Hàng Du Ninh làm lễ cưới này vì Chu Ẩn.
Truy nã toàn thành phố mà vẫn không tìm thấy dấu vết của Chu Ẩn.
Điều này cũng khá bình thường vì chân dung của ông ta là gương mặt từ gần hai mươi năm trước, độ chính xác rất thấp.
Theo lời khai của Từ Triều Vân, Chu Ẩn không quen biết ai ở Hồng Kông, vị sếp lớn dẫn ông ta ra ngoài cũng nhanh chóng vứt bỏ ông ta, khoản tiền lớn đó cũng bị cướp rồi lừa hết.
Vì vậy, bảy năm trước, ông ta quay lại đại lục, có lẽ ông ta đang rất suy sụp.
Lúc đó, dù chưa bị truy nã, nhưng vợ ông ta đã căm ghét ông ta đến tận xương tủy. Vì vụ của Triệu Minh Minh đã khiến mọi người bàn tán xôn xao, cơ quan làm việc và bạn bè xung quanh cũng bắt đầu nghi ngờ ông ta.
Thế nên, ông ta không thể đi đâu, chỉ còn cách sống nửa như ăn xin, nửa như lang thang khắp nơi.
Một năm gần đây ông ta luôn ở gần Hàng Du Ninh để theo dõi.
Lấy được di vật của Hàng Tầm đã trở thành một chấp niệm trong lòng ông ta.
Giờ Chu Ẩn đã già yếu, lo rằng tuổi tác tăng lên sẽ khiến ông ta mất hết sức lực, vì vậy ông ta mới liên lạc với Từ Triều Vân. Ông ta rất cẩn thận, toàn bộ quá trình chỉ dùng điện thoại công cộng để liên lạc.
Còn Từ Triều Vân cũng chán ghét cuộc sống dưới đáy xã hội, anh ta luôn khao khát được nổi tiếng như Nhện Đen, dù có chết cũng được.
Bây giờ kế hoạch thất bại, Chu Ẩn bị truy nã, có lẽ chưa thể rời khỏi thành phố.
Hàng Du Ninh cảm thấy ông ta sẽ không từ bỏ, vì ông ta không còn nhiều năm tháng để lãng phí nữa.
Lễ cưới của cô được chuẩn bị khá qua loa, nhưng khu vực xung quanh khách sạn tổ chức lễ cưới đều có cảnh sát.
Cô không chắc chắn liệu ông ta có đến không, nhưng lỡ có thì sao?
Hàng Nhã Phỉ rất tức giận vì điều này: "Con gái chỉ có một lần trong đời! Em làm qua loa thế này, người ta sẽ nói em thế nào… là dâng tận tay!"
“Dâng cái gì mà dâng, chị đừng có nói chuyện khó nghe như mẹ thế chứ!” Hàng Du Ninh phàn nàn, nhét một thìa canh gà vào miệng chị mình.
“Chị không uống!”
Hàng Nhã Phỉ quay mặt đi, tiếp tục phản ứng gay gắt: “Em bảo chị nói khó nghe thì đừng có làm vậy! Đợi chị khỏi bệnh, của hồi môn nhất định phải dựa theo…”
Giờ đây, với cả hai cô con gái, Trương Thục Phân không dám làm mất lòng ai, chỉ có thể chờ Hàng Nhã Phỉ trút giận xong rồi lén đến bên Hàng Du Ninh, khẽ nói:
“Con gái, đừng nghe chị con, cưới xin phải làm cho sớm, con đã hai mươi lăm tuổi rồi! Không thể trì hoãn thêm được!”
Đầu Hàng Du Ninh ong ong, chỉ có Hàng Phỉ đứng bên cạnh vỗ tay: “Cô út sắp làm cô dâu rồi!”
Tưởng Gia Lý cách khách sạn trong thành phố khá xa, vì thế Hàng Du Ninh xuất phát từ biệt thự của Lai Phụng Minh.
Hứa Dã đã thuê một chiếc xe khách lớn, đón hết hàng xóm đến nơi trước.
Việc Hứa Dã vạn tuế nở hoa khiến cả cục cảnh sát đều vui lây, đơn xin nghỉ kết hôn cũng được duyệt nhanh chóng. Cục trưởng Dư đã về hưu tặng anh một bức thư pháp do chính tay ông ấy viết: “Vai sắt gánh đạo nghĩa, tài hoa viết văn chương”.
Chủ nhiệm Ngô cảm thấy chữ đó quá xấu, bèn tặng một bức tranh phong cảnh, nói rằng: “Hai đứa thấy ngại không muốn treo bức chữ xấu kia thì tốt xấu gì cũng có thể thay bằng bức tranh này.”
“Dù sao cũng là quà của lãnh đạo.” Bà ấy nói: “Sẽ không phật lòng ai.”
Hàng Du Ninh nghĩ lãnh đạo nữ vẫn luôn chu đáo nhất.
...
Dù là lễ cưới giả, Hàng Du Ninh và Hứa Dã vẫn chụp ảnh cưới.
Hứa Dã lấy một bức ảnh đơn của Hàng Du Ninh bỏ vào ví. Trong ảnh, Hàng Du Ninh mặc váy cưới màu hồng, nụ cười rạng rỡ như hoa.
Những năm xa cách Hàng Du Ninh, anh rất sợ sẽ quên mất gương mặt cô, nhưng lại không có gì để nhớ nhung, nên đã cắt ảnh tốt nghiệp của Hàng Nhã Phỉ bỏ vào ví.
Dù sao cũng là chị em, tới khi cô lớn bằng Hàng Nhã Phỉ thì chắc sẽ rất giống cô ấy.
Nhưng lúc anh gặp lại cô mới biết.
Chẳng giống chút nào.
Hàng Nhã Phỉ giống Trương Thục Phân, mắt to và mặt trái xoan.
Còn Hàng Du Ninh lại giống Hàng Tầm hơn, mắt nhỏ, mũi nhỏ, nhưng miệng thì không nhỏ chút nào, tô son đỏ lại càng đẹp.
Có lẽ mọi người đàn ông trên đời đều thấy Hàng Nhã Phỉ xinh đẹp hơn.
Nhưng với Hứa Dã, Ninh Ninh của anh có vẻ đẹp không ai sánh được, như một viên đá quý độc nhất vô nhị, mỗi góc độ đều mang màu sắc xinh đẹp.
Người vui nhất khi lễ cưới được tổ chức là Trương Thục Phân.
Bà ấy mong các con gái đều có chốn về, cũng muốn gia đình to hơn, to hơn nữa.
Bà ấy và Hàng Tầm ít họ hàng, cũng không có anh em ruột, nhà chỉ có ba người.
Giờ đây, gia đình đã trở nên đông hơn, chờ đến khi Hàng Du Ninh có con, bà ấy sẽ có hai đứa cháu rồi.
Trước lễ cưới một ngày, bà ấy vừa thu dọn đồ đạc vừa lẩm bẩm: “Phỉ ơi, cháu thích em trai hay em gái hơn nào? Ngày mai nhớ xách váy cưới cho cô út, không được làm rơi đâu nhé!”
Thế nhưng, mãi chẳng thấy ai đáp lại.
Bà ấy ngẩng lên mới nhận ra Hàng Phỉ đang chơi trong sân đã không thấy bóng đâu.
“Tiểu Phỉ? Cháu đâu rồi? Đừng làm bà nội sợ!”
Bà ấy tìm quanh nhà một lượt mà không thấy, cuống cuồng chạy ra ngoài tìm, cũng không thấy đâu cả.
Dưới ánh nắng gắt buổi trưa, lưng bà ấy đổ một lớp mồ hôi mỏng vì lo lắng.
“Tiểu Phỉ!”
Bà ấy hoảng loạn, bố mẹ Hàng Phỉ sắp tới nơi rồi, lỡ để mất cháu thì biết ăn nói sao đây!
Cả Tưởng Gia Lý vang vọng gào khóc của Trương Thục Phân: “Tiểu Phỉ... Hàng Phỉ... Cháu ở đâu rồi! Mau tìm cháu giúp tôi với!”
...
Hàng Phỉ vẫn chưa hiểu “kết hôn” nghĩa là gì. Cô bé quấn khăn lụa của bà quanh đầu, đóng vai cô dâu.
Cô bé vừa xoay người trước gương vừa nói: “Xin chào các bạn khán giả, tôi là phóng viên của Đôi mắt quan sát, tên tôi là Phỉ... Phỉ...”
Lúc đó, cô bé nghe thấy tiếng mèo kêu bên ngoài.
Cô bé quay đầu nhìn, hình như tiếng kêu phát ra từ ngôi nhà nhỏ đối diện.
Nghe nói trước đây, bà nội và cô út mở tiệm tạp hóa ở đó, nhưng sau khi của bà trẻ mở cửa hàng, tiệm đó đã đóng cửa.
Bà nội mua căn nhà hiện tại, sân rộng hơn và tràn ngập ánh sáng.
Cửa hàng tạp hóa đối diện là nơi bọn trẻ con thường hay chạy qua chơi trò bán đồ.
“Bà nội ơi, cháu đi xem mèo nhé ạ!” Hàng Phỉ nói với Trương Thục Phân.
Trương Thục Phân đang nói chuyện điện thoại, mặt mày rạng rỡ: “Phải rồi, bốn món đồ lớn đã mua xong rồi, chỉ thiếu cái bếp thôi, chẳng phải con rể có ô tô riêng rồi sao!”
Hàng Phỉ tự chạy qua đó, vừa đi vừa bắt chước tiếng mèo kêu, bước vào căn nhà nhỏ.
Phần lớn đồ đạc đã được dọn đi, chỉ còn lại vài thứ lặt vặt. Một tia nắng rọi qua cửa sổ, bụi bay lơ lửng trong không khí, một con nhện đang dệt tơ.
“Meo... meo... Mimi, em ở đâu rồi?”
Hàng Phỉ chầm chậm đi tới.
Đúng lúc đó, một cái đầu mèo từ từ nhô lên phía sau quầy.
Tròn trịa, trắng muốt, nhưng đôi mắt trông hơi dại.
Hàng Phỉ không biết tại sao nhưng cảm thấy hơi sợ, cô bé lùi lại một bước, cô bé không muốn mèo con nữa…
Sau đó, từ sau quầy, một cái đầu của đàn ông xuất hiện, khuôn mặt đầy nếp nhăn, làn da đen sạm, nhưng lại nở một nụ cười với hàm răng trắng đều tăm tắp.
“Cô bé, tặng cháu này!”
Ông ta cười nói, nhẹ nhàng đưa con mèo nhỏ đã bị bóp ch ết đến trước mặt Hàng Phỉ.
...
Những tầng mây của mùa hè báo hiệu một cơn mưa to sắp tới, sợ bị mắc mưa nên hầu hết mọi người ở văn phòng đều về sớm.
Những người quen biết Hàng Du Ninh đều đến căn hộ mới để trang trí giúp cô.
Ngược lại, Hàng Du Ninh vẫn miệt mài hoàn thành bài viết của mình, vì sau hôm nay, cô chính thức bắt đầu kỳ nghỉ kết hôn và không muốn bỏ lỡ quá nhiều công việc.
Điện thoại đổ chuông vào đúng lúc này, cô nghe máy và nhận ra tiếng Trương Thục Phân khóc thét lên: “Trời ơi! Phải làm sao đây! Hàng Phỉ biến mất rồi!”
Tiếng sấm vang lên từ phía chân trời, cơn mưa tầm tã trút xuống.
Hàng Du Ninh đứng bật dậy, nói: “Mau báo cảnh sát! Con sẽ về ngay!”
Cô vừa vội vàng thu dọn đồ đạc, vừa gọi điện cho Hứa Dã, đồng thời bước nhanh ra ngoài.
Điện thoại của Hứa Dã không thể liên lạc được, cô đành chạy vội ra đường để bắt taxi, nhưng có lẽ vì cơn mưa lớn sắp đến, không chiếc taxi nào chịu dừng lại.
Cô đành phải đi xe buýt công cộng.
Giờ tan tầm, người nhốn nháo, chen chúc nhau trên cái xe.
Hàng Du Ninh vẫn liên tục gọi cho Hứa Dã. Khi xe buýt vào khúc cua, cô va mạnh vào người bên cạnh.
"Xin lỗi! Xin lỗi!" Cô vội vàng xin lỗi.
Đó là một ông lão khoác áo mưa màu đen, chiếc mũ trùm che khuất khuôn mặt, chỉ nhớ mang máng rằng ông ta đã lên xe cùng lúc với cô.
Ông lão cười hiền lành: “Cô gái, cô vội thế, làm mất thứ gì hả?”
“Không... không phải...”
Giọng cô bỗng im bặt.
Ông ta đưa cho cô một cái túi nilon, bên trong có vật gì đó đang nhỏ máu từng giọt.
“Nhìn xem, có phải là cái này không?” Ông ta nói.
Một tia chớp xé ngang bầu trời, chiếu sáng đôi môi tím tái và nụ cười kỳ quái của ông ta.
Bên ngoài, mưa rào ào ào đổ xuống.
...
Hứa Dã vừa họp xong thì nhận được tin. Anh vội vàng gọi lại cho Hàng Du Ninh.
Không ai nghe máy, anh bắt đầu lo lắng.
Nhưng Hàng Du Ninh đang ở đài truyền hình, khu vực phồn hoa nhất thành phố. Dù có to gan đến mấy, kẻ xấu cũng không dám hành động ở đó.
Chắc do tín hiệu kém thôi.
Anh lái xe đến Tưởng Gia Lý.
Lúc này ở đó đã rối như mớ bòng bong.
Trương Thục Phân được mọi người vây quanh, khóc sướt mướt, không ngừng nói mình chỉ lơ là một giây, mà đứa trẻ đã đi đâu mất.
Hàng Kiến Thiết ôm đầu, ngồi xổm trên mặt đất, Từ Tuệ giữ bình tĩnh tìm kiếm khắp nơi, nhưng đôi môi run rẩy của cô ấy tiết lộ rằng cô ấy đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Cảnh sát và đội an ninh đã bắt đầu rà soát trên các tuyến đường lớn.
Hứa Dã hỏi: “Tình hình sao rồi? Có phát hiện phương tiện khả nghi nào không?”
“Tạm thời chưa phát hiện ra gì.”
“Có đối tượng nào khả nghi không?”
“Có bốn người, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra từng người: một là phụ nữ trung niên dẫn theo trẻ con, đã lên xe buýt đi về hướng thôn Nam Triều, đứa trẻ khóc liên tục mà bà ta không dỗ; người thứ hai là một ông lão mang vali lớn, đi về hướng thành phố; người thứ ba là đàn ông trung niên, bế một đứa trẻ đang ngủ say, bắt taxi đi Thiệu Hưng, và…”
Hứa Dã nói: “Dồn lực lượng tuần tra đường bộ, đặc biệt chú ý đến xe buýt và taxi.”
“Yêu cầu đội giao thông hỗ trợ kiểm tra, kiểm tra xong chiếc xe nào mới cho đi tiếp, đảm bảo hướng dẫn phân luồng giao thông ở các đoạn đường xung quanh.”
“Yêu cầu đội an ninh duy trì kiểm soát xung quanh khu vực kiểm tra xe, thiết lập đường cảnh báo, không được để người qua đường lại gần trong phạm vi năm mươi mét.”
Anh đang rối như tơ vò, gọi lại cho Hàng Du Ninh thêm một lần nữa.