Chương đến làng Nhất Vạn cùng Thiên Bình, Duệ, Uyển Như, Cự Lượng và Trương Lôi để gặp Phạm Tu sau khi một ngày họp và nghỉ ngơi. Bỉnh Di chờ đón bọn Chương từ cổng làng, một cái ôm, vài lời hỏi thăm và những nụ cười. Chương trở về ai cũng vui, chính xác hơn là mỗi người lại có niềm vui khác nhau.
Phạm Tu lùi lại ngắm Chương và rằng vị chủ tướng của Thiên Đức quân đã thay đổi sau thời gian ở Siêu Loại. Rắn rỏi, chững chạc với nước da bánh mật, vẻ thư sinh thì vẫn còn đó nhưng đã có nhiều nét phong trần của một người đàn ông ôm chí lớn.
Chương lấy Vạn Xuân giang sơn hoạ đồ trải lên bàn tre lớn tiện nói chuyện. Sau chuyến đi Siêu Loại, thời gian nghiền ngẫm của Chương nhiều, hiểu biết về cuộc sống của dân trong vùng cũng cải thiện đôi chút. Chương muốn Bỉnh Di bố trí người đến Tế Giang và cả La thành. Uyển Như hoặc Cả Lụa sẽ lo việc đưa đi, họ sẽ giả trang thành thuộc hạ đoàn buôn.
Trước đó Chương đã bàn với Cả Lụa và Uyển Như, mỗi khu vực họ nên xin phép để dựng một đầu mối thu mua nguyên liệu hoặc bán thành phẩm. Người ở đầu mối đó ngoài chức năng mua bán thông thường còn cần thu thập thông tin tình báo. Cả Lụa và Uyển Như đều nhất trí và cho rằng đây là ý kiến hay. Bỉnh Di sau khi nghe xong cũng hứa sẽ bố trí ít nhất hai người ở mỗi đầu mối mà bọn Uyển Như đặt.
-Quân số dưới quyền Lý An, tạm gọi là quân chính quy, có khoảng trên dưới một vạn. - Chương nói. - Và số binh lực dự bị ở các làng, các giáp vào khoảng một vạn rưỡi. Ba tháng họ được huấn luyện một lần sau đó trả về làm ruộng, đây là chính sách hay, chúng ta nên tìm hiểu kỹ càng và áp dụng trong vùng kiểm soát của chúng ta. Từ nay, người đủ 18 tuổi gọi là thành niên, dưới 18 tuổi là vị thành niên. Thành niên có thể được gọi vào trong quân hoặc bố trí bảo vệ an ninh tại thôn làng. Thiên Gia Bảo Hựu quân sẽ không đóng ở các làng nữa, chỉ giữ lại một người quản lý các binh lính dự bị.
Phạm Tu và các đầu lĩnh đều cho là phải. Chương nói tiếp:
-Trong thời gian tới đây, anh Di bố trí người kết hợp với Duệ để cho đi theo thuyền mua gom lông vịt, lông ngan, lông ngỗng khắp nơi nào có thể. Duệ và Uyển Như đã nắm rõ nên hai cô ấy sẽ nói riêng với anh. Thưa cả nhà, cháu đã trải qua mùa đông ở Vạn Xuân và thấy rằng cần chuẩn bị cho mùa đông này. Toàn bộ Thiên Đức quân và Thiên Gia Bảo Hựu sẽ phải có áo ấm. Điều này tốt vì có thể thời gian tới chúng ta sẽ tận dụng thời tiết để mưu việc lớn.
-Lông ngan, lông vịt có thể ủ ấm sao? - Phạm Tu thắc mắc.
-Thưa Tả Đô đốc, gà vịt vào mùa đông chỉ với bộ lông mà không chết rét, nếu ra gom thứ đó rồi bọc trong vải may thành áo khoác. Cháu đã vẽ mẫu rồi ạ, một mẫu gọi là áo trấn thủ tiện cho vận động chiến, một mẫu dài chấm đầu gối dùng khi hành quân. Vì làm từ lông động vật nên chúng rất nhẹ, chi phí thấp.
Duệ đem bản vẽ tay của Chương đặt lên bàn cho mọi người cùng xem, ai nấy đều đi từ ngạc nhiên đến vui mừng.
-Ngoài việc lo cho mùa đông từ bây giờ còn rất nhiều việc chúng ta phải làm ngay như lập thêm lò rèn, chọn ra người đóng chiến thuyền và huấn luyện binh sĩ thêm vài kỹ năng. Trước đây, quân sĩ chúng ta đi không để lại dấu vết, nay chúng ta dạy họ cách nấu nướng mà không có khói bếp.
-Hả? Sao nấu nướng lại không có khói được?
Duệ lại đưa ra một bản vẽ mô tả, Chương giải thích cặn kẽ, đặt tên là… bếp Hoàng Cầm. Bỉnh Di sẽ cho làm mẫu thử trong rừng và báo lại kết quả.
-Quân lương là một vấn đề nan giải, Lý An dùng binh thiên về tính cơ động. Chúng ta quân số không bằng phân nửa, đối đầu với đội quân đông hơn, nhanh hơn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đóng trại lâu sẽ phải tiếp lương, xưa nay quân tiếp lương là điểm yếu của mọi đội quân vì dễ bị phục kích. Trường hợp binh sĩ tự đem lương theo sẽ phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến tốc độ và khi cần di chuyển gấp sẽ tốn thời gian, để lại nhiều dấu vết. Cháu đã nghĩ ra cách để giải quyết triệt để vấn đề này.
-Thật sao? Cháu mau nói, ta thực muốn nghe.
-Cháu sẽ làm ra thứ cao lương gọi là lương khô BDN. - Chương cười, giải thích. - Lương khô sẽ được làm từ bột mì, bột ngô, bột gạo với trứng, đường, muối, sữa bò hoặc sữa dê. Thứ này sau khi nhào trộn, đóng khuôn đem nướng sẽ để được khoảng một tháng, trời lạnh có thể được hai tháng. Mỗi bữa ăn, binh sĩ chỉ cần một hoặc hai cái, uống thêm nước sạch là no. Khi ấy, nếu dừng chân chúng ta chỉ cần kiếm thêm rau dại để đảm bảo sức khoẻ.
-Nếu thực làm được thứ thức ăn giữ được hàng tháng trời, lại không phải nấu nướng thì… thật là ta đã hơn đối phương mấy phần lợi thế. - Phạm Tu gật gù. - Liệu ăn một cái có đủ no không?
-Thưa Tả Đô đốc, thức ăn này khi ăn xong mà uống nước sẽ nở ra. Cháu sẽ tính toán khẩu phần, thành phần sao cho đủ để đảm bảo binh sĩ sẽ không lo đói. Đóng quân dài ngày thì nấu nướng, hành quân thì gọn nhẹ, địch cũng không thể nhìn vào dấu vết bếp ăn mà đoán định số người.
-Ta thua! - Phạm Tu cười lớn. - Quả là lúc xưa chúng ta có đếm bếp ước lượng địch, nay cháu không có bếp thì rõ là bọn ta thua rồi.
Đoàn Thượng bước đến nắm lấy vai Chương, thấy cậu hơi nhăn mặt, Thiên Bình nói Chương bị thương nhẹ. Đoàn Thượng vỗ vai:
-Việc quân thì tao chịu mày rồi, còn việc riêng, mày tính bao giờ cho chúng tao uống rượu mừng? Đấy… mày xem ba cái con này, mắt chúng nó vẫn còn sưng, liệu mà lo nhé.
Chương nhăn nhó cười, vội đổi chủ đề:
-Trọng binh của Lý An trang bị giáp sắt phía trước. Chúng ta hiện nay chưa có là bao. Sắp tới cần phải tập trung trang bị giáp nhẹ, đủ để chống tên bắn và kiếm chém. Hiện nay đao kiếm chúng ta dùng hãy còn chưa cứng, giao chiến dễ bị gãy, sức đâm xuyên còn kém. Cháu sẽ họp toàn bộ thợ rèn để nói chuyện. Chúng ta mở thêm xưởng đúc, xưởng đóng tàu thuyền và xưởng may. Nhân lực may là nữ, huy động từ ba làng Vạn mới và ba làng Duệ, Nguyện và Lâm. May y phục cho quân, ưu tiên màu tối và màu xanh sậm, tránh màu sáng.
-Cậu đi Siêu Loại chưa đầy ba tháng mà xem ra có nhiều ý tưởng hơn cả năm qua cộng lại. Có phải vì xa ba cô này nên cậu rảnh rỗi nên làm được nhiều việc không? - Bỉnh Di hỏi, mắt hấp háy. - Tết này ta thành thân rồi, ta thành chồng người ta.
-Em có nghe nói anh sẽ cưới chị Ngọc, Thiên Đức quân chờ đầu heo của anh.
Bỉnh Di cười toe toét:
-Cậu mát tay thật. Ta cũng nghe bảo cô Duyên có ý với cậu Miêu con ông Cả Lụa.
-Em đã đồng ý, chỉ chờ ông Cả Lụa gật đầu.
-Thế còn cậu? Chả nhẽ lắm mối tối nằm không?
Chương quay lại nhìn ba cô tiên nữ mắt vẫn còn mọng đỏ, cô nào cô ấy hai má ửng hồng cúi đầu lảng tránh cái nhìn của Chương. Sau thời gian xa cách, Chương nhận ra tình cảm dành cho ba người này vì bao đêm nhớ nhung hình bóng. Họ theo cậu bấy lâu, chẳng tiếc cậu điều gì cũng cần cho họ một danh phận. Bây giờ về, có ba cô bên cạnh, Chương cảm thấy bình yên đến lạ.
-Em bây giờ vẫn chưa có cơ ngơi, chuyện thành thân là đại sự đời người. Lấy vợ mà không lo được thứ tốt nhất cho người mình yêu thương thật là không đáng. - Chương nói với Bỉnh Di và mọi người có mặt. - Siêu Loại là vùng đất rộng, bằng phẳng, đấy sẽ là sính lễ. Chả biết Tả Đô đốc thấy vậy có được không ạ?
-Hử? Một Siêu Loại mà những ba cô làm vợ? - Phạm Tu cười. - Ta thấy không phải. Cháu biết tính toán thì tính cho kỹ chứ. Ba cô này không thể chỉ muốn Siêu Loại. Phải hỏi xem ý ba người ra sao nhỉ? Duệ? Cháu thấy Siêu Loại có đủ làm sính lễ để ta gả cháu không nào?
-Thưa Tả Đô đốc, cháu chỉ cần… cần được… được ở cùng chủ tướng. Cháu không đòi hỏi sính lễ gì.
-Ầy! Từ bao giờ con gái làng Vạn lại thế chứ? Thế còn hai cô kia?
-Cháu muốn La thành làm sính lễ!
Uyển Như đáp khiến Phạm Tu có phần bất ngờ nhưng ông cho là phải vì Uyển Như đến từ kinh thành.
-Vậy Siêu Loại cho chị Duệ, kinh thành cho chị Uyển Như còn cháu…
Thiên Bình hít một hơi thật sâu mới nói tiếp, giọng kiên quyết:
-Cái gì của anh Chương cũng là của cháu, anh ấy cho ai phần nào thì phần còn lại của cháu hết! Anh ấy không chiếm được cái gì thì cháu cũng theo.
Uyển Như và Duệ cũng nói:
-Chúng cháu không cần sính lễ, mong Tả Đô đốc làm chủ.
Phạm Tu quay sang nhìn Đoàn Thượng và Triệu Quang Phục rồi cùng cười phá lên. Phạm Tu đến bên Chương an ủi:
-Thôi cố nhé, số đào hoa phải chịu cháu ạ. Đất Vạn Xuân này rộng thế, có sức thì lấy hết Vạn Xuân làm sính lễ cho các cô gái cũng tốt. Làm vua thì bao nhiêu cung tần mỹ nữ chẳng được.
-Ây… làm chủ tướng đã mệt thế này làm vua sẽ yểu mệnh, thưa Tả Đô đốc.
-Vậy chúng ta cứ như kế hoạch đã bàn, chiếm Siêu Loại làm chỗ đứng chân. Thiên Gia Bảo Hựu luôn là hậu thuẫn của cháu, còn trẻ cứ bay cứ nhảy đi. Muốn làm vua hay vương sau này mới biết nhưng cháu đủ khả năng đứng trên vạn người. Tài năng đến đâu chưa biết nhưng làng Vạn này đàn ông mới lấy được đến hai vợ, cháu có những ba là ta đây cũng phục rồi.
Như thế, dù chưa có ước định, chưa có lời chính thức nào được nói ra nhưng mọi người đã mặc nhiên coi bọn Thiên Bình, Duệ và Uyển Như chắc như đinh đóng cột sẽ cùng là hôn thê của chủ tướng Thiên Đức.
Chương cho dựng hai xưởng may vá lớn. Cả Lụa đưa hai chục người đến phụ giúp lúc ban đầu. Ngọc cũng đem ra hai mươi người. Bốn mươi người hợp thành trụ cột của hai xưởng may mặc. Hơn nghìn phụ nữ tuyển từ sáu làng bắt đầu được đào tạo ngắn hạn.
Theo sắp xếp, xưởng ở gần mấy làng Vạn may áo khoác dài chấm đầu gối. Xưởng gần quân doanh Thiên Đức may áo trấn thủ. Lông ngan, lông ngỗng, lông vịt được Cả Lụa chở đến hàng thuyền, Uyển Như thì chở người của Bỉnh Di đi thu mua các nơi. Thứ bỏ đi nên mua chẳng đáng bao nhiêu, chỉ tốn công phân loại và rửa sạch. Thái Hương và Trúc huy động trẻ con trong ba làng mới giúp việc rửa lông và phân loại nên người lớn đỡ được phần nào công việc.
Uyển Như đưa về một tốp thợ hơn hai chục người, cô nói chính tay cha cô, Lâm Chí Hoà, tuyển chọn. Tiền công cho tốp thợ này Lâm Chí Hoà đã trả trước một năm nên Chương không phải bận tâm.
Chương gọi Yết Kiêu và thêm mấy người thợ rèn đã từng làm vòng bi trang bị cho xe kéo đến cùng bàn bạc trong mấy ngày. Chương muốn chế mẫu thuyền tên là Mông Đồng với mười sáu trạo phu, chở được hai mươi binh sỹ, có thể đổi nhau để chèo. Thuyền Mông Đồng có mũi cong phía trước và sau. Mũi thuyền đủ không gian đặt nỏ Liên Châu loại lớn. Thuyền có mái che bằng gỗ hơi vát, khi cần có thể gá phên tre, rơm trộn bùn để chống hoả tiễn, cung tiễn. Trường hợp giáp chiến, binh sĩ có thể đứng trên nóc thuyền, những tấm phên tre sẽ thả xuống hai mạn che chắn cung tiễn.
-Thưa chủ tướng, nếu chỉ có mười sáu trạo phu, sợ rằng thuyền sẽ khó linh hoạt, di chuyển chậm.
Chương chỉ vào bản vẽ trên bàn, nói:
-Các ông xem, phần đuôi thuyền ta có vẽ phần mái nhô cao hơn khoảng ba mươi phân. Đây… các ông thấy cái bánh xe này chứ? Ta cứ gọi là chân vịt cũng được. Ta cần bốn người xếp hai hàng, họ sẽ dùng chân để đạp. Bánh xe này quay chắc chẳn sẽ giúp thuyền đi nhanh hơn. Ta dự tính là vậy, nếu nó thực nhanh thì các thuyền lớn sẽ tằn thêm người đạp, lắp thêm hai bánh ở mạn thay vì trạo phu chèo bằng tay. Ta không có nhiều hiểu biết về thuyền song ta tin rằng lực chân sẽ khoẻ hơn lực tay. Có điều, một bánh lắp sau sẽ chỉ giúp thuyền đi thẳng, khi ấy các trạo phu vẫn phải lo điều hướng.
-Chủ tướng, ngài nói không hiểu về thuyền mà ngài vẽ ra được thứ này, lại còn chế thêm bánh xe, thực hư ra sao cần làm mới biết nhưng lão phu thấy chủ tướng khiêm tốn quá rồi.
Chương gãi đầu cười:
-Bánh xe này có thể làm hai cái song song ở phần đuôi, các bác thợ rèn sẽ làm ổ bi và các bánh răng bằng kim loại để đạp sẽ nhẹ. Dây đai… đây… để nối giữa các bánh răng lớn đến nhỏ sẽ dùng da động vật và các loại dây rừng. Thuyền phải trang bị rìu sắt ở những nơi này, trường hợp rời thuyền, bỏ thuyền… thì binh sĩ phải phá bỏ những bộ phận bí mật như bánh răng truyền động, nỏ Liên Châu. Yết Kiêu, anh hiểu ý ta chứ?
-Thưa chủ tướng, Yết Kiêu đã hiểu.
-Anh và những người của anh phải làm cùng các bác thợ rèn và các bác đây từ đầu để hiểu cách làm, sau có hỏng hóc nơi chiến trường thì tự sửa được.
-Thưa, rõ!
-Tiếp theo là thuyền pháo! Thuyền này thân rộng, cần chuyên chở bốn khẩu pháo, mỗi khẩu năm mươi viên đạn, mỗi viên nặng chừng hơn hai cân. Quây quanh nơi đặt pháo phải quây ván gỗ, bên trên có nắp đậy mở ra mở vào được, càng nhẹ càng tốt, chủ yếu để đảm bảo bí mật. Thuyền pháo sẽ dùng bốn bánh xe, mỗi mạn hai bánh, ai cũng có thể đạp chứ không dùng trạo phu. Bạch Hổ sẽ trao đổi với cậu về tính năng pháo nhưng ta nói trước, pháo là sinh mạng của quân, để chúng rơi vào tay địch thì anh biết hậu quả rồi. Mỗi pháo có hai rìu, rút thì phá sạch các phần quan trọng.
Những thợ đóng thuyền nghe không hiểu pháo mà Chương nói là gì, chỉ biết đó là bí mật trong quân Thiên Đức. Trước mắt, họ cần đóng hai nguyên mẫu.
Bọn Trương Lôi đưa năm trăm quân lên rừng xẻ gỗ. Chương dặn Cự Lượng:
-Cắt cử quân sĩ bảo vệ bến thuyền, trang bị năm mươi nỏ Liên Châu, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Anh cho hạ tre quây lại chung quanh, kín ít nào hay ít đó.
Chương cùng Thiên Bình, Uyển Như đi gặp Bùi Thị Xuân bàn bạc về cách làm nỏ Liên Châu cỡ lớn. Những vật liệu nào cần mà khó mua, Uyển Như sẽ đảm nhận đi mua. Nhờ sự giúp sức của Lâm Chí Hoà, những nguyên vật liệu cần thiết mà Chương yêu cầu đều được đem đến với số lượng lớn.
Nỏ Liên Châu cỡ nhỏ đã được trang bị cho toàn bộ nữ binh của Xuân và Thiên Bình. Cự Lượng cũng được cấp một trăm bộ, bảo quản nghiêm ngặt. Xuân đã cải tiến thêm, giúp tầm sát thương hiệu quả của nỏ Liên Châu đạt đến mười trượng.
Chương gặp Bạch Hổ, xem xét lại pháo đá cải tiến với bốn bánh xe. Trọng pháo bắn đá, gạch, cầu chông và pháo hạng nhẹ di chuyển lẫn trong quân, tám người cho đòn vào khiêng khi cần. Tầm bắn hiệu quả dao động từ một trăm đến một trăm hai mươi trượng. Hổ đã cho làm được tám mươi pháo hạng nhẹ trong ba tháng.
-Cậu cần làm thêm một dạng pháo bắn ngang áp chế kỵ binh, bộ binh khi họ tràn lên. Bộ binh Siêu Loại có giáp sắt trước bụng, tiễn sẽ giảm hiệu quả nên chúng ta đặt ở tiền quân những pháo bắn ngang.
-Bắn ngang bằng cách nào? Thưa chủ tướng?
-Vẫn nguyên lý đòn bẩy, cần bắn bằng tre cũng được, đạn là cầu gai. Đây… - Chương kéo Hổ ngồi xuống vẽ lên mặt đất. - Cần hai cột song song, đòn bẩy gắn một bên, cậu muốn bắn hướng trái hay phải thì xoay cột thôi.
-Ồ! Thật đơn giản.
-Bởi vậy cần làm dăm chục cái, dùng xong huỷ luôn cũng được, mỗi pháo này, gọi là Sảo pháo, bắn được dăm quả là vứt. Chỉ lấy lại dây đem về dùng tiếp. Sau này chuyển quân các cậu cũng dễ dàng chế.
-Chủ tướng, ngài vắng nhà vài tháng mà trở về đem theo bao nhiêu đổi mới.
-Cậu nhớ nhé, ta muốn khi nhắc uy danh Phạm Bạch Hổ là gà bay chó chạy, trẻ con im khóc, địch quân hồn vía lên mây.
-Rõ!
Lý Lệnh công sai sứ yêu cầu Thiên Gia Bảo Hựu xuất trăm hộc ngũ cốc cứu đói, Phạm Tu lấy lý do mất mùa không đủ. Chương đã báo trước, lương thực bên Lý Lệnh công không thiếu, đây chỉ là cái cớ để động binh mà thôi.
Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.