Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, hàng ngày Lý Hạo vẫn trải qua cuộc sống của một ông vua như bao ông vua khác. Trong những tháng của mùa xuân, Lý Hạo tham gia vui chơi ở các lễ hội được tổ chức ở kinh thành như hội Gióng, lễ hội An Dương Vương, hội đền Hạ Lôi suy tôn Hai Bà Trưng, lễ Tịch Điền...
Trong mỗi lễ hội Lý Hạo đều giả làm thường dân, lẩn vào đám đông thưởng thức vui chơi với mọi người, có khi hắn còn mang theo cả hai cung nữ Xuân Lan, Thu Nguyệt đi cùng. Ba người rủ nhau tham gia các trò chơi dân gian độc đáo như thổi cơm, thi nấu bánh chưng, bánh dày, bơi cạn, bắt cá, đấu vật, chạy cờ, thả diều, chọi gà, cướp dừa, cờ người...
Ra đường vui chơi có thêm mỹ nữ kề bên thì được cái hãnh diện với chúng nhân, và hai thiếu nữ hồn nhiên này luôn biết cách làm vừa lòng Lý Hạo, khiến hắn vô cùng sủng ái. Tuy nhiên đi ra ngoài mà trái ôm phải ấp người đẹp, đôi khi cũng kèm theo rắc rối. Ở cái thời kỳ hỗn loạn này, cướp giật đúng là đầy đường, dâm tặc hái hoa lại càng không thiếu. Nhưng tiếc thay cho mấy tên đó, đụng ai không đụng, lại đụng nhằm Lý Hạo. Kết cục giành cho mấy tên bất hạnh ấy thì có đủ loại, giả dụ như chấn thương, tàn tật, giả dụ như thiếu mất bộ phận gì đó trên cơ thể hoặc là đi tìm hai vị đại nhân Hắc Bạch Vô Thường tán dóc.
Có ngày lễ Tịch Điền tổ chức vào ngày bảy tháng giêng, là ngày lễ mà vua quan triều đình phải đứng ra chủ trì. Thời Lý, lễ Tịch Điền được tổ chức cực kỳ long trọng, là một trong những ngày hội chính của đất nước. Lễ Tịch Điền có ảnh hưởng lớn ở những nước mà nông nghiệp được xem như nền kinh tế quan trọng nhất, đặc biệt đối với đất nước thuần nông như Đại Việt. Người xưa có câu “phi nông bất ổn”, “nông suy bách nghệ bại”, tức là nông nghiệp mà không bảo đảm, lương thực không đủ ăn thì đất nước, xã hội sẽ mất ổn định.
Sáng sớm, Lý Hạo phải rời khỏi Hoàng cung, đến chỗ ruộng cày, mặt hướng về phía nam. Một viên quan dâng cày, viên quan khác dâng roi. Lý Hạo tay phải cầm cày, tay trái cầm roi bắt đầu cày ruộng, phụ giúp có hai lão nông phu dắt trâu và hai người đỡ cày. Quan bộ Lễ bưng thúng thóc, quan bộ Hộ đi bên cạnh để gieo giống. Theo hồi trống đánh dồn dập, Lý Hạo nai lưng ra cày ba luống. Xong việc, bộ Lễ tâu rước hắn đến đài cao để ngự lãm. Tiếp theo là lễ cày của các hoàng thân, quốc thích, quan viên văn võ và nông phu ở kinh thành. Các vương tôn cày năm luống, các công khanh cày bảy luống, các quan viên văn võ cày chín luống.
Ngày lễ này là ngày hắn cảm thấy buồn chán nhất, đây cũng là ngày lễ mà hắn phải giả vờ cực khổ nhất. Vừa phải đóng kịch cho thiên hạ xem mình là ông vua siêng năng vì dân vì nước, vừa phải diễn xuất cho hai nhà Tô, Trần xem mình là hôn quân bù nhìn vô dụng, ngại làm sợ việc. Tới đoạn cầm cày, cày có mấy luống đất, mà hắn phải cố tình trượt chân ngã lên ngã xuống hai, ba lượt, may thay hắn là vua nên không ai dám cười. Mấy người dân đứng chung quanh có buồn cười cũng chỉ nín lặng, cười thầm trong bụng.
Lý Hạo trông những nông cụ thô sơ để làm ruộng của người thời xưa, hắn thật muốn nêu ý tưởng cải tiến cho những công cụ đó, nhưng e sợ bại lộ thân phận, hắn đành ngậm ngùi bỏ qua. Thôi thì tự dằn lòng lại, nếu còn mạng để tiếp tục làm vua, hắn chắc chắn sẽ cống hiến những phát minh của thời hiện đại giúp cho nông dân Đại Việt bớt đi cái khổ, cái nghèo.
Vào mỗi buổi chiều tối, Lý Hạo lại bỏ thời gian ra đào tạo Cao Ngạo trở thành một vị đại ca xã hội đen chuẩn mực. Những lúc ấy hai người Lý Hạo và Cao Ngạo thường luận bàn võ công rất say mê. Lý Hạo cực kỳ thích thú vì được học hỏi thêm môn cước pháp Nỏ Thần Vạn Tiễn của dòng họ Cao. Về pho Cuồng Phong đao pháp của zV7cH dòng họ Lý, hắn đã nắm được tất cả yếu quyết từ Lý Thông.
Dưới sự triệu tập của tộc trưởng Cao Ngạo, những thành viên trong gia tộc họ Cao đang quy ẩn ở các nơi trên Đại Việt, lũ lượt kéo về kinh thành. Lý Hạo giao cho Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong tìm một tòa nhà cách biệt, tiến hành xây dựng thành một khu nhà ngầm ở phía bắc kinh thành. Người họ Cao với thiên phú về kỹ thuật xây dựng và chế tạo vũ khí được thừa hưởng của ông tổ Cao Lỗ, cộng thêm nghiên cứu trải qua hàng ngàn năm góp nhặt lại đã thành công biến khu nhà đó thành công xưởng chế tạo hàng loạt nỏ liên châu loại nhỏ và những cỗ chiến xa liên châu loại lớn.
Thời Lý Thường Kiệt còn tại thế, ông từng mang quân đi đánh nước Tống. Trong trận công thành Ung Châu, quân lính Đại Việt đã sử dụng một loại vũ khí kiểu mới. Đó là nhờ có một vị tiền bối trong gia tộc họ Cao xuất thế nhằm hiến công góp sức giúp đất nước giữ yên bờ cõi. Thiên tài vũ khí họ Cao ấy đã cùng đội ngũ kỹ thuật quân sự lúc bấy giờ, mày mò kết hợp giữa nỏ thần với pháo thăng thiên thành một loại vũ khí vô cùng lợi hại, đó là vũ khí chiến xa bắn đá. Cấu tạo của chiến xa bắn đá dựa theo nguyên tắc của thuốc súng, sức bật của cần tre hoặc những dụng cụ tạo sức bật kết hợp với thuốc súng để bắn những viên đá, viên sắt lớn vào mục tiêu.
Tuy nhiên, đó là chỉ là loại vũ khí thô sơ, sức công phá còn rất hạn chế. Hiện tại, nhờ vào những tài liệu và nguyên liệu do Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong cung cấp, những nhân tài kỹ thuật họ Cao đang nghiên cứu để kết hợp giữa nguyên lý của nỏ liên châu, hỏa diêm và chiến xa bắn đá, nhằm tạo ra một loại vũ khí có sức công phá vô cùng khủng khiếp.
Khi tận mắt chứng kiến công trình nghiên cứu vũ khí của những người họ Cao, Lý Hạo mừng như điên dại. Đây chẳng phải là tiền thân của súng đại bác hay sao? Thực không hổ danh là con cháu Cao Lỗ, người mà ngàn năm trước đã xây dựng nên tòa thành Cổ Loa hùng vĩ. Hồ Nguyên Trừng, thiên tài vũ khí người Đại Việt vào hai trăm năm sau, có sinh ra vào thời điểm này, cũng chỉ đến thế mà thôi.
Vào trung tuần tháng giêng, Lý Hạo quyết định một mình một ngựa, đến phủ của vị Hoàng thúc Lý Long Tường, đàm đạo với người chú suốt buổi chiều. Lý Long Tường đã gây cho hắn bất ngờ và kinh hỷ cực lớn. Lường trước dã tâm khôn lường của gia tộc họ Trần từ sớm, Long Tường bí mật huấn luyện một chi quân đội trong phủ, có khoảng hơn một ngàn võ sĩ thiết huyết. Long Tường cũng tính đến chuyện nhà Lý vong triều, nên sai người cho đúc chiến thuyền ngoài cửa biển Thần Phù, đào tạo cả đội ngũ hải quân.
Lý Hạo lắc đầu than thở, tấm tắc khen ngợi tài năng xuất chúng, nhìn xa trông rộng của ông chú. Hắn thầm nhủ Lý Long Tường mà là người đăng cơ, chứ không phải Lý Cao Tông, có lẽ lịch sử đã khác. Hắn nghĩ tới đấy lại tự hỏi, giờ đây hắn là người ở thời đại tương lai, sao có thể quay về quá khứ. Chả có nhẽ ông trời đã phái hắn trở về, muốn chỉ định hắn phải bẻ cong đường ray lịch sử? Nhưng làm vậy để làm gì? Có mưu đồ gì lẩn khuất ở trong đó hay không?
Từ khi nhập thể vào Lý Sảm, hắn luôn băn khoăn về những giấc mơ kỳ quái ngày nọ. Lâu lâu hắn lại mơ thấy những giấc mơ khác xảy ra ở tương lai, toàn là ác mộng, những người thân của hắn, những chiến hữu của hắn, chết dần chết mòn trước mặt hắn trong tuyệt vọng. Cho đến giấc mơ gần đây, hắn chỉ còn mỗi sư phụ là người thân duy nhất còn tồn tại ở bên cạnh hắn. Tại sao hắn lại mơ những giấc mơ ấy? Tại sao?
* * * * * * * * * *
Phủ Phú Lương.
Phú Lương thuộc vùng trung du miền núi phía bắc của nước Đại Việt, là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng. Khi Lý Thái Tổ đóng đô ở Thăng Long, phủ Phú Lương đã trở thành phên giậu trực tiếp che chở phía bắc kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076 - 1077, phần đất phía nam Phú Lương từng là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với Nhà Tống.
Đất Phú Lương là thiên đường trà, nơi đây có những cánh đồng trà, những đồi trà trải dài ngút tầm mắt, tạo cho lãng khách viếng thăm cảm giác lâng lâng, mơ hồ và căng tràn lồng ngực xúc cảm mơn man, diệu kỳ mà không nơi nào có được. Người dân vùng trung du Phú Lương ngày đêm tất bật với việc trồng trà, chế biến trà, sao trà và đảm bảo chất lượng qua thời gian. Quá trình ấy là cả một quá trình nghệ thuật, là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và lưu giữ cho con cháu muôn đời.
Trong một trang trại trồng trà xanh bạt ngàn, mênh mông nằm thoai thoải trên ngọn đồi chếch về tây, anh em Trần Trung Văn đang trò chuyện cùng một người trung niên, tuổi trạc tứ tuần. Hắn chính là Lý Bát, hầu gia của đất Ô Kim. Lý Bát có bộ dạng phương phi, ánh mắt sáng ngời, râu tóc đen nhánh, nhìn hắn còn trẻ hơn so với tuổi của mình.
Trần Trung Văn ngồi đối diện với Lý Bát, hai người Trần Trung Vũ và Trần Huyền Trân ngồi ở hai bên Trần Trung Văn.
Sắp đều bốn chén trà men ngọc màu sắc xanh trong mát nhẹ, ngoài viền chén trà khắc hoa văn hình hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh tịnh, Trần Trung Văn làm nóng ấm chén bằng cách đổ nước sôi vào ấm chén lắc đều và nhẹ.
Khẽ đổ nước nóng từ ấm chén vào khay, Trần Trung Văn dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm. Ấm trà được chế tác hình trái cam bổ múi dọc thân, với vai phình đáy thót, chân tiện khấc, vòi ấm dạng đầu rồng, quai ấm hình chim vẹt đắp nổi, màu men trắng của ấm như làn da trinh nữ đang độ xuân thì.
Trần Trung Văn rót một ít nước sôi tráng qua lớp trà rồi đổ đi. Sau đó rót thêm nước sôi ngập lớp trà, đợi cho ngấm, khi ấy những lá trà mở ra chầm chậm, mùi hương thoát ra thoang thoảng, sợi trà chuyển dần sang màu xanh rất đẹp. Trần Trung Văn tiếp tục rót thêm lần nữa đến khi đầy ấm.
Trần Trung Văn đặt bình nước sôi xuống bên cạnh, mỉm cười: “Trà Ngọc Tuyết Phú Lương được mệnh danh là tuyệt trà của Đại Việt ta. Mời Hầu gia chờ đợi khoảng một lúc nữa mới có thể thưởng thức được ạ.”
“Ha ha, thực không hổ danh là con trai của Trần Trung Tá. Ta nhìn cháu mà như nhìn lại chính vị đại thần quên mình vì chuyện quốc gia đại sự mà ta kính nể. Tuy đất phong của ta ở gần đất Phú Lương, nhưng loại trà quý hiếm Ngọc Tuyết Phú Lương này ta chưa từng thưởng thức qua. Chỉ cần mùi hương thoát ra từ trà đã khiến lòng người sảng khoái.” Lý Bát búng ngón tay lên chén trà, tiếng vang ngắn và nhỏ ngân lên.
Trần Trung Văn không tiếp lời mà khẽ ngâm:
Phù! Trà vị giả!
Lộ tẩy ngọc nha
Tiên xuân thám trích,
Tuyết minh kim niễu
Phá ngọ thục tiên,
Thiên ngoại phi lai
Long bồi hương nhập,
Gian chiến thoái ma
Vương trần hưu khoa,
Lô uyển hảo nhận
Triệu châu kim tắc
Khải nhận thiên đạo trường
Kiến thánh hiền pháp hội
Thiệt tế ba phiên hà hải
Đính môn nhãn chiếu càn khôn
Dược đào viên lô khán thủ
Bán không phi tuyết
Đương nhiên cử thác
Tự nhiên vũ dịch sinh phong.
Lý Bát thần người khẽ nói: “Bài thơ này, dường như ta đã đọc ở đâu đó rồi thì phải.”
Trần Huyền Trân ngâm tiếp:
Phù! Thang vị giả,
Phong giá phân cam
Giác hưởng thiệt đầu,
Ta át căn trần
Thấu triệt thuỳ tằng,
Tỵ không tiên tham
Đoạt Tô Ma Ba Lỵ chi trần
Thắng cam lộ Đề hồ chi diệu
Kim tắc, khai vô giá chi pháp hội
Vận bất động chi đạo trường
Thánh phàm thiệt tế tri âm
Nhân thiên đính môn bối nhãn
Hư tâm uyển phủng Nga nhi tửu
Triệt cước xanh phanh phượng tuỷ tương
Thiên thánh đài my nhất thời khể thủ.
Lý Bát cười cười chỉ tay về Trần Huyền Trân: “Cô cháu gái này, xem ra không thua kém người anh của mình là bao. Trung Tá quả thực có phúc phận sâu dày. Mà bài thơ hai cháu vừa ngâm, ta đã gặp qua rồi thì phải?”
Trần Huyền Trân cầm ấm trà lên, kề sát miệng ấm với miệng chén, từ từ đưa ấm lên cao hơn, tiếng nước rót róc rách chảy xuống, tuyệt nhiên không có giọt nào bắn ra ngoài. Thật chậm rãi rót vào bốn chén, mực nước trong từng chén đều ngang nhau, không hơn không kém. Mỗi động tác của nàng đều toát nên vẻ thuần thục, uyển chuyển và duyên dáng. Ánh mắt Huyền Trân chăm chú vào ấm trà, miệng hơi mỉm cười: “Hai bài thơ mà cháu và anh Văn vừa ngâm là hai bài Châm được treo ở xà ngang tại ngôi chùa Một Cột ở kinh thành Thăng Long đó, Hầu gia cảm thấy quen thuộc là phải rồi. Trà đã chín, mời Hầu gia thưởng trà.”
“Đúng là lâu quá rồi, có một số chuyện mà ta vô tình lãng quên mất.” Lý Bát đăm chiêu nhấp từng ngụm nước trà xanh tươi mát, hương vị chát ngọt đậm đà, một loại ngọt ngào riêng biệt ngát hương thơm. Thưởng trà là niềm đam mê, nét văn hóa của dân tộc Việt. Có vô vàn lý do để người ta thưởng trà, thưởng trà để mạn đàm thời cuộc, thưởng trà để chiêm nghiệm nghệ thuật pha trà, còn có khi thưởng trà thể hiện cái thú vui tao nhã, sự hiểu biết phong phú về các loại trà.
Hầu gia Lý Bát cảm nhận hương vị của trà, ngước nhìn ra bầu trời đêm lấp lánh ánh sao ngoài cửa sổ. Những bụi tre cứng cáp ẩn hiện trong ánh sáng mờ ảo dưới ánh trăng, được người tạo hình uốn cong thành hình dáng của chim Lạc, chim ưng, hổ chầu, hươu nai, nối tiếp đó là những hàng cây um trái, thẳng tắp rì rào đón gió đêm.
Chú Thích:
Trên xà ngang của ngôi chùa Một Cột, ở Hà Nội, ngôi quốc tự gần ngàn năm tuổi do vua Lý Thái Tông khởi dựng, có treo hai bài Châm phản ánh văn hóa thanh lịch của người Việt trong nghi thức uống trà, T.S Đinh Công Việt phiên âm và dịch thơ như sau:
Ôi! vị trà này!
Giọt sương rửa sạch ngọc đầy mầm thơm
Xuân xưa nay đã dò tìm
Tuyết lọc sạch hết sáng thêm ấm vàng
Quá trưa nước chín mơ màng
Ngọt ngào chất vị dậy hương bên trời
Hương nồng trà sấy thêm mùi
Đánh yêu ma cả một loài phải lui
Vương nghỉ trận khoe những gì
Chén trà đen sắc ai người nhận hương
Đất Triệu nay cũng như dường
Thánh - hiền hội pháp thấy rồi
Đây đầu lưỡi sóng dậy trời bể sông
Mắt nhìn vũ trụ mơ mòng
Bừng bừng múa lật than hồng lò reo
Nửa trời tuyết trắng trong veo
Dốc bầu nâng túi giữa chiều say sưa
Tự nhiên nổi gió mây mưa.
Ôi! Vị trà thang này
Mía - ong mật ngọt phơi bày chia ra
Cảm nơi đầu lưỡi của ta
Làm sai lệch gốc, làm xa tục trần
Những ai từng trải thấm nhuần
Lỗ mũi biết trước dễ phân mùi trà
Đoạt cả vị quí Tô Ma
Hơn cả nước ngọt cao xa Đề hồ
Ngày nay dù có bao giờ
Chốn không đồng, chốn chẳng chờ dù buông
Vẫn còn phép hội đạo trường
Mở ra vận dụng thênh thang khắp vùng
Thánh - Tục đầu lưỡi biết chung
Trời người trán mắt trùng phùng không sai
Lòng ta chẳng bợn trần ai
Chén Nga Mi dốc càng dài càng say
Tủy phượng tương ngọt đã bầy
Chậu xanh đun nấu càng đầy vị tiên
Nghìn vị thánh mày dựng lên
Mà lòng thành kính không quên cúi đầu.
Không Khoa Học Ngự Thú Truyện sủng thú cực hay, phá đảo mọi bảng xếp hạng tại Trung. Mn không nên bỏ lỡ siêu phẩm!