chút sức lực cuối cùng, ông cắn đầu ngón tay, dùng máu mình viết một bài thơ tuyệt mệnh lên đá:
“Tại hạ họ Tôn, quê ở Lai Dương, vượt biển đến Quan Đông hái sâm.
Trên đường lạc mất huynh đệ, tìm dọc suối Cào Cào ngược lên.
Ba ngày chỉ ăn một con cào cào, huynh nói có đau lòng không?
Người đời sau nếu lạc đường trong núi, ta nguyện làm thần dẫn lối cho các người.”
Vài ngày sau, một người thợ đá đi ngang qua, phát hiện thi thể của Tôn Lương cùng bài thơ tuyệt mệnh, liền vô cùng xúc động. Lúc ấy trời đã gần tối, ông quyết định tạm thời về nhà, sáng hôm sau mang theo dụng cụ quay lại để chôn cất Tôn Lương.
Trời đất cũng tiếc thương. Đêm đó, gió lớn gào thét suốt đêm, thổi qua rừng già tạo thành tiếng rít u u, nghe như tiếng khóc ai oán. Sáng hôm sau, người thợ đá mang cuốc xẻng quay trở lại, nhưng khi đến nơi ông vô cùng kinh ngạc, thi thể của Tôn Lương đã bị cơn lốc cuốn theo đất đá vùi lấp. Người thợ đá xúc động than rằng: “Tôn Lương đã thành thần rồi! Ông trời đích thân hạ táng cho ông ấy đấy!” Thế là, ông lấy đục khắc bài thơ tuyệt mệnh lên tảng đá nằm bên cạnh thi thể Tôn Lương, khắc sâu dấu tích của người thợ săn sâm vĩ đại này.
Sau đó, mỗi khi gặp ai, thợ đá đều kể lại câu chuyện cảm động về Tôn Lương. Người dân nghe xong đều vô cùng khâm phục nhân cách của ông, thường xuyên đến trước mộ ông khấu đầu cầu khấn. Kỳ lạ thay, từ đó về sau, nhiều thợ săn sâm nằm mơ thấy một ông lão râu trắng hiện ra chỉ lối, giúp họ tìm thấy sâm quý hoặc thoát khỏi hiểm cảnh trong rừng sâu.
Dần dần, mọi người đều tin rằng đó chính là hóa thân của Tôn Lương, người đã trở thành thần bảo hộ cho những người vào rừng hái sâm. Có người tìm đến quê hương Lai Dương, Sơn Đông, tìm hiểu được ngày sinh của Tôn Lương là ngày 16 tháng 3 âm lịch. Từ đó, ngày này được toàn bộ giới thợ săn sâm coi là “Tiết Sơn Thần”. Chỉ sau khi làm lễ tế Sơn Thần Tôn Lương xong, người ta mới dám vào rừng hái sâm.
Kim Thập Tam từ lâu đã nghe cha mình, Kim Bất Hoán, kể về câu chuyện này. Bất kể truyền thuyết có thật hay không, Kim Bất Hoán luôn nói rằng những người săn sâm tôn thờ Tôn Lương làm Sơn Thần, thực chất là tôn thờ hai chữ “hiếu nghĩa”. Nhân sâm là tài sản mà trời ban cho những người làm nghề săn nhân sâm này, nhưng khi đối diện với tài phú, điều con người dễ đánh mất nhất chính là lòng hiếu nghĩa.
Kim Thập Tam nghe thấy bên trong miếu Sơn Thần khi thì pháo nổ đì đùng, khi thì chuông trống vang lên. Biết rằng lễ tế thần còn lâu mới kết thúc, hắn cảm thấy chán nản, liền chui ra khỏi đám đông, men theo phố Điền Tử dạo chơi. Lúc này, thành Phủ Tùng thực sự là biển người, náo nhiệt tưng bừng.
Người đông thì buôn bán cũng phát đạt, vô số quầy hàng được bày dọc hai bên phố, giống như một hội chợ lớn, có quầy bán các món ăn vặt, có sạp bán vải vóc, lụa là, có nơi bày bán đồ chơi phương Tây, cũng có những gánh xiếc, người nhào lộn, biểu diễn tạp kỹ.
Kim Thập Tam hết ghé hàng này ăn một bát bánh nếp hấp, lại sang hàng kia mua hai miếng bánh dày, gặp thứ gì lạ mắt cũng mua một hai món, thấy trò gì thú vị liền dừng lại xem. Hắn dạo chơi vui vẻ, hứng thú vô cùng.
Lúc này, Kim Thập Tam đang ngồi xổm trước một quầy hàng bán tẩu thuốc, chăm chú nhìn một món đồ kỳ lạ. Đó là một cái tẩu ngắn nhưng đầu rất to, bên trên còn có một cái lỗ lớn, khiến hắn vô cùng tò mò.
Chủ quầy là một người đàn ông trung niên gầy gò, nhưng miệng lưỡi vô cùng lanh lợi: “Vị tiểu gia này, mắt tinh thật đấy! Cậu có biết thứ cậu đang cầm là gì không? Đây gọi là tẩu thuốc. Cái này trước kia là thứ mà bọn đại quý tộc, tướng quân mũi to người Nga chuyên dùng để hút thuốc đấy! Cậu nhìn kỹ thân tẩu đi, nó được làm từ rễ cây Thạch nam. Biết rễ cây Thạch nam là gì không? Nó chôn dưới đất hơn hai trăm năm, còn lâu đời hơn cả nhân sâm đấy! Cậu nhìn miệng tẩu này đi, được khảm ngọc Hòa Điền vàng thượng hạng từ Hòa Điền. Cậu thấy cả sạp hàng của tôi không? Tẩu thuốc, điếu cày, dụng cụ hút thuốc đủ cả nhưng tẩu thuốc kiểu này thì chỉ có một cái duy nhất! Mà cái này cũng không phải do tôi làm ra, mà là năm xưa cha tôi đến Thông Liêu sửa đường cho đám mũi to người Nga, từ trong lều của một viên tư lệnh Nga ăn trộm về đấy…”
Kim Thập Tam cười thầm trong lòng, nghĩ bụng, “tên bịp bợm này thật sự coi mình là thằng nhóc quê mùa, cái gì cũng không biết chắc?” Cha cậu, Kim Bất Hoán, đã bôn ba vùng Quan Đông bao năm, từng trải rộng rãi, hiểu biết sâu rộng, trong nhà cũng có của ăn của để. Kim Thập Tam từ nhỏ đã nghe cha dạy dỗ, nên cũng chẳng phải tay mơ.
Rễ cây Thạch nam là gì thì cậu không rõ, nhưng nhìn là biết ngay chất liệu tẩu này chỉ là một mẩu gỗ sồi rẻ tiền, chỉ là được chạm khắc thêm vân giả, rồi quét một lớp dầu trẩu lên cho bóng đẹp mà thôi. Cái gọi là “ngọc Hòa Điền vàng” trên miệng tẩu càng sai bét, rõ ràng chỉ là ngọc vụn Đông Bắc mà thôi.
Còn cái câu chuyện trộm được từ doanh trại tướng Nga, thì cứ coi như nghe ông ta bốc phét cho vui vậy. Tuy nhiên, chiếc tẩu này quả thực có kiểu dáng độc đáo, mà cha hắn thích hút thuốc, mua về làm quà cũng không tệ.
Kim Thập Tam lười dài dòng với gã bán hàng, liền nói thẳng: “Mười đồng Phụng phiếu (giấy bạc Đông Bắc), bán hay không?”
Gã bán hàng trợn tròn mắt, nói: “Tiểu gia, cậu nói đùa phải không? Cái tẩu này ít nhất cũng đáng năm mươi đồng đấy!”
Kim Thập Tam hừ một tiếng, nói: “Đừng tưởng ta không biết gì mà lừa bịp! Cái tẩu gỗ sồi rẻ tiền này mà đòi năm mươi đồng? Mơ đi! Ta không thèm chấp nhặt cái mồm ba hoa của ngươi, mười đồng đã là giá hời rồi! Bấy nhiêu cũng đủ cho ngươi ăn uống cả nửa tháng, mà còn tham nữa à? Thôi, giữ lại mà tự xài đi nhé!”
Nói rồi đứng dậy bỏ đi. Gã bán hàng thấy thế, liền vội vàng gọi giật lại: “Ấy đừng mà tiểu gia! Cậu bớt chút nữa là được mà!”
Kim Thập Tam vừa định trả lời, thì chợt nghe một giọng nói trong trẻo bên cạnh vang lên: “Tiểu thư, chiếc tẩu này kiểu dáng cũng khá lạ, hay là cô mua tặng lão gia đi?”
Kim Thập Tam quay đầu nhìn, thì thấy hai cô gái trẻ. Một người mặc áo bông lụa hoa, mặt tròn, mắt mày ngay ngắn, chỉ có vài đốm tàn nhang bên cánh mũi. Người còn lại thì khác hẳn, cao hơn một chút, mặt trái xoan, mắt hạnh môi anh đào, tóc tết thành hai bím đen nhánh, trên còn cột nơ bướm nhỏ. Trang phục cũng rất khác biệt, cô mặc một chiếc áo dạ màu lạc đà kiểu phương Tây, bó eo tôn dáng, càng làm nổi bật thân hình thon thả, yêu kiều. Nhìn cô cứ như minh tinh trong tranh ảnh của người phương Tây vậy.
Cô gái mặt tròn lên tiếng trước. Thấy Kim Thập Tam trợn mắt đờ người nhìn mình, cô liếc xéo một cái, bĩu môi nói: “Nhìn cái gì mà nhìn? Nhìn ngây ra như nai ngố ấy!”
Kim Thập Tam mặt thoáng đỏ, vội quay đi. Cô gái mặt tròn quay sang gã bán hàng, nói: “Cái tẩu này, tiểu thư nhà ta mua. Bao nhiêu?”
Gã bán hàng cười niềm nở, nói: “Ui chao, hai vị cô nương đúng là biết nhìn hàng! Cái tẩu này được mài từ rễ cây Thạch nam, nạm ngọc Hòa Điền vàng, giá năm mươi đồng!”
Cô gái mặt trái xoan khẽ gật đầu: “Được, lấy cái này đi.”
Kim Thập Tam chớp chớp mắt, nói: “Gì mà được là mua luôn? Cái này tôi xem trước, muốn mua cũng phải hỏi tôi một tiếng chứ?”
Cô gái mặt trái xoan chưa kịp lên tiếng, thì cô mặt tròn đã vội kêu lên: “Anh xem trước thì sao? Anh không mua còn gì? Không mua thì không được để chúng tôi mua chắc? Tiểu thư nhà tôi quyết rồi!”
Kim Thập Tam ngẩng cổ, nói: “Ai bảo tôi không mua? Này ông chủ, năm mươi đồng, tôi lấy!”
Cô gái mặt tròn lập tức đáp: “Sáu mươi đồng!”
Kim Thập Tam hất cằm: “Bảy mươi đồng!”
Cô gái mặt tròn khẽ cười lạnh, nói: “Một trăm đồng!”
Kim Thập Tam cười phá lên, nói: “Được thôi! Cái gốc sồi cùi bắp này, làm giả rồi gắn thêm miếng ngọc Tụ Sơn tầm thường, mà mấy người lại bỏ hẳn một trăm đồng để mua! Thôi được, tôi nhường đấy! Này ông chủ, nếu họ không trả tiền, thì đừng để họ đi nhé!”
Cô gái mặt tròn sững sờ, tức giận nói: “Tiểu thư, cái tên này thật gian xảo! Hay mình tìm người dạy cho hắn một bài học!”
Nhưng cô gái mặt trái xoan chỉ mỉm cười, đáp: “Quyên Nhi không được vô lễ, chính em cứ thích đôi co đấy chứ. Một trăm thì một trăm, chúng ta đi thôi.” Cô lấy từ chiếc túi da kiểu dáng tinh xảo ra một tờ tiền giấy mệnh giá một trăm đồng, đưa cho gã bán hàng, rồi khẽ gật đầu với Kim Thập Tam, nắm tay Quyên Nhi rời đi.
Kim Thập Tam đứng đực ra, nhìn theo bóng hai nàng khuất dần, bỗng thấy mất hứng. Chẳng còn tâm trạng dạo chơi, hắn tạt vào một hàng quán ven đường, ăn đại hai cái bánh kẹp thịt hun khói, uống thêm bát canh bánh bột thái lát, rồi nhìn lại thời gian, sắp đến lúc thi đấu Sâm Vương, hắn quay lại miếu Sơn Thần.
Lễ tế đã hoàn tất. Sân khấu phía đông ngoài đền đã được gánh hát đã dỡ xuống, thay vào đó là một dãy bàn dài tăm tắp. Phía sau bàn ngồi vài vị trông có vẻ là ban giám khảo, nhưng chỗ ngồi chính giữa vẫn bỏ trống. Người ngồi ở ghế đầu tiên bên phải ghế chủ tọa, chính là Kim Bất Hoán.
Quan chủ lễ lần lượt giới thiệu ban giám khảo, đều là những thương nhân mua bán sâm lớn và các bậc thầy lâu năm trong nghề. Sau cùng, ông ta trịnh trọng mời giám khảo chính của cuộc thi Dương Bát gia lên sân khấu. Giữa tiếng vỗ tay rần rần từ khán giả, một người đàn ông gầy gò chừng năm mươi tuổi, chống một cây gậy văn nhân, từ tốn bước lên đài. Đầu trọc lốc, mặt toàn sẹo rỗ, coi như hỏng cả nhan sắc, dưới cằm lưa thưa vài sợi râu dê. Áo dài mã quái kiểu cũ, nhưng lại mang kính râm phương Tây. Kim Thập Tam suýt phì cười, không ngờ Dương Bát gia danh bất hư truyền lại có diện mạo xấu xí, kỳ lạ thế này!
Trên đài, mọi người đứng dậy chào. Dương Bát gia chậm rãi ngồi xuống, vẫy tay ra hiệu, lập tức khán giả im phăng phắc. Kim Thập Tam thầm nghĩ, trông thế thôi chứ ông ta uy tín lẫy lừng ở Phủ Tùng và trong giới nhân sâm.
Từng củ sâm được đặt lên bàn dài, có dải lụa đỏ buộc quanh thân. Nhân viên đo kích thước, cân trọng lượng, những củ không đạt chuẩn bị loại ngay. Những củ sâm hợp lệ sẽ được đánh số và chuyển đến các giám khảo. Ban giám khảo thảo luận, cuối cùng Dương Bát gia viết kết quả lên giấy đỏ rồi đưa cho quan chủ lễ tuyên bố. Kim Thập Tam nghe một hồi, cảm thấy không có củ nào xuất sắc cả. Khán giả cũng bàn tán xôn xao.
Hắn nhớ rằng Kim Bất Hoán từng nói: “Dạo này người ta khai thác vô tội vạ, nhân sâm thượng hạng càng ngày càng hiếm. Có kẻ còn đào cả sâm non, chưa kịp lớn đã bị móc lên! Nghề này không chỉ có “đào sâm”, mà còn phải biết “giữ sâm”. Như hồ Trát Cán ở tỉnh Cát Lâm, ngư dân giăng lưới có quy tắc, lưới chỉ giữ cá lớn, cá nhỏ tự chui ra. Như vậy mới duy trì được nguồn lợi lâu dài. Còn dân đào sâm bây giờ chỉ biết phá núi mà lấy, không chịu giữ gìn. Sớm muộn gì, Sơn Thần sẽ lấy lại hết những gì đã ban cho con người!” Mỗi khi nói đến đây, Kim Bất Hoán thường thở dài, than rằng chính vì lý do này mà ông đã gác cuốc nhiều năm, không còn lên núi tìm sâm nữa.
Gần hai canh giờ trôi qua, khi cuộc thi sắp kết thúc, cuối cùng xuất hiện một củ sâm gây chấn động! Nặng sáu lượng bốn phân, có sáu lá, tuổi thọ khoảng bốn mươi năm và có xuất xứ từ Cao Ly. Chủ nhân của củ sâm là một thương nhân người Triều Tiên. Kết quả, củ sâm này đoạt giải Sâm Vương của năm nay! Tại phiên đấu giá sau đó, Dương Bát gia đích thân bỏ tám ngàn đồng đại dương để mua lại.
Biết cha cùng các vị khách quý sẽ dự tiệc tại nhà Dương Bát gia, Kim Thập Tam một mình trở về Trường Bạch Lâu. Ăn vội bữa tối do tiểu nhị mang lên. Nằm dài trên giường, nghĩ xem cha có thấy được cây “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ” kia không. Rồi lại nhớ đến cô gái mặt trái xoan gặp ban sáng.
Không biết từ lúc nào, hắn đã thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy đèn đã sáng, cha hắn ngồi trầm ngâm hút thuốc. “Giờ này rồi mà cha vẫn chưa ngủ à?” Kim Thập Tam dụi mắt, liếc đồng hồ đã gần mười hai giờ đêm. Hắn rót nước đưa cha. Kim Bất Hoán ngây người, một lúc lâu mới nói: “Thập Tam, sáng sớm mai chúng ta về nhà.”
“Sao vậy cha? Ngày mai chợ Phủ Tùng khai trương, chúng ta còn phải bán hết số nhân sâm đã mang theo mà?”
Kim Bất Hoán hít sâu một hơi, giọng trầm xuống: “Số nhân sâm đó không đáng gì. Cha muốn trở lại nghề cũ, phải về chuẩn bị, còn phải gọi cả chú Cáng Tử và chú Lão Muộn của con nữa.”
Kim Thập Tam sáng rực mắt: “Cha! Cuối cùng cha cũng chịu lên núi lại rồi!” Từ lâu, hắn đã nài nỉ theo cha vào rừng, nhưng lúc nhỏ thì cha bảo chưa đủ tuổi, khi lớn lên thì cha lại gác cuốc không làm nữa. Nay cha quyết định tái xuất, hắn mừng như bắt được vàng: “Cha, lần này cha nhất định phải dẫn con đi theo!”
Kim Bất Hoán nhìn con đầy yêu thương. Không sai, Kim Thập Tam sinh cùng ngày với ông tổ nghề đào sâm Tôn Lương, hôm nay vừa tròn mười tám tuổi, đúng lúc có thể truyền nghề. Thực ra, Kim Thập Tam không phải con ruột của Kim Bất Hoán. Kim Bất Hoán ba lần cưới vợ, nhưng cả ba người vợ đều chết sớm, không ai sinh con hết. Người ta bảo rằng ông khắc vợ khắc con, nên ông cũng chẳng thiết lấy vợ nữa.
Bảy năm trước, một đứa trẻ ăn mày bị đông cứng trước cửa nhà ông. Lúc đầu, ông định vứt ra bãi tha ma, nhưng vừa bế lên, nó liền hé mắt và gọi ông một tiếng “cha”, lòng ông chợt mềm nhũn. Dù đứa trẻ đang hấp hối, nhưng ông vẫn cố cứu nó, nhờ nhân sâm câu hồn giữ mạng, cuối cùng cứu sống được nó.
Trên người thằng bé có một túi hộ mệnh đan bằng kim tuyến, bên trong là một lá bùa vẽ bằng máu trên giấy dâu, trên đó còn viết cả sinh thần bát tự của đứa bé, sinh vào giờ Tý, ngày mười sáu tháng ba, thế mà lại trùng với sinh thần bát tự của ông tổ nghề đào sâm Tôn Lương. Trong túi còn có một bộ đồng tiền Ngũ Đế, lần lượt là Tần Bán Lạng, Hán Ngũ Thù, Đường Khai Nguyên, Triệu Tống Nguyên và Minh Vĩnh Lạc.
Kim Bất Hoán ngạc nhiên, thấy đây đúng là cái duyên trời định, lại thấy thằng bé thông minh lanh lợi, bèn nhận làm con nuôi. Vì nhặt được vào ngày mười ba tháng Giêng, nên ông đặt tên cho đứa trẻ là Kim Thập Tam.
Tuy không trực tiếp truyền nghề, nhưng hắn bẩm sinh có thiên phú về nhân sâm. Không ai chỉ dạy thì hắn vẫn phân biệt được tuổi sâm, phẩm chất và xuất xứ. Nay hắn đã trưởng thành, Kim Bất Hoán quyết định sẽ quay lại nghề cũ. Không vì điều gì khác, tuyệt học của bản thân không thể cứ thế đem theo xuống mồ được, không truyền cho hắn thì truyền cho ai?
Kim Thập Tam thấy cha không nói gì, liền vội vàng hỏi: “Cha, cha nói gì đi chứ, có thể dẫn con theo không?”
Kim Bất Hoán cười khà khà: “Thằng nhóc con! Ta có nói là không dẫn theo con sao?”
Kim Thập Tam vui quá, nhào tới ôm lấy cánh tay của Kim Bất Hoán, liên mồm nói “Cảm ơn cha.”
Kim Bất Hoán nghiêm mặt nói: “Đừng tưởng rằng lên núi là chuyện mới mẻ hay vui vẻ gì. Nếu không chịu nổi gian khổ thì xuống núi và đừng bao giờ nhắc đến chuyện lên núi nữa. Còn nữa, trên núi chỗ nào cũng nguy hiểm, con phải nghe lời, cha nói gì thì con làm vậy! Nếu con không nghe lời rồi làm mấy chuyện kỳ quái, thì cút xuống núi ngay và đừng bao giờ đòi ta cho con lên núi nữa. Hừ! Còn chưa kể đến con, ngay cả chú Lão Muộn của con và những người khác, có ai dám không nghe lời cha, đặc biệt là ở trên núi, nếu không thì đừng hòng theo cha đi kiếm sống!”
Kim Thập Tam cười nói: “Cha à, con biết rồi, không có chuyện đó đâu! Đừng nói là lên núi cho dù là ở nhà, thì cha nói hai con sẽ không nói một, cha nói đông con sẽ không nói tây, cha nói…”
Kim Bất Hoán cầm tẩu thuốc gõ lên đầu hắn, nói: “Đừng có giở trò ở đây. Sau khi lên núi, nếu con mà phá quy tắc thì đừng trách cha xử lý con!”
Kim Thập Tam rụt cổ lại, cười hì hì nói: “Dạ, thưa cha. Con không dám.” Hắn biết cha hắn rất tôn kính núi non, rất coi trọng các quy tắc khi lên núi. Bất kỳ ai dám vi phạm quy tắc, nhẹ thì bị đánh, tệ nhất là bị đuổi khỏi đội.
Qua một lúc, Kim Thập Tam lại hỏi: “Cha, cái cây “Phượng Hoàng Đơn Trích Lệ” kia, cha đã ngắm được chưa ạ?”
Kim Bất Hoán không đáp, biểu cảm trở lại bình thường, một lúc sau mới nói: “Đừng hỏi nữa, đã muộn lắm rồi, mau đi ngủ đi. Sáng sớm ngày mai còn phải lên đường!”
☆ Chú thích:
1. Lão Phật gia (老佛爷): được dùng để gọi Từ Hi Thái Hậu (慈禧太后).
2. Gậy khóa bảo (锁宝棍) hay gậy khóa sâm: là một công cụ quan trọng của những người đào sâm hoang dã. Theo truyền thuyết dân gian, khi tìm thấy một cây sâm quý, người ta không thể nhổ ngay mà cần dùng “gậy khóa bảo” để thực hiện nghi thức “khóa báu vật”, tránh để linh khí của cây sâm thoát đi hoặc bị “chạy mất”.
3. Đường vân thiết tuyến (铁线纹) trên cây nhân sâm là những đường vân nhỏ, mảnh, có màu sẫm (thường là nâu đen) xuất hiện trên rễ hoặc củ nhân sâm.
4. Hệ thống giờ thời xưa:
a. Canh (庚): Một ngày được chia thành 12 khoảng thời gian, gọi là 12 giờ (thời thần 时辰). Mỗi giờ tương ứng với khoảng 2 giờ hiện đại và được gọi tên theo 12 con giáp: Tí 子 (23:00 – 01:00); Sửu 丑 (01:00 – 03:00); Dần 寅 (03:00 – 05:00); Mão 卯 (05:00 – 07:00); Thìn 辰 (07:00 – 09:00); Tỵ 巳 (09:00 – 11:00); Ngọ 午 (11:00 – 13:00); Mùi 未 (13:00 – 15:00); Thân 申 (15:00 – 17:00); Dậu 酉 (17:00 – 19:00); Tuất 戌 (19:00 – 21:00); Hợi 亥 (21:00 – 23:00).
b. Khắc (刻): Một giờ (thời thần) được chia thành 4 khắc, mỗi khắc tương đương với 15 phút. Như vậy, một ngày có 96 khắc (24 giờ x 4 khắc/giờ). → giờ Tỵ hai khắc ≈ 9h30p
5. Nhã gian (雅间) nghĩa là phòng riêng, từ này dùng để chỉ những phòng riêng biệt, có không gian yên tĩnh và sang trọng dành cho khách muốn có sự riêng tư.