Bài thơ thần Sông Núi Nước Nam của danh tướng vĩ đại Lý Thường Kiệt lại một lần nữa tái xuất thế nhân. Sông Núi Nước Nam, bài thơ mà toàn dân nước Việt, từ già đến trẻ, từ nam chí bắc, không ai không biết, không ai không thuộc. Sông Núi Nước Nam, áng thiên cổ hùng thơ, bài thơ trác tuyệt lưu danh cùng sử sách, đến cả ngàn đời sau vẫn còn vang vọng.
Trong tiếng ngâm thơ hào hùng của lão đạo sĩ, Lý Hạo vũ lộng thanh trường đao đánh dạt quân nhà Trần bao vây xung quanh. Chiêu đao do Lý Hạo xuất ra cuồn cuộn như những cơn bão tố không ngừng vùi dập đám quân nhà Trần. Mỗi nơi Lý Hạo đi qua thì xác người chất cao thành đống, quân lính nhà Trần đổ rạp như lá khô gãy rụng, tả tơi trước gió. Màu hoàng bào trên thân người Lý Hạo cùng với màu đen của thanh đao Bão Tố bay múa vần vũ trên tường thành tựa như rồng thiêng ra biển lớn, tung hoành ngang dọc khắp bốn phương.
Chứng kiến thần uy của Hoàng đế Kiến Gia, những viên tướng triều đình đứng quanh đấy, đồng thanh thét vang: “Triều Lý trường tồn.”
Trên chiến trường, quân lính triều đình khi được nghe bài thơ hùng thiêng hòa cùng tiếng trống đồng dân tộc, và được tận mắt chứng kiến oai phong của Hoàng đế Kiến Gia, dường như được tiếp thêm một luồng sức mạnh thần kỳ vô song.
“Triều Lý trường tồn.”
“Triều Lý trường tồn.”
“Triều Lý trường tồn.”
Quân lính triều đình gầm rống vang động khắp kinh thành, liều mình quyết chiến, tả xung hữu đột trong trùng trùng vây khốn của quân nhà Trần.
Đứng trên xe chủ tướng, Trần Thủ Độ phát giác tình thế không ổn, vội hô to: “Lệnh cho tay cung bắn chết lão già đứng trên đỉnh tòa lầu cổng Nam.”
Những tay cung nhà Trần nhận lệnh nhanh chóng bắn rào rào vào lão đạo sĩ.
Nhưng kỳ lạ thay, không mũi tên nào có thể chạm trúng người của lão đạo sĩ kia. Chỉ với cây phất trần trong tay, lão đạo sĩ tựa như tiên ông giáng thế múa lên những đường vòng cung không tưởng tạo thành vầng hào quang màu bạc bao bọc thân mình, khiến cho toàn bộ mũi tên bị đánh dạt ra tứ phía. Mặc cho mưa tên phủ kín quanh người, lão đạo sĩ vẫn điềm nhiên vững chãi, bình thản ngâm thơ.
Ở những nơi phụ cận ba cổng thành Đông, Nam, Bắc xuất hiện những đoàn người bắt đầu ngâm xướng theo lão đạo sĩ, trong những người ấy có nam có nữ, giọng trầm giọng bổng đan xen, họ là người của đội nhạc cung đình. Tiếng ngâm xướng vang vang.
Sông núi nước Nam vua Nam ở.
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Âm thanh trầm hùng của lão đạo sĩ được tiếng ngâm của đội nhạc cung đình đệm theo càng vang xa hơn nữa.
Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà phiên âm tiếng Hán thì toàn dân Đại Việt thời ấy đều biết đều hiểu, nhưng lời thơ được dịch sang tiếng Việt của nhà sử học danh tiếng Trần Trọng Kim mà lão đạo sĩ đang ngâm thì từ quan binh đến dân thường đều mới được nghe thấy lần đầu. Họ nghe từng lời từng chữ đều có cảm giác thân quen, gần gũi lạ thường.
Dần dần, có nhiều nhóm người tụ tập trên các nẻo đường lớn nhỏ trong kinh thành Thăng Long ngâm theo lời của lão đạo sĩ, đa số là những người của hội Diên Hồng và người của Xã Hội Đen.
Tự lúc nào, một ông già đầu tóc bạc phơ chống gậy, lọm khọm đứng ở gần cổng thành Nam, mắt nhìn lão đạo sĩ đứng trên cao, được một người phụ nữ trung niên đỡ bên cạnh, đôi mắt mờ đục của ông già ngân ngấn lệ, cất cao giọng ngâm xướng theo: “Sông núi nước Nam vua Nam ở.”
Những người dân sống trong các ngôi nhà ở nơi ấy bắt đầu đi ra đường, đứng xung quanh ông già kia đồng thanh ngâm theo: “Sông núi nước Nam vua Nam ở.”
Và theo thời gian trôi qua, người dân ở kinh thành Thăng Long lũ lượt bước ra đường, từ thanh niên trai tráng tới người già, phụ nữ, trẻ nhỏ, từ người yếu ớt bệnh tật, tới những phú ông nhút nhát đang run rẩy chui rúc dưới gầm giường cũng lần mò theo chân nhau bước ra đường, tiến về các cổng thành, đi về hướng đám đông đang ngâm xướng, rồi như tảng tuyết lăn trên núi tuyết, đám đông lớn dần trở thành một đám đông dày đặc. Trên khắp các con đường, toàn bộ người dân kinh thành đã tụ tập ở các cổng thành Thăng Long.
Quân lính triều đình mặc dù rơi vào thế hạ phong bị quân nhà Trần bao vây lớp lớp, đánh cho thoái lui liên tục nhưng giờ đây ý chí chiến đấu lại trở nên quật cường hơn bao giờ hết, họ quăng người lăn xả vào đám quân nhà Trần mà chống trả kịch liệt.
Ở trong đám đông dân thường, có những nhóm người lẻ tẻ hô hào, kêu gọi: “Hỡi bà con cô bác, tại sao bà con cô bác có thể khoanh tay nhìn bọn giặc cỏ này hoành hành. Cuộc sống yên ấm hàng ngày của bà con là nhờ ơn vua gìn giữ, cơm gạo hàng ngày bà con ăn là do vua ban phát, giờ đây vua gặp nạn mà sao bà con có thể làm ngơ như thế?”
Tư tưởng trung quân ái quốc đã thấm sâu vào máu của người dân Đại Việt hàng trăm năm không dễ gì xóa nhòa, trung với vua là yêu nước, muốn yêu nước thì phải trung với vua. Vua chính là thiên tử, là đại diện của trời để vỗ về lo toan cho cuộc sống bình yên của nhân dân. Mọi thứ mà người dân hưởng dụng đều là do vua ban mà có được. Từ đời trước qua đời sau, từ đời này sang đời khác, con cháu đều được răn dạy khuyên bảo như thế. Chính vì vậy, qua các đời vua, có người thế này, có người thế khác nhưng người dân Đại Việt vẫn sùng bái, trung thành với Hoàng đế của họ.
“Không nói nhiều lời nữa, lên đánh chết chúng nó đi, đuổi cổ chúng nó ra khỏi kinh thành. Ai có gan thì theo tôi.” Một tên có bộ dáng bặm trợn, mặc áo rách vai, người bẩn bẩn đen đen vừa gào vừa cầm cây gậy trúc xông tới phía trước.
Ở phía sau hắn, có vài chục tên khác cầm dao, búa, rựa, cuốc, xẻng chạy theo, vừa la hét vừa vung vũ khí nông cụ lên cao: “Tôi theo, tôi theo, đánh chết con bà tụi nó.”
Dường như những người dân bị cuốn theo xu thế một cách vô thức, cũng liều mạng đi theo đám người kia, ném đá vào đám quân nhà Trần hét lên: “Lũ giặc cỏ chúng mày cút đi, cút khỏi nhà của bọn tao.”
Lúc quân lính nhà Trần bị tấn công, ra tay chống trả, giết chết dân thường cũng là lúc kích thích hung tính ẩn chứa trong lòng những người dân chân chất ấy. Họ trở nên điên cuồng, liều mạng, người chạy đi kiếm TPw8S dao, kiếm búa, người vác gậy, kẻ đứng xa ném đá, có kẻ còn dỡ hết cả cột nhà ở những ngôi nhà xung quanh làm vũ khí tấn công quân nhà Trần.
Quân lính nhà Trần tuy có võ công cao cường, mặc áo giáp sắt bảo vệ toàn thân, họ có thể giết chết năm người, mười người nhưng họ không thể giết được trăm người, ngàn người. Người dân sống ở kinh thành Thăng Long ít nhất cũng phải có đến chục vạn người. Trải qua một khoảng thời gian dài huyết chiến với quân lính triều đình thì quân nhà Trần cũng thương vong thảm trọng, bây giờ bị số lượng dân chúng đông đảo như vậy bao vây thì bằng đao kiếm trong tay có thể chống lại được sao?
Khi nghe từng câu từng chữ trong bài thơ Sông Núi Nước Nam cứ văng vẳng bên tai, tâm trạng quân lính nhà Trần cũng thay đổi. Họ tự hỏi mình đang làm gì? Họ đang cầm đao cầm kiếm chém về phía đồng bào của mình, dân tộc của mình, họ làm như vậy là đúng hay sai? Đây là chuyện gì? Chuyện gì đang xảy ra? Tại sao họ lại có thể làm như vậy? Họ thấy những đối thủ yếu đuối hèn nhát trước kia trở nên điên cuồng hơn bao giờ hết, ở trong mắt họ, những người đó bây giờ là chính nghĩa, còn họ chỉ là phản tặc, là giặc cỏ, không hơn không kém. Lòng họ dao động, tâm họ nao núng, đôi tay họ cũng yếu ớt hơn.
Dân chúng sôi trào, mọi người nhảy xổ vào quân lính nhà Trần. Họ cầm cuốc bổ lên đầu quân nhà Trần, họ vác dao phay chém loạn vào người quân địch, một người dân bị giết, hai người dân bị giết, họ không màng tới, người trước chết, người phía sau nhào lên, tiếng la hét sợ hãi hầu như không còn, chỉ có những tiếng hô hào, chửi bới, chém giết vang lên khắp chốn.
* * * * * * * * * *
Xe chủ tướng nhà Trần.
“Cái gì? Dân chúng trong kinh thành bỗng nhiên nổi loạn chống lại quân ta? Chúng điên hết rồi sao?” Trần Thừa nghe tên lính truyền tin báo lại, đứng bật dậy, quát hỏi.
“Đúng vậy, thưa tộc trưởng, toàn dân trong thành Thăng Long điên hết rồi, tự nhiên bọn chúng nghe đám quân triều đình đọc bài thơ Nam Quốc Sơn Hà là trở thành cả một lũ điên như thế. Quân ta đang phải thụ động chống trả.” Tên lính truyền tin gấp gáp nói.
Trần Thừa hấp tấp hỏi Trần Thủ Độ: “Chú Độ, bây giờ phải làm sao, làm sao đây?”
Bàn tay Trần Thủ Độ siết chặt, cánh tay run rẩy, hắn nhìn chằm chặp vào cổng thành vỡ toang hồi lâu, thở dài nói: “Rút thôi.”
“Hả? Chú nói gì?” Trần Thừa bật thốt.
“Rút thôi, quân triều đình đã chiếm được lòng dân kinh thành, có lòng dân là có tất cả, quân ta không thể thắng được nữa. Biển xanh còn đó sợ gì không có cá ăn. Chúng ta quay về Hải Ấp, củng cố lực lượng, chờ ngày đông sơn tái khởi.” Trần Thủ Độ nghiến chặt răng.
Trần Thừa gật đầu “Vậy được, truyền lệnh của ta, nổi trống thu...”
Rập... rập... rập....
U... u... u...
Hí... hí... hí...
Bất chợt, ở phương Nam, phía hậu quân nhà Trần, khói bụi bốc cao, vang lên những tiếng bước chân dồn dập, tiếng ngựa hí, tiếng voi rống inh ỏi.
Từ trong đám khói bụi ấy xuất hiện hàng trăm lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân” tung bay phất phới.
Đa số những tên lính trong đám quân kia đều là đám tàn quân trong trận chiến Đồng Than.
Những tướng ở tốp đầu là những người anh em của Lý Việt, gương mặt họ đều nghiêm nghị, bộ dạng lạnh lùng.
Có một nhánh viện binh lạ lẫm khoảng 2000 người, dắt theo 10 con voi chiến, trên lá cờ của họ thêu dòng chữ “Cần Vương”. Tướng dẫn đầu họ chính là vị tướng lĩnh tài ba Địch thắng đại tướng quân Lý Bất Hối, người trấn giữ ải Nghệ An, người từng đánh cho quân Chiêm Thành thất điên bát đảo.
Nguyễn Hồng Bàng dẫn đầu toàn quân, phi ngựa như bay, giương thanh song đầu thương về phía trước, thét vang: “Phá cường địch, báo Hoàng ân.”
Toàn bộ đoàn quân viện binh đến từ phương Nam đồng thanh gầm rống: “Phá cường địch, báo Hoàng ân.”
* * * * * * * * * *
Cổng Bắc thành Thăng Long.
Trần An Bang kinh hãi nhìn đoàn viện binh đang cuồn cuộn kéo tới sát sau lưng.
Dẫn đầu trung quân chính là Ô Kim hầu Lý Bát, dẫn đầu cánh quân bên phải là Hào trưởng Hà Cao, còn dẫn đầu cánh quân bên trái là tộc trưởng gia tộc họ Tô, Tô Trung Sang, đang sóng vai cùng với một vị tráng sĩ hùng dũng có vóc dáng của người dân tộc miền núi phía Bắc.
Trên đầu tường thành, Giàng Busor cười vang: “Ha ha, Nùng A Núp, cái chân của ngươi chậm, cái tay của ngươi yếu. Ngươi đến quá trễ, ta giết gần hết quân giặc rồi. Nhanh nhanh tới đây, cùng ta giết sạch bọn người xấu này.”
Vị tráng sĩ kia cười dài: “Ha ha, Giàng Busor, ngươi cũng có ngày này sao? Phải mở miệng cầu xin ta giúp đỡ sao?”
“Nùng A Núp, cái bụng của ngươi không tốt, cái bụng của ngươi chỉ nhớ thù xưa.” Giàng Busor vỗ bụng phành phành cười đáp.
Nùng A Núp lớn tiếng hô: “Ngươi nói bậy, cái bụng của ta luôn tốt, cái bụng của người dân miền Bắc chúng ta luôn tốt. Hỡi bà con, ngày giúp vua đánh giặc đã tới, xông lên.”
“Xông tới.”
“Giết.”
“Đánh, đánh, đánh.”
Tiếng hô loạn xạ trong cánh quân bên trái ồn ào rống to.
Lý Bát phất tay, truyền lệnh: “Thổi tù và xung trận.”
Ù... ù... ù...
Đàn voi chiến trong cánh quân của Lý Bát vươn vòi lên cao, dợm bước liên hồi.
Lý Bát gầm lớn: “Phá cường địch, báo Hoàng ân.”
Ghi chú:
- Trần Trọng Kim, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vợ ông Bùi Thị Tuất là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ. Ông có một người con gái duy nhất là Trần Thị Diệu Chương, lấy chồng làm Chưởng lý Bộ Quốc ấn tại Sénégal. Cha ông là Trần Bá Huân (1838-1894), đã từng tham gia từ rất sớm phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo.
- “Phá cường địch, báo Hoàng ân” nghĩa là “Phá giặc mạnh, đền ơn Vua”. Đây là sáu chữ vàng chứa đầy khí phách được thêu trên lá cờ của Trần Quốc Toản trong cuộc kháng chiến lẫy lừng chống quân Nguyên - Mông của nhà Trần.
Láo nháo ăn một pháo :lenlut