Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 103: Đại Lễ




“Hoàng thượng, hoàng thượng, dậy thôi.”
“Còn sớm mà, trẫm ngủ chưa đủ giấc. Đừng có réo nữa.” Lý Hạo trùm kín chăn lên mặt, vùng vằng ngủ tiếp.
“Hoàng thượng, dậy đi, sắp đến giờ làm lễ đại điển kìa.”
Lý Hạo choàng tỉnh giấc, vỗ về lên khuôn mặt tuyệt mĩ của Đàm Ngọc Trúc: “Ừ, chết thực, đại điển đón chào năm mới, thế mà trẫm quên khuấy đi mất, cảm ơn nàng, hoàng hậu yêu dấu của trẫm.”
Hoàng hậu Đàm Ngọc Trúc cười hiền dịu: “Hoàng thượng không giận thần thiếp quấy rối giấc ngủ của ngài là thần thiếp mừng lắm rồi.”
Lý Hạo nhoẻn miệng cười: “Nàng lúc nào cũng vậy, chỉ biết nghĩ cho người khác. Hà hà, cũng bởi nàng chiều ý trẫm cả đêm nên sáng ra mới mệt thế này, hà hà. Cái lão già cổ hủ Lê Việt Tiến cứ ngăn cản, bắt trẫm phải ở một mình vào đêm ba mươi, nói cái gì mà triều quy, luật lệ bắt phải thế, trẫm mà không có nàng đêm qua thì sao chịu được chứ, toàn những lễ nghi rối rắm. Thôi bỏ đi, xuống giường thôi, chuẩn bị nhanh kẻo không kịp.”
Lý Hạo cùng với Đàm Ngọc Trúc đi ra phòng thay đồ. Một đám cung nữ vào giúp hai người làm vệ sinh, sửa soạn gần nửa canh giờ thì có một hồi trống vang lên ở lầu Chính Dương. Nghe tiếng bước chân rầm rập bên ngoài Tử Cấm thành, Lý Hạo nghĩ thầm: “May thật, vừa kịp lúc, chắc là đội Túc Vệ quân và đội lễ nghi sắp chuẩn bị xong.”
Đàm Ngọc Trúc cúi mình thưa: “Bẩm Hoàng thượng, thần thiếp đi trước. Lát nữa, Hoàng thượng sẽ đi cùng đội nghi thức lên điện Thiên An sau ạ.”
“Trẫm biết rồi, nàng cứ tự nhiên.” Lý Hạo mỉm cười, soi gương nhìn bộ dạng của hắn. Đầu đội mũ cửu long, trên người khoác bộ hoàng bào, thắt lưng đeo đai ngọc. Lớp ngoài long bào được may bằng sa nam, loại vải chỉ dành riêng cho vua. Lớp lót trong bằng sa ba. Chiếc long bào được trang trí chín con rồng năm móng. Đoạn viền dưới vạt áo của long bào được trang trí hồi văn thủy ba, sóng nước, tam sơn, những dải tản vân, phần thân và tay thêu hình con dơi, biểu tượng của may mắn và hạnh phúc, ngoài ra còn có hình chữ Thọ cách điệu.
Ngoài trời còn tờ mờ sáng, hồi trống tiếp theo vang vọng bốn bề. Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Xuân Trinh đứng trước một đội nghi lễ chỉnh tề, ông quỳ gối hành lễ, bẩm tấu: “Muôn tâu Hoàng thượng, trong ngoài đều đã nghiêm chỉnh, mời Hoàng thượng lên điện Thiên An.”
“Các khanh bình thân.” Lý Hạo vươn tay bảo.
Viên quản vệ Loan giá đội mũ đầu hổ, tay cầm đai vàng truyền cho đội Túc vệ bày loan giá, đưa xe vua lên thềm điện rồi quỳ Yc0uL tâu: “Kính cẩn mời Hoàng thượng lên xe ạ”.
Tức thì, tiếng chuông ngoài lầu chuông đối nhau vang lên lanh lảnh, tiếng trống gióng lên giòn giã, xe vua khởi hành qua các đền đài, cung điện. Lý Hạo được đưa đến điện Trường Xuân, ở đây Lý Hạo phải hướng về các lăng tổ tiên làm lễ vọng bái. Sau đó mới long trọng tiến về phía điện Thiên An.
Chiếc kiệu vua cực kỳ đẹp mắt. Kiệu chạm rồng, sơn son thếp vàng. Đòn ngang và đòn dọc của kiệu màu đỏ chót, bên ngoài phủ lớp vàng, khắc hình rồng quấn quanh thân. Trên kiệu, đặt chiếc ghế bằng gỗ sưa đen, sơn son, chỗ ngồi phủ vải bằng lụa màu vàng. Mui che kiệu được quang dầu màu vàng, đỏ tạo thành hình hoa văn, để che mưa nắng.
Đội ngũ tháp tùng ngự giá có bốn lá cờ rồng vàng, sáu lá cờ thanh đạo, tám lá cờ phướn, hai quạt thêu hình rồng uốn quanh màu vàng, bốn quạt thêu hình rồng bay lên cao màu đỏ, bốn quạt thêu hình rồng chầu màu xanh, hai chiếc tán hình tròn thêu hình bảy con rồng, bốn chiếc tán hình vuông, bốn chiếc lọng màu đỏ, sáu chiếc lọng màu xanh vẽ rồng mây.
Các thứ cờ, quạt, tán, lọng gọi chung là lỗ bộ, do binh lính thuộc vệ Loan giá và Túc vệ quân đi theo để khiêng vác, hộ tống. Tháp tùng ngự giá còn có hai con voi và hai con ngựa được vệ Loan giá dắt đi ở hai bên, đi chầu phía sau có thêm hai mươi con voi oai phong, hùng dũng.
Tới điện Thiên An, Lý Hạo xuống kiệu, bệ vệ bước lên thềm điện. Tiếng trống dồn dập báo hiệu Hoàng đế đã đến nổi lên. Chúng nhân có mặt tại điện Thiên An, nhất thời quỳ gối, cúi đầu. Hoàng hậu Đàm Ngọc Trúc, Nguyên phi Trần Thị Dung và các phi tần khác đã có mặt ở đấy, các quan nội thần trên điện, nhạc công tấu nhạc trước sân rồng. Mùi hương trầm bay bổng nghi ngút.
Trên đường vào trong điện Thiên An, Lý Hạo thấy các quan binh cầm nghi trượng, nhã nhạc nghiêm trang sắp hàng mà đứng với đủ loại nhạc cụ, nhạc cụ loại bình thường dành cho đại chúng gọi là tiểu nhạc đặt ở bệ rồng, các nhạc cụ sử dụng cho nghi lễ trong cung đình và giới quý tộc gọi là đại nhạc thì đặt trên cao hơn ở thềm rồng. Đại nhạc gồm các nhạc khí có thứ trống phạn sĩ hay còn gọi là trống cơm, nguyên là nhạc khí của Chiêm Thành, kiểu tròn và dài, nghiền cơm, bịt hai đầu, cứ giữa mặt mà vỗ thì kêu tiếng trong mà rõ ràng, hợp với ống kèn tháp nứa, cái xập xõa, trống lớn. Còn đàn cầm, đàn tranh, tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, ống địch, ống sáo, kèn và quyển thì gọi là tiểu nhạc, không kể sang hèn, ai cũng dùng được.
Đội lính hộ vệ, lễ nghi dàn hàng ngang chỉnh tề chia ra đứng thành tám hàng ở phía sau kiệu vua. Bách quan trong triều đang cúi rạp đầu lạy vua. Các quan văn võ, tôn tước tam phẩm trở lên ở tả, hữu bệ rồng, các quan tứ phẩm trở xuống ở tả, hữu thềm rồng. Các thân vương, phiên vương, hoàng thân, quốc thích cùng những quan chức được phép vào trong điện chầu thì ở hai gian tả, hữu, có chiếu hoa lót dưới chân. Trong đám quan lớn triều đình lần này còn có cả Đỗ Kính Tu, sau thời gian dài đi giúp dân chúng lộ Hồng đẩy lùi bệnh tật, lão đại thần đã trở về.
Trong hàng ngũ thân vương, Lý Hạo trông thấy vị hoàng đệ Lý Thầm, gã hoàng đệ có bộ dạng gầy như que củi, Lý Hạo ngẩn người tự hỏi: “Chẳng lẽ thời nay đã có xì ke rồi, khiến cho cái tên hoàng đệ của ta nhìn như chỉ có lớp da bọc xương thế kia? Nhìn dáng vẻ của hắn chắc tửu sắc quá độ đây mà, e rằng không còn sống được bao lâu nữa. Thực tội nghiệp thằng em, anh mày không còn cách nào giúp được rồi. Chú cứ vui vẻ với cái chức vị tiêu dao vương gia của chú đi. Chúc chú em may mắn.”
Phía trên hoàng đệ Lý Thầm, chính là vị hoàng thúc nổi tiếng Lý Long Tường mà kiếp trước Lý Hạo đã từng nghe danh. Lý Long Tường là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông. Sau khi nhà Lý bị nhà Trần soán ngôi, Lý Long Tường ngay lập tức mang đồ thờ cúng, vương miện, áo long bào và thanh Thượng phương bảo kiếm truyền từ đời Vua Lý Thái Tổ cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, lộ Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội. Đội ngũ gia quyến do Lý Long Tường lãnh đạo được vua Cao Ly tiếp đón ân cần, từ đó sống nương nhờ ở nước Cao Ly. Tại đây, Lý Long Tường đã trở thành danh tướng bậc nhất Cao Ly, với những chiến công hiển hách đánh bại cả hai lần xâm lược của quân đoàn hùng mạnh Nguyên Mông thời ấy. Vua Cao Ly phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng quân. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là Thụ Hàng môn và Vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông.
Trong một lần Lý Hạo luận bàn bí mật với Gián nghị đại phu Đặng Tất Dung. Ông đã kể lại chuyện Lý Long Tường từng cùng với Đặng Tất Dung đi gặp riêng tiên đế Lý Cao Tông để can gián việc quá phụ thuộc vào hai gia tộc họ Tô và họ Trần, nhưng Lý Cao Tông bỏ ngoài tai những lời gan ruột của vị Hoàng đệ. Lý Long Tường chán nản, xin tiên đế rút lại toàn bộ binh quyền, giờ đây Lý Long Tường suốt ngày ở trong phủ, không còn thượng chầu nữa.
Thoáng quan sát Lý Long Tường, hắn có gương mặt bình thường, dáng người vừa tầm, không cao không thấp, tuổi khoảng tứ tuần. Lý Hạo ngầm khâm phục bản lĩnh ẩn nhẫn của vị Hoàng thúc, một mãnh tướng lưu danh thiên cổ nơi xứ người, mà có thể nằm gai nếm mật để sống sót, thoát khỏi sự đuổi giết của hai con hồ ly xảo quyệt Trần Tự Khánh và Trần Thủ Độ. Lý Hạo định bụng vài ngày tới sẽ bí mật đi thu phục Lý Long Tường, có người dòng họ Lý dũng mãnh như vậy mà không sử dụng thì hắn tự cảm thấy nhục nhã với chính bản thân mình.
Lý Hạo bước chân vào cửa điện, thấy hai cái bàn lúp khăn đỏ, gọi là châu án, ở gian thứ hai bên trái và chếch về hướng tây. Hộp biểu mừng của trăm quan đặt vào châu án ở gian thứ hai bên trái, hộp biểu mừng của các lộ, châu nằm trong châu án chếch về hướng tây. Hắn lắc đầu thở dài: “Đúng số khổ, lấy mấy cái tờ giấy lộn biểu mừng này làm gì cơ chứ. Làm vua như ta thực bi ai, cái gì cũng thiếu, vàng bạc châu báu tuy có nhiều nhưng nếu biếu thêm ta cũng không chê mà, đằng này ta lại còn phải xuất tiền ban thưởng cho trăm quan nữa, quá đau thương.”
Ung dung đi qua hoàng án, hoàng án là cái bàn lúp khăn vàng, được đặt khá cao trước ngai vàng, Lý Hạo bước lên ba tầng bệ sơn son thếp vàng, ngồi vào ngai vàng. Chín tiếng trống lệnh trên lầu Chính Dương nhất thời nổi lên. Sau tiếng trống thứ chín, đại nhạc bắt đầu hòa tấu. Lão thái giám Lê Việt Tiến đi tới đốt lư hương trầm trên hoàng án trước ngai vàng.
Tiếp đó là các hồi nhạc xướng lên xen kẽ với các lễ nghi tuần tự. Trăm quan vào xếp hàng trong điện Thiên An theo vị trí đã định sẵn.
Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Xuân Trinh xướng: “Đại lễ bắt đầu.”
Các quan đồng loạt hướng về phía Lý Hạo, lạy ba lạy, rồi quỳ xuống.
Huỳnh Xuân Trinh hô tiếp: “Dâng biểu mừng.”
Viên ngoại lang Thượng thư Sảnh Lê Hiệp bước đến gian thứ hai bên trái bưng hộp biểu mừng của bá quan trên châu án đặt vào chiếc hoàng án ở gian giữa. Lê Hiệp bước lên thềm điện ở gian giữa, quỳ xuống, mặt hướng về ngai vua, nhận hộp biểu và mở ra.
Huỳnh Thượng thư truyền lời: “Đọc biểu mừng.”
Chú thích:
Tài liệu tham khảo
- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1993.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272-1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993) do Phan Huy Lê biên soạn.
- An Nam Chí Lược. Tác giả: Lê Tắc. Trần Kinh Hòa dịch. Viện Đại học Huế xuất bản, năm 1961.
- Việt Nam Sử Lược. Tác giả: Trần Trọng Kim. Nhà xuất bản Bộ Giáo Dục - Trung tâm học liệu.
- Dư Địa chí Thừa Thiên Huế, do nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2005.
Không Khoa Học Ngự Thú Truyện sủng thú cực hay, phá đảo mọi bảng xếp hạng tại Trung. Mn không nên bỏ lỡ siêu phẩm!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.