Đoàn người Lý Hạo đi vòng vèo thêm một đoạn đường mới tới chân tòa tháp Báo Thiên, hay còn gọi là tháp Đại Thắng Tư Thiên. Trên đường đi, các vị phi tần luôn miệng suýt xoa, trầm trồ khen ngợi những công trình, vật dụng chế tác tuyệt hảo của nghệ nhân đương thời như các bức tượng phật bằng đồng với muôn hình vạn trạng, các vật dụng biểu tượng của nhà phật như thiền trượng, giới đao hộ pháp cũng được đúc bằng đồng đặt trước cổng những tòa phật đường.
Đến con đường có hai hàng liễu xanh rì thẳng tắp, bên trên là giàn dây leo được cắt tỉa hình chim bay, mây nước khiến đoàn người Lý Hạo như chìm vào lạc cảnh. Họ vừa bước đi vừa tận hưởng cảm giác thanh tao, tịnh nhã đó, cho đến khi họ bừng tỉnh thì trước mắt họ là tòa tháp Báo Thiên nguy nga, sừng sững.
“Tới rồi, tháp Đại Thắng Tư Thiên, quả là danh bất hư truyền.” Lý Hạo chắp tay sau lưng, ngẩng đầu nhìn đỉnh tháp cao vòi vọi.
“A, không gian nơi đây thật rộng, thật thoáng đãng. Mọi người xem, ở đằng kia người ta làm gì mà đông thế?” Thiên Kiều thích thú nói, hết ngắm nghía tòa tháp lại chỉ trỏ những khách tham quan đang đứng chung quanh.
Tháp Báo Thiên được đặt trong một khoảng sân rộng lớn, mặt sân lát đá, quanh tháp trồng các loại cây cổ thụ lấy bóng mát che rợp xếp thành hình tròn vây lấy tòa tháp như chúng tinh củng nguyệt. Đây đó, những tao nhân mặc khách đi thành từng đoàn hoặc đứng riêng lẻ chiêm ngưỡng tòa tháp, có nhóm người đang tụ tập ở những nơi lấy xăm quẻ, bói toán, thầy đồ bán chữ hoặc vẽ tranh bán zV03e tại chỗ. Ngoài ra, ở một số nơi có lác đác vài vị tăng lữ cặm cụi quét lá cây.
Triệu Hồng Thắm ngước nhìn tòa tháp, cất tiếng hỏi vu vơ: “Tháp cao quá, không biết là cao bao nhiêu trượng nữa? Nhìn đỉnh tháp kìa, đỉnh tháp óng ánh đủ màu đẹp quá.”
Trịnh Thị Mai thì buột miệng hỏi: “Không biết tháp được xây cách đây bao lâu rồi mà trông cổ kính, tráng lệ biết bao?”
Lý Hạo dẫn các vị phi tần tới gần tháp, vươn tay về phía tháp, tự hào giảng giải: “Đây là tòa tháp hùng vĩ nhất Đại Việt, tháp gồm có mười hai tầng, cao hai mươi trượng có dư, những tầng dưới được xây bằng đá và gạch, đỉnh tháp hoàn toàn được đúc bằng đồng có khắc ba chữ “Đao Ly Thiên” chứng tỏ cái chí khí hào hùng của nhân dân Đại Việt muốn sánh cùng trời cao. Tòa tháp này được xây dựng cách đây hơn 150 năm rồi, cụ thể là được xây vào năm 1057. Các nàng xem, dòng chữ trên thân tháp kìa, “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình, tứ niên tạo”, nghĩa là dựng năm thứ tư niên hiệu Long thụy Thái Bình đời vua thứ ba triều Lý.”
Trịnh Thị Mai uốn người, liếc mắt đưa tình: “Quả không hổ danh là chồng của thiếp, chàng thật thông tuệ tài ba, ngay cả những chuyện vào cách đây hơn trăm năm mà chàng cũng nắm rõ trong lòng bàn tay.”
Triệu Hồng Thắm không chịu kém, áp sát vào bên cạnh Lý Hạo, nắm tay lắc qua lắc lại: “Vậy chàng còn biết những gì về tòa tháp nữa, giảng tiếp cho thiếp nghe với.”
Nguyễn Thị Thiên Kiều liếc xéo một cái, bĩu môi: “Không biết xấu hổ.”
Lý Hạo biểu lộ thần thái thông tuệ, tiếp lời: “Tháp Đại Thắng Tư Thiên xứng đáng là một trong những quốc bảo vô giá của Đại Việt, được xem là biểu tượng của sự ổn định, bền vững như triều đình nhà Lý ta sẽ vĩnh viễn trường tồn. Không những thế, tòa tháp này còn được xưng tụng là một trong Thiên Nam Tam Đại Khí.”
Thiên Kiều ngạc nhiên lắm, tròn mắt nói: “Thiên Nam Tam Đại Khí? Ba bảo vật quý báu nhất của trời Nam? Đây là lần đầu tiên thiếp nghe nói đến danh xưng ấy.
Triệu Hồng Thắm cũng không giấu được lòng hiếu kỳ, lên tiếng: “Vậy còn hai bảo vật kia là gì? Chàng nhanh nói đi.”
Lý Hạo trầm ngâm: “Quốc bảo thứ hai có lẽ các nàng cũng từng nghe nói đến, vật ấy nằm trong kinh thành Thăng Long, chính là chuông Quy Điền.”
Thiên Kiều bật thốt: “Chuông Quy Điền? Có phải là chàng đang muốn nói đến cái chuông đồng rất lớn nằm ở khu ruộng sau chùa Diên Hựu hay không?”
Lý Hạo gật đầu: “Đúng vậy.”
Trịnh Thị Mai hỏi Thiên Kiều: “Em Kiều này, sao cái chuông ấy lại có tên là chuông Quy Điền?”
Trịnh Thị Mai thuộc gia tộc họ Trịnh ở châu Chân Đăng, còn Triệu Hồng Thắm là con cháu trong dòng dõi họ Triệu ở châu Phong. Hai nàng vốn chỉ chăm lo học nữ công gia chánh, may vá, thêu thùa, đàn hát, những chuyện ngoài đời họ thường không để ý tới, nên những thông tin mà Lý Hạo vừa nói thì những bậc sĩ phu, giới trung lưu đương thời có thể biết được nhưng đối với giới nữ lưu như họ đều là những tin tức cực kỳ mới lạ. Còn Nguyễn Thị Thiên Kiều thuôc dòng tộc họ Nguyễn ở kinh thành đã lâu, lại là con nhà võ, thường có tư duy phóng khoáng hơn những dòng tộc theo trường phái văn sĩ, vì thế Thiên Kiều được tiếp xúc với những kiến thức ngoài đời, tuy vậy nàng vẫn là giới nữ cho nên có chuyện nàng biết, có chuyện thì không.
Thiên Kiều thấy mình được dịp trổ tài, bèn vung tay múa chân, thao thao giảng: “Vào đời tiên Hoàng Lý Nhân Tông năm 1080, tiên Hoàng hạ lệnh trùng tu lại ngôi chùa Diên Hựu, trong lần ấy tiên Hoàng đã tập trung đến mười hai ngàn cân đồng để đúc quả chuông đồng khổng lồ. Trớ trêu là chuông đúc xong thì đánh lại không kêu, tiên Hoàng phán chuông đã biến thành thần khí của trời đất nên không phá hủy nó mà sai lính đặt ở ngoài ruộng sau chùa Diên Hựu. Khu ruộng ấy có rất nhiều rùa ở, thường gọi là ruộng Rùa, từ đấy dân gian đặt tên cho quả chuông là chuông Quy Điền.”
Triệu Hồng Thắm vỗ tay, khen ngợi: “Thiên Kiều thực xứng danh cân quắc anh thư, nữ trung hào kiệt đương thời. Không những võ công cao mà kiến thức cũng uyên bác vô song.”
Thiên Kiều chắp tay, cười toe: “Không dám, không dám, em chỉ biết gì nói đó mà thôi, sao có thể so với người học sâu hiểu rộng, văn tài võ đức như chồng của chúng ta kia chứ.”
Lý Hạo cười ha hả: “Thiên Kiều à, nàng quá tâng bốc chồng của nàng rồi đấy.”
Trịnh Thị Mai lắc tay Lý Hạo, phụng phịu: “Còn một bảo vật nữa là gì? Chàng giảng tiếp đi nào.”
Lý Hạo vui vẻ nói: “Quốc bảo thứ ba chính là pho tượng phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm.”
Trịnh Thị Mai hào hứng: “Tượng phật chùa Quỳnh Lâm? Kiều, em biết gì pho tượng kia không?”
Thiên Kiều lắc đầu: “Em mới chỉ nghe tên về pho tượng ấy thôi, chứ không biết gì nhiều đâu. Thôi, em không dám múa rìu qua mắt thợ, để chàng giảng luôn cho trót.”
Lý Hạo chắp tay sau lưng, hướng mắt về phía bắc, điềm đạm nói: “Chùa Quỳnh Lâm nằm trên dãy núi đồi thuộc cánh cung Đông Triều, lộ Bắc Giang. Người có công lao lớn nhất trong quá trình tạo dựng ngôi chùa Quỳnh Lâm là Quốc sư Nguyễn Minh Không, ngài cũng là người đã chỉ đạo đúc nên pho tượng phật Di Lặc lớn nhất Đại Việt. Pho tượng này cao khoảng hai mươi thước, để chứa được pho tượng thì Quốc sư Nguyễn Minh Không đã cho người xây dựng tòa điện cao khoảng hai mươi bốn thước. Dân gian truyền lưu, đứng cách xa mười dặm vẫn thấy mây mờ vờn quanh nóc tòa điện của pho tượng khổng lồ.”
Triệu Hồng Thắm tấm tắc: “Thực không ngờ người Việt chúng ta lại có thể tạo dựng được những bảo vật hùng vĩ nhường ấy.”
Ánh mắt Lý Hạo trở nên mông lung: “Đáng tiếc, đáng tiếc, rất lâu sau những thứ gọi là quốc bảo ấy lại chỉ còn là một đống tro tàn.”
Thiên Kiều nhăn trán, chợt nắm chặt tay Lý Hạo, chăm chú nhìn Lý Hạo nói: “Sao có thể như thế được? Chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra. Những bảo vật ấy sao có thể biến mất được. Nếu như có ngày ấy thì chàng phải nhất quyết ngăn cản. Hãy hứa với thiếp.”
Lý Hạo yên lặng nhìn Thiên Kiều, lại nhìn về phương Bắc xa xôi, khóe mắt giật giật, khẽ gật đầu: “Được, ta hứa với nàng. Ta nhất định sẽ bảo vệ, không chỉ là những bảo vật vô tri của dân tộc kia, mà còn là dân tộc chúng ta.”
Triệu Hồng Thắm lúc lắc bàn tay Lý Hạo: “Thiếp nhận thấy tháp Đại Thắng Tư Thiên còn nhiều điều cần khám phá lắm. Chàng còn biết gì nữa thì giảng cho bọn thiếp nghe với.”
Lý Hạo ngoái nhìn về hướng những tòa phật đường đang có rất đông người tụng kinh niệm phật, thành kính sụp lạy nguyện cầu, chuyên tâm chăm chú nghe thuyết pháp giảng kinh. Hắn nhắm mắt lại, chợt mở bừng mắt, vỗ vỗ lên bàn tay Triệu Hồng Thắm, chỉ về phía cửa vào của tòa tháp, trước mỗi cửa đều có hộ vệ đứng gác, cười bảo: “Hà hà, thực ra thì ta cũng chỉ biết bấy nhiêu thôi, chúng ta cùng nhau đến cửa tháp quan sát cho rõ hơn nào.”
Chú thích:
*Chùa Diên Hựu: chùa Một Cột ở Thăng Long – Hà Nội. Nay, chùa Một Cột đã được làm lại thu nhỏ nhưng vẫn trên khu đất cũ vốn xưa thuộc vườn cấm phía Tây của Hoàng thành nhà Lý, là ngôi chùa của hoàng gia, do vua Lý Thái Tông cho xây để giải giấc mơ thấy Quan Âm dắt lên đài sen. Chùa mang hình tượng bông sen thanh cao, tinh khiết biểu trưng của đạo Phật và đất Phật. Thư tịch xưa cho hay chùa được dựng trên đỉnh cây cột đá cao mười trượng, vọt lên từ giữa ao thơm Linh Chiểu hình vuông ở trong một cái hồ Bích Trì hình tròn, xung quanh hồ có hành lang được vẽ nhiều hình về thế giới nhà Phật, gác phía Bắc cầu cong để đi vào, hai bên cầu đằng trước được xây tháp bằng sứ men trắng như lưu ly. Trong lòng tháp có tượng Quan Âm. Hàng tháng vào ngày mồng một và rằm, hoàng gia làm lễ đi vòng quanh chùa để cầu cho nhà vua sống lâu, vương triều bền thịnh. Hàng năm ở đây còn tổ chức lễ phóng sinh.
Theo Đông Tỉnh – vanhien.vn – Bài viết chùa Một Cột (Diên Hựu Tự)
*Chùa Quỳnh Lâm: Ngôi chùa nằm ở trung tâm xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (xưa kia là xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, Phủ Kinh Môn, Tỉnh Hải Dương). Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải gọi là núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy từ núi Yên Tử, Ngọa Vân xuống đồng bằng. Vào năm 1329, chùa Quỳnh Lâm trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam. Đây là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật. Theo truyền thuyết dân gian thì chùa Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng.
Tương truyền trong dân gian còn có bài thơ về chùa Quỳnh Lâm như sau:
Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông
Ai qua hãy đứng lại mà trông
Tháp cao chính trượng tầng mây ám
Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng
Trước điện thông reo cùng trúc hóa
Trong am khánh đá với chuông đồng
Vua tu phật hóa vui vui nhỉ.
Theo ditichlichsuvanhoa.com - bài viết chùa Quỳnh Lâm.
*Câu “Thiên Nam Tam Đại Khí” mà tác giả lấy làm đề chương là do tác giả biến tấu trong câu “Đệ Nhất Thiên Nam Tứ Đại Khí” hoặc “An Nam Tứ Đại Khí” của tiền nhân. An Nam Tứ Đại Khí: gồm tượng Phật Di Lặc (chùa Quỳnh Lâm, Ðông Triều, Quảng Ninh), tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh Báo Thiên, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Diên Hựu, Hà Nội), vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh). Bốn bảo vật trên được xem là bốn món quốc bảo quý giá nhất của nước Đại Việt vào thời xưa. Trong đó, ba món bảo vật đầu được đúc vào thời Lý còn món bảo vật thứ tư là vạc Phổ Minh được đúc vào thời Trần. Sau này, cả bốn món quốc bảo trên đều bị giặc Minh phá hủy. Cũng giống như số phận tứ đại khí, bốn ngôi chùa liên quan cũng có số phận khá buồn. Chùa Quỳnh Lâm bị đốt trụi thời Thiệu Trị, chùa Sùng Khánh thời thuộc Pháp cũng bị phá để xây Nhà thờ Lớn, hiện chỉ còn chùa Diên Hựu và chùa Phổ Minh.
Theo Vân Nhi – baodatviet.vn – Bài viết Số phận hẩm hưu của 'An Nam tứ đại khí'
Truyện thuần phong cách cổ điển phiêu lưu khám phá, với những yếu tố tươi sáng hài hước nhưng không kém phần hấp dẫn trong phân tích và chiến đấu, đưa bạn trở về những ký ức Pokemon đẹp thời thơ ấu.