Bước vào hiệp đấu cuối cùng, Trần Thừa và Nguyễn Ma La không triển khai chiến đấu ngay mà hoành kiếm đứng yên. Trong đại điện lặng thinh như tờ, cả tiếng kim rơi cũng không nghe thấy.
Hai đối thủ giằng co khí thế trong bầu không khí hồi hộp đến rợn người, vài vị quan văn cảm giác hô hấp khó khăn, gần như nghẹt thở.
Khí thế của Trần Thừa chú trọng chữ cường, khí thế của hắn ồ ạt ập tới Nguyễn Ma La như những cơn đại hồng thủy cao ngất trời. Còn tâm pháp Tử Vân của Nguyễn Ma La lại chuyên về chữ lặng, nhịp thở của hắn đều đặn bình tĩnh như những vầng mây trôi lững lờ trên bầu trời xanh thẳm. Mặc cho những cơn đại hồng thủy có hung hăng như thế nào đi chăng nữa những vầng mây cao vời vợi vẫn cứ bình thản lửng lơ như chẳng có.
Trần Thừa cảm thấy bóng dáng của Nguyễn Ma La hiện tại như vô hình, lúc có lúc không. Ở hai hiệp đấu trước Trần Thừa đã đánh giá thấp đối thủ, khả năng che giấu thực lực chân chính của Nguyễn Ma La khiến hắn phải tự nhận không thể sánh kịp. Lúc nãy, Trần Thừa dư sức biết Trần Tự Khánh đi lên chất vấn Nguyễn Ma La có ba dụng ý, thứ nhất là có phần nghi ngờ thân phận của Nguyễn Ma La, thứ hai là gây nhiễu loạn tâm thế của Nguyễn Ma La, thứ ba là để Trần Thừa có thời gian hồi sức.
Những người chỉ am hiểu chút da lông của võ công, khi quan sát thế trận đối địch của hai người, thì cảm giác Nguyễn Ma La đang ở thế dưới cơ, có thể sẽ chịu thua trong trận chiến sắp tới. Họ đâu biết biểu hiện của Nguyễn Ma La chỉ là vẻ bề ngoài, mà người chân chính đang run sợ đó là Trần Thừa.
Khí thế như sóng biển ngập trời của Trần Thừa đang phủ quanh Nguyễn Ma La biểu hiện rất hung hăng, dữ tợn nhưng luồng lực lượng ấy lại ẩn tàng sự suy giảm. Sóng tuy cao, nhưng sóng đã cao hết mức, không thể với thêm được nữa. Và khí thế nhu hòa của Nguyễn Ma La còn đang len lỏi, thâm nhập vào khí thế của Trần Thừa, khiến cho nó dần dần tan rã, có nguy cơ sụp đổ lúc nào không hay. Lúc ấy thì cuộc tỷ thí không cần phải tiếp tục nữa, kết quả Trần Thừa bại là điều chắc chắn.
Trần Thừa biết người xuất thủ trước trong trường hợp này sẽ là người bị động, khi tấn công sẽ để lộ ra nhiều sơ hở, hoàn toàn rơi vào thế hạ phong. Tuy nhiên nếu hắn kéo dài thời gian càng lâu, hắn sẽ càng bất lợi. Hắn không còn cách nào khác, đành phải ra tay trước.
Quét rà kiếm dưới sàn điện, Trần Thừa cúi thấp người, chạy theo phương thức quái lạ, bước thấp bước cao về phía Nguyễn Ma La. Trần Thừa kéo mũi kiếm bắt chéo lên, sử dụng chiêu kiếm Kéo Lưới Dưới Mưa. Chiêu kiếm này được một nhân tài của gia tộc họ Trần sáng tạo hơn năm mươi năm trước. Trong những lần đi biển bắt cá, có khi phải đối đầu với những cơn mưa lớn ngoài biển khơi mênh mông, ông vừa quăng chài kéo lưới vừa đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ông vẫn thản nhiên hòa mình vào nó, cảm thụ nó. Từ đó ông ngộ ra kiếm chiêu thần kỳ ấy, dựa vào phương thức kéo lưới bắt cá dưới cơn mưa rào xối xả đổ xéo xuống người ông.
Mũi kiếm đâm từ dưới đâm lên bỗng chốc hóa thành hai mũi kiếm, rồi lại nhân lên thành bốn mũi kiếm, thành hàng chục mũi kiếm đâm ra tua tủa, nhiều không đếm xuể, chọc thẳng vào toàn bộ vị trí yếu hại nằm trên cơ thể Nguyễn Ma La.
Biến sắc, Nguyễn Ma La lường được đòn thế hiểm hóc kia không thể nào chống đỡ nổi. Hắn uốn dẻo cả thân người không xương, tứ chi xoắn lại, co quắp rất quái đản né tránh hàng chục bóng kiếm đang nhe nanh múa vuốt chụp tới, đoạn hắn phóng người đảo lộn giữa từng không, vẽ kiếm tạo thành những làn mây chập chờn, phủ xuống đầu Trần Thừa.
Trần Thừa dậm mạnh hai chân xuống sàn, nhún người lên, trổ ra một đòn kiếm sấm sét, bén nhọn vô song. Hai thanh kiếm gỗ va chạm liên hồi, người trên đâm xuống, người dưới chọc lên, âm thanh chát chát vang lên liên tục.
Nguyễn Ma La uốn khúc trên không lần nữa, tràn người sang bên phải, tiện tay quạt kiếm vào gáy Trần Thừa. Nghe tiếng gió sát mang tai, Trần Thừa ngửa người về sau, hai chân bật ngược đá thẳng vào eo lưng Nguyễn Ma La.
Nhuyễn Cốt công pháp quả là quái dị đến cùng cực, Nguyễn Ma La đang ở giữa không trung mà có thể liên tục uốn dẻo thân mình. Cú đá mạnh như trời giáng của Trần Thừa lại không thể trúng đích, Nguyễn Ma La xuất kỳ bất ý, oặt người thêm lần nữa theo đường cong không tưởng, đáp xuống mặt đất dễ dàng.
Tiếng vỗ tay, tiếng huyên náo vang lên rầm rộ, muốn vỡ òa cả điện Khai Xuân. Trần Thừa bại về khí thế, nhưng dựa vào kỳ chiêu hiếm có tấn công Nguyễn Ma La, khiến Nguyễn Ma La phải né tránh không thể lợi dụng sơ hở của Trần Thừa mà phản công. Tuy nhiên Nguyễn Ma La có Nhuyễn Cốt công pháp ỷ lại, đã thành công né tránh toàn bộ đòn tấn công của Trần Thừa trong khi bản thân đang rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo.
Lý Hạo cảm thán: “Kỳ diệu, quá kỳ diệu! Võ học vô bờ, tựa như biển cả mênh mông không có biên giới. Kiếp trước, chứng kiến những trận thư hùng của mấy ông già kia cũng chỉ đến thế này mà thôi.”
Trần Thừa không để cho địch thủ có thời gian lấy sức, ào vào như cơn lũ cuốn, tung ra những chiêu kiếm phối hợp với quyền, cước tấn công Nguyễn Ma La không ngừng nghỉ. Nguyễn Ma La ung dung tránh né, đỡ đòn, chốc chốc lại tung ra chiêu kiếm phản công gây khó khăn cho kẻ địch. Không cần biết kiếm chiêu của Trần Thừa có nguy hiểm tới đâu, có nhanh nhẹn tới mức nào, thanh kiếm gỗ trong tay Nguyễn Ma La vẫn luôn luôn xuất hiện đúng lúc phá giải tất cả chiêu thức của Trần Thừa.
Thình lình, Trần Thừa xoạc chân, trườn người dưới sàn, tung chiêu kiếm cực kỳ bỉ ổi, mũi kiếm nhằm thẳng hạ bộ của Nguyễn Ma La mà đâm tới.
Nguyễn Ma La nhíu mày, bật lùi về sau, múa kiếm bảo vệ phần dưới. Chỉ đợi có thế, Trần Thừa búng chân, cầm kiếm bằng cả hai tay đập kiếm chéo từ trên xuống, miệng gầm lớn: “Thủy Triều Dậy Sóng.”
Thủy Triều Dậy Sóng, tuyệt kỹ vô thượng của gia tộc họ Trần, trải qua bao đời, tuyệt kỹ đã tạo thành tiếng vang chấn động J6mlU khắp võ lâm đại giang nam bắc, không ai nghe tên mà không khiếp sợ. Thủy Triều Dậy Sóng, tên như ý nghĩa, sóng lớn tận trời, sóng sau xô sóng trước, hết làn sóng này lại đến làn sóng khác, sóng trước chưa tan, sóng sau đã tới, đợt sóng sau lại càng cuồng mãnh hơn đợt sóng trước gấp bội phần.
Trần Thừa chém kiếm xuống Nguyễn Ma La như mưa giông chớp giật, sau mỗi một kiếm chém xuống, lực chém lại càng tăng, lực lượng từ chiêu kiếm tích lũy càng lúc càng mạnh. Hai tay Nguyễn Ma La nặng trịch, hắn cảm giác như có cả một sóng lớn hùng vĩ đang đổ ập xuống đầu, như muốn đè nát hắn thành bụi đất.
Đến chiêu kiếm cuối cùng, Trần Thừa dồn toàn bộ sức mạnh trút vào hai tay, chém xuống như một cơn đại hồng thủy chồm lên lục địa, nhấn chìm toàn bộ lục địa xuống lòng đại dương.
Nguyễn Ma La thoáng ngẩn ngơ, những tưởng hai tay thả lỏng, buông xuôi tất cả, chợt hắn nhớ ra điều gì đó. Hắn lại trở nên bình tĩnh lạ thường, tinh thần rơi vào trạng thái mơ hồ, hai tay siết chặt, hắn gầm lớn: “Hạc Phá Thiên Vân.”
Hai bàn tay Nguyễn Ma La nắm chặt kiếm, cử kiếm lên chém thẳng vào thanh kiếm của Trần Thừa đang chém xuống.
Thời gian như ngừng trôi, hai bóng người xẹt tới như đóng băng vào thời khắc ấy. Một bóng người ở trên cao chém kiếm xuống, một bóng người ở bên dưới cử kiếm lên.
Rắc!
Kiếm gãy.
Cả hai thanh kiếm đều gãy.
Tĩnh lặng. Hoàn toàn tĩnh lặng.
Trần Thừa thở hồng hộc vất kiếm xuống sàn.
Nguyễn Ma La buông thõng hai tay, tay cầm cây kiếm gãy quá nửa run run, nhắm mắt thở phào.
Lý Hạo rời ngai vàng, đứng lên, vỗ tay bồm bộp: “Tuyệt, tuyệt đỉnh. Trận chiến tuyệt đến không lời nào diễn tả hết, không bút mực nào có thể tả xiết được. Không cần phải thi đấu nữa, hai khanh đều xứng đáng là hai cao thủ bậc nhất của triều đình. Trẫm vô cùng vui mừng với món quà mừng xuân đầy ý nghĩa này của hai khanh. Tương lai của dân tộc Đại Việt chính là nhờ vào các khanh đó.”
Tiếng vỗ tay tán thưởng đồng loạt vang lên khắp đại điện. Những người ở cả hai phe Tô, Trần đều cùng nhau đi lên chúc mừng hai vị đại quan đã cống hiến một trận đấu vô cùng đẹp mắt.
Thế là buổi đại yến lại tiếp tục trong khí hân hoan vui vẻ. Tiếng vua quan nói cười, chúc tụng râm ran. Bên ngoài điện, còn có loại âm thanh quen thuộc, tiếng pháo, một phần không thể thiếu của không khí tết. Tiếng pháo nổ ở trong điện Khai Xuân, tiếng pháo nổ vang lên ở Hoàng cung, ở Hoàng thành, ở khắp nơi trong kinh thành Thăng Long. Tiếng pháo tép nổ lép nhép bởi những đứa trẻ tinh nghịch đang chơi đùa, tiếng pháo dây nổ liên miên rất vui tai, tiếng pháo đại nổ đì đoàng vang vọng tận thinh không.
Những ngày tết trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã đến ngày mùng năm tết. Những ngày qua, Lý Hạo thoải mái hưởng thụ cảnh đón tết ở cung đình. Ngày mùng hai, Lý Hạo ngự trên gác Long Đỗ xem các vương tôn quý tộc chơi các trò chơi thượng võ đầu xuân. Lý Hạo phấn khởi xem những trò tiêu khiển ở dưới sân như đánh vật, lực sĩ và trẻ con đấu nhau, ai thắng thì được thưởng.
Các vương hầu cưỡi ngựa đánh cầu, còn các quan thì đánh cờ, đánh vu bồ cùng nhiều trò chơi khác. Trong các cuộc đấu này, hai gia tộc họ Tô và họ Trần tiếp tục so kè hơn thua, cử ra những tinh anh, nhân tài trong gia tộc ra thử sức. Mỗi khi một bên thắng, lại vui sướng chúc mừng nhau, còn không quên quay sang chế giễu, hạ thấp uy phong đối thủ.
Ngày mùng ba, lại du ngoạn vườn Thượng uyển với các quan, vừa ngắm cảnh, vừa ngâm thơ. Trong những dịp ngâm thơ như vậy, Lý Hạo tha hồ xuất khẩu thành chương, bởi vì Lý Sảm có sở thích ngâm thơ và biệt tài làm thơ thì quan viên trên dưới trong triều đều rõ, không phải lo trước sợ sau gì cả. Gì chứ, lâu lâu được chứng tỏ giá trị của bản thân, được hưởng thụ cảm giác ca tụng của mọi người, ai mà không thích cơ chứ.
Mùng bốn, vua tôi cùng nhau đi lễ ở các đền chùa ngoại thành. Buổi tối mùng bốn, Lý Hạo được xem lễ Triều Đăng rất hoành tráng. Giữa sân trong Hoàng cung dựng một cây đèn khổng lồ, gọi là đèn Quảng Chiếu, bên trên thắp hàng vạn ngọn đèn sáng rực cả trời đất. Các sư thầy đi quanh đèn tụng kinh, còn quan tướng thì cử hành làm lễ. Lý Hạo ngồi thưởng thức khung cảnh tuyệt vời đó mà cứ ngỡ như đang chìm vào bầu trời đầy sao gần ngay trước mắt.
Ngụy Quân: “Ta chỉ là muốn chết, như thế nào liền như vậy khó đâu?” Thấy Chết Không Sờn Ngụy Quân Tử