Tưởng Sương vẫn "sẽ đi".
Mỗi lần nghỉ phép về nhà, bà nội Phó luôn đến tiệm tạp hóa hỏi thăm tình hình của Phó Dã. Phó Dã không chịu nói gì với bà, trả lời bất kỳ câu hỏi nào cũng đều muốn bà đừng lo lắng. Rốt cuộc là tốt hay xấu, bà chỉ có thể nhờ Tưởng Sương để tìm hiểu.
Tưởng Sương nhìn tấm lưng còng xuống của bà nội Phó, mỉm cười nói rằng Phó Dã sống rất tốt.
Mỗi lần đứng trước ánh mắt đầy hy vọng ấy, cô sẽ tô vẽ câu chuyện, kể rằng tiệm sửa xe rất bận rộn, Phó Dã đang được một người thợ già dạy nghề, đối phương còn là một người tốt, biết Phó Dã bị khuyết tật về thính giác nên vô cùng quan tâm chăm sóc, khi dạy dỗ cũng kiên nhẫn hơn lúc dạy những người khác nhiều. Thậm chí đôi khi làm thêm giờ xong, ông ấy còn dẫn cậu đi ăn đêm. Người thợ già khen Phó Dã rất thông minh, học việc nhanh, những thứ mà người khác mất vài ngày mới làm được thì cậu có thể làm ngay và làm còn tốt hơn người khác.
Khi nói những điều này, Tưởng Sương mặt không biến sắc, trong một khoảnh khắc, dường như cô cũng thật sự tin vào phiên bản câu chuyện này.
Thật ra là cô không hề biết gì. Những lần cô nhìn sang tiệm sửa xe từ bên kia đường, cậu luôn là người chui vào gầm xe. Những người lớn tuổi ở bên trong có vẻ mặt lạnh lẽo, những học viên trẻ tuổi thì thận trọng cúi gằm mặt như những con chim cút.
Hẳn là cậu ở đó rất khó khăn.
Bà nội Phó tin vào phiên bản câu chuyện này rồi thở phào nhẹ nhõm. Bà không thể giúp gì được cho Phó Dã, rất lo cậu sẽ bị kỳ thị vì bị điếc.
"Từ nhỏ A Dã của bà đã rất thông minh, lúc nó mới tí tuổi đã hay tháo đồ trong nhà, tuy cái tính nó rất tò mò, nhưng mỗi lần nó tháo đồ ra rồi vẫn lắp lại được." Bà nội Phó ngại ngùng mỉm cười, đôi mắt hằn đầy những nếp nhăn.
Tưởng Sương đồng tình, cô an ủi bà nội Phó: "Không bao lâu nữa cậu ấy sẽ ra ngoài, mở một tiệm của riêng mình, sau đó đón bà về ở cùng, bà sẽ được hưởng phúc thôi ạ."
"Già rồi còn hưởng phúc gì nữa, miễn là cháu của bà sống tốt là được, bà không muốn tạo thêm gánh nặng cho con cháu."
Bà nội Phó đến thường xuyên hơn, thu hút sự chú ý của mợ Tưởng Sương. Khi được hỏi, Tưởng Sương chỉ nháy mắt nói có lẽ bà nội Phó chỉ muốn tìm người trò chuyện. Mợ cô đồng ý, mợ cũng biết rõ bình thường không có ai nói chuyện với bà nội Phó cả.
"Nhưng con nên tránh xa con trai nhà đó ra, đừng dính dáng vào làm gì." Mợ cô nhắc nhở, xem ra vẫn còn định kiến với Phó Dã.
Tưởng Sương gật đầu, không nói gì.
Phó Dã về nhà không theo chu kỳ nhất định, khi tiệm sửa xe bận thì cậu không thể đi được, đợi tới lúc rảnh mới đón xe về, chủ yếu vì người già đi lại khó khăn, bà chỉ có một mình nên cậu không yên tâm. Mỗi lần về cậu chỉ ở lại qua đêm, sáng hôm sau lại đón chuyến xe sớm nhất quay về huyện.
Mùa hè qua đi, trời tối sớm, Phó Dã nấu hai món ăn, bà nội gắp thịt cho cậu, bảo cậu ăn nhiều vào. Cậu làm việc nặng nhọc, ăn nhiều thịt mới có sức được.
Phó Dã cúi đầu, mái tóc cắt ngắn như những sợi râu mới nhú.
Trông cậu đã có dáng vóc của người trưởng thành rồi.
Chắc chắn khi lớn lên sẽ không bị bắt nạt nữa.
Giữa bữa ăn, bà nội ra hiệu nói cây quýt trước sân năm nay cho quả tốt, vài ngày nữa sẽ chín, hỏi liệu cậu có muốn mang lên cho thầy của cậu không. Bà vẫn tiếp tục ra hiệu: "Người ta chăm sóc con tốt như vậy, mình không thể chỉ nhận mà không đáp lại. Nhà mình không có gì nhiều, chỉ mong họ không chê."
Phó Dã lắc đầu không muốn.
"Sao lại không? Nghe nói người ta còn mời con ăn uống, chăm sóc con như thế, mình phải đáp lễ cho an tâm con ạ." Bà nội Phó theo quan niệm truyền thống, được người ta giúp đỡ thì phải biết ơn, lúc nào cũng muốn đáp lại điều gì đó. Bởi lẽ sau này, bà vẫn phải nhờ người ta chăm sóc cho Phó Dã.
Nghe nói?
Phó Dã ngẩng đầu, cậu tựa lưng vào ghế, tiếng ghế kêu răng rắc, cậu giơ tay hỏi: "Bà nội nghe ai nói vậy ạ?"
"Là Sương Sương, cháu gái bên nhà ngoại của chủ quán bán tạp hóa nhà Trần ấy. Lần trước con bé còn mang quần áo đến cho cháu đấy. Con bé là đứa tốt bụng l, chưa từng thấy bà phiền, nói năng nhỏ nhẹ, rất ngoan." Bà nội Phó nói tiếp: "Khi nào quýt chín rồi nhà mình cũng phải mang một ít sang cho Sương Sương đấy."
Phó Dã nheo mắt, không thể đoán được cậu đang nghĩ gì, chỉ hỏi bà xem còn nghe nói gì nữa không.
Bà nội Phó kể lại những gì Tưởng Sương đã nói với bà. Trong phiên bản của bà, mọi người đều tốt bụng, quan t@m đến hòa bình thế giới và sự tiến bộ xã hội, thể hiện lòng trắc ẩn với người khuyết tật nhưng không có định kiến, cậu được đối xử tốt, được trọng dụng đồng thời cũng được chăm sóc... Bật lửa nhựa đảo qua đảo lại trong tay, lông mi Phó Dã cụp xuống, che đi những cảm xúc thừa thãi trong mắt.
Cây quýt trước sân được trồng vào năm Phó Dã năm, sáu tuổi. Bố Phó Dã không thích trồng trọt nên đã trồng luôn cây ăn quả để khỏi phải chăm nhiều. Những cây này cứ thế mà lớn lên, bà nội Phó chăm sóc chúng rất kỹ, quả cây cho ra vỏ đã mỏng, lại còn mọng nước.
Mãi cho đến bây giờ, những cành lá sum suê vẫn giấu những quả xanh, phần trên đã có màu vàng, chúng sẽ chín rộ sớm thôi.
Hôm sau, bà nội Phó đi ra ngoài hái quýt. Bà chọn toàn những quả chín để gần đầy một giỏ, sau đó đựng trong túi ni lông. Thấy bà muốn ôm đi tặng cho người khác, trông nó nặng nề khiến bà khó di chuyển, Phó Dã vội bước tới cầm luôn.
Bà nội Phó lo lắng, nói là cái này để dành cho Tưởng Sương.
Phó Dã vẫy tay nói cậu biết rồi, cậu sẽ đi đưa cho cô.
Cậu bước ra khỏi sân, trông dáng người của cậu cao to, chỉ mới bước vài bước đã đi xa.
Mợ của Tưởng Sương làm việc ở công trường, quần áo dính đầy vết vôi và bùn không thể giặt sạch bằng máy giặt. Tưởng Sương phải mang đi giặt bằng tay ở bên sông, rải bột giặt, dùng chày đập và cọ trên thớt, những vết bẩn trên áo rất cứng đầu, phải mất một lúc lâu mới sạch được, khiến hai cánh tay cô đau nhức.
Một chậu đồ to, ước chừng cô sẽ phải giặt đến tận tối.
Tưởng Sương giặt rất cẩn thận. Những người phụ nữ đến rửa rau hay vo gạo đã đi hết, dần dần chỉ còn một mình cô.
Nước sông lạnh buốt, những ngón tay đỏ gay và nóng rực, nhưng không còn lạnh lắm. Cô không thích mùa đông, mùa đông ở vùng núi còn âm u hơn, thậm chí lúc sáng dậy, trong vại nước còn đóng một lớp băng.
Hằng năm tay cô vẫn bị lạnh, cảm giác vô cùng ngứa ngáy khó chịu, đôi khi da tay còn bị nứt nẻ, phải luộc cà rốt lên rồi dùng nó chườm đi chườm lại.
Xung quanh im lặng, chỉ còn tiếng "soạt soạt" của việc giặt quần áo.
"Bốp..."
Một bóng đen nặng nề rơi vào chậu đựng quần áo đã giặt sạch, Tưởng Sương hoàn toàn không kịp phòng bị, cô hoảng hốt hét lên một tiếng, theo bản năng chống tay sau lưng để khỏi ngã xuống tảng đá ướt.
Lúc ngẩng lên nhìn, trên bờ sông là một dáng người cao gầy đang đứng, cậu mặc áo khoác đen, kéo khóa kéo đến tận cằm, đôi mắt liếc xuống nhìn cô.
Phó Dã không nghe được tiếng hét của cô, nhưng có thể thấy vẻ hoảng hốt trong ánh mắt cô. Khuôn mặt cô trắng bệch đi vì lạnh, những giọt nước vẫn chưa kịp lau trên người, ánh mắt cậu khựng lại. Cậu nghiêng đầu, nhếch môi rồi ngồi xổm xuống, chống tay lên trên đầu gối, ngón tay phải chỉ vào vật mà mình vừa ném xuống.
Đó là một túi ni lông đựng đầy quýt.
Tưởng Sương lại nhìn Phó Dã, trong đôi mắt đen láy là vẻ không hiểu.
Đây là quýt dành cho cô ư? Tại sao?
Phó Dã di chuyển ngón tay từ chỗ quýt sang cô, ý của cậu là cho cô quýt, rồi lại chỉ về phía nhà mình, ra hiệu đơn giản, rất nhanh. Dường như cậu không quan t@m đến việc liệu cô có hiểu hay không, như thể giải thích nhiều như vậy đã làm cạn kiệt hết sự kiên nhẫn của cậu rồi.
Nhưng Tưởng Sương đã hiểu được phần nào.
Bà nội Phó muốn tặng túi quýt này cho cô, cậu chỉ đơn giản là người mang đến.
Tưởng Sương vẫy tay, cô vẫn không muốn nhận.
Nhưng Phó Dã đã đứng lên, cậu liếc cô một cái chứ không làm thêm gì nữa rồi quay người đi về phía làng.
Lúc cô đứng dậy, khi ấy cậu đã đi xa vài bước. Cô cúi xuống nhìn số quýt trong chậu, chúng nó vừa mới được hái, vẫn còn lá xanh trên đầu.
Đôi chân nhức mỏi vì ngồi lâu, cô lấy bịch quýt ra, khá nặng, chắc khoảng mười cân. Tưởng Sương ngồi xuống tiếp tục giặt quần áo.
Sau khi giặt xong quần áo, Tưởng Sương mang xô và chậu đi về nhà, vừa hay gặp được mợ.
"Quýt ở đâu ra vậy?" Mợ liếc thấy túi quýt, hỏi qua loa.
Tưởng Sương nói là do bà nội Phó cho.
Mợ gật đầu không nói gì thêm, chọn một quả có vỏ vàng rồi bóc ra ăn. Trong làng, việc hàng xóm tặng nhau thứ gì đó là chuyện bình thường, lại thêm bà nội Phó thường hay đến tiệm tạp hóa, mỗi lần bà không gặp được Tưởng Sương thì sẽ hỏi cô sẽ về vào lúc nào.
Tưởng Sương treo quần áo lên, trời đã hoàn toàn tối. Cô vào bếp nấu cơm rồi cho thêm củi vào bếp lò, lửa cháy rất mạnh, ngọn lửa nhấp nháy phát ra tiếng lách tách.
Ánh lửa chiếu trên khuôn mặt cô, khiến làn da cô trở nên hồng hào hơn.
Tưởng Sương bóc vỏ quýt ra, mùi thơm mát tỏa ra khắp không khí, dính vào đầu ngón tay, cô nếm thử một múi, nước quýt đầy ắp trong khoang miệng, rất ngọt.
Cô nghĩ về Phó Dã, người đã ném quýt cho cô.
Lúc ấy đã gần hoàng hôn, phía sau cậu là một bầu trời rực lửa, núi non như được đốt cháy. Tóc cậu rất ngắn, cậu nhét hai tay vào sâu bên trong túi áo, ánh mắt sáng ngời, vừa nhìn thấy cô là sẽ giật mình, khóe miệng hơi nhếch lên một cách tinh quái, rồi nhìn về phía chân trời.
Dưới lớp vỏ ngoài ấybỗng nhiên lại có hơi thở đầy sức sống.
Lần tiếp theo cô gặp Phó Dã là vào một tuần sau. Tưởng Sương đang ngồi viết bài ở bàn, nghe tiếng có người lên lầu, cô nghĩ là Trần Dương về, nhưng khi ngẩng đầu lên lại vừa đúng lúc chạm phải ánh mắt của cậu.
Lạnh lẽo, u ám, có chút bất ngờ.
Cậu hất cằm lên như một cách để chào hỏi.
Mặc dù Tưởng Sương thấy hơi khó chịu, nhưng vẫn gật đầu đáp lại.
Trần Dương đi theo sau Phó Dã, biết cô đang ở nhà nên gọi "chị", rồi cười nói: "Đây là anh Phó Dã, chắc là chị đã từng gặp anh ấy rồi. Mẹ em không biết anh Phó Dã đến chơi, chị nhất định phải giữ bí mật cho em nhé."
Ai cũng biết mợ cô ghét Phó Dã như thế nào, rõ ràng mợ đã yêu cầu Trần Dương không được tiếp xúc với cậu. Nếu biết Trần Dương không những không nghe lời mà còn dẫn người về nhà, Trần Dương chắc chắn sẽ bị đánh một trận cho coi.
Tưởng Sương gật đầu một cách máy móc.
Trần Dương dẫn Phó Dã vào phòng mình, cánh cửa không đóng vừa hay đối diện với bàn học của cô. Phó Dã ngồi ở trên giường, từ góc nhìn của Tưởng Sương có thể thấy đôi chân dài của cậu đang vắt chéo lại, mang một đôi giày vải cũ nhưng vẫn rất sạch sẽ.
Từ phòng vọng ra tiếng Trần Dương, khi trình bày những bộ sưu tập cũ giọng nói của cậu đầy nhiệt huyết, như một fan nhỏ muốn thể hiện lòng trung thành. Cậu vẫn còn nhớ những kỷ niệm thuở nhỏ, sau đó lại bắt đầu nói về bóng rổ, một số tên tuổi cầu thủ nước ngoài, những thứ đó hoàn toàn xa lạ với Tưởng Sương.
Trần Dương là người hay nói, khi múa may tay chân, cậu luôn cảm thấy lời nói chưa đủ nghĩa nên quen thói miệng lẩm nhẩm.
Tưởng Sương cũng không có ý định nghe trộm, nhưng bởi vì nhà nhỏ nên tiếng nói dễ dàng truyền tới tai cô.
Cô cố gắng tập trung vào những bài toán vật lý khó nhất, lực học điện học với cô đều là những thứ trừu tượng khó hiểu. Ban đầu cô thường học theo bài mẫu, vô cùng cứng nhắc, nhưng các bài toán luôn thay đổi, nếu không hiểu được logic thì cô sẽ khó lấy được điểm.
Đầu bút chạm nhẹ trên giấy, phát ra tiếng ma sát nhỏ.
Trần Dương bước ra khỏi phòng, vừa mặc áo vừa hỏi: "Chị, em đi mua đồ ăn rồi về, chị có muốn ăn gì không?"
"Không."
"Đồ uống thì sao?"
"Không cần." Tưởng Sương lật trang sách, trả lời dứt khoát.
"Chị kỳ lạ thật đấy. Các bạn gái trong lớp em đều thích ăn vặt, chỉ riêng chị không thèm gì cả, cũng không ăn không uống gì hết." Trần Dương khẽ lắc lư, hai tay chống lên bàn: "Chị không muốn ăn gì thì để em chọn giúp chị nhé?"
"Em chọn thế nào thì chọn, chị sẽ không ăn đâu." Tưởng Sương ngước lên nhìn em trai với vẻ mệt mỏi.
"Em đi rồi quay lại ngay." Trần Dương quay sang nói với Phó Dã đang đi ra, bảo Phó Dã đợi mình một chút, cậu đi mua đồ ăn rồi về.
Trần Dương nhẹ nhàng bước xuống cầu thang.
Phó Dã bước ra ngoài, không có chỗ ngồi nên anh kéo ghế đối diện với Tưởng Sương rồi ngồi xuống. Cái ghế do thợ mộc làm lúc xây nhà, dùng gỗ thừa nên nhỏ hơn và thấp hơn bình thường. Phó Dã tay chân dài nên trông hơi khó chịu, tuy vậy cậu vẫn ngồi rất tự nhiên. Cậu dựa người về phía sau để một vai tựa trên thành ghế. Có lẽ vì chán, nên cậu lấy mấy cuốn sách xem, trong đó có bài tập vật lý mà cô vừa làm xong. Vẻ mặt của cậu khi đọc sách không hẳn là chăm chú, mi mắt rũ xuống, trông như lướt qua một cách lơ đãng, nhưng lại giống kiểu học sinh không được thầy cô giáo thích trên lớp.
Tưởng Sương không tài nào bỏ qua được từng cử chỉ của cậu.
Hai người hoàn toàn khác biệt, cô ngồi với dáng vẻ của một học sinh ngoan ngoãn, cầm bút theo kiểu chuẩn nhất để viết từng nét một, thậm chí giấy nháp cũng được sắp xếp ngay ngắn. Cô làm toán trông khá dễ dàng, liệt kê các bước giải rõ ràng.
Xung quanh tĩnh lặng. Nhìn ra cửa sổ là những ngọn núi bao quanh, chặn lại tầm nhìn ra bên ngoài.
Trần Dương quay lại sau một lúc, cậu xách theo túi đồ ăn vặt và nước giải khát, đổ hết xuống bàn tạo thành một đống hỗn độn. Cậu chắc chắn sẽ bị mắng vì mang nhiều đồ như vậy, nhưng vẫn làm như không có chuyện gì, đẩy đồ ăn vặt về phía Phó Dã và Tưởng Sương, cậu vươn cổ nhìn xem Phó Dã đang xem gì, cười nói rằng đọc sách có gì thú vị thế, chỉ có Tưởng Sương trong nhà mới ngày nào cũng cắm đầu vào sách thôi.
Phó Dã đóng sách lại, đặt về chỗ cũ, cậu không động đến đồ ăn, chỉ ngồi một lúc rồi đi. Trần Dương mời ở lại chơi thêm nhưng không giữ được.
Một cách vô thức, Tưởng Sương lấy lại bài tập vật lý, lướt qua một lần, khi đóng sách mới nhận ra có nét chữ không phải của mình. Trên bản vẽ minh họa mà cô cho là chưa chắc chắn, những mũi tên phân tích lực ban đầu rất nhạt, nhưng giờ đây đã có thêm một vài nét mũi tên màu đậm, đã sửa lại một số lỗi của cô.
Tưởng Sương theo những mũi tên phân tích lực mới, tính lại từ đầu.
Kết quả trông dễ chịu hơn nhiều.
Cô thở ra, nhưng không cảm thấy nhẹ nhõm, trái lại còn có một nỗi buồn khó tả.
Cô gọi Trần Dương: "Em dẫn người về mà không sợ mợ biết à?"
"Biết thì biết thôi, chị đừng có tin theo mấy câu mà mẹ em nói."
Tưởng Sương không trả lời, chỉ nhíu nhẹ đôi lông mày.
"Chị, chị đã làm xong môn vật lý rồi đúng không, vậy chị để cho em chép với." Trần Dương làm bộ sắp lấy, bị Tưởng Sương dùng bút gõ vào mu bàn tay, cô đóng sách lại đặt ở chỗ em trai không với tới.
Tưởng Sương giả vờ nghiêm mặt: "Em tự làm đi, Trần Dương, kiến thức cơ bản của em yếu lắm, không làm nhiều bài tập thì sẽ không học theo kịp đâu."
"Em biết rồi, chị cho em chép lần cuối đi mà." Trần Dương vươn tay tới lần nữa.
"Không được." Mu bàn tay lại bị đầu bút gõ nhẹ.
Trông Tưởng Sương có vẻ không định khoan nhượng: "Thi đại học không có chuyện chép bài đâu, em phải tự học mới được."
Trần Dương bĩu môi: "Em biết năng lực của mình, em không phải dạng sẽ học lên tới đại học được đâu. Chị, chị biết học, chị cứ học đi, để sau này em kiếm tiền nuôi chị, cho chị tiền tiêu."
Tưởng Sương nghe xong, cảm giác cổ như bị nghẹn lại.
Cô hiểu rõ hoàn cảnh gia đình mợ, mặc dù mợ không cho nhắc tới số nợ, nhưng cô cũng hiểu việc nuôi hai đứa con đi học là khó khăn đến mức nào. Cô thực sự đã cảm thấy biết ơn khi được đi học hết cấp ba.
Nếu Trần Dương muốn nuôi cô đi học, cô sẽ không đồng ý ngay từ đầu. Cô đã chiếm mất nguồn lực của em trai, không thể tước đi cơ hội thoát ra ngoài của cậu được.
"Với cái công việc vặt vãnh của em thì em hãy làm bài tập vật lý của mình trước đi đã." Tưởng Sương cố gắng không nghĩ nhiều, giọng nói của cô nghe khó chịu, như muốn ép Trần Dương phải làm bài.
"Chị, em nói thật đấy, nếu chỉ có một người trong chúng ta được đi học, em muốn người đó là chị." Trần Dương nhìn cô, ánh mắt trong veo, còn sạch hơn cả nước sông.
Tưởng Sương méo miệng cười, vị chua chát lan ra từ cổ họng: "Em đừng nói vậy, chúng ta đều sẽ đi học."
"Điểm của em thực sự không học nổi đâu."
"Vậy thì ngay bây giờ em hãy làm bài đi."
Trần Dương kêu lên một tiếng não nề, một tay cầm bút, một tay bám lấy đầu, vẻ đau khổ khi làm bài.
Tưởng Sương ở bên cạnh theo dõi chăm chú để em trai chịu hoàn thành bài tập, cô sẽ sửa lại nếu cậu có làm sai, khiến Trần Dương đau đầu chết đi được, áp lực còn lớn hơn cả lúc ở trường.
Một đêm, trời bỗng nhiên trở lạnh, có chút hơi thở của đầu đông, Tưởng Sương bắt đầu mặc áo bông và giày vải, cô quấn kín người mình. Trước khi đi học, bà nội Phó đột nhiên đến, nhờ cô mang áo bông cho Phó Dã. Từ sau lần gặp nhau ở nhà, cô cũng đã gặp Phó Dã vài lần, hai người bắt đầu chào nhau, mặc dù chỉ là ngẩng đầu hoặc gật đầu chào, nhưng thái độ của Phó Dã không còn lạnh lẽo xa cách như trước. Vì vậy, Tưởng Sương dễ dàng đồng ý.
Quần áo vẫn được mang đến tiệm sửa xe như trước, Phó Dã vẫn mặc áo mỏng, những ngón tay lạnh tới mức tái đi đang run lên, toát lên vẻ gầy guộc và yếu ớt.
Cậu không thích mang ơn ai cả, thường cậu sẽ đưa cô đi ăn một tô mì để đáp lại. Cô không ăn nhiều, ban đầu cô còn cố gắng chống chế, về sau tô mì trông như ăn được nhiều hơn, nhưng khi không thể ăn nổi nữa thì nhìn lại vẫn còn nửa tô.
Lãng phí thức ăn là điều đáng xấu hổ, đó không phải là điều cô được dạy từ nhỏ. Tưởng Sương muốn nghỉ một chút, để dành bụng ăn tiếp, nhưng ánh mắt từ phía đối diện cứ như đâm vào lưng cô, khiến cô khó chịu.
Phó Dã đã ăn xong, cậu liếc xéo cô, thấy cô chỉ múc được vài sợi mì vào miệng, thậm chí sau đó cô chỉ dùng đũa chọc lựa trong tô, chẳng nhấc được sợi mì nào lên, bấy giờ cậu đã hiểu cô không thể ăn hết.
Không ăn hết nhưng lại không muốn vứt đi, trông khó chịu thật.
Cậu khẽ cười nhạo, kéo tô mì của cô sang rồi đổ phần còn lại vào tô của mình, cậu cầm đũa, cúi đầu, chỉ cần và vài ba lần đã và hết sạch.
Cậu lau miệng bằng giấy rồi trả tiền, động tác vô cùng nhanh gọn.
Tưởng Sương ngẩn người.
Đó là phần cô ăn còn thừa.
Phó Dã không để ý, giữa những người nghèo đâu cần phải để ý nhiều tới thế.
Sau này, Tưởng Sương sẽ chia sẵn mì cho cậu, Phó Dã luôn nhận hết. Cậu ăn mì rất nhanh, thậm chí còn uống luôn cả nước súp, toát lên một vẻ mãnh liệt như thú hoang.
Hai người rất ít khi giao tiếp với nhau, nhưng với số lần nhiều dần lên, Tưởng Sương cũng bắt đầu hiểu được một số ký hiệu đơn giản trong ngôn ngữ ký hiệu, như "đi rồi", "ngốc", "ở nhà thế nào". Cô cũng hỏi Trần Dương về những điều này, Trần Dương tò mò tại sao cô bỗng nhiên quan t@m đến ngôn ngữ ký hiệu, cô giải thích là bà nội Phó nhờ mình mang đồ cho Phó Dã, nên cô phải nói cho cậu hay về tình hình bà.
Trần Dương trợn mắt: "Tại sao bà ấy không nhờ em mang nhỉ? Theo lý thì em với anh Phó Dã thân nhau hơn ảnh với chị mà."
Tưởng Sương dùng sách đập nhẹ vào đầu em trai: "Bình thường nghỉ phép có ai tìm được em ở đâu đâu?"
"Cũng phải." Trần Dương xoa mũi, hơi thấy ngại.
Cậu dạy cô cách làm hiệu "rất tốt".
Dưới ánh đèn trắng, Tưởng Sương học không được hay, động tác vụng về và cứng nhắc, so với Phó Dã thì cô còn kém quá xa. Những ngón tay cậu dài và thanh thoát, với khớp xương rõ ràng toát lên sức mạnh, khi làm động tác tay cậu luôn tập trung một cách khác thường.
Thỉnh thoảng, trong đôi mắt đen láy kia cũng lóe lên những tia sáng.
Trần Dương nói, bởi vì không nghe được âm thanh, nên họ sẽ phụ thuộc nhiều vào mắt hơn, vì chỉ có thể nhìn để xác định người kia đang nói gì.
Về sau, mỗi lần gặp Phó Dã, Tưởng Sương cũng bắt đầu nói, cô điều chỉnh tốc độ nói rất chậm, dùng môi để hỗ trợ những ký hiệu tay còn thiếu, khiến việc giao tiếp của hai người trở nên thuận lợi hơn.