Đến giữa trưa, Lý Hạo trở về Long An cung trong sự bực bội, hắn quyết định đánh một giấc để giải tỏa nỗi khó chịu cứ mãi đeo bám hắn. Tới khi ngủ dậy, Lý Hạo thấy mới có đầu giờ mùi, trên đường tới điện Trường Xuân, hắn định duyệt cho hết đống tấu chương còn tồn đọng. Nhưng suy nghĩ vẩn vơ thế nào hắn lại thay đổi kế hoạch, rốt cuộc hắn yêu cầu thái giám Lê Việt Công và hai tên thư ký Lý Văn Quý, Ngô Công Tài ở lại điện Trường Xuân giả vờ như đang duyệt tấu chương với hắn, còn bản thân Hoàng đế Lý Hạo chạy đi gọi Lý Thông ra ngoài kinh thành dạo chơi cho thư thả.
Rời khỏi Hoàng thành, Lý Hạo cùng với Lý Thông và bốn vệ sĩ đi thẳng tới địa điểm liên lạc với Cao Ngạo là một tiệm bán thuốc. Đợi một lúc sau, Cao Ngạo dẫn theo một đám anh em nòng cốt của Xã Hội Đen tới bái kiến Lý Hạo. Cảm giác như được quay về thời còn làm ông trùm ở tiền kiếp, Lý Hạo hứng thú trò chuyện với Cao Ngạo một lúc, rồi rủ mọi người đi nhậu. Về khái niệm nhậu nhẹt này, Cao Ngạo đã được Lý Hạo chỉ bảo trong thời gian theo học Lý Hạo.
Người Việt có một đặc tính kỳ lạ, đó là thích uống rượu. Vui cũng uống rượu, buồn cũng uống rượu, mà chẳng vui chẳng buồn cũng uống rượu. Tâm trạng kiểu nào cũng có thể gầy sòng nhậu cho được. Có thể xem đó là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Mà ở đây, Lý Hạo đang thuộc về trường hợp buồn, tâm trạng không được tốt đẹp cho lắm, nên hắn đi nhậu là chuyện vô cùng bình thường.
Lý Hạo dẫn đầu một đám lưu manh mặt mày bặm trợn, hung thần ác sát đi loanh quanh phố phường Thăng Long kiếm quán rượu ưng ý. Đi tới đâu, người ta dạt ra tới đó, cũng phải thôi, ai bảo mặt mũi kẻ nào kẻ nấy đều quá dọa người làm chi? Ngay cả bốn gã Túc Vệ quân lưng hùm vai gấu đi theo bảo vệ Lý Hạo, lúc nào cũng có điệu bộ dữ dằn như muốn ăn thịt những người xung quanh.
Đến con phố cạnh sông Kim Ngưu, Lý Hạo phát hiện ra một quán thịt chó, treo tấm biển cực kỳ hoành tráng đề tên “Kim Cẩu” trên cổng, bên trái cổng thì treo tấm biển có dòng chữ viết dọc từ trên xuống “Cầy Tơ Bảy Món”, bên phải vẽ hình một con chó lông vàng đang cung tay kính chào. Lý Hạo lập tức hô lớn: “Đi, vào đây. Hôm nay, chúng ta nhậu thịt chó.”
Đám người Lý Hạo kéo nhau vào quán thịt chó. Quán này gồm hai tầng, tầng dưới dùng để đãi khách bình dân, tầng trên giành cho những thượng khách hạng sang, ngồi trên lầu có thể vừa nhâm nhi thịt chó, chén tạc chén thù, vừa ngắm cảnh dòng sông Kim Ngưu thơ mộng, trữ tình.
Sông Kim Ngưu là một phân lưu của sông Tô Lịch, theo dân gian kể rằng bên Trung Nguyên thời xưa có con Trâu Vàng rất lớn, khi nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Việt cứ tưởng là tiếng trâu mẹ gọi liền chạy sang. Đường nó chạy lún xuống thành sông Kim Ngưu. Đến phía tây kinh thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền xới đất tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó thụt xuống, thành hồ Kim Ngưu, tức hồ Tây ngày nay.
Quán thịt chó Kim Cẩu có vẻ đắt hàng, ăn nên làm ra lắm. Trong quán, thực khách đã ngồi kín hơn nửa, đám người Lý Hạo bèn đi lên lầu. Trên lầu có sắp nhiều dãy bàn, có H3Co5 bàn to, có bàn nhỏ giành cho những số lượng người ngồi khác nhau. Lượng người ở đây cũng khá đông, nhưng không nhiều bằng bên dưới.
Dân Việt rất chuộng món thịt chó bất kể sang hèn, tuy vậy giới bình dân vẫn ưa món thịt chó hơn, còn giới quý tộc thì một số người còn ngại thân phận nên ít đi ra quán chịt chó ngồi ăn mà thường sai đầy tớ mua về nhà.
Lý Hạo nhìn quanh quất, trông thấy hai cái bàn sát cửa sổ còn trống, thế là hắn dẫn cả đám chia ra ngồi kín hai bàn cạnh nhau sát cửa sổ, từ đây có thể nhìn ra dòng sông Kim Ngưu ở ngoài. Bàn Lý Hạo ngồi gồm có Lý Thông, Cao Ngạo, Lưu Hoàng Hiệp, Đinh Minh Thao, Hắc Hùng và ba anh em họ Sầm. Bàn bên cạnh gồm có bốn hộ vệ của Lý Hạo cùng với sáu người Xã Hội Đen.
Cả đám lao xao ngồi xuống, khi đã ổn định vị trí, Lý Hạo vỗ bàn, gọi lớn: “Chạy bàn đâu? Mang thực đơn ra đây nhanh lên.”
Một gã thiếu niên, dáng người nhỏ thó đi nhanh tới, liếc ngang hai bàn, tiến tới bàn Lý Hạo đang ngồi. Gã thiếu niên lấy cái khăn vắt trên vai lau mặt bàn, đặt thực đơn vào giữa bàn.
Gã thiếu niên rất khéo léo đặt tờ thực đơn vào phía trước mặt Lý Hạo, thân làm kẻ chạy bàn cho một quán rượu lớn nên gã thiếu niên có con mắt nhìn người rất tinh tường, điểm nhỏ tài lẻ ấy mà không có được thì gã thiếu niên đi ra đường làm bốc vác cho xong. Chỉ nghe gã thiếu niên cười cầu tài: “Thưa các quý ông, các ông dùng món gì ạ? Con sẽ đi dọn ngay lên cho các ông dùng.”
Lý Hạo cầm thực đơn lên xem, đúng là có bảy món thịt chó cực phẩm không khác biệt mấy so với thời hiện đại. Thường thường tờ thực đơn này chỉ chuẩn bị cho tầng trên, đa phần giành cho những thực khách thuộc tầng lớp thượng lưu hoặc những tử sĩ, nho gia, còn tầng dưới chỉ toàn những người dân thường không được học hành, một cái chữ bẻ đôi còn không hiểu, lấy gì mà đọc thực đơn cơ chứ.
Lý Hạo bảo: “Lấy hết bảy món thịt chó loại đặc biệt nhất lên đây, nhớ là những món ăn cho cả hai bàn đều giống nhau đấy. À... mà lấy thêm nhiều dồi chó với mầm chó, đó là hai món khoái khẩu của ta.”
Gã thiếu niên cười nói: “Dạ thưa cậu, con đã rõ. Cậu muốn dùng loại rượu gì ạ? Quán Kim Cẩu có nhiều loại rượu thượng hạng lắm ạ. Bảo đảm sẽ khiến cậu hài lòng.”
Lý Hạo phẩy tay: “Nhậu thịt chó thì chẳng cần thượng với chả hạ gì cả. Cứ mang rượu đế, ờ... rượu trắng loại mạnh nhất ra. Thế mới sướng. Thôi đi đi, nhanh chân lên, không cần quảng cáo thêm cái gì nữa đâu, ấy quên, nhớ mang thêm nhiều lá mơ loại tươi non đấy, đừng có mang lá mơ già chát, ta không thích cái đấy.”
Gã thiếu niên ứng tiếng, nhanh nhảu đi vào trong bếp. Lát sau, các món ăn đã được dọn lên hai bàn theo đúng yêu cầu của Lý Hạo, mỗi bàn có một vò rượu to, còn trước mặt mỗi người đặt một ly rượu loại lớn. Còn hương thơm từ các món thịt chó tỏa ra thì cứ phải gọi là thơm lừng.
Trước hết là món thịt luộc được dọn ra, từng miếng thịt thái mỏng với hương vị ngọt ngào cùng men rượu ngan ngát, làm cho đám người Lý Hạo phấn chấn hẳn lên. Tiếp theo là đĩa thịt nướng được mang tới, hương thơm thoang thoảng của thịt vừa nướng xong dâng lên nức mũi. Rồi đến vị beo béo ngầy ngậy của món xáo măng như tan vào không khí, tạo cảm giác mơ hồ, mông lung. Sau khi các món thịt chó ngon lành khác được đem bày ra bàn, khiến các lộ anh hùng hào kiệt chảy nước dãi, cuối cùng là món dồi chó. Cổ nhân có câu, sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không. Cái cảm giác được thưởng thức miếng dồi chó dai dai, mềm mềm, với đủ mùi vị lan ra trong miệng như tạo cho con người ta cảm giác hư hư thực thực đến lạ kỳ.
Cao Ngạo nâng ly, cười lớn: “Anh em cứ thoải mái mà uống, hôm nay cậu chủ chiêu đãi chúng ta. Tận tình thưởng thức đi anh em, ăn cho sạch túi tiền của cậu chủ nào, ha ha ha.”
Đinh Minh Thao cười khanh khách: “Ly đâu rồi, chiến thôi anh em. Mời cậu chủ một ly. Chiều nào mà cũng được cậu chủ đãi một chầu thịt chó như thế này thì còn gì bằng, phải không anh em?”
Hắc Hùng ồm ồm nói: “Hùng mỗ đã từng nghe anh Ngạo nhắc đến cậu chủ vài lần, bây giờ mới có dịp diện kiến, thực là hân hạnh.”
Lý Hạo đứng lên cười ha hả: “Được gặp anh em trong bầu không khí hòa đồng như vậy, tôi rất lấy làm hoan nghênh. Nhân thể ngày đầu gặp mặt hôm nay, xin kính anh em một ly. Không biết anh em được nghe câu này chưa? Ai không ăn thịt chó, phí hết nửa đời người. Bởi vậy, chúng ta không thể phí nửa cuộc đời của chúng ta. Nào, anh em cứ tận tình ăn uống thoải mái, uống, không say không về, cạn ly”
Mọi người cả hai bàn cùng đứng lên đồng thanh: “Không say không về.”
Ai cũng ngửa cổ uống cạn, rồi ngồi xuống, gắp những miếng thịt chó thơm phưng phức lên nhai nhồm nhoàm, tiếp tục trò chuyện vui vẻ với nhau.
Người Tàu luôn tự nhận mình là thần bếp, thiên tài trong lĩnh vực ẩm thực, họ tự hào đã chế biến ra nhiều món ăn tuyệt hảo và họ có khả năng học hỏi những món ăn của các nước khác dù có khó khăn tới cỡ nào đi nữa. Nhưng đối với món thịt chó của người Việt thì họ không thể nấu thơm ngon, đặc biệt bằng người Việt được.
Quán Kim Cẩu này còn có bí quyết riêng của mình, để có những con chó loại cực phẩm, thịt ngon tuyệt hảo, ông chủ quán phải lên tận Châu Phong, Châu Lạng để chọn giống chó lông vàng từ những lái buôn. Những con chó được làm thịt phải lớn tầm thước vừa đủ, thường sống ở vùng trung du, miền núi phía bắc. Thịt loài chó này nạc, ngọt, mềm, thơm. Chính sự cầu kỳ đó mà quán Kim Cẩu lại thu hút khách hơn những quán khác trong kinh thành.
Thịt chó thường được chế biến thành các món: thịt luộc, dồi nướng, lòng hấp, thịt nướng, nhựa mận, xáo măng, chả đùm. Các gia vị chính để chế biến món thịt chó là: sả, riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ trắng. Các đồ ăn và rau thơm đi kèm: bánh đa, húng chó, hành sống, mơ tam thể, củ sả, ớt trái...
Cao Ngạo giơ tay giới thiệu những người trong bàn: “Như mọi người đã biết, đây chính là cậu chủ của chúng ta, mọi người có thể gọi cậu chủ bằng cái tên Lý Hạo. Còn đây là người anh kết nghĩa của tôi, Lý Thông, hà hà, cũng là vị thiếp thân hộ vệ võ công siêu quần của cậu chủ. Chúng ta cùng nâng ly uống mừng ngày đầu gặp mặt cậu chủ nào.”
Lý Hạo nâng ly lên uống, liên tục gật đầu, đối đáp với những người trong bàn. Sự bực dọc ban sáng đã bay biến đi đâu mất, Lý Hạo cảm giác như mình được hồi sinh, được sống lại những ngày mới chập chững bước vào con đường làm đại ca xã hồi đen thuở ấy.
Cao Ngạo trỏ lần lượt từng người trong bàn, giới thiệu với Lý Hạo: “Thưa cậu chủ, đây là những người anh em thân thiết nhất với tôi từ những ngày đầu thành lập hội. Đầu tiên, xin giới thiệu, Lưu Hoàng Hiệp, vị quân sư đa tài của hội, phải nói là nhờ sự tinh minh, nhanh nhạy của Hoàng Hiệp mà hội mới có thể phát triển lớn mạnh được như bây giờ. Đây là Đinh Minh Thao, một con người cần cù chăm chỉ. Đây là Hắc Hùng, một mãnh tướng của hội, luôn nhận trách nhiệm đi đầu trong những trận chiến quyết định của hội. Còn đây là ba anh em họ Sầm đến từ vùng trung du miền núi ở đạo Lâm Tây, tên là Sầm Tú, Sầm Dũ, Sầm Phú. Họ còn được giới giang hồ gọi với cái tên Lâm Tây Tam Hiệp, thường hành hiệp trượng nghĩa khắp một dải trung du.”
Ngụy Quân: “Ta chỉ là muốn chết, như thế nào liền như vậy khó đâu?” Thấy Chết Không Sờn Ngụy Quân Tử