Từ đó, cuộc Hội Triều Chúng Tinh kéo dài ròng rã hơn hai tháng trời, cho đến ngày 22 tháng 12 năm 1211 mới kết thúc.
Ngày 23 tháng 12, Lý Hạo tổ chức yến tiệc cung đình vào buổi trưa, vừa để lễ cúng Ông Táo, vừa để chiêu đãi văn võ bá quan, tiễn đưa những quan viên ở xa trở về địa phương làm việc.
Trước giờ Ngọ, Lý Hạo cùng với trăm quan làm lễ cúng trong khu vườn Thượng Lâm rộng lớn ở Hoàng cung. Chính giữa sân, Lý Hạo cho người nặn hình ba ông đầu rau thật lớn tượng trưng cho hai Táo Ông và một Táo Bà, lại cho chất củi khô đốt lửa, tượng hình như đang đốt bếp. Phía trước bếp lửa lớn đặt hai mũ Táo Ông có cánh chuồn, một mũ Táo Bà không có cánh chuồn, ba bộ mũ áo hia hài Táo Quân và một con cá chép còn sống để trong chậu nước, cùng với mâm cỗ, hoa quả, trầu cau.
Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Xuân Trinh trịnh trọng đọc bài khấn: “Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ chúng con là Hoàng đế Kiến Gia. Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, Kiến Gia năm thứ Nhất, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ chúng con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua mà chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.”
Các đời vua triều Lý đều có lòng sùng bái phật đạo nên việc thờ cúng, khấn vái cũng chịu ảnh hưởng đậm nét đạo phật. Ở thời Lý, rất nhiều chùa chiền đã được dựng nên để tỏ lòng kính ngưỡng đối với nhà phật của tầng lớp thượng lưu. Nổi tiếng nhất trong số đó là Nguyên phi Ỷ Lan đã cho xây cất 150 ngôi chùa tính đến năm 1115. Lý Hạo Sảm cũng là người có thành tâm đối với đạo phật, sau khi đăng cơ liền cho xây dựng nhiều chùa đền, đến cuối đời Lý Hạo Sảm bị ép từ bỏ ngôi vua, bèn gửi thân mình trong chốn thiền tu ở chùa Chân Giáo.
Lễ tất, Lý Hạo dẫn đầu bách quan, mang chậu cá đến cạnh bên bờ hồ Lạc Thanh, thả cá chép xuống hồ Lạc Thanh với lòng tin cá chép sẽ chở Ông Táo chầu trời.
Đợi cho cá chép quẫy đuôi, lặn mất tăm không sủi bọt, Lý Hạo mới truyền chỉ khai yến. Buổi yến tiệc tổ chức ngoài trời, ngay giữa vườn Thượng Lâm. Mọi người vui cười sảng khoái, tận tình hưởng thụ những của ngon vật lạ vua ban, sau những ngày tháng làm việc mệt nhọc. Để buổi tiệc thêm phần hứng khởi, Lý Hạo tổ chức cuộc thi thơ, để các quan viên được dịp trổ tài, nhất thời khiến cho không khí càng thêm rộn rã.
Đến hôm sau, vua truyền chỉ cho phép mọi người trở về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị đón tết. Một năm cũ sắp qua, một năm mới nữa lại tới. Thế là, Lý Hạo đã trở về quá khứ được hơn một năm rồi, lại ăn thêm hai cái tết. Có những lúc nghĩ lại chuyện quá khứ, hắn cứ ngỡ mình đang mơ, những giấc mơ dài không bao giờ có hồi kết.
* * * * * * * * * *
Kiến Gia năm thứ hai, triều đình Đại Việt tuyên bố thực hiện Đại Cải Cách.
Toàn dân xôn xao trước bộ luật triều đình mới được công bố, bộ luật có tên là bộ luật Hồng Bàng. Quốc sư Lý Việt là người soạn thảo chính của bộ luật Hồng Bàng, dựa trên ý kiến đóng góp của hàng trăm quan viên văn võ đầu triều và trong cả nước. Để có thể hoàn thành bộ luật Hồng Bàng, triều đình Đại Việt đã phải họp bàn, thảo luận cùng với nhau suốt hơn hai tháng trời. Bộ luật Hồng Bàng kế thừa những tinh hoa của bộ luật tiền triều, khắc phục được nhiều điểm yếu kém của xã hội đương thời, đi sâu sát vào tình hình thực tế của từng lộ, từng châu, mỗi vùng miền trong cả nước, bổ sung những kế sách canh tân, đổi mới đất nước.
Kết hợp với bộ luật Hồng Bàng, Hoàng đế Kiến Gia soạn thảo và in ấn, xuất bản bộ Cương Lĩnh Đại Việt tạo ra tiếng vang rất lớn trong tầng lớp thượng lưu và giới sĩ phu cả nước. Chủ trương của Cương lĩnh Đại Việt gói gọn trong chín chữ “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. Cương lĩnh xây dựng kế hoạch phát triển nước Đại Việt theo từng thời kỳ, từng giai đoạn, mỗi giai đoạn cách nhau năm năm. Hiện tại, Cương lĩnh đã xây dựng được bốn giai đoạn và Hoàng đế Kiến Gia hứa hẹn sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng thêm các giai đoạn tiếp theo, bổ sung cho Cương lĩnh Đại Việt. Dưới triều đại của Hoàng đế Kiến Gia, khuyến khích bách gia chư tử được nêu lên tiếng nói của mình, có thể tham gia viết bài trên báo, bởi thế nên sĩ phu cả nước Đại Việt càng thêm hào hứng, trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1212, triều đình Đại Việt đón chào năm mới vẫn theo nghi lễ cũ như những năm trước, tổ chức Đại Lễ rước kiệu vua đến điện Thiên An, đi cúng tế, nhưng Hoàng đế truyền lệnh lược bỏ số lần quỳ lạy, lời nói rườm rà và đặc biệt là Hoàng đế Kiến Gia quyết định đổi quốc kỳ. Hoàng đế bỏ lá cờ nền vàng, xung quanh có viền đỏ, ở giữa có chữ Lý bằng chữ Hán thật lớn, thay bằng lá cờ nền đỏ, xung quanh viền vàng, ở giữa là ngôi sao màu vàng, đơn giản hơn nhiều. Hoàng đế truyền chỉ vào ngày lễ tết, toàn dân đều phải treo lá quốc kỳ trước cổng nhà.
Về việc bỏ chữ Lý trên lá cờ được Hoàng đế giải thích là giúp cho lá cờ đơn giản, bớt rườm rà hơn. Ý nghĩa của lá quốc kỳ đơn giản này được Hoàng đế bảo rằng lá cờ tượng trưng cho màu đỏ của màu máu được bao bọc bởi màu da vàng của dân Việt, ngôi sao vàng ở giữa tượng trưng cho linh hồn của dân tộc Đại Việt, để chủ trương hòa nhập dân tộc Việt, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, gia tộc, dòng họ, giới tính. Hoàng đế muốn lá cờ phải cực kỳ đơn giản, không hoa hòe hoa sói để toàn dân Đại Việt, ai cũng có thể làm được, ai cũng có thể vẽ được trong bất cứ tình huống nào. Hoàng đế muốn màu máu đỏ được bao bọc bởi màu da vàng với ngôi sao ấy sẽ tung bay khắp nơi trong thiên hạ.
Ngoài ra, Hoàng đế còn chỉ ra việc bỏ chữ Lý bằng chữ Hán trên lá cờ, để phù hợp với việc thay đổi chữ Hán bằng chữ viết khác gọi là chữ Quốc Ngữ, chữ viết giành cho dân tộc Việt, phù hợp với dân tộc Việt. Cương Lĩnh Đại Việt nêu rõ vấn đề thay đổi chữ viết trong toàn dân sẽ thay đổi dần dần theo các giai đoạn chứ không thay đổi ngay. Để có thể thuyết phục tầng lớp nho gia, quen với việc sử dụng chữ Hán, ủng hộ chủ trương này, Lý Hạo nhờ Lý Việt thuyết phục Đỗ Kính Tu, người thầy của tầng lớp nho sĩ trong nước.
Sau khi xuất bản cuốn Thoát Hán Luận do chính tay Hoàng đế biên soạn, cuốn Thoát Hán Luận 9AJro chủ yếu kích thích lòng tự tôn dân tộc, tự hào dân tộc của người Việt và chủ trương thoát khỏi cái bóng văn hóa, tôn giáo, chính trị của người Hán để tạo ra một con đường riêng, một nét đặc trưng riêng của dân tộc Việt, cùng với lời kêu gọi tha thiết của lão Thái úy Đỗ Kính Tu thì phần lớn giới sĩ phu đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào Thoát Hán và kế hoạch học tập chữ Quốc Ngữ của triều đình.
Lý Hạo hiểu rõ, đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, nhưng hắn tin tưởng dần dần rồi người dân Đại Việt sẽ chấp nhận, yêu thích việc sử dụng chữ Quốc Ngữ và hắn mơ tưởng đến một ngày sẽ mang chữ Quốc Ngữ đi truyền bá rộng khắp thiên hạ.
* * * * * * * * * *
Kinh thành Thăng Long.
Viên Đại Tính bước ra khỏi nhà của Thư gia Trần Tuấn Lợi, vung tay một cái, chửi: “Đúng là kiêu ngạo quá đáng, chỉ là giúp việc cho quan lớn thôi. Có cái gì hay mà kiêu ngạo chứ?”
Viên Đại Tính là một thư sinh nghèo kiết xác, ăn không ngồi rồi, trong một lần tình cờ uống rượu giải sầu thì hắn làm quen được với một thương nhân người Chân Lạp. Từ đó, hắn bị thương nhân người Chân Lạp mua chuộc sai khiến hắn làm đủ chuyện, lần này là giao cho hắn nhiệm vụ móc nối với Thư gia Trần Tuấn Lợi, một người đồng hương của hắn, là một người giúp việc văn thư trong triều đình.
Viên Đại Tính đi vào một ngõ nhỏ thì gặp đám ăn mày say rượu đang ngả ngớn bước tới trước mặt hắn. Viên Đại Tính chỉ là một gã đọc sách trói gà không chặt, sao dám đối đầu trực diện với đám ăn mày nhếch nhác kia, hắn vội bịt mũi né sang một bên.
Ui da.
Viên Đại Tính vừa lách người qua, thì một tên ăn mày liền ập tới húc thẳng vào người hắn. Cả hai ngã lăn kềnh ra đất, tên ăn mày kia vừa lăn lộn vừa tru tréo: “A, a, a, đau quá, đau quá, nó đẩy gãy tay tao rồi, đau quá.”
Gã to con nhất bọn liền túm lấy cổ áo của Viên Đại Tính nhấc lên: “Mày muốn gì hả? Cả gan đánh người của tao, khinh thường ăn mày bọn tao hả, muốn chết phải không?”
Viên Đại Tính hoảng sợ, lắc đầu nguầy nguậy: “Không, không, tôi, tôi có làm gì đâu, tôi đã tránh sang một bên rồi cơ mà.”
Gã to con tát vào mặt Viên Đại Tính cái bốp, mắng to: “Lại còn chối nữa, mày đúng là chán sống rồi. Tụi bay đập gãy tay chân thằng này cho tao.”
Gã to con ném Viên Đại Tính xuống đường, đám đàn em của gã ùa vào, vác gậy đập nát nhừ hết tứ chi của Viên Đại Tính, hòng biến Viên Đại Tính thành kẻ tàn tật suốt đời.
Gã to con nhìn Viên Đại Tính đã bị đàn em đánh cho nhừ tử, bất tỉnh nhân sự, liền nhổ một bãi nước bọt lên cái mặt bê bết máu của Viên Đại Tính, hừ lạnh: “Thằng chó Việt gian, chết con bà mày đi.”
Cùng thời gian đó, ở những nơi khác trong cả nước cũng xảy ra những sự việc tương tự, một số kẻ có liên hệ với mật thám Chân Lạp, hoặc là tay sai của Chân Lạp, kể cả là mật thám của Chân Lạp cũng bị đánh đập thành tàn phế, hoặc chết chóng vánh, thậm chí biến mất một cách kỳ bí. Có kẻ đang đi ngoài đường thì bị một toán lưu manh giang hồ ập tới cầm mã tấu chém cho đứt tay đứt chân. Có kẻ đang ngồi xe kéo đi trên đường thì bị gã phu xe kéo tới một góc vắng người, rồi bị đám người chờ sẵn ở đó bẻ cổ chết, lôi xác đi giấu biệt. Có kẻ đang ngủ trong nhà thì bị trộm đột nhập, đâm tới chết. Có kẻ đang yên đang lành, sống rất lạc quan yêu đời thì sáng hôm sau người ta phát hiện ra hắn treo cổ tự vẫn lủng lẳng trên trần nhà. Tất cả những vụ đó đều được báo quan phủ, quan phủ cũng cử bộ đầu đi điều tra một hồi, rồi kết quả cũng chẳng đâu vào đâu, cuối cùng mọi chuyện đều trôi vào quên lãng. Những mật thám Chân Lạp còn sống đều vô cùng kinh hoàng sợ hãi, thần hồn nát thần tính, co cụm lại một chỗ, tìm nơi ẩn nấp không dám ló mặt ra đường nữa.
Chú thích:
- Bài văn khấn Ông Táo lược trích trong cuốn “Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin”.
- Chữ Quốc ngữ là hệ chữ viết thống nhất chính thức hiện nay của tiếng Việt, sử dụng ký tự Latinh, dựa trên các bảng chữ cái của nhóm ngôn ngữ Rôman, đặc biệt là bảng chữ cái Bồ Đào Nha, với các dấu phụ chủ yếu từ bảng chữ cái Hy Lạp.
Võng du , bổ trợ huyền huyễn , lưu ý đây là truyện hậu cung ai dị ứng né luôn hộ mình