Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 115: Chiến Trường Bắc Giang – Hồng Châu




Ngày 14 tháng 3 năm 1211, quân Bắc Giang chia quân làm hai hướng tấn công theo thế tam kích. Nguyễn Nộn huy động toàn bộ lực lượng bộ binh, thủy binh, voi chiến và chiến mã. Đô thống Nguyễn Khưu chỉ huy một cánh quân mé tả tấn công từ hướng đông, Nguyên súy Hàn Đổng dẫn đạo quân mé hữu tấn công từ hướng tây, còn Đại Vương Nguyễn Nộn suất lĩnh hai quân đoàn thủy, bộ đánh thốc vào giữa mặt đại quân Hồng Châu.
Khi biết tin về lộ trình tấn công của quân Bắc Giang, Đoàn Thượng nghe theo kế sách của Phạm Lãi hiến cho, đã ngưng lại các hành động cướp bóc, thu hết lực lượng đang rải rác về các khu vực mới chiếm đóng. Quân Hồng Châu ngày đêm xây dựng tuyến phòng thủ vô cùng vững chắc, bố trí hầm đất, hố bẫy, cơ quan, chế tạo liên tục các loại vũ khí để chống lại đàn voi rừng hung hãn. Theo tin tình báo mà Đoàn Thượng mới có được, Lý Bát ở Đô Kim đã gửi thêm hàng chục thớt voi chiến cho Bắc Giang tạo thành đội kỳ binh theo sát phía sau trung quân của Nguyễn Nộn.
Ngày 17 tháng 3 năm 1211, Nguyễn Nộn huy động 287 chiến thuyền kéo vào sông Lục Nam hòng phá tan phòng tuyến thủy quân chỉ có 112 chiến thuyền của Đoàn Thượng.
Sông Lục Nam dài khoảng 175 lý bắt nguồn từ châu Thất Nguyên chảy qua ba huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam rồi nhập vào sông Thương ở đoạn cuối. Lưu vực sông Lục Nam gồm phía đông dãy núi Bảo Đài và phía bắc dãy núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều. Thượng lưu sông Lục Nam từ nguồn tới Chũ, thuộc huyện Lục Ngạn, dòng sông hẹp, độ dốc lớn, uốn khúc nhiều, kết hợp với lượng mưa vùng này lắm khi đột biến, nên hay sinh ra lũ lớn. Trung lưu sông Lục Nam do nhận thêm nguồn nước từ khu vực Mai Siu, từ núi Bảo Đài chảy về và địa hình bằng phẳng nên dòng sông rộng, sâu, không có ghềnh đá, tàu thuyền đi lại rất thuận lợi.
Trận thủy chiến trên sông Lục Nam diễn biến theo thế một chiều, do tương quan lực lượng giữa hai bên chênh lệch khá lớn.
Truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc Việt được hình thành và phát triển như là một tất yếu lịch sử. Tổ tiên người Việt thường sống trong khu vực nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao, sông ngòi chằng chịt, đầm hồ dày đặc, lắm đồi nhiều núi, lại có biển lớn bao bọc. Do vậy, nếp ăn, ở, đi lại, sinh hoạt... bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với sông nước. Những đội quân quen nghề sông nước và cơ động chủ yếu bằng thuyền đã ra đời một cách tự nhiên bên cạnh những đội quân trên cạn. Thủy binh và bộ binh là hai đội quân chủ yếu trong lực lượng vũ trang truyền thống của dân tộc Việt.
Trận thủy chiến trên sông Lục Nam chủ yếu sử dụng thuyền chiến Mông đồng. Thuyền Mông đồng, tức thuyền hai đáy, thường có 32 tay chèo và 25 lính chiến đấu. Đó là một loại thuyền chiến có chiều dài khoảng trên 20 thước, rộng gần 4 thước, vỏ bọc đồng để tăng độ bền và chống tên, đạn của đối phương. Thuyền Mông đồng vừa có khả năng hoạt động trong sông, vừa có khả năng hoạt động ngoài biển. Thuyền chiến thời Lý có khả năng trọng tải và hành trình rất tốt, đủ khả năng chở voi vượt biển hoặc cơ động quân bộ theo đường biển để tập kích đối phương.
Ngoài ra, Nguyễn Nộn còn huy động thêm cả thuyền lầu và thuyền Lưỡng Phúc tham gia chiến đấu. Thái úy Đàm Dĩ Mông tuy là một kẻ gian ngoan xảo quyệt, nhưng cũng phải công nhận hắn là người có tài, thuyền lầu chính là do Đàm Dĩ Mông sáng chế. Thuyền lầu gồm những tầng lầu cao nên có lợi thế về chiều cao, có chiếc cao đến 27 thước, phát huy được hiệu quả quan sát, chỉ huy và vũ khí tầm xa, chứa được nhiều lính và ưu thế về vũ khí tầm xa như cung, nỏ. Thuyền lầu là một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai sàn chia tàu thành hai tầng, tầng trên giấu lính chiến đấu, tầng dưới chứa lính chèo thuyền với hàng chục tay chèo và hai người điều khiển một mái chèo. Ở đây, thuyền lầu gắn chặt với chiến thuật dùng cung nỏ trong đánh thủy, có thể chở được trên hai trăm người và lương thảo, khí giới.
Thuyền Lưỡng Phúc hay còn gọi là thuyền mẫu tử có cấu tạo hai thuyền lồng vào nhau và có thể tách rời nhau, 4 mái chèo, 1 buồm, chuyên dùng đánh hỏa công. Thuyền ngoài, tức thuyền mẹ, dài khoảng 12 thước, trong khung chứa cỏ, củi, hỏa diêm, đầu mũi cắm các đinh lớn, nhọn bằng sắt, hông thuyền cũng đầy đinh sắt. Thuyền trong, tức thuyền con, là chiến thuyền nhỏ. Khi chiến đấu, thủy thủ trong thuyền nhỏ chèo thật nhanh, lao thật mạnh vào thuyền đối phương, khiến cho những đinh sắt nhọn ở mũi, khung thuyền mẹ cắm vào mạn thuyền đối phương, sau đó người ta châm lửa đốt thuyền mẹ, rồi tách thuyền con ra khỏi thuyền mẹ, rút lui hoặc tiếp tục chiến đấu như một chiến thuyền thông thường. Lửa bắt vào cỏ, củi, hỏa diêm rồi lan sang và làm nổ tung thuyền đối phương.
Quân Hồng Châu chỉ có thuyền Mông đồng nên khi đụng phải hai loại thuyền lầu và thuyền Lưỡng Phúc trở tay không kịp, bị đánh cho vỡ trận. Toàn bộ thuyền Hồng Châu bị đánh đắm, thủy quân bị chết trong mưa tên, chết do hỏa công, chết khi chiến đấu, có những tên nhảy sông bỏ thuyền muốn trốn thoát cũng bị thủy quân Bắc Giang nhảy xuống, bơi theo giết chết không tha.
Trên dòng sông Lục Nam, khắp nơi vang lên tiếng hô hào chém giết, tiếng quát tháo xung phong, tiếng trống trận cổ vũ sĩ khí. Bên dưới, máu tanh nhuộm đỏ cả dòng sông.
Quân Bắc Giang vượt sông thành công, đắc chí, tiếp tục dốc sức đánh thẳng vào trung quân Hồng Châu đang đóng ở ba huyện Việt Lạc, Thông Bạch, Nguyệt Đàn.
Vùng diễn ra trận đại chiến tương đối bằng phẳng, nhưng xuôi về phương nam thì địa hình lại càng cao dần lên. Xung quanh có những cánh rừng nằm ở tản mát, sông ngòi cũng khá chằng chịt, và có thêm một số làng mạc ở gần đó. Phải công nhận một điều rằng đây là nơi dễ thủ khó công, quân Hồng Châu đã chọn phòng tuyến cực kỳ hóc búa đối với quân Bắc Giang.
Đại quân của Nguyễn Nộn tới nơi, không tấn công ngay mà ém quân tại bìa rừng, chờ đợi hai mũi nhọn ở hai cánh quân kia tới kịp lúc theo đúng kế hoạch, và chờ đợi đàn voi kỳ binh của Lý Bát. Trong thời gian đó, Nguyễn Nộn cho lính do thám nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình và tìm hiểu hệ thống phòng thủ của quân Hồng Châu, tuy nhiên kết quả thu được không mấy khả quan. Lính do thám chỉ có thể báo cáo những tin tức chung chung về những vị trí quân Hồng Châu đóng trại, không biết rõ về cách bố trí lực lượng và số quân phòng thủ ở mỗi nơi. Những trại quân Hồng Châu như được phủ lên một tầng sương mờ ảo, chứng tỏ quân Hồng Châu đã có những bậc thầy về ngụy trang trợ giúp.
Sáng sớm tinh sương ngày 21 tháng 3 năm 1211, tiếng trống dồn dập, tiếng tù và nổi lên vang động khắp núi rừng, quân Bắc Giang xông thẳng vào các trại quân Hồng Châu. Đô thống Nguyễn Khưu đánh chiếm thành công huyện Nghinh Trường, quân Hồng Châu thua chạy tan tác.
Buổi chiều cùng ngày, Nguyễn Nộn chỉ huy 7000 bộ binh, 400 kỵ binh kết hợp với đàn voi lên tới 45 thớt voi, dưới sự yểm trợ của 1000 cung tiễn thủ đã chọc sâu vào tuyến phòng thủ của quân Bắc Giang.
Trận đánh diễn ra đến khuya thì Nguyên súy Hàn Đổng dẫn quân đánh vòng một đường từ hướng tây, phá nát quân Bắc Giang bên cánh phải, ồ ạt xông đến trợ lực cho trung quân.
Binh đoàn Bắc Giang đang hăng say tiến công thì rơi vào một vùng rừng cạm bẫy liên hoàn, nơi đó đất đai nhão nhoẹt, cây cối um tùm, đàn voi rơi vào hố bẫy, rơi vào vũng bùn lầy lội, quân lính dính phải cơ quan, đạp phải bẫy chết như rươi, tiếng rên xiết chốc chốc lại váng lên thảm thiết.
Đợt tiến công của quân Bắc Giang đã bị chậm mất một nhịp, không thể hợp quân với Đô thống Nguyễn Khưu như kế hoạch. Giờ đây quân Bắc Giang di chuyển rất khó khăn, liên tục vấp phải sự kháng cự, phản công của quân Hồng Châu.
Ngày 22 tháng 3 năm 1211, Nguyễn Nộn vô cùng tức giận, quân số đông hơn mà bị quân Hồng Châu thoắt ẩn thoắt hiện đánh cho tổn thất không nhỏ. Nguyễn Nộn bất chấp tất cả, hạ lệnh cường công, nhưng không thể thay đổi được cục diện đã hoàn toàn rơi vào thế hạ phong.
Hai cánh quân hùng mạnh của Bắc Giang đã bị kẹt trong cạm bẫy khổng lồ và biến thành con mồi cho những tay xạ thủ của Hồng Châu. Cánh quân lẻ loi ở phía đông do Nguyễn Khưu chỉ huy bắt đầu gặp nguy hiểm, bị quân Hồng Châu từ ba hướng tiến hành bao vây đánh chặn.
Đến hết ngày mà Nguyễn Nộn sử dụng mọi biện pháp vẫn không thể thoát khỏi vùng đất quỷ quái, nơi nơi như có âm hồn tác đảng bao trùm lên quân Bắc Giang. Binh lính chỉ còn biết thụ động chống đỡ, giơ lưng chịu báng, chết dần chết mòn. Nguyễn AXooY Khưu cũng không thể thoát vòng vây để mang quân tiếp cứu Nguyễn Nộn, mọi cố gắng chỉ là vô ích.
Những mũi tấn công nhỏ lẻ khác của Bắc Giang bị đánh cho thảm bại, đa phần rơi vào cạm bẫy của Hồng Châu, lính tráng chết gần sạch sẽ, voi chiến nằm phơi thây giữa bãi chiến trường, vũ khí rơi vãi la liệt. Nhưng cũng có một số mũi tấn công đã anh dũng chiến đấu vượt vòng vây hội hợp với đại quân của Nguyễn Nộn và cánh quân của Nguyễn Khưu.
Khoảng gần sáng ngày 23 tháng 3 năm 1211, hai đội kỳ binh của Đô Kim bất ngờ xuất hiện, kịp thời tương trợ đánh thủng mặt sau quân Hồng Châu. Nhờ có những lỗ hổng đó, hai cánh quân của Bắc Giang mới có thể thành công thoát hiểm, đánh tan vòng vây, lùi về phía sau an toàn.
Ngày 24 tháng 3 năm 1211, sau khi Nguyễn Nộn may mắn thoát khỏi trận đại bại, hội hợp ba quân, chỉnh đốn hàng ngũ, quyết đánh đòn tổng lực. Toàn bộ quân Bắc Giang điên cuồng xông lên như không cần mạng, quân Hồng Châu có số lượng ít hơn bị đánh bật khỏi huyện Việt Lạc.
Quân Bắc Giang chiếm lại được thế thượng phong, xuôi nam thẳng tiến, tuy nhiên đến tối thì phải dừng bước bởi dàn cạm bẫy liên miên bất tuyệt kết hợp với đội cung nỏ hùng hậu của Hồng Châu do đích thân Đoàn Thượng đứng ra chỉ đạo.
Hai phe trở lại thế cân bằng, tấn công qua lại kèn cựa nhau không ngớt. Ngày hôm sau, quân Bắc Giang dù gì cũng là quân tấn công, dần đuối sức, lính tráng mệt mỏi, lương thực bị thiếu thốn, do quân Hồng Châu đốt phá dọc đường, các làng mạc xung quanh cũng bị quân Hồng Châu cướp bóc gần hết, chẳng còn bao nhiêu lương thực để chia cho đại quân ăn uống.
Ngày 26 tháng 3 năm 1211, quân Hồng Châu chớp thời cơ quân Bắc Giang xuống sức, tiến hành phản công, đánh cho quân Bắc Giang thua tơi tả. Nguyễn Nộn chỉ còn lại trong tay hơn 1 vạn quân, kỵ binh còn lại gần 300, voi chiến còn lại hơn 10 thớt. Tinh thần binh sĩ Bắc Giang rớt xuống mức thấp nhất, ai cũng tin tưởng vào... thất bại cuối cùng.
Nguyễn Nộn không còn lựa chọn nào khác, đành rút quân về bên kia bờ sông Lục Nam, tiến hành những cuộc chiến tranh nhỏ lẻ.
Trong những tháng ngày sau đó, chiến sự vẫn diễn ra dữ dội, có khi quân Bắc Giang thắng, có khi quân Hồng Châu chiếm phần hơn. Hai trong ba thế lực hùng mạnh nhất Đại Việt đã ở vào thế bất lưỡng lập, không còn đường bắt tay giảng hòa.
Chú thích:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272-1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993) do Phan Huy Lê biên soạn.
- An Nam Chí Lược. Tác giả: Lê Tắc. Trần Kinh Hòa dịch. Viện Đại học Huế xuất bản, năm 1961.
- Việt Nam Sử Lược. Tác giả: Trần Trọng Kim. Nhà xuất bản Bộ Giáo Dục - Trung tâm học liệu.
Không Khoa Học Ngự Thú Truyện sủng thú cực hay, phá đảo mọi bảng xếp hạng tại Trung. Mn không nên bỏ lỡ siêu phẩm!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.