Chương 137: Xa Trì quốc bài tăng sùng đạo
Kể từ ngày Đa Long bị “phạt” chở thầy trò Đường Tăng qua sông, Đa Long trở về Thuỷ Phủ lãnh án “phạt” thứ 2, trấn thủ Thuỷ Phủ vĩnh viễn (thì gặp chuyện Hắc Liên Thánh Sứ) mấy thầy trò Đường Tăng bộ hành cũng đã qua mấy tháng.
Băng tan, tuyết chảy, để lộ ra những chồi non mơn mởn. Hoa thơm đua nhau khoe sắc, từng cơn gió nhẹ se se lạnh, cuốn theo những cánh hoa đưa hương ngây ngất lòng người. Lại một mùa xuân nữa đến.
Năm thầy trò đương đi giữa một cảnh trời đầy ý thơ, thì nghe có tiếng hò hét như sấm rền. Không biết có chuyện chi, nên Ngộ Không bổ nhào lên Cân Đẩu Vân, ngó xuống xung quanh xem thử.
Đảo mắt một vòng, cuối cùng Ngộ Không cũng thấy được nguyên do. Thì ra, âm thanh rầm rộ đó, bắt nguồn từ một thành trì phía xa xa.
Nơi đó, không biết vì lý do gì, các hoà thượng phải khuân gạch, vác gỗ, đẩy xe, kéo đá vô cùng khổ nhọc. Âm thanh rền trời là do họ hò hét, đồng thanh tụng vang “Đại Lực Vương Bồ Tát” để trợ lực mà tạo thành.
Khung cảnh xung quanh, thì tương đối giống một công trường lớn, có lẽ đang thi công xây dựng cái gì đó. Sư sãi thì như nhân công, làm việc vất vả, nhưng lại ăn mặc rách rưới, tay chân có xiềng xích, trông chả khác gì tội nhân. Vốn dĩ những cơn gió se se lạnh đầu xuân mơn trớn da thịt rất mát mẻ, nhưng giờ đây, đối với những người ăn mặc đơn sơ như họ, nó đã trở thành những lưỡi dao lạnh ngắt cứa vào thịt da.
Chưa kể, cứ một tốp hoà thượng như thế, lại có một đạo sĩ cầm roi da chực sẵn. Hễ có sãi nào kiệt sức quá, khuỵu xuống mà nghỉ một chút, lại bị roi da quật vào người đau điếng.
Cái đau cao hơn cái mệt, các sư dù có mệt cơ nào, cũng đành phải ráng sức mà làm tiếp. Còn nếu thấy có tăng nào “nằm nghỉ” lâu quá, không ai đã động tới, thì chín phần mười là đã về nơi đất Phật rồi.
“Chát!”
Một tên đạo sĩ mặc áo gấm, mũ đính ngọc, cầm roi da quất vào một hoà thượng già, da đã lấm tấm vệt đồi mồi, đã gục xuống vì mệt lã người, quát:
“Đứng lên! Mau mau làm cho xong đi! Nếu không thì lát nữa không có cơm ăn đâu!”
Hoà thượng già cắn chặt hàm răng, để không gào lên đau đớn. Sư thầy cố gượng dậy, lôi theo khúc gỗ to, tập tễnh đi tiếp. Trên lưng ông chi chít vết roi, vết cũ chưa kịp lành, thì vết mới lại rướm máu.
Tên đạo sĩ trẻ hình như vẫn chưa hài lòng với tốc độ của vị sư già. Hắn giơ cao roi da trên tay, định vụt thêm phát nữa, thì bị một bàn tay nắm lấy cổ tay hắn ngăn lại.
“Vô lượng Thiên Tôn! Đạo hữu dừng tay đã!”
Một đạo sĩ tướng mạo tầm thường nói.
Tên đạo sĩ trẻ định quát lớn, vùng tay ra, nhưng phát hiện tay mình như bị kẹt vào khe đá, có vùng vẫy cỡ nào cũng không thoát ra được. Ngó ra sau lưng đạo sĩ tướng mạo tầm thường kia, còn đứng đấy một tên đạo sĩ gầy ốm, một đạo sĩ mập mạp, một đạo sĩ râu tóc xồm xoàm, cùng một đạo sĩ anh tuấn phi phàm. Không ai khác chính là thầy trò Đường Tăng cải trang.
Biết là đã gặp được cao nhân, bên kia lại người đông thế mạnh, tên đạo sĩ trẻ không dám manh động. Hắn thử không cố vùng vẫy nữa, quả nhiên đối phương cũng nới lỏng tay ra, cho đến khi hắn hạ tay xuống cũng không động thủ tiếp.
Bóp b·óp c·ổ tay hơi đau nhức, tên đạo sĩ trẻ thấp thỏm hỏi:
“Vô lượng Thiên Tôn! Xin hỏi, các vị là…?”
“Vô lượng Thiên Tôn! Bần… đạo là đạo sĩ từ đông thổ Đại Đường, đi tây phương bái Tam Thanh cầu đạo kinh!”
“Tam Thanh đạo tổ cùng đạo kinh sao lại ở Tây phương? Các vị có nhầm lẫn gì không?”
“Haizzz! Ngươi không đi ra ngoài nên không biết đó thôi. Tam Thanh đạo tổ vì thương cho chúng sinh Tây phương khổ cực, đã dời đạo tràng tới cực Tây để cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh ở đó rồi. Bọn ta nghe tin nên mới định đi về hướng đó cầu đạo kinh đây.”
“Cái gì? Có thật không?”
“Tin chuẩn luôn! Sư tổ của sư bá của sư cô của đạo lữ của sư công của huynh đệ kết nghĩa của sư phụ của ân công của ta làm tiên nga trên Thiên Đình báo lại đấy!”
“Thật vậy sao?”
“Thật!”
“Oh!”
Đạo sĩ trẻ tuổi đầu óc quay cuồng, mơ mơ hồ hồ gật đầu.
Thấy đối phương đã bị “thôi miên” Đường trưởng lão bắt đầu khai thác thông tin, từ “n·ạn n·hân” xấu số. Không có gì bất ngờ, nơi đây chính là địa phận của Xa Trì quốc.
Nguyên là 20 năm trước, Xa Trì quốc có một đợt h·ạn h·án lớn chưa từng có, khắp nơi trên cả nước không có lấy một giọt sương, chứ đừng nói chi là mưa. Quốc Vương thấy thế, liền ra chiếu cho quan quân, bá tánh cả nước tắm rửa sạch sẽ, lập đàn đồng khấn vái cùng chư tăng để cầu mưa.
Chư tăng gõ mõ, tụng kinh 3 ngày 3 đêm, miệng mồm khô khốc mà chả thấy ứng vào đâu, mưa cũng không rơi giọt nào. Giữa lúc đó, có ba vị đạo nhân xuất hiện, lần lượt là Hổ Lực đại tiên, Lộc Lực đại tiên và Dương Lực đại tiên.
Ba vị đạo nhân này chỉ cần phất tay một cái, gió giục mây vần, phất tay hai cái sấm nổ mưa phun. Mưa lớn trên cả nước, giúp đất nẻ hồi sinh, giúp thực vật nảy mầm, giúp động vật đỡ khát và giúp bá tánh thoát khỏi tử kiếp trông thấy.
Không dừng lại ở đó, ba tên đạo nhân cũng thi nhau phô diễn thần thông. Nào là biến nước thành dầu, hoá đá thành vàng, tay cầm nhật nguyệt,… vô cùng lợi hại. Quốc Vương cùng thần dân thấy vậy vô cùng kính phục, phong làm quốc sư, tôn đạo giáo làm quốc giáo.
Còn các vị sư sãi, bởi vì ba tên quốc sư châm ngòi thổi gió, cộng thêm sự việc trước đó. Quốc Vương cho rằng họ chỉ là những kẻ “nguỵ tu” bịp bợm, nhận cung dưỡng của bá tánh, ham ăn biếng làm, tới khi có chuyện cần, thì cầu khẩn chẳng linh ứng.
Thế là theo sự “đề xuất” của ba tên quốc sư, Quốc Vương Xa Trì quốc đã hạ chỉ phá chùa, dỡ viện, đập tự, thay thế tất cả bằng đạo quan, đạo miếu. Sư sãi, sa di hoà thượng, tất thảy đều bị biếm làm đầy tớ cho đạo sĩ. Kiếm củi thổi lửa, gánh nước quét sân, không việc nhọc nào không làm.
Tình cảnh hiện tại, là bọn đạo sĩ đang cần xây một đạo quan mới ở gần đây, nên bắt sư sãi ra đây xẻ đá, chặt cây, vận chuyển vật liệu xây đạo quan cho chúng. Lại sợ các thầy lười làm hoặc bỏ trốn, chúng đeo gông xiềng vào các thầy cho chắc. Tay thì lăm lăm roi da, hễ chúng thấy hoà thượng nào mà theo ý chúng là lười biếng, thì chúng sẵn tay mà đánh luôn.
Cơ bản đã nắm rõ đầu đuôi sự tình, Đường Tăng suy nghĩ cực nhanh rồi chỉ vào vị sư già, đã được Bát Giới và Sa Tăng đỡ dậy, nói:
“Đạo hữu có thể làm phước một lần, thả vị hoà thượng này ra được chăng? Lúc trước, quê hương ta bị một trận đại hồng thuỷ, ta thất lạc nhiều bà con lắm. Nay sẵn tiện trên đường về tây, ta muốn tìm lại đồng hương năm xưa. Rất may thì thấy vị hoà thượng này, ngài ấy cũng là họ hàng của ta đấy!”
Đạo sĩ trẻ nghe vậy, liền đáp ngay:
“Đạo hữu quá lời rồi! Tưởng chuyện gì, chứ chuyện nhỏ đó có xá chi. Ngài cứ dẫn đi đi, ta trình báo lên trên sau cũng được!”
“Vậy thì tốt quá! Nhưng mà…”
“Đạo hữu còn có chuyện gì cần nữa sao? Cứ nói ra đi, chúng ta là đồng đạo cả. Với lại, ở đâu thì không biết, chứ ở đây ta chỉ cần ho một tiếng thì chuyện gì cũng xong!”
Tên đạo sĩ trẻ ngẩng đầu, ưỡn ngực bốc phét.
Bốn sư huynh đệ Ngộ Không thấy cảnh này chỉ có lắc đầu. Bốn ánh mắt nhìn nhau đồng thời hướng về một ý nghĩ duy nhất: Nhóc con chưa trải sự đời này, tự đào hố chôn mình rồi!
Đường Tăng nghe vậy, mỉm cười vui vẻ nói:
“Được vậy thì tốt quá! Số là bần đạo phát hiện thêm, trong số hoà thượng ở đây, cũng có một vài người khác là thân nhân thất lạc của ta nữa. Chẳng hay đạo hữu có thể tạo điều kiện để ta dẫn đi được không?”
“Có nhiều không?”
“Chắc cũng trên hai người!”
“Chuyện này…”
Đoạn, tên đạo sĩ trẻ để tay lên cằm, vuốt vuốt với vẻ đắn đo, thì Đường Tăng đã dúi vào tay hắn một cây linh thảo. Đạo sĩ trẻ thấy vậy thì mừng lắm, tuy bản thân là đệ tử nội môn, nhưng linh thảo quý hiếm như vầy, đúng là khó thấy.
Thế là tên đạo sĩ trẻ kêu một tên đệ tử ngoại môn lại dặn:
“Trương Tiểu Phàm! Mau lại đây! Dẫn những vị đạo hữu này đến bảo lãnh thân nhân về. Có ai dị nghị cứ báo tên của ta.”
“Vâng thưa Thẩm Du sư huynh!”
Mặc dầu ngoài miệng là nói vậy, nhưng Thẩm Du vẫn kéo Trương Tiểu Phàm qua một bên, thì thầm gì đó, rồi mới để hắn dẫn thầy trò Đường Tăng đi.