Dư Ôn - Kim Vụ

Chương 15: Cảm ơn




Tưởng Sương từng bôi thuốc cho cậu, thuốc tan bầm, dung dịch đỏ thẫm thấm vào móng tay không thể rửa sạch. Thứ đầu tiên bị hành hạ bởi cái nghèo chính là thể xác, đầu ngón tay cô chạm vào làn da thô ráp, gồ ghề không thể vuốt phẳng. Dù có qua bao nhiêu năm tháng đi chăng nữa thì máu thịt cũng không thể đúc thành sắt thép, cô cảm thấy như có vật thể lạ trong mắt, khiến đôi mắt tiết ra chất ẩm ướt, muốn xóa đi thứ cảm xúc kỳ lạ mà tồi tệ này.

Phó Dã không cử động, cơ thể thẳng đứng, đường nét cơ bắp căng chặt, chắc như bức tường rõ ràng dưới ánh sáng. Trên lưng cậu có hai vết dao dài, Tưởng Sương không thể tưởng tượng ra được con dao đó dài thế nào. Khi nhìn thấy vết thương này, cô không kìm được tiếng thở dài rất nhẹ, hai vai cũng chùng xuống. Cô bóp kem thuốc bôi lên, vô thức hành động nhẹ nhàng hơn. Phó Dã không nhúc nhích như chẳng hay biết, chỉ im lặng, căng cứng hệt tượng đá.

Bôi thuốc xong là thay băng gạc sạch.

Phó Dã mặc áo hoodie lên, cả người trông khỏe hơn nhiều. Khuyết điểm duy nhất chính là những sợi râu mọc lún phún trên cằm. Đã mấy ngày liền cậu không cạo râu rồi, giờ cả người mệt rã rời chỉ muốn nằm xuống giường.

Tưởng Sương nảy ra ý định, đề nghị muốn cạo râu cho cậu.

Thậm chí Phó Dã chưa cần suy nghĩ đã từ chối, ngả người về sau, kéo giãn khoảng cách giữa hai người. Cậu nhíu mày, rõ ràng nghi ngờ lời cô.

“Cậu biết làm không?”

Coi thường người ta quá.

Từ nhỏ Tưởng Sương đã cạo râu cho cậu. Râu cậu cứng và nhiều thế nào, cô cũng có thể cạo sạch sẽ, như Phó Dã thế này, cũng không có gì khó. Cô đi vào phòng tắm lấy dao cạo râu, một bánh xà phòng, một chậu nước sạch, khăn đặt trên mép chậu, nhìn trông có vẻ chuyên nghiệp, làm xong, cô mang tới trước mặt Phó Dã.

Tưởng Sương xắn tay áo lên, ánh mắt chân thành, cứ thế nhìn cậu.

Phó Dã: “…”

Đây là lần đầu tiên cậu cảm nhận nỗi đau của bệnh tật, và hiểu thế nào là thớt trên dao dưới.

Hai tay Tưởng Sương úp lên, chỉ về phía cậu, rồi một tay bịt tai, gật đầu nghiêm túc, cuối cùng chỉ vào mình — xin hãy tin tôi.

“…”

Cô học ngôn ngữ ký hiệu khá trôi chảy.

Cổ họng vô thức nhúc nhích, đi ra ngoài đánh nhau còn chưa căng thẳng thế này. Cậu mím môi, không hiểu sao cô đột nhiên muốn ra tay với râu mình, cuối cùng vẫn thua trong ánh mắt cô, cậu dặn dò cảnh giác: Cẩn thận đấy.

Yên tâm yên tâm.

Tưởng Sương được cho phép, cô không kìm được nụ cười, trong mắt có thêm chút gì đó khác biệt. Trước khi đắp khăn ướt, thậm chí còn vỗ vai Phó Dã, ra hiệu cậu thả lỏng đừng căng thẳng.

Phó Dã hạ vai xuống, thả lỏng cơ bắp.

Cô tiến lại gần, trên người là mùi bột giặt sạch sẽ, xen lẫn một mùi hương mơ hồ, cậu chưa từng ngửi thấy ở người khác, là mùi còn sót lại trong chăn sau khi cô ngủ trên giường cậu lần trước.

Cậu không thể diễn tả, nhưng rất thơm.

Trong tầm mắt là khuôn mặt phóng đại, đôi môi mềm mại gần trong gang tấc, đỏ hồng tự nhiên.

Đầu óc quay cuồng, Phó Dã nghĩ nhiều thứ, nhưng dường như lại chẳng nghĩ gì. Cậu muốn quay mặt đi, nhưng vừa di chuyển một chút, đã bị Tưởng Sương nắm cằm kéo lại. Cô cúi đầu, tiến gần hơn, hơi thở ấm áp phả lên mặt cậu, cậu cứng đờ cả người, nhìn cô chớp mắt, chưa kịp phản ứng, cằm đã bị phủ một lớp xà phòng.

Tưởng Sương cũng căng thẳng.

Phó Dã không phải là cậu, trên mặt cậu không có nhiều thịt, chạm vào toàn là xương. Cô nín thở, cầm dao cạo râu bắt đầu từ mép, mới cạo một nhát, lòng bàn tay đã toát mồ hôi.

Một lần quen hai lần thuộc, Tưởng Sương nhanh chóng quen tay, râu được cạo sạch sẽ, cằm trở nên trơn láng. Cô đứng thẳng dậy, tay vẫn cầm dao cạo râu, ngắm nghía tác phẩm của mình.

Khá tốt, không làm mất mặt.

Lau sạch bọt xà phòng và râu còn sót, Tưởng Sương lấy chiếc gương vỡ cho cậu xem. Người trong gương trông khỏe khoắn hơn nhiều, hết vẻ b3nh hoạn, lấy lại diện mạo đúng với tuổi tác.

Tưởng Sương rất hài lòng.

Không cần nói Phó Dã cũng biết, biểu cảm của cô gần như hiện rõ trên mặt.

Cậu sờ cằm, nhướng mắt, trong mắt có ý khen ngợi.

Tưởng Sương nhếch môi, đuôi gần như vểnh tận trời.

Tưởng Sương chăm sóc Phó Dã bốn năm ngày, giữa chừng mắt dài hẹp đến, thấy cô ở đó, bèn chào Phó Dã rồi đi. Ngày hôm đó, Tưởng Sương rửa bát xong quay lại, trong phòng có thêm vài người, trong đó có mắt dài hẹp, anh ta kéo ghế ngồi bên giường, dùng ngôn ngữ ký hiệu dịch lời của người khác.

Họ đến để mời Phó Dã ra ngoài một chuyến. Từ sau lần đánh nhau bị thua, họ sống không tốt lắm, bên kia càng ngày càng hung hăng, họ càng ngày càng bực bội. Cứ tiếp tục thế này thì không làm ăn được gì nữa, phải cuốn gói đi hết mất. Lần này hẹn nói chuyện, không nhất thiết đánh nhau, nhưng cần Phó Dã đến để trấn áp khí thế của bên kia.

Tưởng Sương ôm đồ về, đặt vào bếp, phát ra âm thanh loảng xoảng ầm ĩ. Khi ra ngoài, mọi người trong phòng đều quay lại nhìn, cô vuốt mái tóc bên tai vẻ mặt bình tĩnh.

Một lúc sau bọn họ đi rồi.

Tưởng Sương dựa cửa, ra hiệu hỏi cậu có đi không?

Phó Dã nhướng mày: Đi.

Tưởng Sương quay lưng lại, đi vào bếp nấu mì. Cô nhìn những bọt khí từ đáy nồi nước dâng lên mặt nước rồi vỡ ra, cái này nối tiếp cái kia, cho đến khi nước sôi sùng sục. Cô cảm thấy mình cũng đang nổi giận, không biết giận vì cái gì, có lẽ là vì mình đã vất vả chăm sóc người ta khỏe lại, nhưng rồi lại dễ dàng bị người ta không xem trọng.

Mì nấu xong, bưng ra, hai người im lặng ăn hết.

Có lẽ do nhận ra tâm trạng của cô, Phó Dã giải thích với cô rằng cậu chỉ đi lộ mặt thôi, nếu thực sự có đánh nhau thì cũng không cần đến cậu.

Nhưng nếu thật sự ra tay thì làm sao kiểm soát được nhiều như vậy.

Tưởng Sương muốn nói điều gì đó, nhưng lại nghẹn ở cổ họng, dường như cô không có tư cách gì để can thiệp.

Rửa chén xong, cô liền ra ngoài. Nhưng rửa chén rõ ràng không phải là kế lâu dài. Cô nghĩ đến việc tìm công việc phụ bếp, phục vụ hoặc bán quần áo. Mặc dù lương không cao, nhưng chi phí sinh hoạt ở trong huyện cũng không cao. Đến lúc đó thuê một căn phòng, Trần Dương vẫn có thể ghé qua ăn cơm.

Công việc không dễ tìm bởi vì trong huyện nhỏ này không thiếu người. Cô đi hỏi mấy nơi, có một siêu thị đang tuyển người. Ông chủ nhìn ra cô vẫn còn là học sinh, hỏi sao không đi học nữa. Cô nói học không vào, sớm muộn gì cũng phải ra ngoài đi làm, chi bằng sớm đi kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cô sắp đủ tuổi trưởng thành rồi, về tuổi tác thì không có vấn đề gì.

Ông chủ hỏi thêm vài thông tin cơ bản, thấy cách nói chuyện và ngoại hình của cô không tệ thì cũng không yêu cầu khắt khe quá, bảo cô về thông báo với gia đình, nói chuyện ổn thỏa rồi thì đến làm việc.

Tưởng Sương liên tục nói cảm ơn.

Dù sao thì cô đã tìm được một công việc.

Rời khỏi siêu thị thì trời đã tối. Cô vẫn chưa biết phải giải thích thế nào với cậu và nhà trường, nhưng cuộc sống tương lai đã mơ hồ mở ra trước mắt, vùi lấp đi những ảo tưởng không thực tế trước đây của cô.

Khi trở về, căn nhà trống không, Phó Dã đã ra ngoài.

Vết thương trên người cậu vẫn chưa lành, lúc đầu, đối phương chém xuống là muốn lấy mạng, mới chăm sóc được mấy ngày, làm sao có thể khỏe nhanh như vậy. May mắn là thời tiết mát mẻ, vết dao không bị bịt kín đến mức viêm nhiễm mưng mủ, vết sẹo vẫn chưa lành hẳn, khi bôi thuốc có thể thấy thịt hồng hồng, chỉ cần cử động một chút là có thể vỡ ra.

Nếu lại đánh nhau thì sẽ thế nào? Còn mạng để về không? Cậu không trân trọng mạng sống của mình, nếu có chuyện gì xảy ra, người đau khổ vẫn là bà nội của Phó Dã.

Chẳng liên quan gì đến cô.

Cô đã làm những gì cô nên làm, thậm chí đã vượt quá giới hạn.

Tưởng Sương suy nghĩ lung tung, cuối cùng xoa xoa mái tóc, đôi mắt trống rỗng, chỉ còn lại sự trống trải.

Phó Dã về rất muộn.

Tưởng Sương không ngủ được, nghe thấy tiếng động liền mở mắt, cô không thể không lo lắng.

Cô nghe thấy tiếng bước chân lê lết, Phó Dã đi đến cửa, đứng một lúc, không bật đèn, rồi đi vào nhà vệ sinh, vài phút sau quay lại, mặc nguyên quần áo nằm xuống giường.

Nằm nghiêng, như dãy núi im lặng.

Căn phòng lại chìm vào yên tĩnh.

Tưởng Sương không biết tại sao mình vẫn ở đây, Phó Dã đã khá hơn nhiều, có thể nhảy nhót, sống động đến mức có thể tiếp tục đánh nhau.

Có lẽ cô cũng cần một nơi để ở.

Đợi thêm hai ngày nữa đi. Ở thêm hai ngày rồi cô sẽ về nói với cậu, cô ra ngoài làm việc, tự lực cánh sinh, không còn là đứa trẻ níu lấy vạt áo của cậu nữa.

Sáng hôm sau, Phó Dã thức dậy rất sớm, thấy cô dậy, cậu lấy từ ví da ra một xấp tiền đỏ đưa cho cô, coi như tiền công mấy ngày qua đã chăm sóc cậu, thuê người chăm sóc bên ngoài cũng không rẻ.

Bao nhiêu? Tưởng Sương hỏi.

Một ngàn hai.

Trước đây Kỳ Dương đưa hai ngàn tệ, trả tiền thuốc men cũng chẳng còn bao nhiêu. Hôm qua cậu ta qua, lại đưa thêm năm trăm nữa, cậu gộp với số tiền trước đó, tất cả đều đưa cho Tưởng Sương. Tiền không nhiều, nhưng có còn hơn không.

Phó Dã bảo cô về trường đi học đi, cậu đã khá hơn nhiều rồi, không cần người chăm sóc nữa.

Bốn ngày một ngàn hai, Phó Dã ra tay hào phóng thế này, đúng là cái giá trên trời. Cô chắp hai tay đặt xuống đùi, toàn thân như bị mất hết sức lực. Nhìn xấp tiền, trái tim của cô như bị ngâm trong nước biển, trướng đến no đầy chua xót. Biết kiếm tiền dễ thế này, cô nên đến bệnh viện mới đúng.

Tưởng Sương đứng dậy, nói cô không cần. Thấy Phó Dã còn muốn nói gì đó, cô vội vàng nói mình còn việc phải làm rồi nhanh chóng rời đi.

Phó Dã nằm trên giường nhìn bóng lưng Tưởng Sương lướt qua.

Cậu nhíu mày, không hiểu tại sao cô lại không chịu nhận tiền.

Không nhận tiền cũng không về trường học, cả ngày lang thang bên ngoài, càng ngày càng giống những cô gái bụi đời cậu từng gặp.

Huyện này không lớn, muốn tìm một người cũng không khó. Hàng ngày mỗi khi Tưởng Sương về nhà, tay toàn mùi nước rửa chén, Phó Dã cũng mơ hồ biết cô đang làm gì ở bên ngoài. 

Những nhà hàng phải kinh doanh tốt thì mới có nhu cầu này, chỉ có vài chỗ có thể đáp ứng điều kiện nên cậu tìm người cũng không tốn nhiều sức lực, ông chủ dẫn cậu vào bếp sau.

Bếp sau lộn xộn, trong chậu chồng chất bát đ ĩa bẩn như núi nhỏ, Tưởng Sương ngồi trên ghế đẩu, hai tay đeo găng tay nhựa màu đỏ, tóc dài buộc lên hết, cổ vừa thon vừa dài, đôi tai trắng ẩn trong mái tóc đen. Động tác rửa bát của cô nhanh nhẹn, thỉnh thoảng giơ cánh tay lên lau đi giọt mồ hôi trượt xuống, thành thạo sử dụng máy móc, giống như đã làm không phải chỉ ngày một ngày hai.

Phó Dã lặng lẽ nhìn, sắc mặt đen tối u ám.

Cậu từng thấy cô làm bài tập, bất cứ lúc nào bất cứ nơi đâu, bình tĩnh tự nhiên, từng trang từng trang, ghi chú ngăn nắp. Một người như vậy bây giờ lại ngồi trong căn bếp chật hẹp rửa bát đ ĩa.

Ông chủ đi qua gọi Tưởng Sương, nói có người tìm rồi giơ tay chỉ về phía Phó Dã cách đó không xa. Cô ngẩng đầu nhìn theo hướng ngón tay, ánh mắt hai người chạm nhau một lúc lâu, im lặng không tiếng động.

Tưởng Sương cắn môi.

Những cảm xúc vụn vặt đang tác oai tác quái, cô không cảm thấy mình mất mặt, về bản chất, việc họ làm có gì khác nhau đâu, đúng không?

Phó Dã cứ thế nhìn cô rửa.

Đã qua giờ ăn sáng, không có bát đũa mới đưa vào, Tưởng Sương rửa xong cái cuối cùng là rảnh tay. Vẫn như mọi khi, ông chủ thanh toán tiền công trong ngày, hai mươi tệ nhăn nhúm đưa tận tay, cô nhận lấy, bỏ vào túi áo.

Trên đường về vô cùng im lặng, cô đi theo sau Phó Dã, bước từng bước một.

Con hẻm vẫn là con hẻm đó, hẹp đến mức người ta không thở nổi, mặt đất ẩm ướt tối tăm, ánh nắng không chiếu vào được, mùi tanh hôi khó chịu bốc lên, hai người một trước một sau, nhưng đều gầy gò như nhau.

Mở cửa, Tưởng Sương định đi vào bếp nấu cơm.

Phó Dã bước lên phía trước một bước, chặn lại, bảo cô dọn dẹp đồ đạc của mình, hôm nay phải cút về trường đi, sau này đừng đến chỗ này nữa. Cậu thực sự rất tức giận, cử chỉ ngôn ngữ ký hiệu vội vàng và thiếu kiên nhẫn, thậm chí quên mất tay phải vẫn còn thương tích, hận không thể trực tiếp xách cô về trường, ném thẳng vào lớp.

Tôi ở thêm một ngày. Tưởng Sương nhìn thẳng vào mắt cậu, trong mắt ẩn chứa sự lạnh lùng, bướng bỉnh quá mức.

Ở thêm một ngày nữa, là đến kỳ nghỉ tháng, cô sẽ về. Trước đó, cô không muốn về trường, tất cả đã hoàn toàn vô nghĩa.

Cút về trường đi. Phó Dã không lay chuyển.

Tưởng Sương thậm chí không chớp mắt, chỉ lắc đầu. Cô không về.

Phó Dã bị cô làm cho tức giận, co ngón tay, búng vào trán cô không nhẹ không nặng, hỏi cô có phải có vấn đề về não không.

Cử chỉ ra dấu dùng sức, giải tỏa một sự hung bạo nào đó.

Trán bị búng trúng, đột ngột, búng đến mức đầu cô phải ngả ra sau, cảm giác đau nhanh chóng lan tỏa, cô kêu lên một tiếng, máu nóng dâng lên, cùng với nỗi tức giận về số tiền một ngàn hai sáng nay cùng bùng phát: “Tôi có vấn đề gì?”

Thậm chí cô còn tức giận đến mức không ra dấu hiệu nữa, tại sao cô phải quan tâm cậu ta có nghe thấy hay không.

Lẽ ra cậu luôn là người hiểu cô nhất, không phải sao?

“Tôi không muốn học nữa cũng không được sao? Thậm chí ngay cả quyền không đi học tôi cũng không có sao? Chẳng phải tôi chỉ đi rửa chén thôi sao, có thể kiếm được tiền, có thể không phải xin tiền người khác nữa, điều đó đáng xấu hổ đến vậy à?”

“Tôi rửa chén thì sao, không đi học thì sao, làm phiền đến cậu chỗ nào? Cậu ở cùng đám côn đồ đó, cầm dao chém tới chém lui, bị chém đến suýt mất mạng, cậu có tư cách gì mà nói tôi?”

“Não tôi đúng là có vấn đề rồi đấy, nếu não tôi không có vấn đề thì tôi đã không chạy đến đây làm người chăm sóc cho người ta, biết kiếm tiền dễ như vậy, tôi nên đến bệnh viện mới đúng.”

“…”

Tưởng Sương xúc động đến mức nói không thành lời, cô chưa bao giờ cảm thấy như vậy. Sống nhờ nhà người khác, từ nhỏ đã phải nhìn sắc mặt người khác, làm sao đến lượt cô thái độ với người ta. Cô đã nghĩ rất nhiều lần, tại sao ngày cha mẹ gặp nạn cô lại không có mặt, cả nhà đều chết trong tai nạn đó thì nhanh gọn biết mấy, sao còn để cô sống sót trong gang tấc, khó khăn kiếm miếng ăn vậy chứ.

Bà nói “lớn lên sẽ tốt hơn”, cô mong mãi, mong mãi, lớn đến giờ cũng muốn hỏi một câu: Thực sự sẽ tốt hơn sao? Thực sự sẽ tốt lên chứ?

Không, sẽ không tốt lên đâu, cuộc đời của Tưởng Sương sẽ mãi tệ đến cuối đời.

Lời nói tuôn ra như thác đổ, cô tựa vào cửa, hốc mắt đã đỏ hoe, đáy mắt trong veo ướt át, lông mi đã thấm nước nhưng nước mắt vẫn chưa rơi xuống. Cô cắn môi, vừa bướng bỉnh vừa hiếu thắng.

Nghĩ đến việc Phó Dã không nghe được, Tưởng Sương cảm thấy mình mới là người câm, dù có phát ti3t hay gào thét thế nào, thế giới cũng không nghe thấy tiếng nói của cô.

Cô – Tưởng Sương, nhỏ bé vô cùng, ai quan tâm chứ?

Cô che mặt, nước mắt tuôn rơi tự do, đôi vai gầy run rẩy không ngừng, như quay lại những ngày còn ở nhà bác, mùa đông bị bỏ lại bên ngoài, răng va vào nhau, lạnh đến co rúm người.

Phó Dã đang đợi cô khóc xong.

Nhận ra mình mất kiểm soát, Tưởng Sương khịt mũi, lòng bàn tay lau đi nước mắt hai bên, ra dấu xin lỗi.

Cậu có ý tốt, nhưng bị cuốn vào cảm xúc tồi tệ của cô.

Phó Dã nhếch môi, nói: Nói cũng nhiều đấy, vậy tại sao không nói ra?

Trong ngôn ngữ ký hiệu, “nói” là ngón trỏ đặt ngang bên miệng và xoay.

Cậu nhún vai, bên khóe môi là nụ cười nhàn nhạt.

Phó Dã không nghe được Tưởng Sương nói gì, nhưng cũng không khó đoán, cậu có phải đá đâu.

Không ai phải hiểu chuyện, phải thông cảm, phải chấp nhận, còn phải tự an ủi mình, tạo ra ảo tưởng rằng mọi thứ đều tốt đẹp.

Tưởng Sương ngẩn người, mũi cay xè, làm thế nào cũng không thể kìm nén được cảm xúc, cô cụp mi, nước mắt nóng hổi rơi xuống.

Tại sao nhất định phải quay lại trường.

Bởi vì cô là Tưởng Sương, lùi lại một bước chính là vực sâu.

Nếu cô không đấu tranh cho chính mình, thì thực sự không ai có thể đấu tranh cho cô.

Quá hiểu chuyện không phải là điều tốt.

Phó Dã tiếp tục trò chuyện với cô: Cô muốn tiếp tục đi học, tại sao không nói ra?

Dù nói ra, dù đấu tranh thì kết quả vẫn vậy.

Còn gì đáng sợ nữa, cô vốn chẳng có gì.

Tưởng Sương nhìn cậu với đôi mắt đỏ hoe, tâm trạng dần dần bình tĩnh lại.

Cô rơi vào một trạng thái tự thương hại bản thân, tự dằn vặt, không giúp ích gì cho hoàn cảnh hiện tại của cô cả.

“Đồ… ngốc.”

Phó Dã li3m đôi môi khô nứt, sau một lúc lâu, động tác môi mở rồi khép lại trông thật lạ lẫm. Dù gì thì cũng đã hơn mười năm không mở miệng nói, cậu đã quen dùng ngôn ngữ ký hiệu rồi, cho dù chỉ nói hai chữ cảm giác cũng vô cùng xa lạ. Thậm chí cậu không chắc mình còn khả năng này không, cũng có thể nó đã mất từ lâu. Cậu mở miệng, có khi không phát ra được âm thanh nào.

Giọng nam khàn khàn đột ngột khiến Tưởng Sương sững sờ mở to mắt. Cô hít mũi, thậm chí quên mất rằng mình vẫn đang khóc. Cô không chắc chắn, cảm giác như ảo giác vậy.

Cậu… biết nói? Tưởng Sương bất ngờ đến mức ra dấu hiệu tay cũng ngập ngừng.

Người ta nói mười người điếc thì chín người câm, cô tưởng Phó Dã vừa không nghe được, vừa không biết nói chuyện.

Vậy là do sau này bị điếc, không phải do bẩm sinh nên chức năng ngôn ngữ của cậu vẫn bình thường?

Có vẻ như cũng chưa mất hoàn toàn.

Phó Dã dùng đôi mắt một mí nhìn xuống, trở lại vẻ không quan tâm thường ngày, vẻ lạnh lùng rất ngầu của cậu, tiếp tục ra dấu: Nói nhảm, tôi bị điếc, đâu phải câm.

Nhưng không có phản hồi âm thanh, không nghe được giọng mình, cậu cũng không chắc lắm, liệu mình có thể nói ra chính xác không, cậu hỏi Tưởng Sương mình đã nói gì.

Là âm thanh ú ớ không có ý nghĩa, hay là ý cậu muốn nói.

Tưởng Sương vẫn đang sửng sốt, cô nghe thấy âm thanh phát âm không rõ ràng, giống như đang ở giai đoạn tập nói, mơ hồ và được phát âm không chuẩn, nhưng chỉ hai chữ, cô vẫn có thể phân biệt rõ ràng.

Cô lau nước mắt, một tay đưa ngón cái lên, hơi do dự, cuối cùng ngón cái cong lại hai lần.

Cảm ơn.

Lần ở tiệm tạp hóa, cô hiểu nhầm động tác tay đó của cậu là “cảm ơn”.

Bây giờ cô lại chỉ hươu bảo ngựa.

Phó Dã nhìn vẻ mặt nghiêm túc của cô, sững người, sau khi hiểu ra thì trước tiên hơi cong môi, cuối cùng độ cong ngày càng sâu, đôi mắt mở to, lộ ra hàm răng trắng sạch.

Là dáng vẻ vui vẻ hiếm thấy.

Cảm ơn cái quái gì mà cảm ơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.