Ngày thứ ba của kỳ nghỉ Quốc khánh, Lam Thành đón một đợt không khí lạnh dữ dội.
Sau một đêm mưa gió ào ào, những hàng cây trong sân bị hơi lạnh tưới đẫm, lá rụng tứ tán: cái thì dính vào góc tường, cái thì kẹt trong kẽ gạch xanh, cái lại tùy hứng ngâm mình trong những vũng nước nhỏ đọng lại.
Từ Kiêu khoác một chiếc hoodie xám, nhìn đống hỗn độn trên mặt đất, đột nhiên hắt xì một cái.
“Trời ơi, mặc thêm đi, cảm lạnh thì chỉ có khổ thôi.” Dì Thôi trong nhà gọi với ra.
Từ Kiêu vươn vai, vừa định bước vào trong thì Từ Thịnh Khải, người vừa kết thúc buổi tập thể dục sáng, đẩy cửa sân bước vào.
“Chú hai.”
Từ Thịnh Khải ừ một tiếng: “Vừa gõ cửa phòng con mà không thấy động tĩnh, giờ mới dậy à?”
“Con dậy từ sớm rồi, chỉ là sợ chú bắt con đi chạy cùng thôi.”
“Con còn dám nói, còn trẻ mà lười vận động.”
“Chú chăm thể dục thể thao thế mà vẫn có bụng bia đó thôi?”
“Thằng nhóc thối,” Từ Thịnh Khải quất khăn tắm về phía anh, “Chú mà không tập thì bụng còn lớn hơn nữa.”
Từ Kiêu nhanh nhẹn né tránh, cười khoác vai ông. Trong công ty Từ Thịnh Khải luôn ra oai, nhưng khi đứng cạnh cháu trai thì lại thấp hơn nửa cái đầu. Ông cũng để mặc cho anh dắt đi, đến khi đổi giày ở cửa mới đẩy anh ra: “Tránh ra, người chú đầy mồ hôi.”
Dì Thôi bưng ra một dĩa sủi cảo chiên, gọi mọi người ăn sáng, còn Từ Thịnh Khải thì lên lầu tắm rửa. Một lát sau, Từ Thịnh An và Ôn Lệ Chân cũng từ bên ngoài về. Từ Kiêu gọi một tiếng “Ba, mẹ”, đợi đủ bốn người mới ngồi xuống.
Từ Kiêu một năm chẳng về nhà được mấy lần, có một bữa sáng yên ổn như thế này cũng là chuyện hiếm hoi. Ôn Lệ Chân nhìn con trai, con bà gần ba mươi tuổi rồi, đi làm rất ra dáng lãnh đạo, nhưng giờ tóc còn ướt, mặc bộ đồ cũ vào lại mang vẻ thư sinh.
Trách sao được?
Bà tự an ủi, tại con trai bà giống mẹ, nên trắng trẻo, không thấy già.
Bà rót cho anh một ly sữa đậu nành: “Thật sự mùng 5 là đi hả?”
“Dạ.”
“Vậy lần sau khi nào về?”
“Tùy tình hình thôi, mẹ đừng mong chờ quá. Con cứ lượn qua lượn lại cũng phiền lắm.”
“Ai nói con phiền?”
Từ Kiêu nhìn sang bên trái, Ôn Lệ Chân cười nhẹ: “Ba con chỉ cứng miệng vậy thôi chứ mềm lòng lắm. Con về nhà lần này, ông ấy có nói con gì đâu?”
“Con mới về có hai ngày, nếu mà ba còn cằn nhằn nữa thì con có phải con ruột của ba mẹ không đây?”
Từ Thịnh An liếc anh một cái.
Từ Kiêu cũng liếc lại, nhưng không nói gì. Trong nhà có quy tắc là không nói chuyện công việc trên bàn ăn, nhưng ngoài công việc ra thì giữa anh và ba mình cũng chẳng còn chủ đề gì khác để nói.
Ở bên chú hai, anh lại thoải mái hơn nhiều.
Cúi đầu ăn xong bữa sáng một cách nghiêm túc, anh là người đầu tiên đặt đũa xuống. Ôn Lệ Chân biết anh lại sắp đi đến Chi Tử Hoa nên cũng không giữ lại, còn Từ Thịnh Khải thì hỏi: “Ngày mai có rảnh không? Đi đánh bóng với chú.”
“Đánh ở đâu? Xa quá là con không đi đâu.”
“Sân tennis. Con gọi cả Như Phi đi nữa.”
Hả? Thế thì lạ à nha.
Từ Kiêu cười đầy ẩn ý: “Chị con là dân mù thể thao mà cũng chơi tennis? Chú hai, chú đừng nói với con là đang định ép con làm chuyện gì thất đức đấy nhé.”
“Hẹn hò xem mắt có tính là thất đức không?”
“Không tính, nhưng… thôi tha cho con đi. Nếu con hại chị ấy một lần, lần sau chị ấy nhất định sẽ đào hố chôn con mất.”
Từ Thịnh Khải cười ha ha: “Hóa ra con cũng sợ nó sao?”
Đương nhiên rồi. Ở công ty chị còn không dám quát tháo anh, chứ về nhà thì là nữ vương chính hiệu. Anh và bà chị họ này có thâm thù đại hận từ lâu, thái độ tốt nhất là tôn trọng nhưng tránh xa. Từ Thịnh Khải thấy dụ dỗ bất thành, cũng chỉ đành bỏ cuộc. Đứa con gái này của ông, không thể đánh, không thể mắng, không thể quản, không thể dỗ, đúng là khó hầu hạ.
Bữa sáng kết thúc, hai anh em Từ Thịnh An vào phòng làm việc, còn Ôn Lệ Chân thì gọi Từ Kiêu lại: “Con với Tiểu Khương dạo này vẫn tốt chứ?”
“Dạ tốt.”
“Vậy sao mẹ thấy nó đăng ảnh du lịch trên vòng bạn bè mà lại không có con đi cùng?”
“Cô ấy đi với người khác.” Hai ngày nay, thỉnh thoảng anh lại nhận được những tin nhắn khoe khoang từ cô ấy, nhưng anh chẳng những không vui, mà còn có chút bực mình, thấy hơi phiền: “Mẹ, chuyện của bọn con mẹ đừng lo.”
“Không phải mẹ muốn lo, chỉ là… thôi vậy.” Ôn Lệ Chân biết chuyện của người trẻ càng xen vào càng sai, nhưng bà cũng rõ nhà họ Khương không vừa lòng Từ Kiêu lắm. Hai đứa đã yêu nhau lâu như vậy, bà không mong mối quan hệ của chúng bị ảnh hưởng. Bà chỉ dặn: “Con với chị con đều không còn nhỏ nữa, làm gì cũng phải có thứ tự ưu tiên.”
“Dạ.”
“Dạ gì mà dạ? Ba con đầu óc cứng nhắc, còn con thì ngốc. Chạy đến Lư Thành, dự án hoàn thành cũng phải mất một năm, hai đứa xa nhau, tình cảm có sâu đến đâu cũng sẽ nhạt dần.”
Từ Kiêu lại nghĩ, công việc của Khương Tử Hân vốn dĩ đã khiến hai người họ ít gặp nhau rồi, vậy thì anh ở đâu có gì khác nhau đâu.
Ôn Lệ Chân thấy anh chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề: “Nói thật với mẹ, con có nghĩ đến chuyện kết hôn chưa?”
“Dạ có.”
“Vậy thì đối xử tốt với người ta vào.” Bà cảm thấy yên tâm hơn, xem ra con trai bà thật sự thích cô gái đó. Nhưng—bà lại tò mò, “Con thích con bé ở điểm nào?”
“Đẹp.”
“…”
Quả nhiên.
Hôm qua, Ôn Lệ Chân vừa phàn nàn với Từ Thịnh An rằng điều động công tác như vậy là không ổn, dễ ảnh hưởng đến chuyện yêu đương của con. Nhưng Từ Thịnh An lại bực bội: “Ngoài yêu đương ra, nó không còn chuyện gì để làm sao?”
“Nhỡ đâu hai đứa xảy ra mâu thuẫn thì sao?”
“Nếu đến chút mâu thuẫn nhỏ này cũng không giải quyết được, vậy sau này cũng khỏi cần bàn đến chuyện lâu dài.”
Bà không phục: “Thằng Kiêu đối với Tiểu Khương chân thành lắm đó.”
“Chân thành cái gì, nó chỉ ham người ta xinh thôi.”
…
Giờ thì kết luận của chồng đã được chứng minh, Ôn Lệ Chân vừa muốn cười lại vừa thấy bất lực. Ai cũng yêu cái đẹp, lý do này có thể đủ với đàn ông, nhưng với phụ nữ thì… Bà thăm dò: “Ngoài đẹp ra thì sao?”
Từ Kiêu không trả lời, chỉ xoay người bà lại: “Đã nói là mẹ đừng lo rồi, mẹ cứ làm việc của mẹ đi. Con đến công ty đây.”
Ôn Lệ Chân khẽ gọi một tiếng, nhưng khi quay đầu lại, chỉ thấy anh đội nón lên đầu, tay đút túi, bước ra khỏi sân.
___
Trần Hạ ở trong ký túc xá cả ngày, không nhận được bất kỳ tin nhắn nào. Cô mở máy tính tìm phim xem, nhưng chẳng có gì hấp dẫn. Trước khi đi ngủ, cô chợt thấy hụt hẫng, đây là kỳ nghỉ dài nhất từ khi cô đi làm, cũng là kỳ nghỉ vừa nhàn rỗi vừa thấp thỏm nhất.
Đã mấy ngày trôi qua kể từ đợt phỏng vấn tập trung cuối tháng Chín. Sau khi cân nhắc, cô từ chối một lời mời từ công ty Internet, nhưng lại phản hồi với bộ phận nhân sự của Hằng Thiên Holdings. Tưởng rằng qua hai vòng phỏng vấn là có thể nhận việc ngay, ai ngờ đối phương lại báo rằng vẫn còn vòng ba với lãnh đạo cấp cao. Không còn cách nào khác, cô phải đến thêm một lần vào ngày mùng 8.
May mà mai đã là mùng 8 rồi. Lẽ ra đó sẽ là ngày cô và Mạnh Thanh Minh đăng ký kết hôn, nhưng trước áp lực sinh tồn, những ký ức mộng mơ kia đều phải gác sang một bên. Cô hy vọng, thậm chí khao khát mọi chuyện sẽ suôn sẻ, để chiều mai cô có thể tìm nhà gần công ty mới, sớm rời khỏi căn ký túc xá đơn này, để tránh rơi vào cảnh không nơi nương tựa.
Tìm việc thật đáng sợ. Không gì đáng sợ hơn việc ôm hy vọng mà phải chờ đợi một kết quả do người khác quyết định. Cô thậm chí còn khâm phục chính mình khi mới ra trường. Khi đó, cô gửi đi nhiều đơn ứng tuyển hơn bây giờ, áp lực bài kiểm tra và phỏng vấn cũng lớn hơn, nhưng vẫn mang theo sự nhiệt huyết của kẻ mới bước vào đời, dám thể hiện bản thân và có đủ dũng khí để thích nghi với môi trường mới.
Vậy tại sao hồi đó cô không về quê mà lại đến Lam Thành?
Vì năm mười tám tuổi, cô nóng lòng thoát khỏi ba mẹ, chạy trốn khỏi ngôi nhà khiến mình ngột ngạt. Đến năm hai mươi hai tuổi, cô nhận ra lang bạt rất cô đơn, nên quyết định ở lại nơi này.
Mỗi bước đi trong cuộc sống đều phải dùng sức lực mà bước tiếp. Đến thời điểm hiện tại, cô vẫn chưa nỗ lực đủ.
Cô không thể trông chờ vào sự bao dung của môi trường nữa.
Sáng mùng 8, Trần Hạ bước vào tòa nhà mới của Hằng Thiên Holdings với tâm trạng hồi hộp.
Hằng Thiên Holdings là một doanh nghiệp lớn, chủ yếu kinh doanh sản phẩm hóa chất. Cô chưa từng làm việc ở công ty thương mại, nên trước khi đến đây đã cố gắng ôn lại những kiến thức từ vòng phỏng vấn đầu tiên, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng những câu trả lời liên quan đến vị trí ứng tuyển. Không ngờ, điều đó lại có tác dụng.
Nửa tiếng sau, Phó chủ tịch bắt tay cô: “Nếu thuận tiện, thứ Hai tới có thể đi làm luôn.”
Cô vốn định nói mình có thể đi làm ngay ngày mai, nhưng lý trí nhắc nhở rằng, cái gọi là “thuận tiện” ở đây hẳn cũng là theo thời gian của họ. Thế nên, cô mỉm cười lịch sự: “Vâng, cảm ơn ạ.”
Bước ra khỏi tòa nhà, trời không biết từ lúc nào đã bắt đầu mưa lạnh. Khi nhận điện thoại của Tiểu Trịnh, giọng cô vui vẻ như những giọt nước mưa bắn tung trên vỉa hè: “Ừ, được, tôi sẽ quay lại ký giấy.”
Chiều hôm đó, Trần Hạ hoàn tất bước cuối cùng của quy trình bàn giao. Cô mua trà chiều cho Tiểu Trịnh và các đồng nghiệp thường xuyên liên lạc, còn mình thì lặng lẽ rời đi.
Chia tay vừa khiến người ta buồn, cũng vừa khiến người ta tỉnh táo.
Một ngày sau, Tôn Như Phi biết tin cô nghỉ việc: “Vậy giờ em là Phó giám đốc bộ phận quản lý doanh nghiệp của Hằng Thiên?”
“Thứ Hai tuần sau mới chính thức.”
“Đãi ngộ thế nào?”
Cô thành thật trả lời: “Thử việc ba tháng, lương trước thuế 7.500, bảo hiểm xã hội và quỹ nhà ở đóng 12%.”
“…Chị không biết có nên chúc mừng em không nữa.”
“Chúc mừng em đi, em đã đánh bại hai ứng viên khác đó.” Trần Hạ tự nhủ đừng để ý quá nhiều đến chênh lệch lương bổng, “Em mời chị ăn cơm nhé.”
“Được thôi, đi nhà hàng Tây mới mở trong khu thương mại, tiện thể chị có thứ muốn đưa em.”
Trần Hạ cười: “Không phải hôm nay đâu, đợi đến thứ Bảy nhé, giờ em đang ở ngoài.”
“Ở đâu?”
“Phía Bắc thành phố, em đang tìm nhà, bảy giờ có hẹn với môi giới.”
“Vậy chị đến tìm em.”
Trần Hạ nói không cần, nhưng Tôn Như Phi vẫn kiên quyết. Đến khi gặp mặt, cô mới hiểu vì sao đối phương lại vội vàng đến vậy—
“Đây là bao lì xì của Chủ tịch tập đoàn gửi em.”
Cô kinh ngạc đến mức không nói nên lời.
“Vì chuyện này, chị còn phải đến ngân hàng rút tiền mặt, nên em không được từ chối đâu đó.”
“Nhưng mà…” Lòng Trần Hạ ngổn ngang, “Như Phi, em có làm đám cưới đâu.”
“Nhưng đây là tấm lòng của Chủ tịch.” Tôn Như Phi nháy mắt, “Nguyên văn lời của Chủ tịch là, nếu có cơ hội, ngài ấy cũng muốn uống rượu mừng của em… Dĩ nhiên, chị lập tức nói ngay, ‘Chủ tịch bận thế thì sao rảnh mà đi, hơn nữa nếu Chủ tịch đến thì Tiểu Trần còn phải lo tiếp đón, chi bằng đừng làm phiền cô ấy nữa.’”
“…”
Trần Hạ nghĩ, chắc chỉ có chị ấy mới dám nói chuyện như vậy với Chủ tịch.
Tôn Như Phi đẩy bao lì xì về phía cô: “Này, chị đâu cần nịnh bợ em.”
Chị nghiêm túc nói: “Em là người đáng tin cậy, điều đó rất quý giá. Làm việc với em, chị rất yên tâm, làm bạn với em, chị cũng không sợ em có mục đích gì khác. Niềm tin này là tương đối, nên em đừng nghi ngờ, cũng đừng từ chối tấm lòng của người khác.”
“Chị tin rằng Chủ tịch nhìn người chuẩn hơn chị, ngài ấy quý trọng em chắc chắn có lý do. Hơn nữa, số tiền này với ngài ấy chẳng đáng gì, em nhận lấy, coi như một sự hồi đáp tích cực. Ngài ấy biết được còn vui hơn là bị em phớt lờ đấy.”
Chị nhận thấy trên gương mặt Trần Hạ thoáng vẻ bối rối, nhưng nhiều hơn là sự xúc động chân thành.
“Như Phi,” cô thở dài, “Em lúc nào cũng cãi không lại chị.”
“Vậy nên em cứ nhận…”
“Nhưng em không thể nhận tiền mà không có lý do, em ghi nhận lời chúc, nhưng tiền thì thật sự không thể nhận.”
“Em cố chấp quá.” Tôn Như Phi bất đắc dĩ, nghĩ một lát rồi chuyển chủ đề, “Thôi được, không nhắc nữa. Nhà cửa tìm thế nào rồi?”
“Không ưng lắm.”
“Dự trù thế nào?”
“Chỉ cần rộng rãi và giao thông thuận tiện là được.”
“Có vẻ em đã nghĩ thông rồi, cuối cùng cũng không còn tích góp của hồi môn nữa.”
Trần Hạ bật cười. Mấy năm nay cô chi tiêu không nhiều, số tiền tiết kiệm vốn định để lo cho cuộc sống hai người, giờ chỉ cần dùng cho mình thì dư dả hơn hẳn.
“Vậy thì để chị đưa em đến một nơi.”
Trần Hạ liền đi theo Tôn Như Phi rời khỏi nhà hàng. Mười lăm phút sau, cô nhìn thấy một tòa nhà rực sáng đèn phía xa: “Chị không định kêu em thuê căn hộ ở Nhã Phong đó chứ?”
“Đúng vậy.”
“Nhưng Nhã Phong là khu căn hộ đắt nhất ở đây, hơn 70.000 một mét vuông, hay là 80.000?”
“Đó chỉ là giá niêm yết thôi, thực tế giao dịch chắc không cao đến vậy.” Tôn Như Phi nhìn cô, “Hóa ra em từng tìm hiểu rồi hả?”
Trần Hạ lắc đầu: “Em chỉ từng nghe Tổng giám đốc Từ nhắc đến một lần, ngài ấy sống ở đây.”