Lý Bát đang nhìn khung cảnh trời đêm, chợt cả cười, đi ra ngoài cửa, nói lớn: “Cung nghênh hào trưởng Hà Cao giá đáo.”
Hà Cao, hào trưởng vùng Quy Hóa, dáng người tầm thước, hàm râu quai nón, trên lưng đeo thanh cự kiếm to bản nặng nề. Thời tuổi trẻ, từng di chu du tứ hải, kết bằng hữu bốn phương. Trong một lần du ngoạn ở vùng đất Đô Kim, từng gặp qua Lý Bát, nghe đồn hai người đã có một trận quyết đấu thư hùng, kết quả ai thắng ai thua, người đời không rõ.
“Không dám, không dám. Để Hầu gia phải đợi, đó là lỗi của Hà mỗ.” Hà Cao chắp tay đáp.
Trần Trung Văn thưa: “Cháu, Trần Trung Văn kính chào Hà hào trưởng.”
Hà Cao ngước nhìn Trần Trung Văn, cười lớn: “Là Trung Văn đó sao? Giống, giống thật, không khác chút nào so với cha của cháu. Nhớ lúc xưa ta có đến ghé qua nhà của cháu một lần, cháu vẫn còn là một đứa bé chập chững biết đi. À, còn anh của cháu, thằng bé nghịch ngợm đâu rồi?”
Trần Trung Vũ đứng ở phía sau cất tiếng ồ ồ: “Cháu đây, chú Cao vẫn còn nhớ cháu hả? Trông chú già hơn ngày trước nhiều lắm. Suýt nữa là cháu không nhận ra rồi.”
Hà Cao phì cười, quay sang Lý Bát nói: “Cái thằng bé này, tính tính vẫn thế, không thay đổi chút nào. Khi xưa nó còn cố vòi vĩnh của tôi mấy viên kẹo mới buông tha cho tôi đấy. Còn thiếu nữ này chắc là đứa con gái út Trần Huyền Trân đúng không? Lần chú lại nhà cháu thì cháu chưa được sinh ra. Sao cháu lại đeo mạng che mặt thế kia? Để chú đoán xem nào, chắc là bởi vì quá đẹp chứ gì? Ha ha ha, ai chứ Hà Cao ta mà đoán thì luôn đúng, không có trật đi đâu bao giờ? Cháu có ý trung nhân chưa? Nếu chưa thì về làm con dâu của gia tộc họ Cao đi, bảo đảm cháu sẽ ưa thích vùng đất Quy Hóa thơ mộng ngay.”
Trần Huyền Trân thi lễ: “Thưa chú Cao, cháu Huyền Trân kính chào chú ạ. Cháu là phận dân nữ, sao dám mơ tưởng chuyện xa vời, bước chân vào nhà họ Cao, thế gia vọng tộc, oai trấn nhất phương cơ chứ. Với lại, cháu vẫn còn nhỏ dại, chưa tính đường tình duyên ngay đâu ạ.”
Hà Cao quan sát Trần Huyền Trân, gật gù khen ngợi: “Chà chà, vừa đẹp người lại đẹp nết, lại còn khéo ăn khéo nói. Thằng con của chú mà cưới được cháu thì đúng là phúc tổ ba đời nhà nó. Thôi thôi, chú nhìn cái bộ dạng e thẹn của cháu là chú biết cháu có người trong mộng rồi, đúng không hả?”
“Bọn trẻ là thế... ngài đừng chọc ghẹo đám trẻ nữa. Chúng ta bây giờ có muốn vậy cũng không được đâu. Nhưng này, Hà hào trưởng chớ coi thường Trung Vũ, khí lực của nó phải nói là hơn xa chúng ta rất nhiều. Già rồi, sức khỏe yếu hẳn, phải nhường lại khoảnh trời ngang dọc cho tầng lớp thanh niên thôi. À, trên đường tới đây có trục trặc gì hay sao mà bây giờ Hà hào trưởng mới tới?” Lý Bát thắc mắc.
“Trung Vũ có thể đọ sức khỏe được với cả Đô Kim Hầu Lý Bát cơ à? Ha ha, Trung Vũ, giỏi, giỏi lắm, sáng mai chúng ta quyết đấu. Hầu gia ơi hầu gia, ngài vẫn như xưa, không chịu thiệt chút nào. Còn muốn trách tôi bắt ngài phải đợi sao? Ngài không nghĩ xem, từ chỗ tôi đến phủ Phú Lương so với chỗ ngài đến đây, thì ở đâu xa hơn? Hừ, vả lại tôi còn phải nhọc sức cắt đuôi dọc đường nữa.” Hà Cao cười giả lả.
Lý Bát nhíu mày: “Cắt đuôi?”
Hà Cao lộ vẻ khinh thường: “Khi tôi rời sơn trang, thì có mấy con chuột nhắt đã lò dò bám theo. Tuy nhiên, lũ chuột ấy sao có thể là đối thủ của tôi, chỉ bằng vài mẹo nhỏ là tôi đã có thể thoát khỏi chúng. Hà hà, mà ông già Phạm Lãi đâu rồi hả? Ông già này nổi tiếng cái thói quen chậm chạp trước giờ. Cũng có khi sáng mai mới tới nơi ấy chứ.”
Ngay lúc ấy, có tiếng cười sang sảng từ ngoài sân vọng vào: “Ha ha ha... là ai nói xấu ông già này đó hả? Có phải là tên thất phu vùng Quy Hóa hay không?”
Một người râu trắng, tóc bạc, tay cầm quạt giấy phe phẩy, điệu bộ vững vàng, khỏe mạnh, ung dung đi vào nhà. Ông là Phạm Lãi, hào trưởng đất Nam Sách, ông là người có bản tính thâm trầm, giàu mưu lược, lại rất am hiểu chính sự. Đất của ông giáp ranh hai vùng Hải Ấp của họ Trần và Hồng Châu của họ Đoàn. Rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch như vậy mà gia tộc họ Phạm vẫn đứng vững, không hề bị hai thế lực hùng mạnh kia thôn tính, đủ thấy năng lực của Phạm Lãi cao thâm tới trình độ nào.
“Ha ha ha, thứ lỗi, thứ lỗi, tôi nói sai rồi, Phạm tiên sinh luôn là người đúng giờ đúng hẹn, thiên hạ khó có người bì kịp. Tuy nhiên, Phạm tiên sinh biết đấy, kẻ anh hùng như tôi, xưa nay không chấp với người già cả, kính lão đắc thọ, kính lão đắc thọ mà.” Hà Cao cười hềnh hệch.
Phạm Lãi phất tay, mỉm cười: “Nể mặt những người ở đây, tôi bỏ qua cho cậu lần này. Liều liệu mà sửa đổi tính tình, đi đâu cũng oang oang cái miệng như vậy thì làm chuyện lớn thế nào được.”
“Đa tạ Phạm tiên sinh, ngài dạy chí phải, Hà mỗ xin tâm lĩnh. Người già đọc nhiều hiểu rộng có khác, câu nào câu đấy quả là thâm thúy.” Hà Cao ứng tiếng.
Trần Trung Văn lễ phép cúi chào: “Cháu Trung Văn kính chào Phạm tiên sinh. Chắc Phạm hào trưởng và Hà hào trưởng đi đường xa đã thấm mệt. Cháu xin mời mọi người ngồi vào bàn thưởng trà, đàm đạo ạ.”
Mọi người ngồi xuống, giới thiệu và trò chuyện với nhau chừng nửa giờ thì Trần Trung Văn nói: “Như thế là cuộc họp ba nhà đã có mặt đông đủ. Nếu như mọi người không có ý kiến gì thì chúng ta bắt đầu làm lễ tuyên thệ kết minh.”
Trần Trung Văn đứng lên thắp hương trước bàn thờ các vị vua các đời như Hùng Vương, An Dương Vương, Lý Thái Tổ... Hai người Trần Huyền Trân, Trần Trung Vũ đứng ở phía sau mọi người, nghiêng sang bên phải. Ba người Lý Bát, Hà Cao và Phạm Lãi đứng sắp hàng ngang nhau đối diện bàn thờ.
Trần Trung Văn lạy ba lạy, rồi quay xuống, hướng về phía ba người Lý Bát, truyền lời: “Những con dân của Đại Việt, nòi giống Lạc Hồng hãy nghe đây. Trời sinh con người làm chủ nhân của vạn vật trong trời đất, muôn vật không thể thoát ly, cỏ cây đồng thời tồn tại. Triều Lý trải qua mấy đời, các vị đế vương thiên tử là bậc thánh minh, khiến cho kỷ cương giữ vững. Yên dân lo việc nước, đức hóa mở mang, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Nay phản loạn nổi lên, giặc cướp như ong, chốn triều đình thì quyền thần át chủ, hai gia tộc Tô, Trần tham tàn bạo ngược, trời, đất, thần, người đều căm giận. Chúng ta, những con người trung quân ái quốc, thương dân vô tội, dấy nghĩa trừ tà. Nguyện xin các vị tiên đế hội họp tại đây chứng giám và phù hộ. Chúng ta nhất quyết phò trợ minh quân đương thế là Lý Huệ Tông dẹp tan bạo loạn, che chở dân lành, bình ổn chúng sinh. Không phụ ý trời, thỏa lòng mong mỏi của bậc đế vương các đời, không phụ sự trông đợi của ông cha nơi chín suối. Kẻ nào làm tôi bất trung, làm quân bất nghĩa, sẽ bị thần minh tru diệt ”
Ba người Lý Bát đồng thanh hô theo: “Kẻ nào làm tôi bất trung, làm quân bất nghĩa, sẽ bị thần minh tru diệt.”
Văn hóa tuyên thệ đối với người Việt thời xưa là cực kỳ có ý nghĩa. Từng câu từng chữ đều khiến cho người tuyên thệ ý thức sâu sắc hơn danh dự và trách nhiệm của mình, họ có một niềm tin mãnh liệt vào những lời mình nói ra trong nghi lễ. Truyền thống tốt đẹp của ông cha ta lấy lời thề là sự thể hiện ý chí, khích lệ nhân tâm, kích động lòng người. Nhưng rồi theo thời gian nhạt nhòa, chẳng hiểu tại sao những lễ tuyên thệ đã dần mất hút, chẳng hạn như tuyên thệ nhậm chức. Chức quyền đang ngập chìm trong tệ nạn mua bằng, bán bằng, ganh chức, mua chức, bán chức.... Có lẽ vì thế đã làm cho con người ta quên đi mất cái ý nghĩa của việc làm nô bộc của người dân, có lẽ vì thế cho nên những quan chức thoái hóa biến chất nghĩ rằng cần gì phải thề, cần gì phải làm lễ tuyên thệ giả 1S3IH tạo cho tốn công, tốn sức! Cái mà gọi là danh dự của những người đứng đầu và trách nhiệm của những người vì dân vì nước lại trở thành những mĩ từ phù phiếm, mơ hồ, xa xỉ.
Trần Trung Văn nói tiếp: “Nghi lễ cắt máu ăn thề bắt đầu. Mang chén nước.”
Trần Trung Vũ từ trong nhà, bưng ra chiếc khay, bên trong chứa một con dao nhỏ và cái chén lớn đựng lưng lửng nước, đặt xuống bàn.
Lý Bát cầm dao cắt vào đầu ngón tay, để máu chảy tong tong xuống cái chén. Ba người Hà Cao, Phạm Lãi, Trần Trung Văn lần lượt làm theo. Sau đó, bốn người thay nhau cầm chén lên uống cạn sạch.
Trần Trung Văn nghiêm nghị: “Nghi lễ tuyên thệ kết thúc. Giờ đây chúng ta như chim liền tổ, như cây liền cành, kết giao hòa thuận, mãi mãi tồn tại lòng tin son sắt. Xin mời ba vị ngồi xuống ghế, chúng ta cùng nhau bàn bạc đối sách.”
Đợi cho ba người Lý Bát an tọa, Trần Trung Văn rút ra một tấm bản đồ, trải dài ra bàn: “Đầu tiên cháu xin trình bày sơ lược tình hình hiện tại để các vị hiểu rõ hơn.”
Trần Trung Văn bắt đầu kể về các hành động, đường đi nước bước của Lý Hạo. Từ những biến động ở kinh thành, xung đột của hai phe phái Tô, Trần, những tin tình báo có được ở Hải Ấp, Hồng Châu, Bắc Giang. Đến những tính toán của gia tộc họ Trần, động tĩnh của gia tộc họ Tô, kế sách của Đỗ Kính Tu, sự quy phục Lý Hạo của một số nhân vật mấu chốt trong triều đình...
Phạm Lãi nheo mắt: “Đây thực sự là những chuyện mà một vị vua mới có mười bảy tuổi đã làm được đó sao? Nếu quả thực như vậy, lão phu tự thẹn không bằng. Vì một quân vương hùng tâm tráng chí như thế, lão phu có chết cũng đáng.”
Lý Bát vuốt chòm râu đen nhánh, cả cười: “Chẳng lẽ Phạm tiên sinh cho rằng hoàng tộc họ Lý không thể sản sinh ra một vị vua như thế hay sao?”
Phạm Lãi lắc đầu: “Hầu gia quá lời, tôi nào có ý đó. Chỉ là có chút khó tin, khó tin mà thôi.”
Lý Bát tán thành: “Lúc đầu tôi cũng như Phạm tiên sinh vậy. Nếu không được người của tôi xác minh một số chuyện, chắc tôi cũng chẳng thèm ngó đến hậu duệ của tên Long Trát kia bằng nửa con mắt. Hà, chuyện cũ đã qua thì cho qua đi thôi, triều Lý không thể bại vong đơn giản như vậy được. Dù có phải tử chiến, tôi cũng sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, để không thẹn với liệt tổ liệt tông dòng họ Lý.”
Trần Trung Văn đợi cho Lý Bát nói xong, chỉ tay vào một vùng trên bản đồ, vòng ngón tay khoanh tròn, bàn tiếp: “Mời các vị nhìn vào bản đồ. Cháu sẽ nêu đại khái về chiến lược sắp tới. Vị trí này là kinh thành Thăng Long, nằm giữa các thế lực, tâm điểm của nước Đại Việt. Cần chú ý là gia tộc họ Tô đã kéo hết lực lượng nòng cốt lên kinh thành định cư. Còn lại chúng ta xét đến các thế lực khác. Phía bắc kinh thành giáp phủ Phú Lương, nơi chúng ta đang đứng. Vùng Đô Kim giáp phía tây bắc Phú Lương. Quy Hóa lại giáp với Đô Kim ở phía nam, nằm ở phía tây Thăng Long. Vùng Bắc Giang giáp phía đông bắc Thăng Long. Ba vùng Hồng Châu, Nam Sách, Hải Ấp lần lượt giáp ranh nhau nằm ở phía đông nam kinh thành. Cụ thể là Hồng Châu giáp ranh ở mặt nam của Bắc Giang, Nam Sách giáp mặt nam của Hồng Châu và Hải Ấp giáp mặt nam của Nam Sách.”
Ngụy Quân: “Ta chỉ là muốn chết, như thế nào liền như vậy khó đâu?” Thấy Chết Không Sờn Ngụy Quân Tử