Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong chắp tay, ngước nhìn vua, đợi cho vua gật đầu ra hiệu, Nguyễn Hồng Phong liền hướng về phía Lý Bất Nhiễm mỉm cười mà rằng: “Lúc đầu có lẽ tướng quân Lý Bất Nhiễm có đôi chút hiểu lầm, ta chỉ nói rằng triều đình không cần quá e sợ các nước xung quanh mà sống trong nơm nớp lo âu. Nước Đại Việt ta hiện giờ đã là một chỉnh thể thống nhất, vua tôi đồng lòng thì há còn sợ bất cứ 2m3RZ kẻ thù nào? Tuy nhiên, những lời tâm huyết của tướng quân Lý Bất Nhiễm cũng không sai, những cảnh báo ấy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, cho nên chúng ta phải luôn luôn đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra. Về tình hình ngoại bang thì ta xin nhờ Quốc sư Lý Việt trình bày. Mời Quốc sư Lý Việt điểm qua tình hình ngoại bang để chư quan triều đình được rõ.”
Lý Việt trong bộ triều phục rộng thùng thình, đội mũ cánh chuồn vẫn không làm mờ đi dáng vẻ tiên phong đạo cốt thường ngày. Lý Việt được Lý Hạo đặc cách cho phép mặc bộ trang phục đạo sĩ ưa thích ở trong cung, nhưng đã vào buổi chầu trong điện Thiên An, mang tính lễ nghi long trọng thì Lý Hạo bắt buộc Lý Việt phải khoác vào áo mão theo đúng triều quy. Chắp tay nhìn lướt qua văn võ bá quan, Lý Việt điềm đạm lên tiếng: “Muôn tâu Hoàng thượng, kính bẩm các vị quan viên, để mọi người được hiểu rõ hơn, vi thần xin mời mọi người quan sát bản đồ.”
Nói xong, Lý Việt yêu cầu viên thái giám mang khung gỗ có treo tấm bản đồ hình chữ nhật cực lớn vẽ đường biên giới của vài chục nước xung quanh Đại Việt. Trên tấm bản đồ còn ghi chú và ký hiệu rõ tên của các nước, các đơn vị hành chính của những nước đó, thậm chí còn ghi chú cả rất nhiều đảo, quần đảo ngoài biển Đông xa xôi. Quần thần dưới điện chầu đều có thể nhìn rõ tên các vùng trên tấm bản đồ, mọi người đều trầm trồ thán phục trước tài năng của người vẽ ra tấm bản đồ ấy, đối với họ tấm bản đồ ấy chính là một kho báu quý hiếm, có một không hai trên cõi đời.
Một viên quan trạc tuổi ngũ tuần cất giọng hỏi: “Xin hỏi Quốc sư Lý Việt, chẳng hay ai là người đã phác thảo bức họa đồ trân quý nhường này?”
Lý Việt cười đáp: “Đa tạ Trung thư viên ngoại lang Quách Minh Nghĩa đã có lòng quan hoài, tấm bản đồ này là chính tay tôi vẽ nên sau những tháng ngày chu du tứ hải.”
Vị quan có tên Quách Minh Nghĩa vô cùng ngạc nhiên, bởi vì Quách Minh Nghĩa chưa từng gặp mặt trò chuyện với Lý Việt lần nào mà vị Quốc sư có tiếng tăm lẫy lừng trong thời gian qua ở kinh thành lại có thể nhớ mặt và chỉ đích danh họ tên và chức vị của mình. Thoáng xao động, Quách Minh Nghĩa chắp tay vái dài: “Quả không hổ danh Quốc sư Lý Việt được dân gian ca tụng là con người thông kim bác cổ, thấu triệt mọi chuyện thiên hạ nhân sinh.”
Lý Việt gật đầu đáp lễ, đoạn cầm cây gậy thanh mảnh, tròn dài, bước đến bên cạnh tấm bản đồ chỉ vào nước Đại Việt nằm ở trung tâm bản đồ, từ từ giảng giải, mỗi lần nói đến tên nước nào là chỉ vùng bản đồ của nước đó, âm điệu trầm bổng du dương: “Đây chính là nước Đại Việt của chúng ta trải dài từ phía Bắc vùng địa đầu châu Lạng, châu Chân Đăng kéo dài đến phía Nam châu Ma Linh. Phía Bắc nước ta giáp Đại Tống, phía Tây Bắc giáp Vương quốc Đại Lý, phía Tây giáp Ai Lao, phía Tây Nam giáp Đế chế Chân Lạp, phía Nam giáp nước Chiêm Thành, phía Đông thì giáp với biển Đông. Xét trên phương diện mặt ngoài, nước Chiêm Thành và Ai Lao chịu thần phục làm chư hầu của nước ta, phải chịu hàng năm tiến cống, đối với Chân Lạp thì các đấng tiên vương luôn sử dụng kế sách viễn nhu, Chân Lạp cũng thường sai sứ sang tiến công cho ta. Nhưng chúng ta vẫn phải luôn có tâm đề phòng với các nước Chiêm Thành, Chân Lạp và Ai Lao này. Hiện nay, Đế chế Chân Lạp đã khống chế được Chiêm Thành, mà Ai Lao lại là vùng đất phụ thuộc của đế chế Chân Lạp, cho nên kẻ địch nguy hiểm nhất của chúng ta ở phương nam chính là đế chế Chân Lạp. Đại Lý đã suy yếu nhiều so với những triều đại trước nhưng vẫn luôn tồn tại lòng lang dạ sói với Đại Việt ta, thỉnh thoảng lại mang quân sang gây hấn, lúc là bạn lúc là địch. Riêng đối với nước Tống thì mối quan hệ giữa ta và họ như thế nào thì chắc là các vị đều hiểu rõ.”
Nghe tới đây, bá quan trong triều mỗi người có biểu hiện khác nhau, người tỏ vẻ hờ hững, thản nhiên, người lộ vẻ phẫn hận, hơi thở nặng nề, người cúi đầu xấu hổ, người thì ánh mắt rực lửa căm thù, nắm tay siết chặt.
Lý Việt hắng giọng, tiếp lời: “Ngoài những nước lân cận, tiếp giáp đường biên giới với Đại Việt thì các triều đại trước đã đặt mối quan hệ giao hảo, thông thương với các nước Đại Kim, Tây Hạ, Liêu, Tam Phật Tề, Xiêm La, La Hộc, Lộ Lạc, Đề Hi. Bởi vì hạn chế về vấn đề giao thông khó khăn nên việc thông thương giữa Đại Việt ta và họ còn rất nhiều khó khăn.”
Tả Tư lang trung Mạc Hoàng Anh thắc mắc: “Kính Quốc sư Lý Việt, những nước mà Quốc sư Lý Việt vừa nhắc đến có những đặc điểm gì, mối quan hệ bang giao với Đại Việt như thế nào?”
Lý Việt nhìn về phía Mạc Hoàng Anh, chỉ về nước Đại Kim trên bản đồ, rồi nói: “Mời Tả Tư lang trung Mạc Hoàng Anh quan sát, đây là Đại Kim. Quốc gia Đại Kim là một triều đại do người Nữ Chân gây dựng. Trước đây nước Liêu quản lý người Nữ Chân, có câu lưu truyền, vạn người Nữ Chân, không thể địch, nghĩa là chỉ cần người Nữ Chân mà tụ tập lại đủ một vạn người thì không ai có thể chiến thắng. Quả thế, thủ lĩnh Hoàn Nhan A Cốt Đả sau khi thống nhất các bộ lạc Nữ Chân, đã thôn tính nước Liêu, vào năm 1115 dựng nước đặt đô tại Thượng Kinh Hội Ninh phủ, đến nay dời kinh đô tới Trung Đô Đại Hưng phủ, quốc hiệu là Đại Kim.”
Lý Việt xoay một vòng lớn ở biên giới của nước Đại kim, nói tiếp: “Sở dĩ tôi giới thiệu nhiều về Đại Kim như vậy là vì Đại Kim thường xuyên uy hiếp nước Đại Tống nhưng lại rất tôn trọng Đại Việt chúng ta. Sau khi Đại Tống thần phục Đại Kim, nhận Đại Kim làm chú, xưng mình là cháu, thì hai nước hòa hoãn với nhau. Đến năm 1168, Kim Thế Tông sai sứ giả vượt qua lãnh thổ Đại Tống đến nước Đại Việt của chúng ta và đó cũng là lần duy nhất nhà Kim có quan hệ ngoại giao với Đại Việt. Đại Kim được Đại Việt tiếp đón rất nồng hậu, sứ giả Đại Kim cũng tỏ lòng mến mộ đất nước Đại Việt xinh đẹp, nguyện kết bang giao hữu hảo với Đại Việt. Cùng với sứ giả của nhà Kim, sứ giả của Đại Tống cũng đến Đại Việt lúc đó. Tiên đế Lý Anh Tông sai các quan trọng thần triều đình tiếp đón sứ giả cả hai nước chu đáo nhưng tiên đế cũng rất hài hòa trong cách tiếp đón hai nước, không cho đoàn sứ giả hai nước gặp nhau, không để sứ giả hai nước xích mích mâu thuẫn với nhau.”
Chờ Lý Việt ngừng lời, Điện học sĩ Đình Văn Thận liền lên tiếng: “Kính Quốc sư Lý Việt, nước Đại Kim đã có mối quan hệ bang giao tốt đẹp với chúng ta như thế, hay là chúng ta dựa vào mối quan hệ đó để mà tiếp xúc nhiều hơn nữa với Đại Kim, để tăng thêm phần thân mật giữa hai nước. Cổ nhân có câu kẻ thù của kẻ thù là bạn, Đại Tống luôn như hổ đói rình mồi đối với Đại Việt, thì chúng ta cũng nên áp dụng sách lược viễn giao cận công, kết liên minh với Đại Kim để phòng ngừa Đại Tống.”
Lý Việt gật đầu: “Ý của Điện học sĩ Đình Văn Hầu rất hay, tôi sẽ ghi nhận lại chủ ý này. Tiếp theo, tôi xin giới thiệu tiếp về mối bang giao với các nước khác. Do nhu cầu về việc buôn bán, giao lưu kinh tế văn hóa ngày càng tăng, nên Đại Việt không chỉ có mối quan hệ thương mại với các nước láng giềng, mà còn có mối quan hệ thương mại với các nước ở xa hơn như Xiêm La, La Hộc, Lộ Lạc, Tam Phật Tề, Đề Hi, Tây Hạ, Liêu. Các quan hệ kinh tế đã thúc đẩy hoạt động ngoại giao chính thức. Những nước này có cử sứ giả qua nước ta để thăm viếng, nước ta cũng đã cử sứ đoàn đi các nước đáp lễ lại, từ đó đã thiết đặt nền móng cơ sở buôn bán, giao lưu với các nước bạn. Tôi sẽ kể vắn tắt về tình hình các nước ấy như sau...”
Sau khi Lý Việt giới thiệu rõ ràng cặn kẽ tình hình các nước ngoại bang thì Lý Việt dừng lời một lát, hướng ánh mắt về phía Lý Bất Nhiễm, trầm giọng nói: “Phần trên, tôi điểm sơ qua những nước có mối quan hệ với nước Đại Việt. Quay lại vấn đề mà Kiêu vệ tướng quân Lý Bất Nhiễm đặt ra rằng nước ta có cần phải chú trọng quốc phòng, luôn luôn chú tâm đề phòng các nước lân bang hay không? Thì xin thưa rằng là có, tôi xin khẳng định lại một lần nữa là triều đình Đại Việt sẽ luôn luôn đề phòng trước mọi sự phá hoại, công kích, xâm lược của bất kỳ một quốc gia nào dù là nhỏ yếu nhất. Từ trước đến nay nước ta vẫn luôn bị ngoại bang quấy nhiễu từ các nước nhỏ yếu như Ai Lao, Vương quốc Đại Lý, thỉnh thoảng lại mang binh sang cướp phá đất của ta, cho đến Đế chế Chân Lạp, nước Chiêm Thành, Đại Tống thì có lúc mang hàng vạn quân sang xâm lược nước ta. Chính vì thế, quốc phòng luôn là mối quan tâm hàng đầu của triều đình. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải quá e dè các nước xung quanh để rồi muốn làm điều gì, thực hiện điều gì cũng phải sợ sệt, không dám phóng túng mà thực hiện. Đối với các nước Ai Lao, Đại Lý, thì hầu như không thể tạo thành mối hiểm nguy đối với Đại Việt ta, duy chỉ có ba nước có thể đe dọa được nước ta là Chiêm Thành, Chân Lạp và Đại Tống.”
Lý Bất Nhiễm chắp tay nói: “Thưa Quốc sư, bản thân hạ quan luôn canh cánh trong lòng vấn đề xử lý của triều đình đối với phương Nam. Mong Quốc sư giảng rõ cho.”
Chú thích:
- Ai Lao: đây là nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Thời kỳ nhà Lý mới thành lập, Lào còn ở trong giai đoạn các bộ tộc do các thủ lĩnh đứng đầu, một dạng nhà nước sơ khai. Quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Lào được sử sách ghi nhận lầu đầu vào năm 1067, Ai Lao (tên gọi Lào khi đó) dâng vàng bạc, trầm hương, sừng tê, ngà voi và các thứ sản vật địa phương. Việc ngoại giao hai bên không được duy trì thường xuyên, do sự thù địch giữa hai bên. Nhà Lý đã nhiều lần cử tướng đi đánh Ai Lao do những xung đột tại biên giới vào các năm 1048, 1159, 1183 và đều thắng lợi. Ở Ai Lao có lãnh địa Muang Swa, sau này đổi thành tên gọi khác là Luang Prabang. Đây là một lãnh địa được người Thái thiết lập từ 100 năm trước. Lãnh địa Muang Swa này do các lãnh đạo người Thái cai trị, nhưng lại chịu quyền kiểm soát của đế chế Chân Lạp. Sau này, người dân ở đây đứng lên giành được độc lập, thành lập vương quốc Lan Xang, trải qua nhiều thăng trầm rồi mới phát triển thành nước Lào ngày nay.
- Vương quốc Đại Lý: là một vương quốc của người Bạch đã từng tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253, nằm trong khu vực mà ngày nay là tỉnh Vân Nam, Quý Châu và tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và một phần phía tây của Bắc Bộ Việt Nam.
- Đại Kim: là một triều đại do người Nữ Chân gây dựng trong lịch sử Trung Quốc. Đại Kim đã chiếm hết một nửa vùng đất phía Bắc của Đại Tống. Người Nữ Chân chính là người Mãn Châu sau này đã chiếm hết Trung Quốc lập ra triều đình nhà Thanh.
- Tam Phật Tề: là một liên minh kiểu mandala gồm nhiều nhà nước cổ từng tồn tại ở miền Đông Sumatra, bán đảo Malay và một phần đảo Borneo và Java, hình thành từ thế kỷ 7 hoặc thế kỷ 8 và kết thúc vào khoảng cuối thế kỷ 13.
- Xiêm La: Sử sách xác nhận vào năm 1182 thời Lý Cao Tông, vương quốc Xiêm La (Thái Lan) đã cử sứ sang tiến cống Đại Việt và các sử gia xác định đó là lần đầu tiên Đại Việt có quan hệ ngoại giao với nước này.
- Tây Hạ: là một triều đại do người Đảng Hạng kiến lập trong lịch sử Trung Quốc. Dân tộc chủ thể của Tây Hạ là người Đảng Hạng, ngoài ra còn có người Hán, người Hồi Cốt, người Thổ Phồn. Do triều đại này nằm ở Tây Bắc của khu vực Trung Quốc nên được sử sách chữ Hán gọi là "Tây Hạ".
- Liêu: còn gọi là nước Khiết Đan là một triều đại phong kiến do người Khiết Đan kiến lập trong lịch sử Trung Quốc, vận nước kéo dài từ năm 907 đến năm 1125, dài 218 năm (hoặc kéo dài 331 năm, đến năm 1218 nếu tính cả triều Tây Liêu), đối kháng kéo dài với triều Tống ở phía nam.
- La Hộc, Lộ Lạc, Đề Hi: là những nước nhỏ, Đại Việt cũng có tiếp xúc quan hệ bang giao với các nước này.
- Châu Lạng: tương đương miền Lạng Sơn và Cao Bằng.
- Châu Chân Đăng: tương đương với vùng Hà Giang.
- Châu Ma Linh: mở từ năm 1069, sau đổi là Minh Linh, tương đương phía bắc tỉnh Quảng Trị.
Láo nháo ăn một pháo :lenlut