Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 340: Áo rộng sẽ vừa




Thượng tuần tháng 10, Yết Kiêu đề đạt nạo vét sông Thiên Đức đoạn từ làng Long Ngô Động đến ngã ba hợp lưu với sông Nhật Đức hòng thuận tiện cho chiến thuyền qua lại. Quân dân huyện Vũ Ninh, Thiên Đức và Thuận Thiên được huy động. Cụ Vũ Miên tuy tuổi cao nhưng vẫn đứng ra kêu gọi và chỉ huy việc nạo vét. Lòng sông nạo vét đến đâu, Chương cho đắp đê bằng bê tông, làm đường đến đó.
Nhờ cụ Vũ Miên và các bậc cao niên góp ý, Chương chọn những đoạn sông hẹp làm cầu phao qua sông. Cầu có thể là những bè tre lớn nối với nhau hoặc vài chục thuyền nhỏ xếp thành hàng, lót ván gỗ làm đường, thành cầu bằng tre đực. Đặc điểm chung của những cầu dạng này là dễ làm, dễ tháo, dễ di chuyển khi có thuyền bè lớn nhỏ đi qua. Nhờ có hàng trăm chiếc cầu phao thô sơ bắc qua các con sông lớn như Thiên Đức, Văn Giang, Dâu, Kinh Sư, Kinh Môn, Nghĩa Trụ… mà dân chúng trong vùng đi lại thuận lợi hơn, việc giao thương nội vùng nhờ đó được thúc đẩy.
Thực tế, tại các huyện mới, ngay sau khi ổn định tình hình, hệ thống giao thông thuỷ bộ luôn được chú trọng. Dân ở đâu làm đường ở đó, dần dà khoán cho từng địa phương, đến tận xã. Đường làm xong báo lên Ty Giao thông đến nghiệm thu, nếu đạt, Ty Giao thông báo cáo cho văn phòng giúp việc của Vạn Thắng vương. Ty Tài chính sẽ lập tức chi trả cho dân làng đó tiền, vàng hoặc lương thực tuỳ chọn. Hoặc dân làng xã làm đường cái xong, đề đạt nguyện vọng miễn thuế, cách này dễ dàng và nhanh nhất, thường được các nơi áp dụng. Bởi vậy, tốc độ phát triển đường bộ liên xã, liên huyện nhanh đến chóng mặt.
Những Lê Văn Thịnh, Ngô Miên Thiệu, Trịnh Hoài Thượng, Vũ Trinh… hiểu lợi ích của việc làm đường nên ra sức đốc thúc. Những nhân sĩ khi làm đường, đều để tâm làm cầu đường bộ với lời dặn riêng của Chương:
-Cầu bắc ngang mương máng thuỷ lợi phải nạo vét cho sâu lòng mương, những cầu ở nơi hiểm yếu phải dài ít nhất 5 trượng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.