Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 150: Trống Đồng Rền Vang




Tùng...
Giữa đêm khuya, một tiếng trống trầm hùng mà ngân vang bất chợt nổi lên ở Cấm Thành, đó là tiếng trống đồng, tiếng trống đồng cổ xưa, tiếng trống đồng như từ ngàn thu vọng về.
Tùng...
Một tiếng trống nữa vang lên, kéo theo hàng loạt tiếng trống khác nối tiếp liên miên không dứt. Giữa quảng trường rộng lớn trong Cấm Thành, hàng trăm chiếc trống đồng được các tay trống lực lưỡng gióng lên từng hồi rung động.
Tùng... Tùng... Tùng...
Tiếp theo, tiếng trống đồng vang lên ở khắp bốn cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tiếng trống đồng tạo cảm giác kích thích cùng cực, khiến nhiệt huyết sôi trào, thúc giục người nghe vùng lên tranh đấu, tỏa ra khí thế rợp trời.
Tùng... Tùng... Tùng...
Tiếng trống đồng dồn dập, vang vọng khắp không gian, chấn động khắp kinh thành, như cơn lũ quét ngang đại địa. Tiếng trống đồng hào hùng phá tan màn đêm tĩnh mịch, tiếng trống đồng như tiếng sấm thét từ cõi trời cao, tiếng trống đồng uy nghiêm như muốn xé toạc hư không.
Trống đồng không chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là biểu tượng của quyền lực. Trống đồng thời xưa được dùng trong các nghi lễ, trong lễ hội và đặc biệt là trong chiến tranh khi người thủ lĩnh chủ trương kêu gọi mọi người từ khắp nơi quy tụ về để cùng chiến đấu.
Một khi tiếng trống đồng của người Việt cổ vang lên theo tiết tấu dồn dập đều có ý nghĩa báo hiệu một cuộc chiến tranh. Khi ấy xác người sẽ chất thành núi cao, khi ấy máu tươi sẽ chảy thành sông rộng. Vạn vạn người lao vào chém giết, triệu triệu người mãi mãi phơi thây.
Trong suốt thời kỳ đô hộ, người phương Bắc không bao giờ ngừng nghỉ mục tiêu làm người Việt quên đi nguồn gốc của tổ tiên để dễ bề đồng hóa, thôn tính. Trống đồng là cái gai trong mắt quân xâm lược Trung Hoa. Thậm chí chính sử còn ghi lại: “Trống mất thì vận người Man cũng mất”. Người Man là cách nhà Hán gọi miệt thị các dân tộc phương nam trong đó có người Việt cổ. Vì thế, theo nhà Hán, giải pháp để đồng hóa dân tộc là hủy diệt trống đồng. Riêng với nước Việt, năm 43, lúc Mã Viện sang đánh Trưng Nữ Vương đã thu hết trống đồng đem nấu chảy, đưa về tặng bạn bè, hoặc phá ra đúc ngựa mẫu. Tiếng trống đồng đã bị chôn theo sự thống trị của người phương Bắc từ ngày đó.
Đến thời vua Lý Thái Tông đã cho rước thần Ðồng Cổ, là vị thần Trống Đồng, từ Ðan Nê về lập đàn thề trên đất Thăng Long. Cứ như vậy, ngày 4 tháng 4 hàng năm, vua cùng các quan văn võ đều ra đền làm lễ Minh Thệ. Các vương triều Trần - Lê vẫn duy trì nghi lễ quốc gia này. Thời Trần, hội thề Đồng Cổ là một hội lớn, dân bốn phương về tham dự lễ hội rất đông.
Sử sách còn ghi, xưa khi Trần Phu, sứ nhà Nguyên sang nước ta, đời vua Trần Nhân Tông, năm 1291, có bài thơ “Giao Châu Sứ Hoàn Cảm Sự”, trong bài thơ có đoạn về trống đồng Việt như sau:
Kim khoa ảnh lý đan tâm khổ.
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.
Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng.
Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa.
Nghĩa là nhớ đến trận chiến quân dân nước Việt đuổi đánh mà quân Mông Cổ sợ kinh khiếp đến nỗi chỉ nghe tiếng trống đồng rộn rã mà sứ giả đã bạc trắng tóc rồi!
* * * * * * * * * *
Quảng trường tập hợp quân đội.
Trên đài cao, Nguyễn Hồng Phong khoác chiến bào, hông giắt kiếm báu, bộ râu dài tung bay theo gió, bộ dáng của ông lúc này vô cùng uy vũ.
Nguyễn Hồng Bàng, vị tướng lĩnh trẻ tuổi, nhân tài của gia tộc họ Nguyễn, đứa cháu ưng ý của Nguyễn Hồng Phong, thay cho khuôn mặt luôn tươi cười hàng ngày bằng gương mặt lạnh lùng, cương nghị, đứng ngay bên cạnh Nguyễn Hồng Phong. Phía sau hai người là những tướng lĩnh tâm phúc, con cháu trực hệ của gia tộc họ Nguyễn thâm căn cố đế tại kinh thành. Bên dưới đài, nhấp nhô hàng trăm bóng người mặc chiến bào, tay nắm chuôi kiếm, toàn thân nồng nặc sát khí, âm u, lạnh lẽo.
Lão Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong cầm chiếc tù và cực lớn, hít một hơi căng tràn lồng ngực, vận lực thổi. Hàng chục người phía sau cũng lặp lại động tác ấy, vận lực thổi tù và. Một tràng tù và rúc lên kéo dài, vang xa, xa mãi...
Tu... Tu... Tu...
Trong một căn nhà tồi tàn, một người trung niên đang nằm ngủ trên giường chợt mở bừng mắt. Ánh mắt của người trung niên trở nên sáng quắc, bật người dậy, cúi xuống giường, kéo chiếc rương đầy bụi bặm, lôi ra một chiếc áo giáp, một thanh đao sắt. Không chút chần chừ, người trung niên khoác bộ áo giáp lên người, bước nhanh ra khỏi phòng.
Trong một tòa nhà, một người trung niên đang ngồi xếp bằng dưới mái đình, giữa trời đêm lạnh lẽo, giọt nước mắt lăn xuống bên khóe mắt, môi nở nụ cười: “Nguyên súy, là tiếng tù và tập hợp tướng lĩnh của ngài, là tiếng tù và xông trận của ngài, là âm thanh sát phạt nơi chiến trường, là mệnh lệnh cho một cuộc tàn sát kẻ thù. Cuối cùng, mạt tướng đã đợi được đến ngày này. Những ngày tháng máu lửa chiến chinh của quân đoàn chúng ta sẽ lại bắt đầu. Hãy để cho quân đoàn dưới trướng của ngài quét sạch hết thảy địch nhân.” Dứt lời, người trung niên phóng vút đến bốn cây cột đình, hắn muốn giải tỏa sự cuồng nhiệt đang thiêu đốt tâm can, mỗi một cú quét chân là một tiếng rắc phát ra, khi người trung niên thấp thoáng rời khỏi mái đình thì mái đình cũng sụp đổ, vỡ vụn.
Rải rác ở các nơi trong kinh thành, hàng ngàn người bừng tỉnh trong giấc ngủ say nồng, máu nóng dâng trào, vận chiến bào, mang vũ khí, chạy theo tiếng gọi của tù và.
Trên đường lớn, tiếng vó ngựa nhất thời vang lên khắp chốn, hai người mặc áo giáp cưỡi ngựa từ hai con hẻm chạy ra gặp nhau, hai người khẽ gật đầu chào, không nói một lời, đồng thời giục ngựa phi thẳng về phía trước. Đâu đó trên các con đường dẫn tới quảng trường tập hợp quân đội những tình cảnh tương tự cũng xuất hiện.
Nguyễn Hồng Phong ngưng thổi tù và, mở lớn cặp mắt tinh anh của lão, nhìn hàng ngàn chiến sĩ trung thành nhất mực đang đứng nghiêm trang bên dưới đài. Những chiến sĩ đồng loạt ngước nhìn vị Nguyên súy kia bằng ánh mắt cháy bỏng, bằng cõi lòng rực lửa.
Trong tiếng gió đêm rít gào, vị Nguyên súy CiFXD cất tiếng trầm hùng: “Hoàng thượng có chỉ...”
* * * * * * * * * *
Phủ Lý Long Tường.
Lý Long Tường đang ngồi đọc binh thư trong phòng sách, ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa lớn, đôi mắt lim dim: “Ta đã đợi, ta đã đợi rất lâu rồi... cái ngày này... ngày hoàng tộc quật khởi...”
Lý Long Tường đứng dậy, đôi mắt sáng như sao, chậm rãi đi đến phía trước bàn thờ tổ tiên, bên trên bàn thờ đặt bức tượng bằng gỗ tạc hình Lý Thái Tổ. Vị Hoàng thúc ấy đốt ba nén nhang, cắm lên lư hương, cúi đầu vái dài, môi lẩm bẩm: “Tổ tiên nhà họ Lý chứng giám, Hoàng tộc chúng ta đã trải qua chuỗi ngày đen tối nhất, loạn nước, loạn dân, loạn thần, tặc tử quấy nhiễu khuôn nguôi. Long Tường bất tài chỉ đành ngậm đắng nuốt cay, trơ mắt nhìn giặc cỏ trêu ngươi mà không dám đứng lên phản kháng. Nay, con cháu của tổ tiên, Lý Long Tường, cầu xin tổ tiên trợ giúp Hoàng thượng đương triều dẹp an nội loạn, cầu mong những ngày tháng suy vi của Hoàng tộc đến đây là chấm dứt, cầu mong cho tương lai huy hoàng của họ Lý sẽ vĩnh viễn trường tồn.”
Lý Long Tường quỳ xuống cúi đầu, lạy ba lạy, rồi đứng lên cầm thanh đao sáng loáng đặt bên cạnh bàn thờ, bước những bước thật dài ra cửa thư phòng.
Tiếng chuông lanh lảnh náo động khắp tòa phủ Lý Long Tường. Từ trong những căn phòng bí mật ẩn dưới những tán lá cây rậm rì ở khu vườn rộng lớn, hàng ngàn bóng người túa ra, chạy về hướng tiếng chuông, số lượng bóng đen càng lúc càng đông, không ngừng xuất hiện những bóng người di chuyển qua lại trong tòa phủ. Những bóng đen ấy dần dần tụ lại nơi cổng lớn, chầm chậm rời khỏi phủ, như một dòng nước đen chảy trên đường phố kinh thành.
* * * * * * * * * *
Trong một khoảng đất trống ở khu Bắc kinh thành, dưới hàng trăm ánh đuốc phừng cháy, Cao Ngạo đeo mặt nạ đúc bằng vàng, đứng trước hàng ngàn thành viên Xã Hội Đen đang sắp hàng nghiêm chỉnh.
Sau một thời gian thu thập thành viên, dưới một loạt động thái thu phục, giết chóc, uy hiếp, dụ dỗ thì con số thành viên Xã Hội Đen đã tăng đến hơn năm ngàn. Cao Ngạo đã tập trung hầu như toàn bộ thành viên cho hành động lần này.
Một âm thanh đầy nội lực phát ra sau chiếc mặt nạ bằng vàng lấp lánh phản xạ ánh lửa: “Toàn bộ thành viên đã tới đông đủ chưa?”
Lưu Hoàng Hiệp đáp: “Còn một vài người nữa đang trên đường tới.”
Cao Ngạo hừ lạnh: “Tập hợp quá chậm, mấy kẻ tới trễ phạt theo luật của hội.”
Cao Ngạo dừng một lát, tuyên bố: “Bây giờ tất cả nghe cho rõ đây. Đêm nay gọi là đêm đập phá, chúng ta sẽ đi đập phá, đập phá cho thỏa chí, đập phá cho sướng người.”
Tiếng ồn ào cao hứng vang lên.
“Thống khoái, đi nào anh em, theo Ngạo Vương phá phách một trận nào.”
“Quá sướng, lâu lắm mới có dịp phát tiết.”
“Ha ha ha, ta ngứa ngáy tay chân lắm rồi. Ngạo Vương cho biết địa điểm đi.”
Cao Ngạo hô: “Mục tiêu của chúng ta là những sản nghiệp của hai gia tộc họ Tô và họ Trần. Thế nào, anh em có dám đi theo ta hay không?”
Tiếng vỗ ngực bồm bộp, tiếng hô hoán đáp lời.
“Tại sao lại không dám, bọn chúng là cái rắm chó gì mà không dám, đi nào anh em, theo Ngạo Vương tới cùng trời cuối đất.”
“Đánh bỏ mẹ bọn cẩu quan đó đi, chúng ta sao phải sợ chúng nó?”
Cao Ngạo giơ hai tay lên cao: “Tốt. Đã như vậy... Xuất phát...”
Sau loạt mệnh lệnh phân công của Cao Ngạo là những gương mặt đỏ bừng hứng khởi, những tiếng thét chói tai, những bước chân vang động cả khu Bắc kinh thành.
* * * * * * * * * *
Ở một số địa điểm khác, ở một số gia tộc khác tại kinh thành cũng có những hành động tập hợp tương tự xảy ra, chẳng hạn như gia tộc họ Đỗ, gia tộc họ Phan, gia tộc họ Phạm, gia tộc họ Đào... trong đó còn có cả một vài nơi của gia tộc họ Tô. Dưới ánh sao le lói, những bóng người tỏa ra từ những tòa phủ đệ của những gia tộc đó càng lúc càng nhiều tạo thành những mũi nhọn sắc bén tràn ngập đường phố. Hướng đi của những mũi nhọn ấy đều trực chỉ thẳng về những tòa phủ của gia tộc họ Trần.
Trong một căn phòng làm việc của phủ Tô Trung Từ, nơi đây chứa đầy những sách, công văn, tư liệu của triều đình, Nguyễn Ma La đang chăm chú lật giở một tờ tấu chương chợt ngẩn người.
Nguyễn Ma La từ từ đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời đêm, ánh mắt thất thần xa xăm. Trong tiếng trống đồng dồn dập, tiếng tù và vút cao, gương mặt anh tuấn phi phàm của Nguyễn Ma La lộ vẻ ngạc nhiên, sau đó là sự tiếc nuối vô hạn, mấp máy môi: “Hết rồi, thế là hết rồi...” Đoạn, Nguyễn Ma La phóng người qua cửa sổ, thân hình uốn khúc vài lần, tan biến vào màn đêm đen dày đặc.
Main bá, vô tình gần giống Cổ Chân Nhân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.