Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 630: Ngã ba sông Càn




Chương 630: Ngã ba sông Càn
Nắm được ý đồ rút quân Lê Cát Bảo về ứng cứu hậu phương trọng yếu, sau khi họp bàn, bọn Cao Lịch thống nhất để Lăng Nhất Trụ dẫn Tiểu đoàn 167, 168 Thủy Đường cấp tốc băng rừng tiếp ứng cho Tiểu đoàn 169 đang ở bãi Yên Mạc. Và như vậy, cuộc chiến ở ngã ba Thần Phù (giao nhau giữa sông Càn, sông Nga Sơn và cửa Thần Phù) về cơ bản sẽ là cuộc đấu pháo giữa một bên là Cao Lịch, Lan Ngư phủ, bên còn lại là Lã Quốc Tuấn và Lê Xuân Vinh. Trong cuộc chiến này, Lữ đoàn Thiết Giáp Thiên Đức của Ngô Kình Ngư xem như không phát huy tác dụng dù có mặt ở trận tiền.
Cao Lịch và Lan Ngư phủ cùng chung nhận định, muốn chiếm được ngã ba Thần Phù phải vô hiệu hoá được những Cự thạch pháo của Lê Xuân Vinh, Lã Quốc Tuấn đặt trên các ụ đất, gò cao và vách đá. Và cách duy nhất có hiệu quả là dùng hoả công kết hợp hoả đạn. Bên cạnh đó, các chiến thuyền của Nguyễn Văn Tài án ngữ chếch về mé cửa Thần Phù bên cánh hữu nhằm cản lối thủy quân Thiên Đức, khả năng muốn đồng quy vu tận, chấp nhận mưa đá trút xuống đầu. Nếu Cao Lịch và Lan Ngư phủ muốn tràn qua số chiến thuyền neo trên sông sẽ chịu thiệt hại đáng kể, đó không phải cách lựa chọn của Cao Lịch.
Bên phía Nguyễn Văn Tài quả thật quyết tâm cản lối Cao Lịch. Ngoài số chiến thuyền ít ỏi, Nguyễn Văn Tài bày trận hoả công trên sông vì thuận dòng nước chảy từ cửa Thần Phù vào sông Càn. Trận hoả công của Nguyễn Văn Tài chẳng lấy gì làm lạ, chính là hàng trăm bè tre, bè chuối chất cỏ khô, rơm rạ, vải vụn tẩm dầu. Các bè buộc dây chão với nhau hệt như cách Thiên Đức quân cản lối quân Đại Vũ trên dòng Hát Giang dạo nọ.
Cao Lịch sai quân hầu tìm những ngư phủ thường chài lưới trên quãng ngã ba sông Càn nhằm tìm hiểu dòng chảy, độ nông sâu của từng quãng sông. Thông tin không có nhiều nhưng bọn Cao Lịch chú tâm đến một điều, ấy là thủy triều rút thì nước sông từ thượng lưu đổ về nhanh và ngược lại, lúc bình minh lúc thủy triều lên, khu ngã ba sông có nhiều xoáy nước và dòng chảy từ cửa Thần Phù xuống chậm, con nước dâng cao.
Lan Ngư phủ đã nắm được cơ bản các vị trí, ước lượng được tầm bắn của Cự thạch pháo Trường Châu. Bởi thế, Cao Lịch quyết định sẽ tận dụng tầm xa của thần công bắn thẳng chế áp các vị trí đặt Cự thạch pháo. Đồng thời kết hợp với Cự thạch pháo trên chiến thuyền Thiên Đức bắn hoả đạn. Đội hình chiến thuyền giữ khoảng cách với nhau khoảng 30 trượng, khi vào tầm bắn hiệu quả của Cự thạch pháo đối phương, chiến thuyền hạng nhẹ di chuyển hình chữ “Chi” nhằm hạn chế t·hương v·ong, có thể rẽ trái vào sông Nga Điền nhằm đánh lạc hướng. Song song với đó, Cao Lịch mượn 200 quân thiết giáp trang bị hoả khí gồm hoả hổ cầm tay và lựu đạn nổ phối hợp cùng 100 quân thủy lên bờ nghi binh bên tả ngạn sông Càn, bên phải hướng t·ấn c·ông, nhằm phân tán sự chú ý của quân thủy lẫn quân pháo ở ngã ba Càn.
Trăng khuya đầy đặn toả thứ ánh sáng màu vàng nhàn nhạt lên vạn vật, gió lạnh thổi từ phía sông Càn từng cơn lạnh buốt. Ba trăm tráng sĩ, tương đương 3 đại đội chiến đấu, miệng ngậm tăm lẩn khuất dưới những tán cây rậm rạp, trực chỉ hướng Đông Bắc. Đội binh đi từ lúc trăng lên đến quãng giữa giờ Sửu thì tách thành 3 nhóm rẽ theo ba hướng khác nhau.
Cao Lịch, Lan Ngư phủ đặt lên nóc các chiến thuyền những tấm phên lớn bằng tre hệt như mái tranh, cứ một tấm phên lại một lớp rơm bện, tổng cộng có 3 lớp nhằm giảm uy lực của những viên đạn đá khi chúng rơi trúng mái thuyền, hạn chế t·hương v·ong.
Tiểu đoàn Thần Sấm lĩnh nhiệm vụ tiên phong thực hiện cái gọi là “Kế hoạch chịu đấm ăn xôi”. Chiến thuyền chia tả hữu, di chuyển so le, giữ khoảng cách nhất định. Trên mũi các chiến thuyền đều đặt một khẩu thần công cỡ nòng 80mm có tầm bắn hiệu quả hơn 1 dặm sẵn sàng khai hoả.
Nước triều dâng vào lúc mặt trời mọc đằng Tây, dòng chảy sông Càn thay đổi, các trảo phu ra sức đạp guồng, chiến thuyền Thiên Đức lướt nhanh trên sông nước mênh mông trong buổi tinh sương, tiến về ngã ba sông Càn. Bấy giờ các khẩu Cự thạch pháo đặt hai bên bờ sông Càn, dài đến 3 dặm án ngữ lối vào ngã ba sông dưới quyền chỉ huy của Lã Quốc Tuấn tiếp đón Lan Ngư phủ bằng cơn mưa đạn. Mặt sông buổi sớm xuất hiện những cột nước tung bọt trắng xoá, cao đến 6, 7 thước.
Tiếng chiêng, tiếng trống trận, tiếng tù và, âm thanh của nước vỗ mạn thuyền… tất cả trộn lại tạo thành thứ thanh âm khó tả. Người trên bờ quyết nhấn chìm những con thuyền đang lao vun v·út trên sông. Kẻ dưới thuyền gò lưng, mắm môi mắm lợi đạp guồng theo hiệu lệnh của chỉ huy. Thuyền chiến cứ lao thẳng về phía trước, bỏ lại hàng chục cột nước ở phía sau. Lã Quốc Tuấn nhận ra Cự thạch pháo ít phát huy tác dụng khi bắn mục tiêu di chuyển nhanh bèn sai quân hầu phất cờ truyền lệnh cho quân pháo gần ngã ba sông bắn đón, trút đạn xuống một khúc sông cản lối, tạo một bức tường thành bằng nước trắng xoá, quyết nhấn chìm đối phương.
Trên sông, dăm bảy quả pháo hiệu phát sáng trên cao kèm t·iếng n·ổ nho nhỏ. Tiếp đó, những âm thanh đì đùng của pháo hiệu, lựu đạn nổ do ba toán quân thiết giáp tạo ra, có xu hướng xuôi về bãi Yên Mạc ở phía Bắc.
Chiến thuyền tiên phong của Tiểu đoàn Thần Sấm trúng hai quả đạn đá to bằng quả dừa tươi nhưng vượt qua được cơn mưa đạn của Lã Quốc Tuấn. Chiến thuyền thứ hai bên phải đội hình bị trúng hàng chục quả đạn khựng lại giữa dòng. Binh sĩ trên thuyền b·ị t·hương nhẹ, vội đẩy thần công chìm xuống sông. Các thuyền đi sau lần lượt vượt qua, thuyền đi sau cùng vớt những binh sĩ đang bấu víu vào con thuyền nửa nổi nửa chìm.
Lúc chiến thuyền tiên phong của Lan Ngư phủ vừa vượt cơn mưa đá, một toán quân thiết giáp gần bảy mươi người tổ chức thành ba mũi, dùng lựu đạn đánh tập hậu vài khẩu pháo đá ven sông. Nhiều pháo thủ nghe t·iếng n·ổ ở sau lưng mỗi lúc một gần, nghĩ quân Thiên Đức đánh úp thì chỉ còn nước nhảy xuống sông nên bị phân tâm. Các bộ tướng của Lã Quốc Tuấn phải luôn miệng thét gào khản cổ, lệnh chém ngang lưng kẻ nào bỏ vị trí. Bởi pháo thủ bên bờ tả ngạn sông Càn gần ngã ba sông nhấp nhổm, phần lớn các chiến thuyền Thiên Đức bên phải đội hình t·ấn c·ông hư hại không đáng kể.
Lan Ngư phủ mất 1 thuyền, Cao Lịch ở trung quân mất 1 thuyền, Đàm Thuận Hy ở hậu quân mất 2 thuyền, tất cả đều bị hư hại nặng, buộc phải đánh chìm, lăn thần công xuống sông. Việc trục vớt các khẩu thần công dưới sông sau này sẽ do chính đơn vị đánh đắm đảm nhiệm. Ngoài 4 thuyền bị chìm, 5 chiếc bị hư hại toàn bộ phần mái che đạn, vài chiếc khác hư hỏng nhẹ thì Trung đoàn Thần Ngư mất hai chục binh sĩ, hơn ba mươi b·ị t·hương, xem ra chịu đấm cũng không quá đau khi vượt qua được bức tường nước trắng xoá.
Lã Quốc Tuấn gấp rút di chuyển các khẩu pháo về ngã sông ngay khi các chiến thuyền Thiên Đức đang băng băng về phía trước. Trong quá trình khiêng Cự thạch pháo bên bờ tả ngạn, Lã Quốc Tuấn bị mất 11 khẩu, vài mươi binh sĩ tranh thủ tình thế chạy trốn. Toán quân thiết giáp gần ngã ba sông tiếp tục gây nhiều khó khăn cho Lã Quốc Tuấn, phần lớn đội pháo thủ bên bờ tả ngạn sau khi bị chiến thuyền Thiên Đức bỏ lại vì những lí do khác nhau mà bỏ dở cuộc chiến.
Tại ngã ba Càn, Lan Ngư phủ hướng các khẩu thần công trên chiến thuyền bắn trả những loạt đạn đá thi nhau rơi xuống mặt sông. Trong khi đó Cao Lịch dẫn trung quân ngoặt sang phải, nhắm hướng cửa Thần Phù tiến quân, xông thẳng vào bãi bè tre, chuối giăng ngang. Bấy giờ Nguyễn Văn Tài sai quân đứng trên thuyền cùng số pháo đá hai bên bờ sông bắn tràn xuống. Cao Lịch giơ đầu chịu trận, dùng thần công đáp trả Nguyễn Văn Tài.
Các bè giăng trên sông nối với nhau bằng dây chão, chẳng thể quăng câu liêm, móc sắt hay nhảy xuống cắt từng đoạn trong khi những cột nước vẫn không ngừng xuất hiện. Cao Lịch sai quân ném móc sắt, dùng mấy chiến thuyền ra sức kéo đám bè để mở đường tiến, nhất thời chưa thành công do đầu các dây chão buộc vào các cọc đóng ven bờ sông. May thay, đơn vị nghi binh gồm trăm người vừa đến kịp, chia thành ba mũi, lập tức t·ấn c·ông các khẩu pháo đá bên bờ tả ngạn cửa Thần Phù bằng hoả khí. Nhờ vậy những loạt đạn bên bờ tả ngạn thưa dần. Cao Lịch dùng thần công bên mạn phải bắn ngược lên bờ chi viện cho toán quân nghi binh đang tập hậu.
Một khinh thuyền Thiên Đức lao nhanh vào gần bờ tả ngạn, dùng móc sắt, kéo sắt… cắt được một số dây chão chằng buộc đám bè trước khi b·ị b·ắn chìm. Đổi lại, các bè tre, bè chuối xô lệch, sức nước chảy từ thượng nguồn cộng với sức kéo của thuyền chiến nhổ bật thêm vài cây cọc gỗ ven sông khiến các bè đang cháy trôi dạt sang bờ hữu ngạn, đường tiến quân của Cao Lịch bỗng thênh thang.
Nguyễn Văn Tài đổ thủy quân vào giáp chiến, Cao Lịch lệnh thuyền lùi lại một quãng xa, hợp với tiền quân và hậu quân tập trung hoả lực mạnh quyết đánh tan vài mươi khinh thuyền của Nguyễn Văn Tài trước khi chúng kịp lẫn vào đội hình Thần Ngư. Nguyễn Văn Tài t·ử t·rận do thuyền trúng đạn thần công, quân vỡ, chèo dạt sang bờ hữu ngạn, bỏ thuyền lên bờ trốn chạy hết lượt. Phá được Nguyễn Văn Tài, Cao Lịch chìm mất vài thuyền, thiệt hại đến hơn hai trăm binh sĩ.
Lã Quốc Tuấn kéo quân pháo đến nơi lúc thế trận đã tàn, thấy Ngô Kình Ngư chiếm được trại bỏ không bên bờ hữu ngạn sông Càn gần ngã ba sông, đang tìm đường vượt sang. Lại bị mấy toán quân Thiên Đức bám đuổi sau lưng, sợ rằng ba mặt giáp công nên Lã Quốc Tuấn bỏ lại pháo, quân tướng tản ra tìm đường về Trường Châu.
Lê Xuân Vinh thiệt hại không đáng kể, không cầm chân được quân Thần Ngư, cũng lại lo bọn Cao Lịch đổ quân lên bờ hữu ngạn cửa Thần Phù vòng ra sau lưng đánh tập hậu đành phá bỏ thần công, chia nhỏ quân tìm đường về sông Bến Đang đánh bọn Lý Kế Nguyên.
Bấy giờ đã qua ngày rằm.
Trung đoàn Thiên Đức (tức Trung đoàn 1, Sư đoàn 1, Quân đoàn 1) gồm ba tiểu đoàn thiện chiến: Thiên Đức, Long Ngô Động và Tam Vạn dưới quyền chỉ huy của Lý Công Thành, Trần Nguyên Hãn và Hoàng Văn Thái (nguyên E phó Trung đoàn Thuận Thành) từ phương Nam đã hành quân bộ qua ải Cửu Chân Quan tiếp ứng cho bọn Lý Kế Nguyên. Đi cùng với Trung đoàn Thiên Đức còn có vài trăm tráng đinh thuộc tộc người phương Nam làm nhiệm vụ dọn chiến trường, thu chiến lợi phẩm… Sau khi để lại Tiểu đoàn Tam Vạn phối hợp với một đơn vị địa phương giữ ải, hai tiểu đoàn chủ lực còn lại tiếp tục tiến về phía Bắc chi viện cho Lý Kế Nguyên. Tàn quân của Lê Xuân Vinh từ ngã ba Càn chạy về Tây Sơn hay tin Trung đoàn Thiên Đức ở trước mặt liền tản ra thêm lần nữa, số về Tam Cốc hội quân chẳng đáng là bao khiến Lê Xuân Vinh hao hụt lực lượng.
Hạ tuần tháng Giêng, Thiên Đức năm thứ 34, phía Nam đất Trường Châu nóng dần lên. Ba quân Trường Châu tập trung phòng thủ tại đất Tam Cốc nằm bên bờ tả ngạn sông Bến Đang. Trong khi đó, những đội quân thủy, bộ… của các tướng như Lê Xuân Vinh, Lê Cát Bảo, Lã Quốc Tuấn, Trịnh Khang, Lưu Kiền… đóng rải rác trên đất Tây Sơn và Bắc Sơn (gần sông Bến Đang) ngày đêm t·ấn c·ông quấy phá sau lưng Lý Kế Nguyên và Lý Công Thành đóng quân gần bờ hữu ngạn dòng Bến Đang hiền hoà.
Lê Cát Bảo không đụng trận với bọn Lý Kế Nguyên. Thay vào đó, Lê Cát Bảo chở quân Trường Châu từ bờ Bắc sang bờ Nam, quyết diệt gọn đối phương. Lý Kế Nguyên, Lý Công Thành bị vây ép mặt trước và sườn phải. Bên sườn trái núi đồi hiểm trở không đáng ngại, đường lui chưa bị chặn nên không tính là bị vây bốn mặt. Song có thể nói, Lý Kế Nguyên và Lý Công Thành như ngọn đèn khuya thu hút những con thiêu thân. Từ dòng Bến Đang về thủ phủ Trường Châu chẳng tính là xa, buộc Ngô Thiên Sách phải huy động lực lượng, bằng mọi giá đẩy lui Lý Kế Nguyên, Lý Công Thành ra khỏi hữu ngạn Bến Đang đến tận chân ải Cửu Chân Quan.
Trong khi chiến trường phía Nam xứ Trường Châu sôi động thì Ninh Gia Viễn trấn giữ động Thung Lau ở phía Bắc vẫn cố thủ không ra đánh, mặc bọn Trương Văn Long ngày đêm khiêu chiến. Tại mặt trận phía Tây, bọn Nghiêm Phúc Lý, Hoàng Văn Thái, Linh Thông Thuận, Đoàn Liêm Duy… sau khi làm chủ đất Ý Yên vẫn án binh bất động. Đinh Sài Bơi và Nguyễn Lặc lợi dụng đêm tối, vài lần đem quân vượt dòng Sinh Quyết tổ chức đánh du kích vào Cao Bồ, Vạn Điểm, núi Ngô… hòng gây hoang mang cho quân Thiên Đức. Đinh Sài Bơi nhận được sự giúp sức của dân bản địa, tiến thoái thuận lợi khiến Đoàn Liêm Duy ở Cao Bồ, Hoàng Văn Thái ở Vạn Điểm gặp nhiều khó khăn khi đóng giữ.
Nghiêm Phúc Lý bàn với Hoàng Văn Thái, Đoàn Liêm Duy, Linh Thông Thuận, Phạm Thu Cúc, Trương Lôi… sau cùng cả bọn đồng tình với ý kiến của mấy mưu sĩ, nhất thiết phải “g·iết gà doạ khỉ” bởi lòng dân Ý Yên hướng về Ngô Thiên Sách nên sẵn sàng che giấu, chỉ đường, tiếp lương thảo cho Đinh Sài Bơi, Nguyễn Lặc quấy phá ngày đêm. Nếu không giải quyết tận gốc, sơ sểnh đại quân Trường Châu đánh sang, hợp với các toán quấy phá sẽ khiến Nghiêm Phúc Lý nguy tứ bề.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.