Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 188: Lý Bất Nhiễm




Bấy giờ Thượng thư bộ Lại Phạm Lãi chắp tay thưa: “Bẩm Hoàng thượng, kính mong Hoàng thượng cho phép thần nói đôi lời.”
“Được, khanh nói đi.” Lý Hạo phất tay.
“Bẩm Hoàng thượng, thần trước giờ làm quan thường trú ở ngoại thành kinh đô mà lại may mắn được Hoàng thượng cất nhắc lên đến bậc này, chưởng quản cả bộ Lại to lớn của triều đình, thực tâm muôn vàn khó nghĩ. Khi thần nghe Hoàng thượng truyền ý chỉ cần cải cách đất nước, thần vô cùng hân hoan, vả lại lúc nãy thần có nghe Thái phó Trần Trung Văn nhắc đến nạn tham quan ô lại đang hoành hành, thần nghĩ đến một lỗ hổng lớn mà tiền triều còn di căn để lại, vấn đề này có đụng chạm đến bậc tiên đế, nếu như Hoàng thượng cho phép thì thần mới dám nói.” Phạm Lãi khoan thai lên tiếng.
“Phạm Lãi ái khánh có cao kiến gì, cứ tự nhiên giãi bày để trẫm cùng chư quan được tỏ tường?” Lý Hạo hỏi.
Thượng thư bộ Lại Phạm Lãi hồi đáp: “Bẩm Hoàng thượng, bởi vì tiền triều mải mê tu sửa cung điện, liên tiếp xây dựng đền đài, lầu các mà dẫn đến ngân khố triều đình trống rỗng. Để bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó mà tiên Hoàng từng ban hành một chính sách sai lầm đó là cho phép mua quan bán tước, cũng vì chính sách này đã khiến cho đất nước rối loạn, kỷ cương pháp tắc đảo lộn, kẻ ngu dốt chỉ cần có nhiều tiền là có thể làm quan, kẻ bất tài chỉ cần giàu sang là có thể mua tước để đè đầu cưỡi cổ muôn dân. Thần thiết nghĩ luật mua quan bán tước này cần phải xóa bỏ, triều đình cần lập tức mở khoa thi để chọn người hiền tài vào triều đình làm việc, phụng sự quốc gia.”
Lý Hạo gật đầu: “Những dạng luật lệ sai lầm như thế, đáng lẽ không nên tồn tại, trẫm chuẩn tấu bỏ luật ấy ra khỏi quốc pháp của nước ta. Ái khanh Phạm Lãi đã làm rất tốt, trẫm rất cần những người ái khanh Phạm Lãi, dám nói ra cái sai của triều đình. Các ái khanh còn thấy những luật lệ nào không hợp thời nữa thì cứ việc nêu ra, không cần phải lo sợ điều gì cả.”
Thượng thư bộ Hình Tô Trung Sang thấy Phạm Lãi tấu điều sai của triều trước mà không bị trách phạt, lại còn được vua khen ngợi, mạnh dạn lên tiếng: “Bẩm Hoàng thượng, thần có điều cần tâu.”
Lý Hạo mỉm cười: “Chuẩn tấu.”
Tô Trung Sang ngập ngừng một lát, chầm chậm nói: “Bẩm Hoàng thượng, nhờ Hoàng ân ban xuống, thần cũng được Hoàng thượng cất nhắc lên làm Thượng thư bộ Hình, không phụ lòng Hoàng thượng, thần đã miệt mài ngày đêm ngâm cứu luật Hình, qua đó có một vài điều luật cần sửa đổi. Trong số đó có một điều luật điển hình mà tiền triều ban hành là luật bán tội ngục, luật này thực là sai lầm lắm thay. Luật bán tội ngục ghi nếu có ai phạm luật thì có thể dùng tiền chuộc tội, tội nhỏ thì dùng số tiền nhỏ, tội lớn thì dùng số tiền lớn, hai người tranh giành nhau đồ vật thì chỉ cần người nào chi ra nhiều tiền hơn cho pháp quan là đồ vật thuộc về người đó, cứ như thế thì kẻ cường hào, phường ác bá đâu còn sợ quốc pháp, đâu còn xem quốc pháp ra gì nữa. Thần kiến nghị nên bãi bỏ luật này, không cho phép dùng tiền để chuộc tội, dùng tiền để thắng kiện nữa.”
Lý Hạo nghiêm nghị nói: “Triều đình được dựng nên là để phục vụ quốc dân, là chỗ dựa của bách tính, mà lại vẫn tồn tại những luật lệ nghiêng về kẻ giàu, bức hiếp dân nghèo như vậy thật khiến trẫm đau lòng lắm. Ái khanh Trung Sang hãy cùng với các quan viên trong bộ Hình họp lại với nhau, bàn bạc, tìm ra những sai sót trong luật Hình, sau đó trình lên cho trẫm xét duyệt.”
“Thần tuân chỉ.” Tô Trung Sang cúi đầu lên tiếng.
Rồi liên tiếp có những vị quan đầu triều thay phiên nhau đứng lên tấu trình, nêu ra một số vấn đề băn khoăn, những sai lầm của triều trước, những cải cách sơ bộ mà bản thân mình tâm đắc nhất, đến khi buổi hội triều kéo dài đến gần trưa thì một vị quan võ trẻ tuổi đứng ở gần cuối hàng, cất giọng ồm ồm, xin tâu: “Bẩm Hoàng thượng, lúc đầu thần có nghe kế hoạch đối với ngoại bang của Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong, thần có vài điểm không đồng tình, thần xin phép Hoàng thượng cho thần có đôi lời thắc mắc cùng Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong.”
Chúng nhân trong điện Thiên An đổ dồn ánh mắt nhìn về phía vị quan trẻ tuổi có lá gan không nhỏ kia, giữa điện chầu mà dám cất tiếng chất vấn cả lão Nguyên súy đương triều. Chỉ thấy đó là vị tướng trẻ tuổi, miệng rộng, mày cao, dáng vẻ cục mịch, to bè nhưng lại có đôi mắt tinh anh, điệu bộ hiên ngang, thể hiện chí khí quật cường.
Bởi vì đây là lần đầu tiên Lý Hạo gặp vị tướng trẻ tuổi này, ngạc nhiên hỏi: “Kia là...”
Lúc này, Phụ quốc thượng tướng quân Lý Bất Hối đứng ở hàng jWiy6 thứ hai mới hấp tấp nói: “Bẩm Hoàng thượng, nó là con trai của thần, vì đây là buổi chầu đầu tiên của nó nên có phần không hiểu phép tắc triều đình. Vì không biết dạy dỗ con, thần xin được thay khuyển tử chịu phạt.”
Vì có công hộ tống hộ giá trong quá khứ, giúp vua đánh tan quân đoàn của Trần Thủ Độ mà Lý Bất Hối được thăng từ chức Địch thắng đại tướng quân lên làm Phụ quốc thượng tướng quân kiêm chức chủ tướng quân đoàn số Ba trấn giữ ải Nghệ An.
Lý Hạo nghe Lý Bất Hối nói vậy, chợt nhớ đến một người, mỉm cười phẩy tay: “Ái khanh Bất Hối yên tâm. Trẫm không trách phạt ai cả.”
Đoạn, Lý Hạo hướng về phía vị tướng trẻ tuổi, cười hỏi: “Võ tướng khanh gia tên là gì? Hiện đang giữ chức gì?”
Vị tướng trẻ nghiêm mặt tâu: “Bẩm Hoàng thượng, thần tên là Lý Bất Nhiễm. Hiện đang giữ chức Kiêu vệ tướng quân.”
Nghe tới đó thì Lý Hạo đã khẳng định chính xác vị tướng trẻ tuổi đó chính là Lý Bất Nhiễm, vị tướng tài giỏi vào cuối triều Lý được lưu danh sử sách. Theo chính sử, hơn chục năm sau, triều Lý rơi vào thoái trào, đất nước Đại Việt suy yếu, lợi dụng cơ hội đó, quân Chiêm Thành và Chân Lạp liên minh với nhau, nhiều lần mang quân đánh vào Nghệ An hòng cướp đất của Đại Việt. Nhờ vào tài dụng binh thần kỳ của Lý Bất Nhiễm, chuyên lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, đã tổ chức quân đội Đại Việt dựng nên bức tường đồng vách sắt tại ải Nghệ An, đánh tan hoàn toàn đoàn quân xâm lược của Chiêm Thành và Chân Lạp.
Lý Hạo cười cười nói: “Ra là ái khanh Bất Nhiễm. Tại sao ái khanh Bất Nhiễm còn trẻ như vậy đã được phong tới chức Kiêu vệ tướng quân rồi? Phải chăng có điều gì khuất tất trong đó?”
Lý Bất Nhiễm khẳng khái đáp: “Bẩm Hoàng thượng, hoàn toàn không có điều khuất tất, thần được giữ chức Kiêu vệ tướng quân đều là nhờ vào nắm đấm và thanh gươm trong tay của thần. Cho đến bây giờ, quân giặc chết dưới tay thần đã gần trăm tên, tướng giặc chết dưới tay thần có hơn chục kẻ. Nhờ vào những công huân đó mà Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong đã đích thân thăng chức cho thần.”
Lý Hạo cất tiếng cười vang: “Ha ha ha, quả là hổ phụ không sinh khuyển tử. Giỏi lắm, giỏi lắm! Đại Việt ta không bao giờ thiếu thốn hiền tài, lớp người đi sau nối gót lớp người đi trước. Thời này mà không hưng thịnh thì đến thời nào mới có thể hưng thịnh? Nếu như trẫm không thể đưa đất nước Đại Việt đi lên thì trẫm quả thực hổ thẹn với lòng.”
Lý Hạo phất tay: “Ái khanh Bất Nhiễm có thể hỏi ái khanh Hồng Phong được rồi đó.”
Lý Bất Nhiễm chắp tay: “Đội ơn Hoàng thượng. Kính bẩm Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong, ban đầu ngài có nói nước ta không cần phải lo lắng chuyện ngoại bang. Hạ quan không đồng tình với ngài. Hạ quan sinh ra và lớn lên trên đất Nghệ An, gần kề Chiêm Thành, sát bên Chân Lạp nên thường xuyên chạm trán, xô xát với quân đội của họ. Trước kia, quân Chiêm Thành có phần mạnh hơn quân Chân Lạp vài bậc. Nhưng tình thế bây giờ đã xoay chiều, có một vấn đề cực kỳ bức thiết trong thời điểm hiện tại mà thần cần bẩm báo là, thần có được tin tức là Đế chế Chân Lạp đã khống chế được Chiêm Thành, triều đình Chiêm Thành bây giờ chỉ là cái vỏ rỗng chịu sự chi phối của Đế chế Chân Lạp dựng nên mà thôi. Chân Lạp đang trong quá trình thẩm thấu vào tận mọi ngóc ngách của Chân Lạp, nếu như để cho Chân Lạp hoàn thành quá trình này thì thần e rằng bọn chúng sẽ bành trướng dã tâm mà chuyển mục tiêu sang Đại Việt của chúng ta. Tuy rằng đối với bộ binh của Chiêm Thành và Chân Lạp thì quân Đại Việt ta không hề e sợ, nhưng nếu như để cho hai nước kết hợp với nhau đánh sang ta thì sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt là quân Chiêm Thành rất mạnh về phương diện hải quân, hải quân Chiêm Thành tung hoành ngoài biển đông như chim cắt bay liệng trên trời, như hổ sói tồn tại giữa rừng sâu. Dọc các vùng ven biển nước ta bị quân Chiêm Thành đóng giả hải tặc, thường xuyên quấy nhiễu, chúng mang quân đánh cướp đốt phá liên tục không ngừng nghỉ, khiến cho ngư dân ven biển rơi vào hoàn cảnh vô cùng cơ cực. Vì vậy, hạ quan kiến nghị nâng cao chú trọng quốc phòng mới có thể giúp cho nhân dân Đại Việt ta an cư lạc nghiệp.”
Lý Bất Nhiễm quả không hổ danh là một trong những mãnh tướng hàng đầu của triều đình nhà Lý trong tương lai. Lý Bất Nhiễm có thể dự đoán được liên minh Chân – Chiêm có thể tấn công Đại Việt bất cứ lúc nào, cho nên mới có sự đề phòng trước mà đánh bật được những cuộc tấn công vũ bão của liên minh này. Sự xuất hiện của liên minh quân sự Chân Lạp – Chiêm Thành cùng chống lại Đại Việt được trải dài theo dòng lịch sử, trước đây liên minh này đã có từ năm 1132 từng tấn công Đại Việt, đến những năm 1216, 1218 lại liên tục triển khai những cuộc xâm lược liên tiếp, chủ đạo trong cuộc liên minh luôn là đế chế Chân Lạp. Chưa kể, người Chân Lạp cũng có các chiến dịch quân sự riêng rẽ tấn công vào cương thổ triều Lý vào những năm 1128, 1137, 1150.
Lịch sử Đại Việt cũng có ghi nhận trong sử sách những vấn đề không chỉ trên mặt trận quân sự, giai đoạn này còn ghi nhận những thay đổi thú vị cả trên mặt trận ngoại giao, chẳng hạn những động thái vỗ về thân thiết của vua Lý đối với sứ thần Chân – Chiêm, những vụ xin tị nạn liên tiếp ở Đại Việt, không thiếu cả những âm mưu tình báo được hai quốc gia phía nam triển khai. Sau tất cả, Đại Việt vẫn đứng vững, ngay cả trong những chiến dịch bắc phạt sau đó của người Chân Lạp vào các năm 1150, 1216 và 1218.
Chú thích:
Lý Bất Nhiễm: Dựa theo sách của Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Hậu Lê (2000), Đại Việt sử kí toàn thư (bản dịch). Vào cuối triều Lý, Chiêm Thành thường xuyên tổ chức các hoạt động quân sự tấn công Đại Việt, nhất là đối với địa phận Nghệ An. Theo Toàn thư: “Năm 1177, mùa xuân, tháng 3, Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An”. Tiếp đến, “năm 1216, Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh phá được”. Sau đó hai năm, đến năm 1218 “Chiêm Thành và Chân Lạp, Lý Bất Nhiễm đánh tan được, thăng tước hầu, ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1.500 hộ”.
Láo nháo ăn một pháo :lenlut

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.