Trong suốt khoảng thời gian một tuần sau đó, công việc triều chính tạm gọi là yên ổn, hầu như không có chuyện gì động trời xảy ra. Nhưng tộc trưởng gia tộc họ Trần lại xuất hiện một số động thái lạ thường.
Khoảng ba, bốn vị trí quan viên mà người họ Trần đang nắm giữ đã bị Trần Tự Khánh tự ý thuyên chuyển để người của gia tộc khác vào nắm quyền, những người thay thế đó thuộc nhiều họ tộc khác nhau, có người họ Tô, có người họ Phạm, có người họ Đỗ, có cả người họ Lý.
Chuyện này đã khiến cho tầng lớp lãnh đạo của gia tộc họ Trần và các trưởng lão trong gia tộc cảm thấy bức xúc về những hành vi của Trần Tự Khánh. Với thân phận tộc trưởng, có quyền quyết định tối cao và tài năng thuyết phục bẩm sinh của mình, Trần Tự Khánh đã khiến cho dư luận bị áp chế xuống.
Ngay sau khi Trần Tự Khánh được vua triệu kiến thì Trần Thủ Độ cũng được Trần Tự Khánh cho vời vào tối hôm ấy. Nghe gia đinh trong phủ tộc trưởng kháo nhau rằng hai người bọn họ đã nói chuyện với nhau rất lâu, có lúc còn to tiếng, cuối cùng Trần Thủ Độ rời khỏi phủ Trần Tự Khánh với khuôn mặt bừng bừng lửa giận.
Trong khi người họ Trần hơi bực bội với vị tộc trưởng của họ thì một vị trưởng lão tự nhiên chết bất đắc kỳ tử. Theo quá trình điều tra về cái chết thì vị trưởng lão đó uống thuốc độc mà chết, không ai biết vì sao mà ông ấy phải làm như vậy. Dường như có cả một màn sương mờ thần bí bao phủ lên cái chết của ông ấy.
Tuy nhiên giới cao tầng họ Trần lại nghe phong thanh một chuyện, vị trưởng lão chết một cách đột ngột kia đã từng đứng ra phản đối Trần Tự Khánh cực kỳ gay gắt. Những người họ Trần bị điều chuyển khỏi vị trí đều chán nản, thoái chí mà rời khỏi kinh thành. Ngoài ra, các cánh quân ngầm của gia tộc họ Trần đang bố trí ở khắp nơi đồng loạt nhận được lệnh điều động trở về căn cứ.
Mấy ngày hôm sau, Trần Thừa liên tục cãi vã với Trần Tự Khánh, có khi còn có những biểu hiện nóng nảy. Trần Thủ Độ vẫn chưa có hành động khác thường nào mà hắn ở rịt luôn trong phủ Trần Thừa.
Lý Hạo án binh bất động, kiên nhẫn chờ thời cơ, rốt cuộc ngày ấy đã đến...
* * * * * * * * * *
“Hoàng thượng giá đáo.”
Tiếng thái giám xướng lên.
Lý Hạo khoan thai đi vào cung Thái hậu.
Như mọi hôm vào mỗi buổi chiều, Lý Hạo thường vấn an Đàm Thái hậu. Chiều nay, Đàm Thái hậu còn cho người dặn dò Lý Hạo phải đến sớm.
Mang lòng tò mò vào trong căn phòng xa hoa, lộng lẫy quen thuộc, Lý Hạo chợt ngẩn người. Lúc này trong phòng Đàm Thái hậu đang ngồi trò chuyện vui vẻ với một người phụ nữ. Vừa nhìn thấy Lý Hạo, người phụ nữ ấy đứng dậy thi lễ: “Công chúa Thiên Cực bái kiến Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.”
Lý Hạo ngỡ ngàng nhìn Công chúa Thiên Cực, trong lòng dậy sóng: “Cuối cùng đã tới.” Ngoài mặt Lý Hạo cười vui vẻ: “Là công chúa Thiên Cực đó sao? Nghe danh của công chúa đã lâu, mà tới bây giờ mới được gặp mặt. Quả thật, lời đồn đại trong chốn nhân gian không sai. Vẻ đẹp của công chúa thật xứng danh với mỹ từ khuynh quốc khuynh thành.”
Hai người nói thêm vài câu xã giao theo đúng quy củ triều đình rồi ngồi xuống. Đàm Thái hậu tươi cười: “Trước đây mẫu hậu và Công chúa Thiên Cực rất thân thiết với nhau, tình cảm như chị em trong nhà. Hoàng thượng xem, chúng ta trò chuyện với nhau cả buổi chiều mà vẫn chưa hết chuyện.”
Lý Hạo nhìn Đàm Thái hậu mỉm cười: “Chỉ cần thấy bộ dáng vui vẻ của mẫu hậu là hoàng nhi đã biết.”
Lý Hạo lại quay sang quan sát Công chúa Thiên Cực, cất tiếng hỏi: “Chẳng hay công chúa có công vụ gì mà lặn lội đường xa từ châu Lạng lên tới kinh thành?”
Công chúa Thiên Cực là một người phụ nữ cực kỳ quyến rũ. Trông bà như một thiếu phụ mới ba mươi, dung nhan khơi gợi đầy nhục cảm. Đôi mắt như lúc nào cũng long lanh, ướt át, đong đưa qua lại. Hàng mi dài cong vút, đôi mày ngài như ánh trăng lưỡi liềm tô điểm trên chiếc trán nhô cao bóng loáng. Dáng người uốn lượn như sóng thể hiện nét phong tình tao nhã, bộ ngực vun cao như khiêu khích ánh mắt của tất thảy đàn ông trên cõi đời. Mỗi cái nhấc tay thướt tha là phát ra một làn hương thơm ngây ngất bay thoang thoảng.
Lý Hạo biết rõ về vị công chúa này, biết rõ hơn bất kỳ ai sống trong thời đại này, bởi vì bà chính là con cờ chủ chốt trong kế hoạch sắp tới của hắn. Công chúa Thiên Cực, một cái tên nổi tiếng thời hậu thế. Thời Lý, có hai người mang cái tên Công chúa Thiên Cực, người thứ nhất là người đang ở trước mắt hắn. Nếu như Lý Hạo P8Dnu thất bại trong công cuộc giành lại vương quyền thì người thứ hai chính là phi tần của hắn, Trần Thị Dung. Sau khi Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông treo cổ tự vẫn tại chùa Chân Giáo, Trần Thủ Độ đã phong Trần Thị Dung làm Thiên Cực Công chúa và cưới về làm vợ.
Về thân phận của Công chúa Thiên Cực phải nhắc lại chính sách ràng buộc và thắt chặt mối liên kết giữa các tù trưởng với vương triều, giữa triều đình với các châu mục, địa phương miền núi của nhà Lý. Đó là vua Lý thường gả các công chúa cho những tù trưởng miền núi.
Trường hợp Công chúa Thiên Cực cũng là nằm trong chính sách nhu viễn ấy. Gần tới tuổi trăng tròn, Công chúa Thiên Cực được gả cho quan Nội hầu Vương Thượng ở châu Lạng. Có lẽ là bản tính sẵn có trong người, có lẽ là lòng ham muốn bột phát muốn theo đuổi tự do, mà vị công chúa với vẻ đẹp chim sa cá lặn ấy đã lén lút vụng trộm với không ít người.
Nổi bật nhất trong danh sách người tình của bà là quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du, thân tín của vua Lý Cao Tông. Loạn Quách Bốc xảy ra, vua Lý Cao Tông chạy lên Quy Hóa, sai Phạm Du đi liên lạc với họ Đoàn. Đoàn Thượng hẹn gặp Phạm Du ở bến sông. Khi Phạm Du đi ngang qua châu Lạng lại ghé nhà quan Nội hầu Vương Thượng chơi. Được dịp Vương Thượng vắng nhà, thêm vào bản tính trăng hoa của Công chúa Thiên Cực nên hai người đã mây mưa với nhau quên cả trời đất, Phạm Du quên luôn cả trọng trách được giao.
Khi thuyền Đoàn Thượng tới chỗ hẹn, Phạm Du đang mê mải tư thông với công chúa Thiên Cực. Đợi mãi không thấy Phạm Du, Đoàn Thượng đành quay trở về. Phạm Du đến chỗ hẹn không có thuyền, phải tự kiếm thuyền đi gặp Đoàn Thượng, nhưng trớ trêu là chưa đuổi kịp thì Phạm Du đã bị quân của Nguyễn Nộn giết chết.
“Bẩm Hoàng thượng, chồng của thần là quan Nội hầu Vương Thượng vâng mệnh triều đình lên Thăng Long xử lý công vụ một thời gian dài nên thần mới có dịp lên thăm lại chốn xưa, cũng lâu rồi mới có dịp được trở về. Vả lại, thần cũng muốn thường xuyên vào cung vấn an Thái hậu ạ.” Công chúa Thiên Cực cong người, liếc mắt, gương mặt hơi nghiêng nghiêng, sóng mắt đa tình hiển hiện.
Lý Hạo ngây ngẩn cả người, bấm mạnh đốt ngón tay, thầm nghĩ: “Người đàn bà này, thật là, bản năng lôi cuốn đàn ông ăn sâu vào máu rồi hay gì vậy?”
Lý Hạo vỗ trán như nhớ ra chuyện gì đó: “Ồ, chết thực, dạo này trẫm đãng trí quá. Đúng là trẫm có xem qua một tấu chương yêu cầu Vương Thượng tiến kinh. Lỡ tay thế nào lại đi đóng dấu phê chuẩn. Đến giờ nghe Công chúa nhắc tới trẫm mới nhớ ra. Trẫm thực là có lỗi với gia đình của Công chúa quá, bắt cả nhà phải vất vả lên kinh thành thế này.”
Công chúa Thiên Cực che miệng cười khanh khách: “Hoàng thượng thật biết pha trò. Vừa rồi thần nghe Thái hậu kể về Hoàng thượng, Thái hậu đã kể nhiều chuyện về Hoàng thượng lắm đó, thần hứng thú nghe mãi không thôi.”
“Không phải chứ, sao mẫu hậu đi kể xấu hoàng nhi cho người ngoài nghe như thế?” Lý Hạo làm bộ oan ức hỏi Đàm Thái hậu.
Đàm Thái hậu phẩy tay: “Cái gì mà kể xấu chứ hả? Mẫu hậu toàn kể sự thật, có gì thì kể đó. Hoàng nhi oan khuất lắm sao? Mà ở đây cũng toàn là người nhà với nhau, có phải người ngoài đâu mà hoàng nhi lo lắng.”
Công chúa Thiên Cực chớp chớp mắt nói: “Không phải Thái hậu nói xấu gì về Hoàng thượng đâu, Thái hậu toàn kể những câu chuyện thú vị mà Hoàng thượng từng kể cho Thái hậu nghe. Không ngờ ngài còn trẻ tuổi mà đã có những kiến thức quảng bác, uyên thâm nhường ấy.”
Lý Hạo cười ha hả: “Ha ha ha, chiều nay bị hai người bề trên trong nhà liên kết bắt bẻ ngôn ngữ kiểu này thì làm sao mà trẫm đấu lại. Nghe nói châu Lạng là vùng đất linh khí dồi dào, nhân tài lớp lớp, trai anh hùng, gái thuyền quyên đều tụ hội. Công chúa giảng giải cho trẫm biết rõ hơn về châu Lạng được hay chăng?”
Công chúa Thiên Cực thoáng bĩu môi, đáp: “Bẩm Hoàng thượng, thần về sống ở vùng đất miền núi đó đã lâu mà thực sự là không hay biết tới những chuyện ấy. Ở đó chỉ có đồi, núi, sông ngòi là nhiều mà thôi. Nhìn đâu đâu cũng thấy toàn núi là núi. Thời tiết thì ẩm ướt, nóng lạnh lại thất thường, thực là khiến người ta khó chịu. Nhưng có một điểm thú vị là thỉnh thoảng có tuyết rơi vào mùa đông.”
Lý Hạo nhận ra vị công chúa không thích sống ở quê chồng, lời lẽ tuôn ra đều chất chứa nỗi bực dọc, cười bảo: “Trẫm lại thấy ở châu Lạng vẫn có nhiều điểm hay đó chứ. Trẫm từng nghe nói có một dãy núi tạo hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh, vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trên đỉnh một ngọn núi có một khối đá tự nhiên hình người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa. Bên trong dãy núi xuất hiện một hang động giữa lưng chừng núi. Ở giữa động, có hồ nước không bao giờ vơi cạn, nguồn nước trong hồ có thể chảy suốt ngày đêm. Cửa động nhìn về hướng đông, cây cối bát ngát một màu xanh tươi, tạo nên một quang cảnh hùng vĩ và đẹp mắt.”
Công chúa Thiên Cực ngạc nhiên: “Hoàng thượng cũng biết dãy núi đó ư? Thần cũng nghe chồng của thần kể về nơi ấy, nhưng chưa từng ghé qua. Giờ mới nghe Hoàng thượng tả về cảnh đẹp chỗ ấy thực muốn đi tới quan sát một lần.”
Lý Hạo được thể ngâm nga:
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Đàm Thái hậu và Công chúa Thiên Cực nghe xong, đều vỗ tay, tấm tắc khen hay.
Lý Hạo chắp tay, tươi cười: “Quá khen, quá khen, hai người nghe xong thơ của trẫm mà không chê đã là vạn hạnh rồi. À, mẫu hậu này, hay là tối mai chúng ta tổ chức một buổi yến tiệc để nghênh đón Công chúa Thiên Cực. Mẫu hậu nghĩ sao?”
Đàm Thái hậu gật đầu: “Hoàng nhi nói có lý lắm. Dù gì cũng là Công chúa trong Hoàng thất, xuất giá lâu ngày mới có cơ hội trở về kinh thành. Cứ theo ý của Hoàng nhi đi. Tối mai chúng ta sẽ tổ chức yến tiệc tẩy trần.”
Công chúa Thiên Cực cười nói: “Cảm ơn lòng tốt của Thái hậu và Hoàng thượng, được Thái hậu và Hoàng thượng yêu mến như thế, Thiên Cực thật cảm động lắm.”
Ba người lại tiếp tục trò chuyện vui vẻ với nhau đến tối mịt Lý Hạo mới xin phép đi trước. Hắn thật muốn mau chóng rời khỏi càng sớm càng tốt, sự cám dỗ của vị công chúa trong truyền thuyết quả là rất khó cưỡng lại. Lý Hạo vừa đi vừa cười sảng khoái, lá bài tẩy đã xuất hiện, triều chính sắp nằm gọn trong tay, sao có thể không vui được cơ chứ. Để tự thưởng công cho mình và để giải tỏa nỗi bức bối đè nén trước sức hút của người đàn bà lẳng lơ kia, Lý Hạo thẳng tiến tới cung Nguyên phi.
Main bá, vô tình gần giống Cổ Chân Nhân.