Ngay trong ngày vui trọng đại của buổi lễ kết hôn, Hoàng đế Kiến Gia cũng thông báo cho toàn dân Đại Việt được biết về việc mười vị phi tần đồng loạt mang long thai, đồng thời tuyên bố đại xá thiên hạ, tất cả những tù tội trong cả nước nếu không phạm vào thập ác thì đều được miễn xá phóng thích tự do. Cũng trong buổi lễ tại quảng trường Ngự Thánh, Hoàng đế Kiến Gia phát biểu một bài diễn thuyết dài trước dân chúng dự lễ. Những câu chữ trong bài diễn thuyết của vua không cầu kỳ mà dễ hiểu, không xa hoa mà thân mật, không sáo rỗng mà hùng hồn. Hoàng đế thao thao bất tuyệt vẽ ra một tương lai huy hoàng, hùng mạnh của đất nước nhưng đậm chất lung linh tươi đẹp, ngập tràn sắc thái huyền ảo, khiến cho từ quan đến dân như si như mê trước những lời lẽ hùng biện cực kỳ cuốn hút từ vị Hoàng đế cửu ngũ chí tôn.
Nghe người ta kể lại, sau bài diễn thuyết của Hoàng đế Kiến Gia, toàn bộ kinh thành Thăng Long nổ tung trong tiếng pháo râm ran đốt suốt đêm ngày, dân chúng kéo ra ngập đường hò reo hoan hô tán tụng vị vua anh minh vĩ đại. Và những lời lẽ từ bài diễn thuyết của vua nhanh chóng truyền lưu khắp đất nước, đồng thời nhờ vào tài lèo lái có chủ ý của những người kể chuyện còn thêm mắm dặm muối, làm cho hình ảnh về vị Hoàng đế càng thêm kỳ ảo hơn bao giờ hết.
Trong khi người dân khắp nơi còn đang say sưa bàn tán về các chiến tích lẫy lừng của Hoàng đế Kiến Gia trong các trận đánh dẹp tan quân phản loạn thì Lý Hạo bắt đầu phong quan tấn tước, trọng thưởng cho những người có công lớn với triều Lý.
Đầu tiên, Lý Hạo ban thưởng vàng, bạc, châu báu, đất ruộng, thái ấp cho tất cả những người có công với triều Lý trong cuộc chiến dẹp yên nội loạn, giữ vững triều Lý theo đúng quy định, luật lệ của triều đình.
Tiếp theo, Lý Hạo sắp xếp, điều chỉnh các chức vụ quan lại trong triều. Lão thái úy Đỗ Kính Tu vẫn giữ nguyên chức vụ Thái úy, hiện tại chỉ có mỗi Đỗ Kính Tu là giữ chức vụ Thái úy, lão là người đứng đầu triều chỉ sau vua. Trần Trung Văn được phong làm Thái phó, chỉ đứng dưới Đỗ Kính Tu. Lý Việt được phong làm Quốc sư chuyên nhiệm vụ ở bên cạnh hầu vua giải quyết tấu chương, Lý Việt còn có thể bàn luận cùng hai người Đỗ Kính Tu và Trần Trung Văn để xử lý những công việc triều chính. Lý Việt được phong một chức quan hữu danh vô thực, nhưng thực tế lại là người có quyền hành rất lớn, có thể thấy rõ Lý Việt là một vị quan vô cùng vi diệu trong triều Lý dưới thời đại của Hoàng đế Kiến Gia.
Nguyễn Hồng Phong giữ chức vụ Thượng thư bộ Binh, kiêm chức vụ Nguyên súy toàn quân. Trần An Quốc chuyển từ Thượng thư bộ Binh sang làm Thượng thư bộ Hộ, để hắn có thể phát huy tài năng về tư duy kinh tế. Phạm Lãi giữ chức vụ Thượng thư bộ Lại thay thế cho Nguyễn Ma La bị mất tích. Tô Trung Sang được phong làm Thượng thư bộ Hình. Cao Thanh Dũng, nhân tài kỹ thuật của gia tộc họ Cao, giữ chức vụ Thượng thư bộ Công. Huỳnh Xuân Trinh giữ nguyên chức vụ Thượng thư bộ Lễ. Ngoài ra, còn có các dòng họ gia tộc khác được ban chức tước ở các cơ quan ban văn khác như Trung thư thị lang, Tham tri chính sự, Gián nghị đại phu, Tư lang trung, Lang trung Lục bộ, Viên ngoại lang, Thư gia...
Đồng thời Lý Hạo phân phó thêm sáu anh em nhà Lý Việt là Lý Trường, Lý Kỳ, Lý Kháng, Lý Chiến, Lý Nhất, Lý Định giữ chức vụ Trợ Lý của cả sáu Bộ, chuyên nhiệm vụ giúp đỡ sáu Thượng thư giải quyết tấu chương, công văn.
Thực ra trong cách phân phối chức vụ này thì Lý Hạo có tư tâm rất lớn. Mặc dù, những quan chức đương triều đều đã được khảo nghiệm về sự trung thành của họ, nhưng ai mà biết được trong tương lai họ có giữ vững tấm lòng sắt son như lúc đầu hay không. Lý Hạo chia đều các chức vụ trong nội chính triều đình cho các gia tộc để họ quản lý và áp chế lẫn nhau, như vậy thì Lý Hạo mới dễ bề tá lực đả lực, không trao quyền hành cho một người hoặc một nhóm người mạnh mẽ hơn được.
Lý Hạo cài cắm thêm những anh em nhà Lý Việt vừa để giúp đỡ các trọng thần làm việc, vừa để cho họ giám sát luôn các quan đại thần này, chỉ cần các quan đại thần có biểu hiện hoặc những quyết sách khác lạ thì chắc chắn Lý Hạo là người biết đầu tiên. Nếu nói đến độ trung thành tuyệt đối hiện tại thì không ai có thể vượt qua anh em nhà Lý Việt.
Cũng như sau này khi Lý Hạo đi nam chinh bắc chiến thì phải hoàn toàn yên tâm về hậu phương của mình, để hắn có thể toàn tâm toàn ý đánh trận chốn sa trường. Giả sử như hắn đang ở ngoài tiền tuyến, mà nội bộ trong nước lục đục, gây xáo trộn triều cương thì hắn sẽ phải quay trở về để giải quyết tai họa ở nhà, lúc đó sẽ làm lỡ mất việc quân tình, hỏng hết kế hoạch tác chiến. Trong cuộc chiến tranh, mỗi cuộc chiến phải tốn biết bao công sức và sinh mạng cho đến khi gần thắng địch tới nơi mà phải quay về là nỗi bi ai lớn lao biết nhường nào. Nhiều khi còn phải đối mặt với nguy hiểm khi kéo quân trở về nước, lúc ấy quân địch sẽ đánh tập hậu và có khả năng gây tổn thất cho quân ta, hậu quả lớn nhất chính là toàn quân bị diệt.
Chính vì vậy, Lý Hạo cần phải nắm chắc tuyệt đối quyền lực trong tay, nắm chắc tất cả quan chức đương triều trong lòng bàn tay của mình, thì hắn mới có thể thực hiện được những mộng tưởng cao xa hơn. Cũng may, nhờ có anh em nhà Lý Việt nên Lý Hạo mới có thể giải quyết được mối họa tiềm ẩn trong lòng bấy lâu nay.
Lý Hạo không những phải nắm chắc ban văn mà càng phải nắm chắc ban võ hơn nữa. Vì thế Lý Hạo bắt đầu tiến hành nghiên cứu chỉnh sửa, phân tán, hợp nhất quân đội. Lý Hạo chia quân đội toàn thể quốc gia Đại Việt thành các quân đoàn thường trực luôn sẵn sàng chiến đấu bất kỳ lúc nào khi p0VLv có lệnh điều động từ Hoàng đế.
Lý Hạo chia quân thành năm quân đoàn lần lượt là quân đoàn số Một nằm ở hướng Bắc do Lý Thông làm chủ tướng, quân đoàn số Hai nằm ở hướng tây do Nguyễn Hồng Bàng làm chủ tướng, quân đoàn số Ba nằm ở hướng nam do Lý Bất Hối làm chủ tướng, quân đoàn số Bốn nằm ở hướng đông do Lý Long Tường làm chủ tướng, quân đoàn thứ năm được Lý Hạo đặt tên là quân đoàn Long Hổ do đích thân Lý Hạo làm chủ tướng, trú đóng ngay tại kinh thành Thăng Long, doanh trại nằm ở phía sau núi Long Đỗ. Còn lại các vị tướng như Lý Bát, Hà Cao, Đoàn Thượng... có công với triều đình, được ban làm tướng soái của các đội quân trực thuộc bốn quân đoàn trấn giữ ở bốn mặt đất nước.
Thủy quân cũng là đơn vị quân đội được Lý Hạo chú trọng quan tâm, tuy nhiên xét đến những cái tên thuộc các gia tộc khác nhau thì không người nào đủ tầm giữ chức vụ Đô đốc thủy quân để huấn luyện được một đội thủy quân hùng mạnh. Cuối cùng, Trần Trung Văn mới hiến kế cho Lý Hạo một cái tên bất ngờ, đó là Trần An Bang, kẻ phạm nhân phản loạn đang bị giam trong thiên lao. Xét trên phương diện thủy quân đương thời, quả thật không gia tộc nào có đội thủy quân hùng mạnh bằng gia tộc họ Trần, mà người có tài thao lược nhất về thủy quân trong gia tộc họ Trần lại chính là Trần An Bang. Chính vì thế, Lý Hạo cùng với Trần An Quốc thân chinh đến thiên lao thuyết phục Trần An Bang đầu quân cho triều đình. Trải qua hai ngày hai đêm, nhờ vào Trần An Quốc hết sức khua môi múa mép dụ dỗ người anh em ruột thịt và Lý Hạo cũng tận lực thể hiện sự chân thành mến mộ hiền tài đã thành công chiêu dụ được Trần An Bang ra sức vì triều đình, chấp thuận giữ chức vụ Đô đốc thủy quân Đại Việt.
Hội Diên Hồng chính thức thành lập trụ sở công khai trên các địa bàn trong cả nước, trực thuộc triều đình, được sự bảo hộ của triều đình. Những nho sĩ trụ cột trong các phong trào chống đối các tập đoàn quân phiệt trở thành những người đứng đầu ở các chi nhánh, người nắm quyền hành cao nhất của hội Diên Hồng vẫn là Lý Văn Quý. Còn Lý Thắng giữ chức vụ Trợ Lý trong hội Diên Hồng, giúp đỡ hội Diên Hồng hoạt động thật tốt.
Thời nhà Lý, việc học hành rất được triều đình chú trọng nên số lượng nho gia, sĩ phu rất đông, mà số lượng người được tuyển vào làm việc cho triều đình lại có hạn nên phần lớn những người nho sĩ ấy thất nghiệp rất nhiều, có người quyết chí chuyên tu học hành để gắng ngày đỗ đạt công danh trong những kỳ khoa cử sau, có người đi làm thầy đồ chuyên nghề gõ đầu trẻ, có người nản lòng về quê cũ cày ruộng. Khi Hội Diên Hồng được thành lập, đã thu nhận một số lượng nho sĩ nhất định, phần nào giải quyết được vấn nạn thất nghiệp cho những người học trò luôn có tâm cao chí lớn này.
Những trụ sở của hội Diên Hồng thực hiện các chức năng tương tự như những tòa soạn báo. Những tờ báo do hội Diên Hồng phát hành được đặt tên là báo Diên Hồng. Người trong hội Diên Hồng được truyền dạy các kỹ năng viết báo, ấn hành, phân phát báo chí. Báo Diên Hồng sẽ phát hành hàng tháng vào những ngày đầu tháng, gọi nôm na là Diên Hồng Nguyệt Báo. Lý Hạo dự định sau khi nhân viên của hội Diên Hồng quen với công việc sẽ phát hành báo theo hàng tuần. Còn nhiệm vụ chính của hội Diên Hồng là tuyên truyền, giáo dục ý thức đạo đức người dân, định hướng cho nhân dân hiểu và chấp hành tốt những chủ trương, quyết định của triều đình.
Chú thích:
Theo Hình thư của triều Lý, thập ác là:
1. Mưu phản: làm nguy xã tắc
2. Mưu đại nghịch: làm nguy tông miếu, cung khuyết
3. Mưu bạn nghịch: nổi loạn theo giặc
4. Ác nghịch: đánh giết ông bà cha mẹ
5. Bất đạo: giết người vô tội
6. Đại bất kính: dùng những đồ dành riêng cho vua, trộm và giả mạo ấn vua
7. Bất hiếu: mắng chửi hay không để tang ông bà cha mẹ
8. Bất mục: đánh giết những người thân thuộc gần
9. Bất nghĩa: dân giết quân, trò giết thầy, lính giết tướng
10. Nội loạn: thông dâm với họ hàng thân thiết, thiếp của ông hay cha.
Láo nháo ăn một pháo :lenlut