Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 105: Trần Thừa Chiến Nguyễn Ma La




Nguyễn Ma La hướng về phía Trần Thừa chắp tay: “Thái bảo Trần Thừa quá khen. Giữa lúc bày tiệc đại yến đầu năm, tôi với ngài lại đi bêu xấu động tay động chân, nên chăng?”
Trần Thừa cười khẩy: “Thượng Thư Ma La nói vậy sai rồi. Việc so đấu vào ngày đầu năm mới từ xưa đã có, tổ tiên ta chẳng phải đã tổ chức các cuộc thi đấu vật, đánh cầu để nêu cao tinh thần thượng võ đấy sao? Bổn quan biết Nguyễn Thượng thư mê mải xử lý trăm công ngàn việc bên bộ Lại đã lâu, nên không còn thời gian luyện tập võ nghệ. Bổn quan có thể thông cảm.”
Trần An Quốc đế thêm: “Chỗ đồng liêu với nhau, thứ lỗi cho bổn quan nói thẳng. Nếu như Nguyễn Thượng thư sợ thua có thể chối từ. Chẳng ai làm khó dễ ngài đâu.”
Đỗ Kính Tu chậm rãi đứng dậy, ôn tồn: “Các vị đại nhân, vào dịp đầu xuân, mong các vị hãy dĩ hòa vi quý, lấy hai chữ hòa thuận làm đầu.”
Trần Thừa cười mát: “Bổn quan thực không tài nào hiểu nổi, tại sao hình ảnh một người công chính liêm minh, thường hay đối nghịch với gian thần lại biến mất một cách chóng vánh như vậy? Giờ đây chỉ còn là một lão già xế bóng chạy theo bợ đỡ, xu nịnh kẻ khác.”
Đỗ Kính Tu không mặn không nhạt: “Lời của bổn quan vừa nói chỉ lấy việc luận việc, thấy sao nói đấy. Bổn quan không hiểu những câu mà Trần Thái bảo mới nói là có ý gì? Mong Trần đại nhân nên thận trọng lời của mình trước mặt Hoàng thượng, trước mặt bá quan văn võ triều đình.”
“Hạ quan kính ngài là bậc lão thần, cây cao bóng cả, nhưng hạ quan không đồng tình với lời ngài vừa nói. Rõ ràng là có người đã buông lời nhạo báng hạ quan trước, ấy thế mà Đỗ Thái úy lờ đi như chẳng có, là nghĩa làm sao?” Trần An Quốc vặn hỏi.
Nguyễn Ma La liếc nhìn Tô Trung Từ hội ý. Tô Trung Từ gật đầu, Nguyễn Ma La bèn lên tiếng: “Đa tạ Thái úy Kính Tu đã nói giúp hạ quan. Xem ra Thái bảo Trần Thừa muốn tự bêu xấu bản thân trước bàn dân thiên hạ. Hạ quan tuy tài hèn sức mọn, cũng quyết chí bồi tiếp Trần Thái bảo tới nơi tới chốn.”
“Ai tự bêu xấu còn chưa biết trước, Nguyễn Thượng thư khoan đắc ý vội.” Trần Thừa lạnh nhạt đáp.
Thái úy phụ chính Tô Trung Từ đứng ra giữa điện Trường Xuân, hành lễ: “Bẩm Hoàng thượng, dân tộc Đại Việt vốn có truyền thống yêu chuộng võ nghệ. Lão thần thiết nghĩ trong buổi đại yến đêm nay đã có ca vũ góp vui, nếu mà không có màn võ nghệ thì khác nào như yến vô tửu, như kỳ vô phong. Chính vì thế, lão thần đề nghị cho hai đại thần văn võ kiêm toàn Nguyễn Ma La và Trần Thừa được so tài võ nghệ để dâng tặng Hoàng thượng, để Hoàng thượng được thỏa mãn long nhãn trước những tính túy trong võ học của người Việt ta.”
Lý Hạo hào hứng: “Lại có cả màn đấu võ nữa sao? Nghe có vẻ thú vị đấy. Nghe danh hai vị Trần Thái bảo và Nguyễn Thượng thư có võ nghệ cao siêu lắm, tuy nhiên trẫm lại chưa được chứng kiến bao giờ? Ý kiến của Thái úy phụ chính rất hợp ý trẫm. Chuẩn tấu.”
Tô Trung Từ chỉ đạo cho đội nhạc kỹ lui hết, dọn dẹp một khoảng trống lớn ở giữa điện Khai Xuân để hai người Trần Thừa và Nguyễn Ma La có thể trổ hết tài nghệ. Còn hai người vào sau điện, thay đổi bộ lễ phục bằng bộ võ phục, tiện cho việc đấu võ.
Một lúc sau, khi hai người đối mặt chuẩn bị so tài, Nguyễn Ma La chợt giơ tay cản: “Trần Thái bảo, gượm đã. Hạ quan có điều muốn nói.”
Trần Thừa cả cười: “Không phải là Nguyễn Thượng thư muốn xin thua đấy chứ? Ít ra phải đánh vài hiệp rồi chịu thua cũng chưa muộn cơ mà.”
“Trần Thái bảo đừng giở trò khích bác hạ quan vô ích. Hạ quan nhận thấy gia tộc họ Trần chuyên sử dụng kiếm với pho Hải Triều kiếm pháp vang danh thiên hạ, nhưng lại không được dùng để so đấu với hạ quan thì thật là thiệt thòi cho Trần Thái bảo quá.” Nguyễn Ma La khiêm nhường nói.
“Ý của Nguyễn Thượng thư là gì? Quyền pháp của gia tộc họ Trần cũng không thua sút kiếm pháp là bao, Nguyễn Thượng thư muốn thắng còn phải thử mới biết, ngài chớ có lo xa.” Trần Thừa khịt mũi.
“Không giống, không giống. Quyền pháp của gia tộc họ Trần nói gì đi nữa cũng chỉ là mô phỏng từ pho kiếm pháp mà thành, không thể phát huy hết tinh hoa của pho kiếm pháp được.” Nguyễn Ma La xua tay.
“Nếu đã vậy, mời Nguyễn Thượng thư nêu cao kiến.” Trần Thừa nhấn giọng.
“Hạ quan xin được phép so kiếm cùng với Trần Thái bảo.” Nguyễn Ma La thẳng thắn.
“Ha ha ha, thống khoái. Bổn quan chấp thuận.” Trần Thừa cười to ba tiếng.
Lý Hạo đứng dậy ngăn: “Không được, không được. Hôm nay là đại yến trẫm mời chư quan đến để ngự yến, cùng vui với trẫm. Lỡ như có đổ máu thì sao? Ai lại để xảy ra chuyện như thế giữa đầu năm, đó là điềm gở, không nên.”
Nguyễn Ma La hướng về phía Lý Hạo chắp tay nói: “Bẩm Hoàng thượng, nếu Hoàng thượng đã không muốn nhìn thấy cảnh đổ máu, hay là thay kiếm sắt bằng kiếm gỗ. Thần cho rằng làm như thế sẽ vẹn cả đôi đường ạ.”
Lý Hạo tán thành: “Hay lắm, trẫm chuẩn tấu. Quân lính đâu, mang hai thanh kiếm gỗ lên ban cho hai vị đại nhân.”
Trần Thừa và Nguyễn Ma La nhận kiếm gỗ, múa tít kiếm trong tay thử kiếm. Lê Việt Công cất tiếng the thé: “Người đánh trúng đối thủ hai kiếm là người chiến thắng. Ai bị đánh văng kiếm khỏi tay, coi như thua. Trận đấu bắt đầu.”
Trần Thừa vào thế thủ của pho Hải Triều kiếm pháp, cất tiếng sang sảng: “Nghe nói Nguyễn Thượng thư học được pho Tử Vân kiếm pháp của một vị ẩn sĩ trên núi Ngọc Lĩnh, thế kiếm như gió hạc mây ngàn, cao thâm không tưởng. Mời Nguyễn Thượng thư xuất chiêu trước, bổn quan nhường ngài đánh trước.”
“Được, hạ quan không khách sáo, mời Trần Thái bảo cẩn thận.” Nguyễn Ma La quét đường kiếm tới như làn mây bay ngang trời.
Trần Thừa giở thức đầu tiên trong pho Hải Triều kiếm pháp ra đón đỡ. Tiếng gỗ va chạm bộp bộp vang lên, hai người uyển chuyển ra chiêu, người này tấn công, người kia hóa giải, người này phản công, người kia trả đòn, thay nhau xuất chiêu liên tục.
Lúc mới đầu, hai người còn vờn nhau thử kiếm, nên chưa thả sức tay chân mà công kích mãnh liệt. Nhưng sau khi trải qua hơn bốn mươi chiêu kiếm, Trần Thừa dần dần nâng cao nhịp độ trận chiến, bước chân dâng lên, xuất thủ nhanh hơn vài phần, nhằm vào các vị trí yếu hại trên cơ thể Nguyễn Ma La đâm tới. Chỉ thấy Trần Thừa vận dụng thân pháp, không ngừng chém kiếm từ mọi hướng, tiếng gió rít lên vùn vụt, càng chém càng nhanh, như những làn sóng dồn dập, sóng sau nối liền sóng trước.
Nguyễn Ma La lùi về sau phòng thủ, hoa kiếm bảo vệ môn hộ. Mặc cho thế công của Trần Thừa có dồn dập thế p2e2u nào đi chăng nữa, Nguyễn Ma La vẫn thản nhiên múa kiếm trong tay phòng thủ kỹ càng. Bộ pháp của Nguyễn Ma La mới gọi là kỳ ảo hiếm có, bước chân đang ở đó mà đã thay đổi vị trí tự lúc nào, thân thủ như mây bay, bóng kiếm như làn gió thoảng, chiêu kiếm của Nguyễn Ma La như đang vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Những tiếng vỗ tay hoan hô vang lên từng đợt, mọi người ở xung quanh quan sát trận thư hùng của hai cao thủ kiếm thuật mà thỏa tấc lòng. Người đánh, người thủ nhanh như gió dạt, sóng xô. Quan võ còn có khả năng nhận biết sự nguy hiểm ẩn tàng trong kiếm chiêu, chứ quan văn thì chỉ thấy vẻ hoa lệ, đẹp mắt bề ngoài trong mỗi chiêu mỗi thức.
Trần Thừa càng đánh càng hăng, nhưng không thể nào phá vỡ thế phòng thủ liền lạc như áo trời của Nguyễn Ma La, nhìn thấy Nguyễn Ma La vẫn thoải mái tránh đỡ, lâu lâu còn xuất kiếm trả đòn. Trần Thừa quyết định đổi chiêu thức, từ từ dồn thêm lực đạo ở cổ tay, mỗi kiếm đâm tới là một lần xoáy cổ tay, Trần Thừa muốn dùng lực xoáy ở chiêu kiếm của hắn xoắn lấy thanh kiếm của Nguyễn Ma La để đánh văng thanh kiếm.
Nguyễn Ma La vẫn chưa nhận ra sự biến hóa trong chiêu thức của Trần Thừa, qua một lúc lâu mới cảm nhận được cổ tay vặn vẹo, run run tựa hồ không theo sự điều khiển của bản thân nữa, mà muốn thả thanh kiếm rơi xuống đất, hắn ngay lập tức sinh nghi, biết có điều kỳ quái.
Xoay kiếm cực nhanh, Nguyễn Ma La tung mình ra xa, Trần Thừa phóng người đuổi theo chém tới liên tục. Nguyễn Ma La muốn tránh lượt kiếm kỳ quái đó, để lấy sức phản công, nhưng Trần Thừa đã không cho một cơ hội nào, tấn công liên tục, Nguyễn Ma La dần rơi vào thế hạ phong.
Tử Vân kiếm pháp chú trọng tinh thần thanh tĩnh, kiếm nhanh người nhanh, kiếm chậm người chậm, lúc này đã bị Trần Thừa nhiễu loạn thế kiếm, không thể phát huy hết được những ảo diệu trong pho kiếm. Nguyễn Ma La vất vả chống đỡ, càng đánh càng bối rối, vừa xuất kiếm đỡ mà lại không dám để kiếm của Trần Thừa quấn lấy lâu, Nguyễn Ma La chỉ còn cách dựa vào bộ pháp hòng tránh thoát những đường kiếm vừa mạnh vừa nhanh vừa chuẩn của Trần Thừa.
Trần Thừa vận hết công lực gầm lớn một tiếng: “Sóng Biển Vỗ Bờ.”
Đòn thế như sấm sét không kịp bưng tai, Trần Thừa phóng lên cao bổ kiếm liên tục xuống vai trái của Nguyễn Ma La theo thế thái sơn áp đỉnh. Nguyễn Ma La vung kiếm đỡ trái, gạt phải không ngừng, hắn cảm thấy tay cầm kiếm muốn sụm xuống, trời đất như tối sầm, không thể chống đỡ nổi.
Hự.
Toàn trường ồ lên, nhất thời tiếng bàn tán xôn xao vang lên khắp điện Khai Xuân. Tay phải Nguyễn Ma La chống mũi kiếm xuống đất, tay trái ôm vai phải. Trần Thừa nở nụ cười nửa miệng.
Lý Hạo ngu ngơ hỏi: “Ơ ơ, như vậy là ai thua thế? Đánh nhanh quá chẳng thấy gì cả.”
Trần Tự Khánh, Đàm Dĩ Mông, Nguyễn Hồng Phong lần lượt hô: “Nguyễn Ma La bị trúng một kiếm.”
Tô Trung Từ lặng thinh không nói lời nào, hàm nghiến lại, gân xanh nổi trên trán.
Lê Việt Công xướng: “Nguyễn Ma La bị trúng một kiếm. Hai đối thủ vào cuộc đấu tiếp theo.”
Trần Thừa lộ vẻ quan hoài: “Nguyễn Thượng thư có bị thương nặng không đấy? Hay là ngưng thôi, không cần đánh nữa. Coi như bổn quan với ngài hòa nhau cũng được.”
Nguyễn Ma La vươn tay trái, nắm vai phải, nghiến răng bóp mạnh, tiếng xương kêu đánh rắc. Cánh tay phải thản nhiên cầm kiếm chỉ thẳng về phía Trần Thừa như chưa hề bị thương, Nguyễn Ma La mỉm cười: “Cảm ơn Trần Thái bảo đã quan tâm, hạ quan vẫn còn muốn cùng ngài luận bàn kiếm thuật thêm một hiệp nữa.”
“Giỏi, như vậy mới có chí khí của con dân Đại Việt. Riêng sự kiên cường này của Nguyễn Thượng thư, rất xứng đáng để bổn quan tán thưởng. Chính vì thế bổn quan sẽ xuất hết tuyệt kỹ đánh bại ngài, khiến cho ngài tâm phục khẩu phục. Mời Nguyễn Thượng thư xuất chiêu trước” Trần Thừa xoay kiếm mấy vòng, nói.
Nguyễn Ma La không chút chần chừ, lướt người đâm kiếm tới như chim hạc cưỡi mây lướt gió.
Không Khoa Học Ngự Thú Truyện sủng thú cực hay, phá đảo mọi bảng xếp hạng tại Trung. Mn không nên bỏ lỡ siêu phẩm!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.