Giữa mùa hè.
Buổi chiều đã qua, ánh mặt trời đỏ quạch dần mệt mỏi khuất bóng khỏi dãy núi.
Thôn Thanh Thủy không quá lớn, tựa núi kề sông, có một con sông trong vắt chảy dọc theo thôn, bên bờ sông mọc đầy cây gai cho quả, kết trái chua ngọt. Lũ trẻ hái trái gai, gỡ lớp gai mềm bên ngoài rồi dùng miệng cắn cho vỏ tách ra, sau đó moi sạch hạt bên trong. Ăn nhiều quá, tối đến răng ê ẩm, đến đậu hũ cũng cắn không nổi. Mùa hè, trẻ con vừa hái trái gai vừa lội nước, lật đá bắt cua, mải mê chơi suốt cả buổi chiều.
Nhà cậu của Tưởng Sương ở ngay hạ lưu con sông này.
Năm tám tuổi, cha mẹ qua đời, cô bị gửi đến nhà bác, chưa đầy một năm thì được cậu đón về nuôi, đến giờ đã mười bảy tuổi, hiện đang học lớp mười một.
Sáng nay mợ hái đậu đũa ngoài ruộng về, lựa sạch rồi rửa, trụng sơ, sau đó đem phơi trên mẹt tre. Tưởng Sương nhặt một miếng đậu khô thấy đã gần được bèn gom vào túi, cột chặt xong thì cất vào tủ bếp.
Vừa xong việc, cô nghe mợ gọi mình ra trông tiệm tạp hóa một lát.
Tiệm tạp hóa này hai năm trước cậu mợ vay mượn khắp nơi mới mở được. Tất thảy chỉ rộng có vài mét vuông, sau khi bày hàng hóa lên thì bên trong hầu như không còn chỗ trống, hai người đứng thôi cũng chật chội. Đồ bán không nhiều, chủ yếu là dầu muối tương dấm, giấy vệ sinh, vài loại thuốc lá, một ít nhu yếu phẩm linh tinh và đồ ăn vặt chất chồng trong thùng giấy… ngoài ra thì không có gì khác. Người trong thôn không mấy ai có tiền dư dả, nếu nhập nhiều hàng quá mà không bán được thì chỉ có lỗ vốn.
Tiệm tuy nhỏ, lời chẳng được bao nhiêu nhưng lại là nguồn thu để nuôi hai học sinh cấp ba, trong nhà cũng không dư dả gì.
Giờ đang là kỳ nghỉ hè, Tưởng Sương thường giúp đỡ mợ việc nhà và đồng áng trong khả năng của mình. Nếu mợ có việc, cô sẽ ra trông tiệm.
Cô ra ngoài thấy mợ vẫn còn đang nói chuyện với ai đó, thấy mặt đối phương cô liền lễ phép chào một tiếng ‘thím Hai’.
Người trước mắt có gương mặt trắng nõn, ngũ quan xinh đẹp, mái tóc đen dài bóng mượt dài đến tận eo chỉ buộc kiểu đuôi ngựa đơn giản, khi đi lại cũng không mấy đung đứa; điềm đạm, dịu dàng y như con người Tưởng Sương.
Thím hai mỉm cười đáp lại:
“Sương Sương bây giờ là thiếu nữ rồi, dáng cao thế này, lớn lên cũng càng ngày càng xinh. Thím vẫn nhớ hồi cậu con dẫn con về, trời ơi, lúc đó con gầy như con khỉ ốm, mặt bé tí xíu, đôi mắt thì to như mắt bò, thím còn tưởng khó nuôi lắm cơ! Nhà kia đúng là chẳng ra gì, may mà được cậu mợ con nuôi nấng chu đáo.”
Mợ nghe thế thì cười cười, trong lòng cũng thấy dễ chịu, liếc nhìn Tưởng Sương rồi nói:
“Con bé ngoan ngoãn nghe lời, sức khỏe cũng tốt, quanh năm suốt tháng chẳng mấy khi bệnh tật, vợ chồng tôi cũng không phải lo lắng gì nhiều.”
Thím Hai gật gù:
“Cũng không thể nói như vậy được, bao năm qua vợ chồng cậu mợ nuôi con bé lớn đến chừng này chẳng dễ dàng gì. Giờ thành thiếu nữ rồi, có cả nếp cả tẻ rồi, sau này cậu mợ hưởng phước thôi.”
“Nào có phước gì, tất cả đều vì con cái thôi.”
Thím Hai nghe vậy thì quay sang nói với Tưởng Sương:
“Sau này con nhớ phải báo đáp cậu mợ cho tốt đấy, có nhà nào tốt như thế đâu, thương con như con ruột vậy.”
“Con biết mà.”
Tưởng Sương cười nhẹ, chào tạm biệt rồi đi vào tiệm. Cô có mang theo tập bài tập mới làm được một nửa, nét chữ tiểu khải ngay ngắn, thanh tú đẹp mắt.
Mợ nhìn đồng hồ, thấy không còn sớm nữa nên cũng không nói chuyện lâu. Hôm nay trong thôn có nhà có tang, mợ cũng được nhờ qua giúp đỡ.
Trước khi đi, mợ dặn dò Tưởng Sương vài câu, nói cậu đang đánh bài, em trai Trần Dương cũng qua đó ăn cỗ rồi, tối nay cô ăn một mình thì nấu mì gói mà ăn.
“Nếu vắng khách thì tám, chín giờ đóng cửa luôn nhé, nhớ khóa cửa cẩn thận.”
Tưởng Sương gật đầu.
Nhưng cô không nấu mì mà chỉ hâm lại cơm nguội rồi ăn với thức ăn còn dư.
Một lúc sau Trần Dương lén lút chạy về, lấy từ trong túi áo ra một cái cốc nhựa hệt như làm trò ảo thuật. Bên trong là một chiếc đùi gà nhỏ và mấy con tôm.
Cậu nhóc hếch cằm bảo cô:
“Mau ăn đi!”
Đây không phải lần đầu tiên cậu làm vậy.
Hai người chỉ cách nhau năm tháng tuổi. Khi học cấp hai, Tưởng Sương và Trần Dương đều cao xấp xỉ nhau, không ngờ mới qua lớp mười cậu đã cao vọt lên, giờ cô đứng chỉ miễn cưỡng cao đến vai cậu. Dáng người Trần Dương cao hơn nhưng khuôn mặt vẫn mang vẻ ngây ngô non nớt, mày rậm, mắt tròn.
“Em không ăn à?”
“Em ăn rồi. Bàn tụi em có một ông lão nhai không nổi, nên…”Cậu ra vẻ thần bí, làm động tác giật lấy, “Vào thời khắc quyết định, anh đây nhanh tay hơn bác dâu cả một bước, gắp được cái đùi gà này về!”
Tưởng Sương mím môi cười:
“Không bị mắng chứ?”
Trần Dương cười tít mắt, bắt chước dáng vẻ bác dâu, chống nạnh, nhíu mày trợn mắt, the thé quát: “Thằng ranh con này ăn lắm thế không sợ chết nghẹn à?!”
Diễn tả sống động đến mức khiến Tưởng Sương bật cười thành tiếng.
“Trần Dương! Có đi hay không đây?!” Phía sau có người thúc giục.
Trần Dương nói cậu đi chơi với bạn một lát, tối sẽ về.
“Sắp khai giảng rồi, bài tập của em chưa động đến chữ nào đấy, có làm kịp không?” Tưởng Sương nhắc nhở.
Trần Dương nhe răng cười, phẩy tay: “Không vội, còn mấy ngày nữa cơ mà! Mai, nhất định mai em sẽ làm!”
“Chị ơi, em đi nhé!” Nói rồi kề vai sát cánh với mấy người bạn, bóng dáng dần dần khuất khỏi tầm mắt.
Cái đùi gà đã nguội, Tưởng Sương cẩn thận ăn từng chút một.
Đêm dần khuya.
Tưởng Sương bật bóng đèn ngoài tiệm lên, chiếu sáng khu vực quầy bán trước cửa sổ nhỏ.
Đèn này là do cậu cô lắp, từ tiệm tạp hóa kéo ra một đoạn dây rồi mắc vào một cái bóng đèn huỳnh quang. Cậu còn tự chế một cái chụp đèn đơn giản rồi treo lên cột gỗ đã bị côn trùng đục lỗ. Gió thổi qua khiến chụp đèn lắc lư, ánh đèn lay động.
Khi không có người cô sẽ ngồi làm bài tập.
Bình thường người khác sẽ chỉ làm bài tập hè qua loa cho có lệ nhưng Tưởng Sương lại thật sự rất nghiêm túc.
Tưởng Sương chưa từng mua sách bài tập thầy cô khuyên mua, vì nếu muốn mua cô sẽ phải xin tiền mợ. Còn với những bài tập bắt buộc phải làm này, cô sẽ nắn nót từng chữ thật cẩn thận. Thứ cô có không nhiều, nên những gì có được cô đều đặc biệt trân trọng.
Thành tích của Tưởng Sương khá ổn, trước giờ vẫn luôn nằm trong top ba của lớp. Giáo viên nói khả năng cô có thể đậu vào trường đại học hạng nhất là rất lớn, nhưng chỉ có cô mới biết đậu rồi chưa chắc đã có thể đi học. Trần Dương học cùng khóa với cô, nuôi hai học sinh cấp ba đã không dễ dàng gì rồi, huống chi là hai sinh viên đại học.
Mấy chuyện này tạm thời cô không muốn nghĩ đến nữa.
Thỉnh thoảng có người đến mua đồ, thấy thời gian đã không còn sớm nữa ai cũng khuyên cô, nói con gái ở một mình như vậy rất nguy hiểm, đóng cửa sớm chút đi thì hơn.
Tưởng Sương lấy tiền lẻ thối lại cho đối phương, chỉ nói mình còn chưa làm xong bài tập, mở thêm một lúc nữa cũng không sao.
Đêm càng khuya, gió càng lớn, cột gỗ khẽ rung, phát ra những tiếng kẽo kẹt. Cô đã quen với âm thanh đó từ lâu nhưng vẫn cứ ngây người nhìn chằm chằm vào cây cột khô cằn ấy, nghĩ xem một ngày nào đó nếu nó không trụ nổi nữa mà đổ xuống thì sẽ đổ về hướng nào, đập ngang hay bật cả gốc…
Đang mải suy nghĩ, cô chợt nghe thấy tiếng bước chân. Tiếng bước chân lẫn với sỏi đá tạo nên âm thanh kéo lê cọ xát trên mặt đất.
Tưởng Sương hoàn hồn, ngẩng đầu lên, bắt gặp một bóng người bước ra từ bóng tối.
Ánh sáng quá mờ, khoảng cách lại xa khiến cô không nhìn rõ khuôn mặt người kia, chỉ thấy một dáng hình như nét phác thảo đơn giản. Hầu hết mọi người trong thôn đều quen biết nhau, nhưng cô nhất thời không thể nhận ra đây là ai.
Mãi đến khi người kia tiến lại gần, bước ra từ trong bóng tối cô mới thấy rõ gương mặt đối phương.
Là một khuôn mặt trẻ tuổi xa lạ.
Người đó cao hơn cả Trần Dương, trên người có vết thương, chiếc áo thun xám đã bạc màu do giặt nhiều, cổ áo bị kéo giãn đến biến dạng, trông như vừa đánh nhau xong. Vai gầy sắc nhọn, vết máu trên mặt còn chưa kịp lau sạch, ánh mắt lạnh lẽo âm trầm, giống như một con chó hoang hung dữ và cô độc.
Lạnh lùng và hoang dã.
Đồng tử Tưởng Sương co rút, nhất thời quên mất phản ứng.
Người nọ cũng nhìn qua, ánh mắt vô tình chạm vào đôi mắt trong veo, ẩm ướt và mềm mại của cô.
Tiếng nhạc đám ma vang vọng khắp thôn, tiếng kèn suona trầm hùng như mài giũa dây thần kinh.
Tưởng Sương biết cậu ấy, là Phó Dã.
Năm mười tuổi, Phó Dã bị sốt cao không dứt do dùng thuốc sai cách, cuối cùng phải đưa lên bệnh viện huyện. Bệnh khỏi rồi thì đôi tai lại không còn nghe được bất kỳ âm thanh nào nữa. Bố mẹ Phó Dã ly dị, thế nhưng chẳng ai muốn nhận nuôi cậu, cuối cùng bỏ mặc Phó Dã cho bà nội sống một mình. Sau đó, cậu bị đưa đến trường khiếm thính, luôn ở nội trú, rất ít khi về làng.
Lần này bà nội Phó bị bệnh, Phó Dã đã bỏ dở nửa năm cuối cấp ba để quay về chăm sóc bà. Giáo viên biết được hoàn cảnh nhà Phó Dã, nói rằng chỉ cần hoàn thành các môn học cơ bản thì vẫn sẽ cấp bằng tốt nghiệp như bình thường.
Những điều này là bà nội Phó kể với cô.
Bà cụ hiền lành thỉnh thoảng đến mua đồ, mỗi khi nhắc đến cháu trai mình, trên gương mặt già nua luôn là sự lo lắng.
Người lớn tạo nghiệp, trẻ con chịu tội, Phó Dã còn có khiếm khuyết, lại hay đánh nhau gây chuyện, sau này không biết sẽ ra sao. Lo lắng xong bà nội Phó lại cười, nói rằng cháu trai bà từ nhỏ đã hiếu thảo, biết bà bệnh cũ tái phát, đi lại không tiện, dù bà có nói thế nào cũng không nghe, nhất quyết phải trở về.
“Đứa trẻ này cái gì cũng tốt, biết thương người, chỉ là không chuyên tâm học hành. Nhưng cũng không thể trách nó, vì nó đâu có nghe thấy.”
…
Phải rồi, không nghe thấy.
Tưởng Sương không thể tưởng tượng được một thế giới không có âm thanh sẽ như thế nào.
Hẳn là khó khăn hơn nhiều lắm.
“Phó Dã đã đến bệnh viện chưa ạ? Có thể đeo máy trợ thính mà bà.”
Bà nội Phó xua tay: “Đi rồi, đắt lắm. Nó nhất quyết không chịu, nói rằng không nghe cũng chẳng sao.”
Nhắc đến đây bà cụ lau khóe mắt ươn ướt, thở dài: “Sao mà không sao được, chỉ là nó không muốn tốn tiền thôi.”
Phó Dã bước đến quầy tạp hóa. Cậu cũng chỉ tầm mười mấy tuổi, vóc dáng gầy gò, lộ rõ những đường xương góc cạnh. Ngũ quan cậu rất đẹp, mắt một mí, hốc mắt sâu, ánh mắt khi nhìn khiến người ta lạnh lẽo.
Trông cậu hoàn toàn bình thường, không hề có cảm giác có khiếm khuyết gì.
Tưởng Sương ngửi thấy mùi máu.
Vết máu khô thẫm trên áo, không biết là của cậu hay của ai khác, trông như một vết sẹo cũ lâu năm. Cô nhanh chóng dời ánh mắt đi.
Phó Dã chỉ vào phía sau cô, đường nét quai hàm căng cứng sắc nhọn như dao, môi mím chặt không nói lời nào.
Cô quay đầu nhìn theo hướng tay cậu chỉ, lúc này mới nhận ra cậu đến mua thuốc lá.
“Loại nào?” Tưởng Sương vô thức hỏi.
Hỏi xong liền cắn môi hối hận, cô quên mất cậu không nghe thấy.
Ánh mắt Phó Dã rất nhạt nhẽo, dường như đã quen với điều này, ngón tay lại chỉ vào cùng một chỗ.
Hồng Tháp Sơn, hai tệ rưỡi một gói. Cậu cô cũng hút loại này, ông nói nó rẻ, hút vào đậm đà nhưng hậu vị lại đắng.
Tưởng Sương kiễng chân, lấy gói thuốc đặt trên kệ cao nhất.
Phó Dã móc trong túi ra một nắm tiền lẻ nhàu nát, năm mươi, mười, một tệ đều có, nhăn nheo không ra hình dạng gì. Cậu rút ra ba tờ một tệ, cũng nhăn nhúm như thế.
Tưởng Sương hạ mắt nhìn thấy bàn tay ấy.
Ngón tay dài, khớp xương rõ ràng, mu bàn tay có vết thương, thậm chí cả kẽ móng tay cũng bị nhuộm thành màu đỏ sậm. Máu đã ngừng chảy nhưng vết thương vẫn hở miệng.
Cậu như không cảm giác được gì.
Hoặc có lẽ đã tê dại rồi.
Chắc vẫn đau chứ nhỉ.
Tưởng Sương bỗng nhớ đến khuôn mặt bà nội Phó, ánh mắt lo lắng ấy như một mùa mưa dầm rả rích.
Phó Dã đứng yên chờ thuốc lá.
Cậu không hề tỏ ra mất kiên nhẫn, chỉ lặng lẽ đứng đó, bất động như một con rối bị khắc hỏng.
Tưởng Sương thu lại ánh mắt rồi tìm tiền thối. Khi đóng ngăn kéo, động tác của cô hơi khựng lại. Tay cô lướt qua cái hộp nhỏ bên cạnh, lấy ra một miếng băng cá nhân rồi kẹp vào cùng mấy tờ tiền lẻ, đặt chúng dưới gói thuốc và đưa ra.
Cô làm rất nhanh, rất kín đáo nhưng vẫn không chắc liệu đối phương có thấy hay không.
Bất giác cô cảm thấy thật xấu hổ, như thể mình vừa làm điều gì sai trái vậy.
Cô cũng không biết tại sao mình lại làm vậy.
Chỉ là trong một khoảnh khắc, cô đã làm rồi.
Một miếng băng cá nhân chẳng có tác dụng gì, không chữa lành được vết thương của Phó Dã, cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền. Đây là lần đầu tiên cô lấy đồ của tiệm tặng người khác. Tiệm không phải của cô, bản thân cô đã là gánh nặng rồi, đâu có tư cách để hào phóng.
Phó Dã nhận lấy thuốc, mắt chỉ hơi nâng lên một chút. Cậu không nhìn cô, chỉ môi mím lại sau đó quay người rời đi, vừa đi vừa mở hộp thuốc lá.
Bóng lưng Phó Dã gầy guộc, trông như một cây hồ dương chết khô giữa sa mạc.
Người chưa đi xa, thuốc đã được châm lửa.
Phó Dã ngửa đầu, hít một hơi thật sâu, khói thuốc cay nồng tràn vào phổi, thần kinh cũng theo đó mà tê liệt. Khi cậu định nhét gói thuốc vào túi, đột nhiên có thứ gì đó rơi xuống lòng bàn tay.
Phó Dã khựng lại, liếc mắt xuống.
Tưởng Sương vẫn luôn nhìn theo cậu.
Bóng lưng cậu đột ngột dừng lại khiến cô chột dạ cúi đầu, tim đập mạnh, mặt nóng ran lên.
Cô cầm bút lên giả vờ viết bài tập, mắt dán chặt vào trang giấy, phải mất một lúc mới nhận ra đề bài.
Câu hỏi này đã để trống từ lâu, cô không tính ra được kết quả cuối cùng, thậm chí còn từng nghi ngờ đề bài sai. Cô mới chỉ viết chữ “Giải”, nhưng mãi vẫn chưa làm tiếp vì đầu óc vẫn còn đang phân tâm.
Ánh mắt cô liếc về phía mép cửa sổ, thấp thỏm lo sợ có một bóng người sẽ xuất hiện, ném trả lại cô lòng tốt dư thừa và vô dụng này.
Cứ thế vài phút trôi qua.
Khi Tưởng Sương ngẩng đầu lên, trước mặt chỉ còn lại màn đêm trống rỗng.
Người đã đi mất rồi.