Lý Việt cầm gậy chỉ lên nước Chiêm Thành trên bản đồ, chậm rãi giảng: “Mặc dù vậy, trong thời điểm hiện tại, hai nước này cũng không đủ năng lực để tạo thành mối nguy hiểm đối với chúng ta nữa. Từ sau khi Chiêm Thành bại trận dưới thời tiên đế Lý Thánh Tông, phải dâng ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý cho Đại Việt ta thì đến nay đã không thể hung hăng như trước nữa. Chúng ta có thể thấy rõ ba châu này tuy không mang lợi nhiều về kinh tế cho nước Đại Việt nhưng lại mang ý nghĩa chiến lược rất lớn, địa hình ở ba châu có núi rừng trùng trùng điệp điệp liên miên bất tuyệt, ba châu này tựa như phên giậu vững chắc ở phía Nam nước ta, quân ta đồn trú ở ba châu này tiến có thể công, lùi có thể thủ. Chân Lạp có muốn đánh lên Đại Việt bằng bộ binh thì sẽ gặp trở ngại rất lớn, họ chỉ có thể tiến vào nước ta bằng đường biển hoặc mượn đường từ Chiêm Thành đánh vào phủ Nghệ An.”
Lý Việt lại di chuyển gậy đến nước Chân Lạp, tiếp lời: “Trong quá khứ, chúng ta không chỉ đối mặt với sự xung đột gây hấn của Chiêm Thành, mà còn cả Chân Lạp. Liên minh Chân Lạp – Chiêm Thành đã từng hình thành trước đây là do có sự xúi giục của Đại Tống, khi đó Đại Việt phải đối mặt cùng một lúc với liên minh ba nước Tống – Chân – Chiêm, cực kỳ nguy hiểm. Cũng may, nhờ sự anh minh của tiên đế, sự anh dũng của quân dân Đại Việt đã đánh tan được liên minh Tống – Chân – Chiêm này. Đế chế Chân Lạp rất hung hăng, bọn chúng còn tự tung tự tác, một mình tấn công nước ta vào những năm 1128, 1132, 1137, 1150. Mặc dù nước Đại Việt nằm ở phía bắc nước Chiêm Thành, còn nước Chân Lạp nằm ở phía nam nước Chiêm Thành, ngăn cách với đất nước chúng ta cả một đất nước Chiêm Thành, nhưng nước Chân Lạp vẫn luôn không từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt. Như tôi đã nói ở trên, Chân Lạp có hai cách để tấn công Đại Việt, thứ nhất là bằng đường thủy, thứ hai là bằng đường bộ. Năm 1128, Chân Lạp đã mang 2 vạn thủy quân vào cướp bến ba đầu ở phủ Nghệ An, tiên đế Lý Thần Tông xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các tướng lĩnh thuộc hạ cùng với quân dân phủ Nghệ An đi đánh. Giặc cướp Chân Lạp bị Nhập nội thái phó Lý Công Bình dẫn quân đánh cho tan tác, bắt được chủ tướng giặc, quân lính phải tháo chạy bỏ mạng. Ấy thế mà, bọn chúng vẫn không từ bỏ ý đồ, Chân Lạp tiếp tục tấn công bằng đường thủy vào phủ Nghệ An vào khoảng 6 tháng sau. Chân Lạp xua 700 chiến thuyền cập bến của hương Đỗ Gia, hòng đánh chiếm nơi đây làm bàn đạp để xâm lược Đại Việt, tiên đế Lý Thần Tông tiếp tục xuống chiếu cho hai tướng quân Nguyễn Hà Viêm ở lộ Thanh Hóa và tướng quân Dương Ổ của phủ Nghệ An mang quân đi chặn đánh, chỉ một thời gian ngắn là quân ta lại đại thắng, quân Chân Lạp bở vía chạy mất không dám quay lại nữa. Cùng với việc đánh thủy, Chân Lạp kết hợp với đánh bộ để tạo thế gọng kìm, toán bộ binh đầu tiên của Chân Lạp vượt qua đèo Hà Trại, xuống thung lũng Phố Giang và hạ trại ở lối vào đồng bằng tại lạch Ba Đầu. Đội bộ binh này hạ trại để chờ đội thủy quân và người Champa. Đại Việt nhanh chóng nhận ra mối nguy cấp và Nhập nội thái phó Lý Công Bình cũng dẫn quân chặn đánh đội bộ binh khiến cho chúng không thể xâm phạm thêm vào Đại Việt nửa bước.”
Lý Việt nhìn khắp lượt bá quan văn võ rồi nói: “Như vậy, đúng như tướng quân Lý Bất Nhiễm lường trước nguy hiểm, thứ nhất chúng ta phải đề phòng việc quân Chiêm Thành liên minh với Đế chế Chân Lạp đánh lén vào Phủ Nghệ An bằng cách bố trí trọng binh ở phủ Nghệ An, đại bản doanh của quân đoàn số Ba sẽ được đặt tại phủ Nghệ An. Thứ hai là tập trung đẩy mạnh hải quân của nước ta ở các miền duyên hải, chú trọng việc đóng tàu thuyền kỹ thuật cao, phát triển huấn luyện hải quân, tôi sẽ cùng bàn bạc với Đại đô đốc Trần An Bang về việc nâng cao trình độ đóng tàu thuyền của hải quân. Ngoài hai kế hoạch trên, triều đình cần áp dụng thêm các phương pháp binh vận và dân vận đối với con dân Chiêm Thành, khiến cho con dân Chiêm Thành ở biên giới quay sang ủng hộ Đại Việt ta.”
Lý Bất Nhiễm cao giọng đáp, thể hiện sự khâm phục: 9tXZU “Đa tạ Quốc sư, hạ quan chỉ cần những lời vàng ngọc này của Quốc sư là hạ quan yên tâm rồi. Bẩm Hoàng thượng, băn khoăn của thần đã được giải trừ. Vấn đề biên giới phương Nam, thần nguyện dốc hết lòng hết sức bảo toàn, dù có phơi thây ngoài đồng nội, thần cũng quyết không làm mất một tấc đất của nước nhà.”
Lý Hạo ngầm hài lòng, có thêm vị tướng tài như Lý Bất Nhiễm nguyện tuyên thệ phục vụ triều đình thì nền sức mạnh quân sự của Đại Việt lại được nâng cao thêm một bậc. Lý Hạo cười bảo: “Tốt lắm, tấm lòng trung trinh của các ái khanh đối với đất nước, trẫm luôn ghi nhớ. Còn đối với Tống thì sao, mời Quốc sư giảng tiếp?”
Lý Việt cầm gậy chỉ lên nước Tống trên bản đồ, chậm rãi giảng: “Từ khi nhà Tống bại về tay nhà Kim, phải dời kinh đô về Lâm An, Hàng Châu, thì đã suy yếu trầm trọng. Ở phía Bắc nước Tống có các nước Kim, Mông Cổ, Tây Hạ, Liêu. Trong bốn nước nói trên thì nước Tây Hạ và Liêu đã rơi vào thoái vào, nước Liêu bị nước Kim thôn tính gần hết, bây giờ chỉ còn giữ được một vùng đất nhỏ phải chịu sự điều khiển trực tiếp của Mông Cổ. Hiện tại thì ở phương Bắc có hai nước hùng mạnh bậc nhất là Kim và Mông Cổ, tuy nhiên vì nước Mông Cổ không giáp với Tống, do đó nhà Tống e sợ nhất chính là nước Kim, nhà Tống phải dồn trọng binh trấn thủ ở phương Bắc nên không còn đủ sức để giương cặp mắt cú vọ xuống phương Nam nữa.”
Uy nghi đại tướng quân Lý Thông cất tiếng: “Nghe Quốc sư Lý Việt giảng về tình hình phương Bắc mới giúp cho hạ quan vỡ lẽ ra nhiều điều. Theo như những tin tức mà Quốc sư vừa nói thì tình hình phương Bắc hiện tại đang rối ren vô cùng. Thế cuộc đương thời đã khác xưa nhiều lắm, trước kia thì ba nước Tống, Liêu, Tây Hạ tạo thành thế chân vạc, mà nay thế đó đã bị phá vỡ, nổi lên hai nước Kim và Mông Cổ. Quốc sư có nhận định gì về vấn đề ấy?”
Lý Việt trầm giọng nói: “Cả hai nước Đại Kim và Mông Cổ có nét tương đồng đều là triều đại chinh phục, mang nặng tính chất bộ lạc. Bởi vì bản tính khát máu tàn bạo trong con người của dân du mục, cho nên những vùng đất mà họ chinh phục qua đều chỉ có máu chảy thành sông, dân thường bị đồ sát không mất tám phần cũng mất bảy phần. Tất cả những vùng đất Bắc Tống đang bị Đại Kim chiếm đóng, hoặc những vùng đất mà Mông Cổ đang bành trướng xâm lược, đều có thể thấy rõ, dân thường chẳng còn lại bao nhiêu sau mỗi đợt chinh phạt của bọn họ. Vì vậy, Đại Việt phải lưu tâm đề phòng những nước này ngay từ bây giờ là tốt nhất.”
Lý Việt lắc đầu, thở dài: “Thưa Uy nghi đại tướng quân Lý Thông, tuy nước Kim vẫn đang trong thời thịnh nhưng theo những dị tượng trên trời mà tôi quan sát được mấy ngày qua thì ngôi sao bản mệnh của nước Mông Cổ đang ngày càng sáng tỏ, có phần át đi ngôi sao bản mệnh của hai nước Tống, Kim. Trong tương lai không xa, nước Mông Cổ chính là nước hùng mạnh nhất ở phương Bắc.”
Uy nghi đại tướng quân Lý Thông bồn chồn hỏi: “Như thế thì Quốc sư Lý Việt cho rằng đối với nước ta thì đó là điềm may hay điềm gở?”
Lý Việt đăm chiêu: “Bây giờ nói đến điều ấy vẫn còn quá xa xôi. Mặc dù thế của Mông Cổ đang lên, nhưng muốn thắng được ngay Đại Kim và Đại Tống vẫn không phải là chuyện dễ dàng, chuyện đó không phải là chuyện một hai năm có thể hoàn thành.”
Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong nhíu mày hỏi: “Vậy Quốc sư Lý Việt thấy ngôi sao bản mệnh của nước ta như thế nào?”
Lý Việt bộc lộ dáng vẻ tiên phong đạo cốt, tán phát khí độ tiên nhân, cất giọng vang vang: “Thưa Nguyên súy Nguyễn Hồng Phong, từ khi tôi nghiên cứu thuật chiêm tinh đến nay đã có hơn sáu mươi năm có lẻ, không ngày nào là tôi không quan sát dị tượng bầu trời Đại Việt. Vào mười bảy năm về trước, dị tượng thiên không đổi dời, chân long giáng thế xuống Đại Việt, ngôi sao bản mệnh của Đại Việt chợt vụt sáng, sau đó bất ngờ bị vầng mây u ám từ đâu che kín, cách đây mười tháng thì bỗng nhiên rồng vàng bay lên từ kinh thành Thăng Long phá tan mây mù, ngôi sao bản mệnh Đại Việt rực sáng hơn bao giờ hết, cho đến giờ thì càng lúc càng sáng rỡ hơn, ngày hôm sau càng sáng hơn ngày hôm trước.”
Lão thái úy Đỗ Kính Tu liền nói lớn, giọng nói liền mạch không hề ngắt quãng: “Bẩm Hoàng thượng, như vậy đã rõ, rồng vàng chính là bản mệnh của Hoàng thượng đã phá tan mây mù, cứu giúp cho Đại Việt ta thoát khỏi màn đêm đen tối, mang đến cho Đại Việt ta ánh sáng rạng ngời, giúp cho trăm họ thoát khỏi cơn nước lửa, ban phát phồn vinh hạnh phúc cho muôn dân.”
Nói tới đây, Đỗ Kính Tu quỳ xuống dập đầu hô: “Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.”
Quan viên tại điện Thiên An đồng loạt hô theo: “Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.”
Lý Hạo uy nghiêm nói: “Các ái khanh bình thân, lo cho dân cho nước là bổn phận của bậc thiên tử, trẫm nhất quyết không phụ sự ủy thác của thiên mệnh. Nay trời báo điềm lành, rồng vàng xuất thế, chứng tỏ vận nước ta đến hồi hưng thịnh, các ái khanh phải cùng với trẫm xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp, ngày càng hùng mạnh. Các ái khanh có làm được hay không?”
Trăm quan, trăm lời như một: “Chúng thần tuân chỉ.”
Lý Hạo cười sảng khoái: “Ha ha ha, tốt, giờ cũng đã gần trưa, quân thần chúng ta hăng say bàn luận việc nước mà quên cả thời gian, việc ấy đáng quý lắm thay. Các khanh hãy về nghỉ ngơi, tới chiều, trẫm cùng các khanh lại bàn tiếp. Bãi triều.”
Chú thích:
- Châu Bố Chính, mở từ năm 1069, tương đương phía bắc tỉnh Quảng Bình.
- Châu Địa Lý, mở từ năm 1069, sau đổi là Lâm Bình, tương đương phía nam tỉnh Quảng Bình.
- Châu Ma Linh, mở từ năm 1069, sau đổi là Minh Linh, tương đương phía bắc tỉnh Quảng Trị.
- Phủ Nghệ An, tương đương tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Võng du , bổ trợ huyền huyễn , lưu ý đây là truyện hậu cung ai dị ứng né luôn hộ mình