Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 198: Càn Quét




Kiêu vệ tướng quân Lý Bất Nhiễm vững vàng như núi thái, vung tay: “Tới lúc cho bọn hải tặc nếm mùi vũ khí của chúng ta rồi, máy bắn đá hỏa diêm chuẩn bị, bắn.”
Những chiếc máy bắn đá hỏa diêm loại nhỏ được gắn trên thuyền lầu bắt đầu phát động tấn công.
Bùm. Bùm. Bùm.
Những trái cầu sắt nhỏ màu đen được bọc hỏa diêm cháy đỏ rực bắn về phía hải tặc Cát Khơi gây ra lực sát thương rất lớn cho chúng. Những tấm ván gỗ thô sơ không ngăn được sức mạnh của trái cầu sắt nhỏ màu đen, hải tặc bị chọc thủng hàng phòng ngự, khi trái cầu chạm đất còn vang lên một tiếng nổ, hoa lửa bắn ra tứ phía, những tên hải tặc ở xung quanh bị thương nghiêm trọng, lửa bám vào cả người, lăn lộn kêu gào trên đất. Cầu sắt bọc hỏa diêm không ngừng trút xuống như mưa lên các lán trại, nhà gỗ, chòi canh của hải tặc. Lửa cháy ngập trời.
Ja Lau trợn tròn mắt: “Đó là cái gì vậy? Sức công phá của máy bắn đá hải quân Đại Việt sao mà mạnh như thế?”
Sau hàng loạt trận bắn cầu sắt hỏa diêm, cơ bản áp chế được hải tặc, Lý Bất Nhiễm giơ thanh trường đao về phía hải tặc Cát Khơi, gầm lớn. “Đại Việt!”
Hải quân Đại Việt đồng thanh hô như sóng dậy cuộn trào: “Hùng cường!”
Đại Việt! Hùng cường!
Đại Việt! Hùng cường!
Đại Việt! Hùng cường!
Hải tặc nghe tiếng hô khẩu hiệu đầy dũng mãnh của hải quân Đại việt liền sinh lòng hoảng sợ, sĩ khí hải tặc nhất thời giảm xuống. Khi đáy thuyền lầu chạm bờ của đảo Cát khơi, Mắt Lý Bất Nhiễm long lên sòng sọc, truyền lệnh: “Toàn quân, tấn công.”
Hải quân Đại Việt từ trên thuyền nhảy xuống, lao lên bờ, xông vào đám hải tặc. Những tên hải tặc cũng cầm chắc vũ khí, chuẩn bị đón đánh thì lúc này một toán quân Đại Việt bất ngờ từ phía sau lưng bọn hải tặc xông ra hô lớn.
Giết. Giết. Giết.
Hải tặc Cát Khơi bị tấn công từ cả phía trước và phía sau, nên luống cuống tay chân, chống đỡ loạn cào cào. Hải quân Đại Việt đánh vỗ mặt từ hai hướng, sĩ khí dâng trào, mặc tình chém giết. Hải quân Đại Việt lao vào đâm chém hải tặc, người thì cầm giáo xiên thủng bụng hải tặc, người thì song phi tới ôm cổ hải tặc vật xuống đất cầm trủy thủ đâm lủng sọ, người thì chiến đấu với ba tên hải tặc vẫn còn dư sức cắt cổ một lượt cả ba...
Hải tặc Cát Khơi mặc dù hung hãn, liều chết chống cự nhưng ưu thế hoàn toàn nghiêng về phe hải quân Đại Việt. Thủ lĩnh hải tặc Ja Lau cũng mình trần xông trận, hò hét quát tháo, nhưng vẫn không thể nào chống lại hải quân Đại Việt. Bọn hải tặc nhanh chóng bị đánh bại, phần bị tru giết, phần bị bắt sống, thủ lĩnh hải tặc Ja Lau không thoát khỏi số phận bị cầm tù. Hải quân Đại Việt giải cứu rất nhiều phụ nữ bị bọn hải tặc bắt lên đảo, họ òa lên khóc nức nở mừng rỡ vì được giải thoát, thi nhau dập đầu cảm tạ hải quân Đại Việt. Khu căn cứ của hải tặc bị hải quân Đại Việt châm lửa đốt phá sạch sẽ. Đồng thời hải quân Đại Việt cũng phải trầm trồ trước số lượng lớn châu báu mà hải tặc Cát Khơi giấu trong hang động.
Kiêu vệ tướng quân Lý Bất Nhiễm dẫn quân ra về trong tiếng hò reo vang dội vui mừng phấn khích của hải quân Đại Việt, bởi vì lần này quân đoàn số Ba dưới trướng chủ soái Lý Bất Hối lại lập được công to cho triều đình Đại Việt. Bốn quân đoàn trong cả nước ganh đua nhau lập công, càn quét các doanh trại của bọn cướp, hoặc các ổ tặc cướp do các nước lân cận ngầm chỉ huy quấy phá Đại Việt. Các quân đoàn cũng đưa những toán lính thiện chiến sang các nước thành lập các ổ tặc phỉ nhằm cướp bóc vơ vét của cải, lấy răng trả răng, lấy máu trả máu. Sóng ngầm giữa Đại Việt và các nước lân cận mãnh liệt dâng trào.
* * * * * * * * * *
Từ những ngày sơ giao với Trần Trung Văn thì hai người Trần Trung Văn và Hoàng đế Kiến Gia đã nhiều lần thảo luận với nhau về việc tế thế an bang, cải cách đất nước, đặc biệt là vấn đề làm giàu cho Đại Việt. Trần Trung Văn không hổ là con trai của chiến lược gia đại tài Trần Trung Tá, Trần Trung Văn vạch ra chính sách cải cách về kinh tế mang tính đột phá vượt thời đại, nếu áp dụng những kế hoạch của Trần Trung Văn một cách phù hợp thì đất nước Đại Việt chắc chắn sẽ chuyển mình. Ngay cả Lý Việt khi nhìn thấy bản kế hoạch của Trần Trung Văn cũng phải tấm tắc khen ngợi không thôi.
Bản kế hoạch cải cách của Trần Trung Văn gồm các mặt cải cách là nông nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, giao thông. Qua những lần đóng góp, bổ sung của quan viên triều Lý thì mọi người thống nhất cải cách các mặt sau:
Thứ nhất, về mặt nông nghiệp, thời Lý có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, cho nên việc cải cách nông nghiệp được đưa lên mục tiêu hàng đầu. Cách phân chia ruộng công, ruộng đất nhà chùa, ruộng tư thời nhà Lý là ruộng công gồm có quốc khố điền, đồn điền, ruộng tịch điền, ruộng sơn lăng, ruộng công làng xã, ruộng thác đao và thực ấp; ruộng đất nhà chùa là ruộng do nhà chùa quản lý; ruộng tư là ruộng thuộc quyền sở hữu của tư nhân.
Trần Trung Văn chỉ rõ tổng diện tích đất mà ruộng công, ruộng đất nhà chùa và ruộng tư của phú hộ trên cả nước chiếm dụng là quá lớn, trong khi đó hiệu quả sau mỗi vụ mùa từ số ruộng đất ấy lại không cao, đặc biệt là loại thực ấp thuộc quyền sở hữu giới quý tộc, ruộng tư của phú hộ thì tiền tô thuế quá cao khiến cho nhiều nông dân rơi vào cảnh bần hàn, nhiều nông dân bỏ không làm ruộng đó nữa, dẫn đến nhiều ruộng bị hoang hóa, bỏ không, không có người canh tác, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho đất nước. Mặc dù, triều đình nhà Lý đã có chính sách động viên người dân đi khai khẩn đất hoang, mở rộng đất canh tác nhưng muốn biến đất hoang thành đất canh tác màu mỡ, dựa vào kỹ thuật trồng trọt đương thời là vô cùng khó khăn, cần phải mất mười năm, hai mươi năm thậm chí là 6uIxK hơn thế nữa, người dân mới có thể thu lợi từ những mảnh đất mới khai phá, gây ra sự trì trệ về phát triển nông nghiệp của nước nhà.
Để giải quyết tình trạng trên, Trần Trung Văn cho rằng các loại ruộng công và ruộng đất nhà chùa cần phải được chia đều cho nông dân, nông dân được quyền sở hữu những loại ruộng đó, để nông dân lấy đất đó cày cấy, từ đó hiệu quả năng suất tăng lên rất cao.
Tuy nhiên, chính sách của Trần Trung Văn lại có ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của tầng lớp quý tộc thời bấy giờ. Trong cuộc Hội Triều Chúng Tinh, hầu như đa số quan viên đều phản đối chính sách cải cách ruộng đất của Trần Trung Văn.
Qua hai ngày tranh cãi máu lửa trên điện Thiên An, nhờ vào gợi ý của Lý Việt, thì mọi người đi đến quyết định dung hòa như sau. Ruộng công, ruộng nhà chùa vẫn thuộc quyền sở hữu của giới quý tộc, giới tăng lữ nhưng triều đình quy định giới quý tộc, giới tăng lữ bắt buộc phải cho nông dân canh tác trên đất ấy, triều đình nhấn mạnh kẻ nào không cho dân canh tác khiến cho đất ruộng bỏ hoang thì triều đình sẽ tịch thu làm của công rồi chia cho nông dân. Người nông dân canh tác trên đất ấy, sau mỗi vụ mùa, nông dân sẽ trích ra 1/3 số tiền thu được, nộp cho người sở hữu số ruộng đất ấy.
Ngoài vấn đề cải cách ruộng đất thì những công trình thủy lợi cho nông nghiệp cũng là vấn đề quan tâm của triều đình, triều đình tiến hành cải tạo đê ngăn lũ, đắp thêm đê, đào mương, khơi thông nguồn nước tưới tiêu cho ruộng đồng, mở rộng hệ thống đê điều ra cả nước. Khuyến khích quân dân cùng tham gia vào phát triển thủy lợi.
Vùng biển đảo của nước Đại Việt cũng có rất nhiều tiềm năng, khoáng sản, là cửa ngõ giao lưu với các nước lân bang. Triều đình Đại Việt tăng cường và cụ thể hóa các hoạt động sản xuất trên biển như khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng hải sản và vận tải đường biển. Phát triển các loại hình dịch vụ trên biển tạo điều kiện cho người dân bám biển, sinh sống, làm ăn.
Thứ hai, về thương nghiệp, dịch vụ, do chịu ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước, triều đình các triều đại phong kiến chủ trương chính sách chú trọng nông nghiệp nên kinh tế Đại Việt mang tính chất trọng nông ức thương, vấn đề buôn bán trong nước, ngoại thương chưa được sự quan tâm đúng mức của triều đình. Tầng lớp thương nhân không được coi trọng bằng các tầng lớp khác, dẫn đến người làm buôn bán thường chịu điều tiếng như cách gọi dè bỉu là giới con buôn, bọn thương lái, đám gian thương lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Cả chính sách ngoại thương cũng rất hạn chế, triều đình nhà Lý chỉ cho phép thương nhân nước ngoài buôn bán ở những nơi chịu sự quản lý của triều đình, thương nhân trong nước muốn trao đổi hàng hóa với thương nhân nước ngoài thì phải đến những địa điểm mà triều đình quy định và trải qua sự kiểm soát khắt khe của quan quân triều đình. Tuy vậy, nền thương mại Đại Việt đưong thời phát triển khá tốt, Đại Việt đã tạo được mối quan hệ với các nước Tống, Chiêm, Ai Lao, Chân Lạp, Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La, Tam Phật Tề...
Sau cuộc Hội Triều Chúng Tinh, triều đình Đại Việt quyết định nâng tầm ảnh hưởng của thương nghiệp, xóa bỏ định kiến về giới thương nhân, quy định mọi lĩnh vực ngành nghề đều được xem trọng. Khuyến khích người dân tham gia buôn bán, giải thích cho họ thấy được những lợi ích to lớn mà buôn bán mang lại. Xóa bỏ các điều luật khắt khe đối với ngoại thương, mở cửa cảng thông thương với tất cả các nước, khuyến khích thương nhân nước ngoài đến Đại Việt buôn bán, khuyến khích tự do buôn bán trong cả nước. Triều đình quy định rõ, tất cả nhân dân trong cả nước đều được quyền mở cửa hàng, buôn bán tất cả các loại hình khác nhau, bất kể là nông dân, nho gia, quan lại hoặc người trong Hoàng tộc đều được quyền tổ chức doanh nghiệp buôn bán. Tất nhiên, vấn đề thu thuế đối với các thương nhân, công xưởng sẽ được quy định một cách chặt chẽ hơn để thu nguồn lợi to lớn về quốc khố triều đình.
Chú thích:
- Trảo Oa: tức đảo Java, xuất hiện từ thế kỉ 7 - 8. Có nhiều quan hệ buôn bán, giao lưu với các nước trong khu vực, đặc biệt với Việt Nam thời xưa. Trong thư tịch cổ Việt Nam, TO còn được viết là Qua Oa, Chava.
- Lộ Lạc: tức vương quốc Lavo, là một thể chế chính trị ở tả ngạn sông Chao Phraya trong thung lũng Thượng Chao Phraya, tồn tại từ khoảng thế kỷ 7 cho đến năm 1388.
- Ruộng công:
Trong số các loại ruộng công, ruộng quốc khố và đồn điền được các sử gia ghi nhận các thuật ngữ này trong sách An Nam chí nguyên của (phần Cống phú) Cao Hùng Trưng (Trung Quốc), còn trong sử sách của Việt Nam không thấy ghi:
Quốc khố điền là ruộng công của triều đình mà hoa lợi thu được dự trữ vào kho của vua để chi dùng cho hoàng cung.
Đồn điền là ruộng đất hình thành từ việc khai hoang ven sông, ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam.
Ruộng tịch điền là loại ruộng do triều đình trực tiếp quản lý, hoa lợi dùng cho triều đình. Hằng năm, nhà Lý vẫn duy trì cày ruộng tịch điền là hình thức kế thừa từ thời Tiền Lê.
Ruộng sơn lăng là loại ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ nhà vua.
Ruộng công làng xã là ruộng giao cho các làng xã quản lý, do những người lính nhàn thời bình về cày cấy
Ruộng thác đao và ấp thang mộc (thực ấp) là ruộng ban thưởng cho quan lại, công thần. Nhưng loại ruộng này chỉ dành cho 1 đời công thần, không truyền được cho con cháu và công thần cũng chỉ được hưởng phần thuế thu từ ruộng đó.
Ruộng đất nhà chùa: Là đất đai do nhà chùa quản lý, chiếm số lượng khá lớn.
Ruộng tư: Chế độ sở hữu ruộng tư thời Lý khá phổ biến và phát triển. Pháp luật cho phép các tầng lớp trong xã hội mua bán ruộng đất.
Láo nháo ăn một pháo :lenlut

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.