Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 118: Nuốt Nhục




Điện Thiên An, sáng ngày 10 tháng 4 năm 1211.
Lý Hạo đang hồi hộp ngồi trên ngai vàng, còn quần thần triều Lý nghiêm trang, chỉnh tề đứng dưới điện chầu đón chờ đoàn sứ thần nước Tống sang Đại Việt để làm lễ sắc phong vương vị cho Lý Hạo.
Dưới thời đại phong kiến ở nước Việt, các vị vua sau khi lên ngôi đều có mong muốn xin phong vương với Trung Hoa. Nguyên nhân buộc Lý Hạo xin phong vương cũng như các triều vua trước đó là ở cái thực tế, Đại Việt là một nước nhỏ, sát cạnh ngay một quốc gia Đại Tống lớn gấp nhiều lần, lại thường xuyên có mưu đồ thôn tính nước Việt. Khi cầu phong với Tống, bên cạnh lợi ích dân tộc, các vị vua còn tính đến lợi ích giai cấp hoàng tộc, bởi ngay từ khi hoàng tộc lên nhiếp chính đã nhận thấy sự cần thiết phải khẳng định chính thống, hợp pháp hoá sự tồn tại của triều đại mình, để ổn định nhân tâm và cũng là để làm chỗ dựa hậu thuẫn bảo vệ quyền lợi lâu dài của hoàng tộc.
Ngoài ra, sự phong hiệu này còn là để khẳng định vai trò của mình với các nước lân bang, tự coi mình như một thiên triều nhỏ hơn ở phía Nam đối với các nước chư hầu, ngang hàng với nước Tống ở phương Bắc. Cơ bản là Trung Nguyên cũng sẵn lòng chấp nhận việc cầu phong của các đời vua nước ta vì một mặt nó là phương tiện giao hảo, duy trì mối quan hệ vi diệu giữa hai nước, mặt khác để cốt giữ lấy cái quan hệ giữa thiên triều Hoa Hạ với phiên thần nước Việt như là một nhu cầu thiết thân về cả lợi ích chính trị lẫn kinh tế.
Do đó, sau khi đoàn sứ giả của nước Việt sang cầu phong, Hoàng đế Tống Ninh Tông đã cử sứ thần sang Đại Việt sắc phong cho Lý Huệ Tông làm An Nam Quốc Vương. Trước đời vua Lý Anh Tông, các vị vua nhà Lý chỉ được phong làm Giao Chỉ Quận Vương, ý nghĩa là vua của một quận Giao Chỉ. Hay khi mới dựng nước, nhà Đinh, Lê chỉ được phong làm Kiểm Hiệu Thái Sư, Giao Chỉ Quận Vương rồi tiến dần lên Nam Bình Vương. Tới thời Lý Anh Tông nhà Tống mới thay đổi sắc phong vua của nước Việt là An Nam Quốc Vương, ý nghĩa cao hơn là vua của một nước An Nam.
Bản thân Lý Hạo cực kỳ không hứng thú với cái trò sắc phong này, nhưng đám lão thần cứ khăng khăng bắt buộc phải cử sứ giả đi cầu phong, bởi vì đây là tiền lệ lâu đời của triều đình, không thể thay đổi. Hắn phải ậm ừ đồng ý, giao toàn quyền cho Thái úy phụ chính Tô Trung Từ xử lý chuyện cầu phong.
Theo thông lệ các triều đại, khi nước ta có vua qua đời, vua mới lên nối ngôi lại cử một đoàn sứ giả sang Tống báo tang và một đoàn sứ giả sang xin phong vương. Hai đoàn sứ giả này do hai vị quan cao cấp đứng đầu và cùng đi trong một đoàn. Về phía nước Tống, sau khi vua nhận được biểu của vua nước Việt thì cũng cử hai đoàn sứ giả, một phong vương cho vua mới và một sang tế vua đã chết, trong đó có một trong hai vị chánh sứ làm trưởng đoàn chung.
Chiều hôm qua, đoàn sứ thần nước Tống vừa tới đã cho người hạch sách thượng thư bộ Lễ Huỳnh Xuân Trinh đủ điều. Tên đứng đầu đoàn sứ thần, Triệu Khắc Sảng, đòi hỏi rất nhiều thứ trớ trêu, trong đó có yêu cầu là phải cấp cho hắn hai mỹ nữ Đại Việt giúp hắn sưởi ấm giường. Lý Hạo không còn cách nào khác, phải nghiến răng thỏa mãn mọi yêu cầu quá quắt của tên sứ thần nước Tống.
Sáng sớm hôm nay, vua quan nhà Lý lên triều từ sớm để chuẩn bị làm lễ tiếp đón đoàn sứ thần kia. Nhưng mãi vẫn không thấy tên quan sứ thần lên điện chầu, thì ra là đêm qua gã sứ thần đó hơi phí sức vào việc chinh chiến với hai cung nữ Đại Việt, nên hắn mới mệt mỏi rã rời, không còn biết trời trăng sớm tối gì nữa.
Lý Hạo càng nghĩ lại càng tức giận. Nếu hắn mà có quyền hành thì thể nào hắn cũng mang gái lầu xanh mắc bệnh hoa liễu, đem tống cho gã sứ thần dâm dục kia tha hồ mà nhấm nháp.
Đợi gần nửa giờ, tên dẫn đầu đoàn sứ thần nước Tống dưới sự tiền hô hậu ủng, mới khệnh khạng đi vào điện Thiên An trong tiếng nhạc chào đón vang lừng. Triệu Khắc Sảng trạc tuổi tứ tuần, có bộ mặt nhỏ, má hóp, môi thâm dày, dưới cằm lưa thưa vài sợi râu đã điểm bạc. Hắn cầm trong tay một tờ biểu màu vàng kim có thêu hoa văn ngũ trảo kim long uốn lượn. Bước đến trước hương án ở giữa điện, Triệu Khắc Sảng đặt tờ biểu sắc phong xuống hương án, đứng sang một bên, chắp tay, hơi hơi cúi đầu, cất tiếng oang oang: “Sứ thần nước Tống tham kiến vua của An Nam.”
Bá quan văn võ trên điện chầu im phăng phắc. Một số người im lặng cúi đầu, một số người nắm tay đã run run.
Thái úy phụ chính Tô Trung Từ nghiến hàm.
Chương thành hầu Trần Tự Khánh nhắm mắt bình thản, không ai đoán được hắn đang nghĩ gì trong đầu lúc này.
Lão thái úy Đỗ Kính Tu lắc đầu, thở dài.
Mí mắt Lý Hạo giật một cái, gấp gáp nói: “Miễn lễ, sứ thần Đại Tống bình thân.”
Sứ thần nước Tống Triệu Khắc Sảng cất giọng đều đều: “Hôm nay, Hoàng đế thiên triều Đại Tống là Tống Ninh Tông phái sứ thần sang vùng An Nam là có hai việc. Thứ nhất là để sách phong cho vua của An Nam tước vị An Nam Quốc Vương. Thứ hai là để yêu cầu vua An Nam nhanh chóng chuẩn bị thêm sản vật triều cống hàng năm. Hoàng đế của nước ta cũng có lời cật vấn là tại sao năm nay lại triều cống ít như vậy, những năm trước đầu năm đã có đoàn sứ thần An Nam sang từ rất sớm, sản vật lại phong phú. Thế nhưng năm nay lại phải sang nhắc nhở, thực là tắc trách, hy vọng lần sau không có chuyện trễ nải như vầy xảy ra nữa.”
Gương mặt Lý Hạo đã có chút thay đổi, hắn đặt bàn tay lên đùi, bấm mạnh móng tay vào đùi, lén hít một hơi thật sâu.
Thái úy phụ chính Tô Trung Từ bước lên mà rằng: “Sứ thần đại nhân Triệu Khắc Sảng, bổn quan xin thay mặt Hoàng thượng trả lời về chuyện cống phẩm. Không phải năm nay Đại Việt có ý khinh nhờn Đại Tống mà bởi vì nhiều lý do bất khả kháng nên Đại Việt không thể thu gom đủ số lượng cống phẩm như hàng năm. Như đại nhân cũng đã thấy qua quá trình đi sứ sang Đại Việt, hiện giờ giặc cướp trong nước đang nổi lên khắp nơi, dân nghèo đói khổ rất nhiều, triều đình đã hết sức cố gắng vãn hồi cục diện. Nhưng triều đình Đại Việt quyết không để tình trạng ấy kéo dài, sẽ nhanh chóng dẹp tan loạn lạc, gom đủ số lượng sản vật quý hiếm để mang sang Đại Tống, dâng tặng thiên triều.”
Đôi mắt sứ thần Triệu Khắc Sảng thoáng sợ hãi: “Đúng như Thái úy đại nhân nói, trên đường đi sứ, ta đã mấy lần chạm trán giặc cướp dọc đường. Giặc cướp An Nam quả là hung hãn vô bì. Cũng may nhờ có binh lính An Nam kiêu dũng thiện chiến mới có thể bình yên tới được kinh thành.”
Tô Trung Từ chắp tay: “Bảo vệ sứ thần của Đại Tống là trọng trách của triều đình Đại Việt. Bổn quan lại là người chịu trách nhiệm chính trong đợt cầu phong lần này, bổn quan nhất định không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc, sứ thần đại nhân chớ lo.”
Những người thuộc phe gia tộc họ Trần bắt đầu biểu hiện rục rịch. Trần Thừa nhếch mép khinh khỉnh, lộ vẻ bất mãn ra mặt.
Lão thái úy Đỗ Kính Tu đánh tiếng nhắc nhở: “Thưa sứ thần đại nhân, thời gian đã không còn sớm nữa, nên tiến hành làm lễ sắc phong đi thôi.”
Sứ thần Triệu Khắc Sảng gật đầu: “Được rồi, đã tới giờ làm lễ sắc phong. Vua An Nam hãy xuống điện tiến hành làm lễ.”
Lý Hạo cúi gầm mặt, rất nhanh ngẩng đầu lên, chậm rãi đi xuống giữa điện với bộ dạng sốt sắng. Ở giữa điện Thiên An được đặt sẵn một hương án và hai bên cạnh có hai bàn khác nữa. Bàn giữa là nơi đặt một cái tráp rồng chứa các phong phẩm, tặng vật do Hoàng đế Đại Tống gửi sang.
Triệu Khắc Sảng nhíu mày, lớn tiếng bảo: “Vua quan An Nam nghe đây, mau quỳ xuống hành lễ, tiếp nhận sắc phong của Hoàng đế thiên triều Đại Tống.”
Bách quan triều Lý lần lượt quỳ rạp cúi đầu, Lý Hạo nhắm mắt quỳ xuống, hai cánh tay đặt xuôi theo đùi, bàn tay siết mạnh chân, ống tay áo dài đã che mất những đường gân xanh nổi lên dọc cánh tay Lý Hạo.
Lý Hạo cùng các quan lại nhà Lý làm lễ trước cái tráp rồng và những phong phẩm của Hoàng đế Đại Tống bằng ba quỳ, chín lạy và sau đó đến quỳ trước bàn đã đặt tờ sắc phong, cung cung kính kính nghe Triệu Khắc Sảng đọc tờ sắc phong.
Sứ thần thiên triều Đại Tống Triệu Khắc Sảng nở nụ cười thỏa mãn, gương mặt rạng ngời như được ánh mặt trời soi sáng, bắt đầu tuyên đọc tờ sắc phong: “Ngày 4 tháng 3 năm 1211, Gia Định, năm thứ ba. Trẫm, Tống Ninh Tông, nghĩ rằng đế vương dựng nghiệp, trước phải vỗ về cõi xa. Xuân Thu là nghĩa lớn, phải tận lo nhớ lệ tôn vương. Xưa, đức Hoàng Tổ ta mở cõi, chân trời góc biển đều trong bản đồ. Nước An Nam ngươi từng hưởng thanh giáo, lễ nhạc, mũ áo đã dần quen, chịu ơn đã trăm đời, để phúc đã mấy kiếp. Lý Huệ Tông sớm tỏ tài lành, một niềm cung thuận, nêu đức từ cõi hoang, để tiếng tốt thấu vào cửa khuyết. Đang khi Ninh Tông Hoàng đế ta ngự ở đất Trung Nguyên, một mình nước ngươi cho quan vượt biển ngàn dặm xa xôi sang triều cống. Tuy thiên triều chẳng quý của cải ở cõi xa, nhưng kẻ bề tôi mà dâng cống để tỏ rõ lòng thành thờ nước lớn, thực là rất đáng khen. Vậy, đặc biệt ban ân điển riêng, tấn phong ngươi làm An Nam Quốc Vương, ban cho sắc và ấn, ngươi hãy kính nhận lấy. Ôi, triều đình đặt phiên trấn ở cõi ngoài, cốt vỗ yên kẻ xa, mở rộng phên giậu. Khi yên ổn thì thấm nhuần giáo hóa, khi đánh dẹp thì giúp thêm minh uy. Đã là cánh, là thành thì trong ngoài như nhau. Ngươi QdJ1y nhận được mệnh ban tôn quý, phải gắng giữ trung trinh, giúp đỡ con dân, giữ bền chức cống, làm phên giậu cõi Nam cho trẫm đời đời. Hãy kính theo.”
Khi đọc xong thì tờ sắc được đặt trở lại trên hương án và Lý Hạo phải tiếp tục hành lễ ba quỳ chín lạy rồi mới được đứng dậy.
Sứ thần Triệu Khắc Sảng và đám tùy tùng cáo từ, vua quan nhà Lý tiễn chân đám người Triệu Khắc Sảng đến tận ngoài thềm rồng, rồi mới quay trở vào điện chầu, tiếp tục nghị luận việc triều chính.
Riêng Lý Hạo thì chẳng còn màng tới việc bàn chuyện chính sự nữa, lỗ tai hắn đã lùng bùng, đầu óc hắn đã mơ hồ, cơn giận dữ trong hắn đã bốc cao ngút trời. Đây là cái thế sự gì? Bắt hắn, Lý Huệ Tông, Hoàng đế của Đại Việt, phải quỳ gối, dập đầu trước một thằng đốn mạt, ẻo lả người Tàu, trước một cái tờ giấy lộn không đáng một đồng xu trinh cắc lẻ, tuy nhiên hắn vẫn phải thực hiện, thực hiện như nước chảy mây trôi, thực hiện như hành vân lưu thủy.
Lý Hạo cảm thấy đây là nỗi nhục nhã vô cùng to lớn, nỗi nhục nhã lớn nhất từ khi hắn sinh ra đời cho đến nay. Hắn có thể quỳ gối trước sư phụ vì đó là người hắn yêu kính nhất, hắn có thể quỳ gối trước Đàm Thái hậu vì đó là mẹ của hắn, hắn có thể quỳ gối trước Đỗ Kính Tu vì đó là thầy của hắn, nhưng bắt hắn phải quỳ gối trước mớ giẻ rách người không ra người, ngợm ra không ngợm kia, hắn khinh.
Bàn tay phải vuốt ve ngón tay út bên bàn tay trái, đôi mắt Lý Hạo trong veo, không vởn đục, chăm chú nhìn xuống quần thần đang tranh cãi dưới điện, nhưng không một người nào ngờ được trong tâm tư Lý Hạo đang sôi trào, cuộn sóng. Hắn ngầm gào thét trong lòng: “Ta thề rằng, nếu có một ngày ta dẫn trăm vạn đại quân đánh tới Trung Nguyên thì ta sẽ hành hạ các ngươi đến chết, cho ngũ mã phanh thây, tùng xẻo hai đứa chúng bây, Triệu Khoách và Triệu Khắc Sảng. Các ngươi hãy rửa cổ mà chờ đón cơn thịnh nộ của Hạo Chín Ngón ta.”
Chú thích:
Tài liệu tham khảo
- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1993.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272-1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993) do Phan Huy Lê biên soạn.
- An Nam Chí Lược. Tác giả: Lê Tắc. Trần Kinh Hòa dịch. Viện Đại học Huế xuất bản, năm 1961.
- Việt Nam Sử Lược. Tác giả: Trần Trọng Kim. Nhà xuất bản Bộ Giáo Dục - Trung tâm học liệu.
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo (1856-1881). Viện Sử Học dịch (1957-1960). Nhà xuất bản Giáo Dục (Hà Nội) ấn hành 1998.
- Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần.
- Lịch triều hiến chương loại chí – Bang giao chí. Tác giả: Phan Huy Chú. Bản dịch. Nxb Sử học, Hà Nội ấn hành năm 1961.
+ Triệu Khoách, năm sinh 1168, năm mất 1224, Hoàng đế Đại Tống, miếu hiệu là Ninh Tông, Thụy hiệu là Pháp Thiên Bị Đạo Thuần Đức Mậu Công Nhân Văn Triết Vũ Thánh Duệ Cung Hiếu hoàng đế. Trị vì từ năm 1194 – 1224. Trong thời gian cai trị 30 năm của mình, Ninh Tông sử dụng bốn niên hiệu như sau:
Khánh Nguyên (1195 - 1200)
Gia Thái (1201 - 1204)
Khai Hy (1205 - 1207)
Gia Định (1208 - 1224)
Ngụy Quân: “Ta chỉ là muốn chết, như thế nào liền như vậy khó đâu?” Thấy Chết Không Sờn Ngụy Quân Tử

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.