Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 104: Đại Yến




Viên quan đứng đầu viện Hàn Lâm, Hàn Lâm học sĩ Châu Thương nhận biểu mừng, trịnh trọng đọc biểu. Đọc xong, Châu Thương trao lại cho Lê Hiệp bưng đặt lên hoàng án, rồi lui ra. Bách quan phủ phục lạy ba lạy, tiểu nhạc tấu, nhạc vừa dứt, bách quan lại lạy ba lạy, kế tiếp chia ban.
Huỳnh Xuân Trinh cung kính bước ra giữa điện Thiên An, mặt hướng về ngai vua, quỳ tâu: “Xin Hoàng thượng truyền chỉ.”
Đoạn vái mấy vái, đứng dậy quay mặt về long trì, cao giọng: “Có chỉ”.
Tất cả quan lại đều quỳ xuống. Huỳnh Thượng thư mở tờ chiếu chỉ đọc lớn: “Thánh tổ thần tôn ta, cõi nam gây nên, âu vàng dựng nước. Mưu tốt, công to, sáng ngời từ trước, ơn sâu đức lớn để lại đời sau. Trời cao cho trẫm vâng nhận mệnh lớn, lại dựng đại nghiệp, cầm gươm đánh giặc, đội mũ trị dân. Hoàng triều nhà Lý hơn hai trăm năm tồn tại với thiên thu, võ công sáng rực từ xưa. Thân mười tám năm ân cần, đế đức với trời cùng lớn, đỉnh Hiên Viên mới đúc xong mà núi hồ không kéo lại được, hoa Đường Nghiêu chợt vừa rụng, đến hang sâu cũng thấy đau thương. Mà trời xanh lại giáng tai ương cho cả nước, để khảo nghiệm, tạo nghiệp chướng cho trẫm phải nai lưng gánh chịu.
Trẫm lấy đức mỏng giữ ngôi nguyên lương, nghỉ bóng cây, cưỡi trên thuyền, dạy bảo người dân kính theo khuôn phép. Người người chăm lo cày cấy ruộng, làm nhà cửa để mưu toan sinh sống. Nghĩ gánh vác khó nhọc, thêm thương xót chừng nào! Bởi vô cùng băn khoăn, cũng vô cùng lo nghĩ, nỗi lòng trẫm càng dằn vặt nhiều hơn. Mà trẫm đã được ngôi to, tất lại được tiếng hay. Nay đại thần nội ngoại văn võ trăm quan dâng sớ khuyên trẫm sớm chính vị hiệu để theo lòng mong đợi của mọi người. Bởi thế, châm chước lễ văn, bớt thương thuận biến, trẫm lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An. Trẫm vâng mệnh sáng của trời, nhận mệnh sáng của hoàng khảo, vậy lấy năm nay làm năm Kiến Gia năm thứ nhất để chính huy xưng mà tỏ đại thống.”
Chiếu chỉ vừa đọc xong, hàng ngũ trăm quan răp rắp lạy đủ năm lạy, đồng thanh tung hô: “Chúng thần cầu Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.”
Tiếng nhạc kết thúc, thượng thư bộ Lễ Huỳnh Xuân Trinh hướng về phía Lý Hạo, quỳ tâu: “ Bẩm Hoàng thượng, đại lễ hoàn thành.”
Lý Hạo đứng dậy, giơ hai tay lên cao mà rằng: “Ngày đầu năm mới, trẫm thấy chư vị ái khanh tề tụ đông đủ. Ai ai cũng sức khỏe dồi dào, gương mặt hồng nhuận, trẫm lấy làm vui lắm. Nay trẫm chúc toàn thể chư quan triều đình đang ở đây, cũng như chư quan ở khắp nơi trong cả nước, những người quân lính, mỗi người dân ở các tầng lớp trên mọi miền đất nước, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp, an khang. Chúc Đại Việt an bình thịnh vượng, chúc nhà nhà ấm no hạnh phúc. Đặc biệt trẫm gửi tới những người lính vào thời khắc này đang vừa đón tết, vừa canh gác ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi những tình cảm nồng ấm và thân thiết nhất. Vô cùng đặc biệt hơn nữa, trẫm xin thay mặt nhân dân Đại Việt, gửi 3cUsZ tới tất cả những người dân đang sinh sống ở các nước lân bang cùng vui tết đón chào năm mới, bằng lời chúc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trẫm kêu gọi mọi người, toàn thể đồng bào Đại Việt hãy phát huy cao độ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, kiên quyết đẩy lùi nạn tham nhũng, quan liêu, với trí tuệ và bản lĩnh của con người Đại Việt, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập nhiều công lao to lớn nhằm đóng góp xây dựng triều đình, xây dựng Đại Việt ngày càng lớn mạnh.”
Phía dưới lặng im trong chốc lát, sau đó có tiếng rì rầm nho nhỏ, rồi có hai giọng đối thoại với nhau ở phía cuối hàng:
“Quan bác hiểu bề trên vừa nói gì không?”
“Quan bác thông cảm, đoạn đầu tôi còn ngờ ngợ, đoạn sau thì tôi không tài nào nắm bắt được thâm ý sâu dày của bề trên.”
Thái úy phụ chính Tô Trung Từ nhếch mép khinh khỉnh.
Chương thành hầu Trần Tự Khánh với điệu bộ bình thản cố hữu, nhẹ nghiêng đầu.
Bấy giờ Huỳnh Xuân Trinh ho khan vài tiếng, phất tay cho đại nhạc cử khúc nhạc kết thúc đại lễ tại điện Thiên An. Lễ xong, vua truyền chỉ ban tiền thưởng cho các hoàng thân, quốc thích mỗi người được hai mươi lạng bạc, quan văn võ nhất phẩm mười hai lạng bạc, nhị phẩm mười lạng bạc, tam phẩm tám lạng bạc. Lý Hạo rời ngai vàng giữa tiếng nhạc rộn ràng, lên kiệu về cấm cung. Hắn không về Long An cung nghỉ ngơi, mà đi sang cung Thái hậu để làm lễ chúc mừng năm mới.
Ngay sau khi Lý Hạo rời khỏi đại điện, tờ chiếu chỉ vua ban được đặt lên hương án trên một cái kiệu, do một đội lính khoảng một trăm hai mươi người với cờ quạt, tàn lọng, nghi trượng và một ban nhạc, đặt dưới sự chỉ đạo của một viên quan bộ lễ, rước ra dán vào bảng niêm yết ở hai lầu chuông đối nhau ngoài Hoàng thành trong ba ngày cho thần dân đến đọc.
Đến chiều tối, Lý Hạo bày tiệc, ban yến cho hoàng thân, quốc thích, tôn tước, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên ở điện Khai Xuân.
Giữa giờ dậu, điện Khai Xuân đã tưng bừng, náo nhiệt trong tiếng pháo nổ râm ran, tiếng quan lại nói cười rộn rã. Lý Hạo vào điện Khai Xuân, chúng nhân đứng lên cúi chào. Sau khi cho mọi người ngồi xuống, Lý Hạo truyền lệnh khai yến.
Thái giám Lê Việt Công nói lớn: “Đại yến mừng xuân bắt đầu.”
Dàn đại nhạc tấu lên, hai hàng nam ưu và nữ xướng mỗi bên mười người, đều ngồi trên chiếu hoa dưới đất, với đủ các loại nhạc cụ giành cho đại nhạc và tiểu nhạc, ở sau chái nhà phía dưới. Tiếng hát tiếng đàn hòa lẫn vào nhau. Khi hát, thì trước hết ê a lấy giọng, rồi sau mới có lời.
Phía trước điện Khai Xuân, đèn đuốc sáng trưng, có biểu diễn các trò đá múa, leo sào, múa rối trên đầu gậy. Lại có người mặc quần gấm nhưng mình lại để trần nhảy nhót hò reo. Nữ đi chân không, xòe mười ngón tay ra như những bông hoa sen nở rộ, có lối múa mặc áo hở vai mang đậm sắc thái Chiêm Thành. Hơn mười người con trai mình đều cởi trần, cánh tay liền nhau, chân giậm xuống đất, vừa xoay vòng xung quanh vừa hát, mỗi hàng khi có một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, khi bỏ tay xuống cũng vậy.
Xen kẽ các chương trình múa hát là các vở tuồng truyện cổ, có các tích như Tây Vương Mẫu hiến bàn đào, Nam thiên nhạc, Đạp thanh du, Canh lậu trường, Ngọc lâu xuân, Mộng du tiên… Trong tuồng múa hát có các vai quan nhân, chu tử, đán nương, câu nô, gồm mười hai ca nhi hóa trang làm mười hai vị thần mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay, vỗ phím đàn, thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui.
Cứ mỗi lần rót rượu, thái giám Lê Việt Công lại hô lớn: “Phường nhạc tấu khúc mỗ!”.
Ở chái nhà phía dưới liền có tiếng: “Dạ.”
Và khúc nhạc đó được tấu lên. Nhạc thì có những khúc gọi là Giáng Hoàng long, gọi là Nhập Hoàng đô, gọi là Yến Dao trì, gọi là Nhất giang phong, âm điệu cũng gần giống nhạc cổ thời Hán nhưng gấp rút hơn.
Lý Hạo say sưa ngắm nhìn quang cảnh sống động ấy, đánh giá: “Vũ đạo và ca khúc thời này dường như là sự pha trộn của ca vũ Đại Tống và Chiêm Thành. Tài tình là các nhạc kỹ Đại Việt trong đó đã biết phổ tiếng Việt để sáng tác ca từ, chứ không rập khuôn tiếng Hán hoặc tiếng Chăm.”
Mọi người trong điện Khai Xuân đắm chìm thưởng thức màn biểu diễn của đội nhạc kỹ cung đình cho đến khi kết thúc mà vẫn không hay.
Lý Hạo vỗ tay bôm bốp, phán: “Tuyệt, tuyệt, quá tuyệt. Trẫm chưa bao giờ được xem đêm văn nghệ nào hoành tráng như thế này. Thưởng, trẫm phải thưởng. Thưởng cho đội ca múa nhạc mỗi người 50 đồng.”
Trần Tự Khánh đứng dậy chắp tay: “Từ khi nhà Lý lập quốc tới giờ, mới thấy có hoàng thượng là người bước lên vương vị mà thương dân như con đến thế. So với việc ban ơn thiên hạ của các bậc tiên đế thực hiện sau khi đăng quang ngôi vị thì hoàng thượng chính là người rộng rãi nhất.”
Trần An Quốc lúc này đã khỏe hẳn, hai má phúng phính, da dẻ hồng hảo, cũng đứng lên mà rằng: “Nước ta non sông gấm vóc, nhân tài như mây, châu ngọc quý báu, không gì không có, các nước khác không thể nào bì được. Nay có Hoàng thượng lên ngôi, trời mở điềm lành, có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về. Trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức. Hoàng thượng lại là đấng minh quân yêu nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, thiên hạ bình yên, nam bắc quy về, truyền ngôi đời đời…”
“Ha ha ha ha…”
Trần An Quốc đang thả hồn ca tụng Lý Hạo thì có tiếng cười vang lên. Trần An Quốc hừ lạnh: “Là kẻ nào to gan phạm thượng, vô lễ giữa điện.”
Không có tiếng trả lời, Trần An Quốc nhìn theo những ánh mắt đổ dồn về một người đang ngẩng đầu ngạo nghễ nhấp rượu. Hắn phẩy mạnh tay áo hỏi: “Hạ quan mạn phép hỏi Thái úy phụ chính Trung Từ có điều gì vui vẻ mà cười vậy?”
Tô Trung Từ đặt ly rượu xuống bàn, nhìn Trần An Quốc bằng nửa con mắt, hé miệng: “Bổn quan chỉ là nhớ về chuyện xảy ra ở nhà mấy hôm trước. Chuyện là có người họ hàng xa tới chơi, có tặng cho bổn quan một con khỉ. Ha ha, không ngờ bổn quan lại rất vừa lòng. Cứ chiều chiều bổn quan lại ra chơi đùa với con khỉ, nó cứ chí cha chí chóe, làm trò khỉ suốt, bổn quan luôn không nhịn được cười. Ha ha ha, nay đột nhiên nhớ ra mới bật cười mà thôi. Thất lễ, thất lễ.”
“Tô Thái úy, ngài…” Trần An Quốc tím mặt.
Trần Thừa không nhịn được, lớn tiếng: “Tô Thái úy, đây là đại yến mừng xuân được tổ chức ở đại điện Hoàng cung. Không phải bữa cơm rau dưa ở nhà của ngài mà ngài có thể xuất khẩu cuồng ngôn như vậy được.”
Một người có dáng vẻ thư sinh, anh tuấn, dong dỏng cao, mặt trắng, râu cằm nhẵn nhụi, đứng lên ngắt lời: “Mong Thái Bảo Trần Thừa tự trọng một chút. Thái úy phụ chính Trung Từ chỉ kể một câu chuyện đơn giản, nào có đụng chạm đến ai, cớ sao ngài lại quy tội không đâu? Chính ngài mới đang xúc xiểm tới người khác. Bẩm hoàng thượng, mong hoàng thượng soi xét, trừng trị kẻ vu vạ cho người.”
Trần Thừa cười cười: “Tưởng ai dám đứng ra hặc tội bổn quan, ra là Thượng thư bộ lại Nguyễn Ma La. Không phải là con rể bày đặt ra mặt bênh cha vợ ư? Nghe dân gian đồn đại Nguyễn Thượng thư không những có văn tài xuất chúng, xuất khẩu thành chương, còn kiêm luôn sở học các nhà, thập bát ban võ nghệ đều tinh thông quán triệt. Chẳng hay Nguyễn Thượng thư có dám cùng so tài quyền cước với bổn quan để giãn gân giãn cốt nhân dịp đầu năm. Bẩm Hoàng thượng, Đại Việt dụng võ lập quốc, người người thượng tôn võ nghệ. Hôm nay, nhân dịp lễ khai xuân, thần thỉnh cầu Hoàng thượng cho phép thần cùng với Thượng thư Nguyễn Ma La múa vài bài quyền để tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc ta, cũng như là một lễ vật dâng tặng Hoàng thượng. Chúc hoàng thượng vĩnh viễn an khang, khỏe mạnh cùng trời đất.”
Chú thích:
Tài liệu tham khảo
- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1993.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272-1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993) do Phan Huy Lê biên soạn.
- An Nam Chí Lược. Tác giả: Lê Tắc. Trần Kinh Hòa dịch. Viện Đại học Huế xuất bản, năm 1961.
- Việt Nam Sử Lược. Tác giả: Trần Trọng Kim. Nhà xuất bản Bộ Giáo Dục - Trung tâm học liệu.
- Dư Địa chí Thừa Thiên Huế, do nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2005.
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo (1856-1881). Viện Sử Học dịch (1957-1960). Nhà xuất bản Giáo Dục (Hà Nội) ấn hành 1998.
Không Khoa Học Ngự Thú Truyện sủng thú cực hay, phá đảo mọi bảng xếp hạng tại Trung. Mn không nên bỏ lỡ siêu phẩm!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.