Tạ Tường Vi hơi lo lắng, lén kéo tay áo La Vân Khỉ khẽ nói nhỏ:
“Tẩu tử, chi bằng ta rút lui thì hơn.”
La Vân Khỉ khẽ vỗ lên mu bàn tay nàng, khẽ nhếch môi cười khẩy nhìn Quan Tuyết Yến.
“Là ngươi sợ ngươi đọc trước, rồi ta sẽ bắt chước chứ gì? Với bụng dạ tiểu nhân ấy mà cũng dám tự xưng thư hương thế gia sao?”
Quan Tuyết Yến bị nói trúng tim đen, mặt thoáng ửng đỏ.
“Hừ, bớt lắm lời, rốt cuộc có dám hay không?”
“Chỉ sợ ngươi không dám.” La Vân Khỉ hắng giọng, ngẩng đầu đọc:
“Đợi đến thu về mồng tám tháng chín,
Hoa ta nở, trăm hoa tàn.
Hương thơm xông trời thấu Long An,
Phố phường đều phủ áo giáp vàng.”
(Vì kinh thành nước Thiên Long tên là Long An, nàng chỉ sửa hai chữ trong nguyên tác.)
Bốn câu vừa dứt, cả sân lặng như tờ, chỉ còn tiếng gió thoảng qua mái hiên.
Dù là kẻ không biết chữ, nghe qua cũng cảm nhận được khí thế hùng tráng, mênh mang trời đất. Dẫu Quan Tuyết Yến có ứng khẩu thế nào, cũng khó lòng vượt nổi.
Lý Thận trợn mắt há mồm, vài ngày trước Quan phu tử cũng từng ra đề lấy cúc làm thơ, hắn đến giờ còn chưa vắt ra được một chữ. Nay nghe La Vân Khỉ ngâm, hai mắt hắn trừng to như chuông đồng.
Dẫu không nhắc chữ “cúc”, nhưng phong thái thanh cao, hương thơm kiêu hãnh của loài hoa đã hiện lên sống động, không thể nào chê được. Lý Thận lập tức vỗ tay, hô lớn:
“Hay! Hay thơ lắm!”
Học trò thư viện thấy thế cũng nhao nhao tán thưởng.
Quan Tuyết Yến mặt mày đỏ ửng như lửa cháy, không còn chỗ để chui.
Nàng thật sự đã thua, mà còn thua đến thảm hại.
Với loại thơ khiến đất trời nghiêng ngả thế này, e rằng có kéo cả phụ thân nàng đến cũng khó mà địch nổi.
Nha hoàn bên cạnh lại không hiểu sự tình, vội nói:
“Tiểu thư, mau đối lại đi, dằn c.h.ế.t nàng ta!”
Quan Tuyết Yến đẩy mạnh nha hoàn ra, kéo váy bỏ chạy, chẳng ngoái đầu.
Lý Thận nhìn La Vân Khỉ rồi cũng vội vã đuổi theo.
La Vân Khỉ nhàn nhạt cười, nàng từ thuở học tiểu học đã yêu thi từ, luận văn so với nàng chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ.
Ở thời hiện đại, chỉ cần một học sinh hoàn thành chương trình chín năm nghĩa vụ, cũng đủ làm Quan Tuyết Yến cứng họng.
Cái thứ tiểu thư mắt cao hơn đầu, thật chẳng biết trời cao đất dày là gì.
Nàng sửa lại vạt áo, thong thả bước về phía quầy.
“Chưởng quầy, chỗ ngài có bán vải vụn không?”
Thiên Long quốc vốn trọng văn, nay thấy một nữ tử chỉ dùng bốn câu thơ đã khiến tiểu thư thư viện mất hết thể diện, chưởng quầy vội vàng bước ra, cười hớn hở:
“Không ngờ cô nương đây văn tài xuất chúng như thế! Vải vụn chẳng đáng gì, nếu cô nương ưng ý, cứ việc lấy cả đi.”
La Vân Khỉ vội vàng tạ lễ, nhưng lại không muốn chiếm lợi của người khác.
Liền vận ý niệm, từ không gian lấy ra hai cây cải to xanh mướt, đưa ra từ chiếc giỏ tre sau lưng.
“Chưởng quầy không lấy tiền, vậy ta biếu hai cây cải này, xem như cảm tạ.”
Tạ Tường Vi vội nói:
“Tẩu tử, muội có tiền đây.”
Nhưng đã bị La Vân Khỉ ngăn lại.
Những vật ấy với nàng mà nói, ngày nào cũng có, đâu cần mua bán. Huống chi giờ đang lúc mùa giáp hạt*, nàng không đành lòng để Tường Vi tiêu phí, khi trong thôn ngày càng khó sống.
*mùa giáp hạt: Chỉ thời kỳ lúa cũ đã hết mà lúa mới chưa thu hoạch, gây ra tình trạng thiếu lương thực trong một khoảng thời gian.
Thấy rau tươi ngon như thế, chưởng quầy mừng rỡ không thôi, từ trong buồng lại mang ra thêm một đống vải vụn. Lưu Thành Vũ lập tức xách lên, ba người xem như thu hoạch đầy ắp.
Trên đường về, Lưu Thành Vũ nhìn nàng với ánh mắt sùng bái:
“Tẩu tử, người thật lợi hại, một bài thơ đã khiến cô ả họ Quan chạy mất dép!”
Tạ Tường Vi mặt đỏ hồng, phấn khích nói:
“Còn dám quyến rũ Hàn đại ca nữa không? Tẩu tử của ta chẳng thua kém nàng ta chút nào!”
La Vân Khỉ hơi chột dạ, thầm bĩu môi. Nàng cũng chỉ là "đạo thơ", chẳng có gì đáng khoe khoang, liền khéo léo chuyển sang chuyện khác.
Bên kia, Lý Thận đã quay về thư viện.
Vừa đọc lại bài thơ, toàn bộ học sinh trong viện đều sôi trào phấn khích.
Quan phu tử càng kích động, truy hỏi dồn dập:
“Bài thơ này ai làm? Người ấy hiện giờ ở đâu?”
Lý Thận gãi đầu đáp:
“Là một phụ nhân ăn mặc rách rưới, bên cạnh có một nam một nữ, hình như là người trong thôn ra chợ.”
Hắn mô tả lại y phục và dáng vẻ, Hàn Diệp nghe xong liền sững người, không cần đoán cũng biết: người đó, ngoài La Vân Khỉ ra, còn ai vào đây nữa…