Vù.
Vị nho sĩ thình lình vung quyền hướng Lý Hạo mà đấm tới với tốc độ cực nhanh, trang phục vị nho sĩ phồng lên cuốn theo đường tiến thần tốc, tạo thành vệt dài như dải sao xa ánh lên màu xanh biếc trong màn đêm đen.
Vút.
Lý Hùng lao người tới trước mặt Lý Hạo. Hai tay Lý Hùng khuỳnh ra, ưỡn ngực che chắn hoàn toàn Lý Hạo.
Bịch.
Cú đấm của vị nho sĩ trúng ngực Lý Hùng, khiến Lý Hùng lui lại nửa bước, còn vị nho sĩ lộn nhào người giữa không trung ba vòng mới tiếp đất.
Chân vị nho sĩ vừa chạm đất liền thấy một cái bóng nhoáng lên sà xuống người vị nho sĩ.
Chát. Chát. Chát.
Vị nho sĩ múa tay thành những vòng tròn đỡ toàn bộ đòn tấn công của cái bóng. Hai bên vờn nhau liên tục hàng chục chiêu bất phân thắng bại, cái bóng uốn cong người như quỷ mị tấn công lên toàn bộ điểm chết người của vị nho sĩ nhưng không lần nào đánh trúng người vị nho sĩ.
“Được rồi, Lê Việt Công lui về thôi.” Âm thanh của Lý Hạo đột ngột cất lên, cắt ngang âm thanh đối chiến tay đôi của hai bên.
Vù.
Lê Việt Công đang ra đòn tấn công liên hoàn vị nho sĩ, vừa nghe tiếng Lý Hạo ra lệnh đã ngay lập tức phóng người đứng phía sau Lý Hạo tự bao giờ.
Cuộc chiến đến nhanh mà đi cũng nhanh. Lý Hùng từ từ đứng sang một bên. Vị nho sĩ thu thế, chắp hai tay sau lưng, ung dung đối mặt với Lý Hạo như chưa có chuyện gì xảy ra.
Lý Hạo ngắm nhìn vị nho sĩ với vẻ thích thú, dò hỏi: “Tiên sinh là ai?”
Vị nho sĩ không trả lời câu hỏi của Lý Hạo mà cất lời khen ngợi: “Từ những công tích của Hoàng thượng mấy ngày qua, có thể thấy được trong tương lai ngài là đấng minh quân. Tuy rằng... học trò của thảo dân chính là kỳ tài khó gặp, nhưng xem ra... nó bại dưới tay Hoàng thượng không phải chuyện ngẫu nhiên. Có thể đánh bại được nó, đã chứng tỏ Hoàng thượng xứng đáng với nhiệm vụ dẫn dắt tộc Việt đi tới đỉnh vinh quang.”
Lý Hạo cười hỏi: “Trong những ngày vừa qua, trên chiến trường, trẫm giết không ít người. Chẳng hay ai là học trò của tiên sinh?”
Vị nho sĩ nhìn sang hai người Lý Hùng và Lê Việt Công, ung dung tiếp lời: “Hai vệ quân của Hoàng thượng cũng không tầm thường, một người thuần cương, cứng rắn như sắt đá, một người thuần nhu, mềm mại như nước hồ thu. Dựa vào thiển kiến của thảo dân thì không ai có thể chiến thắng được hai người bọn họ tấn công cùng lúc. Hiếm thay, hiếm thay.”
Lý Hạo nghiêng đầu, mỉm cười: “Chẳng lẽ tiên sinh đi theo quân đoàn triều đình suốt bao ngày chỉ để khen ngợi trẫm và hai người cận vệ của trẫm thôi sao?”
Vị nho sĩ nghiêm mặt, chắp tay, cung kính nói: “Chúc mừng Hoàng thượng đã dẹp yên nội loạn, bảo vệ thành công ngôi vị đế vương của hoàng tộc họ Lý. Về chuyện thảo dân là ai? Điều đó không quan trọng. Thảo dân chỉ có thể nói cho Hoàng thượng biết một điều, người học trò của thảo dân đã chết dưới tay Hoàng thượng chính là Trần Thủ Độ?”
Gương mặt Lý Hạo thoáng chút ngạc nhiên: “Tiên sinh là sư phụ Trần Thủ Độ?”
Vị nho sĩ khẽ gật đầu.
Lý Hạo chăm chú quan sát thật kỹ vị nho sĩ. Trước kia, Lý Hạo những tưởng sư phụ Trần Thủ Độ phải là vị cao nhân đắc đạo, phong thái như thần tiên, có thể cưỡi hạc giữa mây ngàn. Bây giờ được tận mắt chứng kiến, xem chừng sư phụ Trần Thủ Độ cũng là người bình thường mà thôi. À, mà so ra trông vẫn thuận mắt hơn lão sư phụ lôi thôi lếch thếch của hắn.
Lý Hạo chậm rãi nói: “Trẫm quả thực có nhân duyên sâu dày mới được hân hạnh gặp mặt bậc kỳ nhân như tiên sinh. Trần Thủ Độ từng nói tiên sinh là người tinh thông thuật chiêm tinh, bói toán, có thể tiên đoán được tương lai. Chẳng hay lần này, tiên sinh đến tìm gặp trẫm là vì chuyện gì? Chẳng lẽ tiên sinh muốn trả thù cho học trò của mình ư?”
Vị nho sĩ trầm lặng đáp: “Người chết thì cũng đã chết rồi. Trả thù há có ích chi? Thảo dân đi theo Hoàng thượng bấy lâu cũng chỉ vì muốn quan sát vị vua của trăm họ tộc Việt là người ra sao. Muốn xem đất nước Đại Việt rồi sẽ chuyển mình theo chiều hướng nào mà thôi.”
Lý Hạo hỏi tiếp: “Như vậy... tiên sinh đã có đáp án hay chưa?”
Vị nho sĩ không đáp mà hỏi ngược lại: “Thủ Độ có nói với Hoàng thượng về lời sấm truyền hạo kiếp của nước Việt sau này hay không?”
Lý Hạo gật đầu: “Không giấu gì tiên sinh, trẫm cũng hiểu được đôi chút về thuật chiêm tinh. Chuyện ấy trẫm đã biết. Mối đại họa ấy, trẫm có thể gánh vác thay Trần Thủ Độ.”
Vị nho sĩ lộ vẻ táng thưởng: “Hoàng thượng cũng hiểu chiêm tinh? Nếu thế... quả là thảo dân có chút đánh giá sai lầm về năng lực của Hoàng thượng rồi. Hoàng thượng nghĩ gì về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ?”
Lý Hạo lắc đầu cảm thán: “Trẫm không giỏi tu thân hay tề gia, trị quốc gì gì đó. Trẫm chỉ có một lý tưởng, lý tưởng giúp con dân Đại Việt được ấm no hạnh phúc, giúp cho Đại Việt trở nên hùng cường.”
Vị nho sĩ trầm ngâm nói: “Lý tưởng của Hoàng thượng cũng là lý tưởng của tất cả Hoàng đế trên thế gian. Hoàng thượng mạn phép cho thảo dân hỏi tiếp. Hoàng thượng sẽ làm như thế nào để hoàn thành lý tưởng kia?”
Lý Hạo nghiêng người, nhìn trời cao, gương mặt tràn đầy niềm tin, đáp: “Trẫm có rất nhiều dự định trong tương lai, nhưng trẫm sẽ gói gọn chúng chỉ trong hai câu thôi.”
Vị nho sĩ tiếp lời: “Mời Hoàng thượng giảng giải.”
“Câu thứ nhất, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Lý Hạo nhấn mạnh từng từ.
Vị nho sĩ nhất thời ngẩn người, lẩm bẩm câu nói ấy.
Lý Hạo nhìn vị nho sĩ một lát, mới chậm rãi giải nghĩa: “Đại Việt ta mặc dù là nước mạnh so với các nước lân cận khác, ngoại trừ giặc phương bắc. Nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ, còn thiếu, thiếu nhiều lắm. Tại sao người Tống phát triển rực rỡ như vậy, bởi vì họ có lịch sử lâu dài hơn ta cả ngàn năm, người dân của họ được ăn được học đầy đủ, họ có tài năng, họ biết nhìn xa trông rộng, điều đó thì tất cả chúng ta đều không thể phủ nhận. Hoặc nhìn qua đế chế Chân Lạp ở phương nam, bọn chúng đang ngày càng mở rộng lãnh thổ, như hổ rình mồi, Đại Việt ta cũng không thể bỏ qua xem thường bọn chúng. Vì vậy ta phải nhìn ra cái yếu của mình, cái yếu của dân ta là sự thiếu hiểu biết, thiếu những trí sĩ có tầm nhìn bao quát, mặc dù Đại Việt ta có đấy nhưng không đủ, vẫn còn không đủ. Ta phải dạy cho dân về nghề nghiệp, về lịch sử, về các vùng đất, về thế gian thì mới mong khai dân trí được cho dân.”
Lý Hạo thấy vị nho sĩ vẫn đang trầm ngâm thì lên tiếng tiếp: “Dân ta lúc này vẫn còn chìm trong u mê chưa thực sự có được một ý chí dân tộc hào hùng đúng nghĩa. Trẫm phải khơi dậy ý chí dân tộc, phải khiến cho dân ta thấy được lẽ phải của dân ta, thấy được chính nghĩa của chúng ta, phải cho dân ta biết được truyền thống hào hùng của tộc Việt, biết được sự bất khuất của giống nòi Lạc Hồng, phải chấn hưng chí khí, khí phách của toàn thể dân tộc Đại Việt chúng ta. Khi mà dân tộc Việt đã có đủ sự tự tin, đủ khí phách, dân ta sẽ dũng cảm đứng lên, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh vì chính nghĩa dân tộc, hy sinh vì lợi ích của tổ quốc. Sức mạnh tinh thần của dân tộc là cực kỳ quan trọng, dân ta còn ít ỏi, một khi gặp kẻ thù đông hơn luôn phải lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, bởi vậy ta phải dựa vào ý chí, khí phách của dân tộc để có thể chiến thắng kẻ thù.”
Vị nho sĩ gật gù ra chiều tán thành với quan điểm của Lý Hạo, Lý Hạo khẽ mỉm cười, được đà lấn tới, tiếp tục trổ tài hùng biện: “Cổ nhân có câu “Có thực mới vực được đạo”. Đại Việt ta muốn khai dân trí, dân tộc Việt ta muốn chấn dân khí, thì không thể không có một cuộc sống ấm no, một đời sống hạnh phúc, để cho dân ta được an cư lạc nghiệp, vì đất nước Đại Việt mà dốc lòng xây dựng, vun trồng. Thực ra, những người dân thường cũng không đòi hỏi nhiều lắm, họ chỉ cần có ăn, có mặc, có cuộc sống hàng ngày đủ đầy là họ đã thỏa mãn lắm rồi. Thế nên, khi ta chăm lo cho đời sống của nhân dân Đại Việt được sung túc, gia tăng sản xuất lương thực, không những vậy mà càng phải cải tiến số lượng và chất lượng lương thực thực phẩm để dân ta vững lòng khai dân trí, chấn dân khí. Chính vì vậy, ba vấn đề khai chấn trí, chấn dân khí, hậu dân sinh có mối liên hệ tương hỗ bổ trợ cho nhau, ta đều đồng thời phải làm cả ba một lúc, phải nắm chắc trong tay, điều hòa kịp thời kịp lúc. Làm được chuyện ấy, Đại Việt sẽ vững vàng phát triển không ngừng, mở ra một kỷ nguyên tươi sáng nhất cho tộc Việt.”
Vị nho sĩ lặp đi lặp lại từng chữ của câu nói, đăm chiêu suy nghĩ rất lâu, đoạn gật gù: “Có ý QdJ1y nghĩa, có ý nghĩa lắm. Chỉ ngắn ngủi chín chữ thôi, mà Hoàng thượng đã có thể khiến cho thảo dân trông thấy viễn cảnh đồng bào nhân dân tộc Việt sống an cư lạc nghiệp, giàu có sung túc như thế nào. Hoàng thượng quả là đấng hiền quân, có thể nói Hoàng thượng sẽ vượt xa tất cả các đấng hiền minh thời trước. Vậy còn câu thứ hai?”
Ánh mắt Lý Hạo đột nhiên tóe lửa, thân hình Lý Hạo cơ hồ bộc phát hoàn toàn khí thế bá vương, khí độ của bậc vương giả, bễ nghễ uy nghi thiên hạ. Lý Hạo dõng dạc bảo: “Câu thứ hai ư? Câu thứ hai này cũng là lời sấm truyền của trẫm, lời sấm truyền mà tiên sinh không thể nào chiêm tinh hay bói toán ra được. Lời sấm truyền đó là… chinh phạt Chiêm Thành, đánh tan Chân Lạp, đạp bằng Trung Nguyên.”
Vị nho sĩ trợn tròn mắt, nhìn Lý Hạo thật kỹ như muốn nhìn thấu tâm tư vị quân vương đang đứng trước mặt nhưng lão chỉ thấy một đôi mắt hừng hực lửa nóng, tỏa ra khí thế ngập trời.
Vị nho sĩ chợt ngẩng đầu cười dài: “Ha ha ha ha ha...”
Lý Hạo không màng tới điệu cười của vị nho sĩ, cuồng nhiệt đối mắt với vị nho sĩ, cất tiếng hào hùng: “Tiên sinh có thể giúp trẫm hoàn thành lý tưởng ấy hay không?”
Vị nho sĩ không đáp, vẫn ngẩng đầu cười vang, xoay lưng, chầm chậm đi vào rừng, bóng dáng lão khuất dần sau những tán cây rậm rì xào xạc.
Đêm hôm ấy, trên bầu trời Đại Việt xuất hiện một ngôi sao chổi bừng cháy có vệt đuôi rất dài tỏa sáng khắp Đại Việt, ngôi sao ấy bay tới tận cuối chân trời, dần dần tắt lịm.
Láo nháo ăn một pháo :lenlut