Cũng trong ngày Đại Lễ mừng năm mới, quần thần triều Lý còn thực hiện thêm một nghi lễ mới lạ nữa là nghi lễ Chào Cờ, hát Quốc Ca. Vào lúc bình minh, từ binh lính đến quan lại nhà Lý, kể cả Hoàng đế, cùng nhau đứng nghiêm trang giữa thềm rồng trước điện Thiên An, hướng về quốc kỳ Đại Việt tỏa ra ánh sáng màu đỏ rực rỡ trong ánh nắng ban mai, đồng thanh hát Quốc Ca hòa cùng tiếng trống đồng hùng tráng.
Bài hát Quốc Ca do Lý Việt kết hợp với những vị quan thanh nhạc cung đình, dựa trên nền tảng giai điệu, âm luật đương thời, mà sáng tác nên, trong đó có sự đóng góp công lao không nhỏ của Nguyên phi Trần Thị Dung và Quý phi Trần Huyền Trân. Giai điệu bài hát hùng tráng, lời ca dồn dập, âm vang hào khí ngút trời, kích thích lòng nhiệt huyết, sục sôi ý chí quyết tâm của dân tộc Việt.
Lời ca rằng: “Rừng cờ đỏ tung bay lộng gió. Vạn trống đồng rộn rã âm vang. Người Việt, con rồng cháu tiên. Người Việt, nòi giống Lạc Hồng. Hàng ngàn năm dựng nước từ thuở ban sơ. Trải qua đời đời xây dựng cơ đồ, một lòng sắt son chung thủy, quyết giữ toàn vẹn bờ cõi non sông. Quân đoàn Long Hổ dũng mãnh băng qua núi cao, lướt trên biển rộng, vùi thây quân thù bạo tàn, đánh tan loài lang sói ác ôn. Bầu trời bao la, đại dương rộng lớn, quân ta mặc sức tung hoành. Vì Hoàng ân, vì tổ quốc, sá chi da ngựa bọc thây, quyết hiến dâng xương máu, quyết không sờn lòng. Trường khúc Khải Hoàn nước Việt, rung động đất trời, vang vọng bốn phương. Hồn thiêng núi sông, lưu danh thiên cổ, muôn đời ngợi ca.”
Khi bài hát Quốc Ca lần đầu tiên được cất lên tại thềm rồng đã tạo nên cảm xúc mãnh liệt dâng trào trong tâm khảm mỗi người tại đương trường. Cùng với tiếng trống đồng Thanh Hóa khổng lồ đệm nhịp, âm thanh tưởng chừng vọng vang khắp Hoàng thành. Ai cũng có cảm tưởng như đang được tận mắt chứng kiến từng đoàn, từng đoàn quân lính Đại Việt bất khuất trung kiên đang hành quân nơi sa trường, chinh chiến ngoài tiền phương, xả thân chiến đấu vì sự nghiệp huy hoàng của tổ quốc. Ngay cả lúc bài hát kết thúc, dư âm vẫn còn vang vang không dứt trong lòng mỗi vị quan viên triều Lý. Kể từ ngày ấy, bài hát Quốc Ca trở thành bài ca tinh thần không thể thiếu của mỗi con dân Đại Việt trong các dịp lễ hội uy nghi, trang trọng.
Kỳ nghỉ tết năm 1212 không kéo dài như những năm trước nữa, đến ngày 8 tháng 1, là toàn bộ quan viên nhà Lý đã trở lại làm việc. Sang năm mới bắt đầu áp dụng nhiều hình thức thay đổi mới trong guồng máy chính sách quản lý nhà nước của triều Lý, tiêu biểu là việc buổi chầu triều hàng ngày. Hoàng đế cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình thức đó nữa, Hoàng đế bảo như vậy sẽ khiến cho quan viên đầu triều phải chịu khổ cực và mệt mỏi, bởi vì hàng ngày, mỗi sáng sớm là các quan viên triều đình phải lục tục dậy thật sớm để vào buổi chầu, có khi không có việc gì tấu trình thì buổi chầu đã kết thúc sớm rồi. Vì vậy, Hoàng đế rất có lòng lo lắng cho quan viên triều Lý mà ban hành lệ mới, một tuần chỉ tổ chức một buổi chầu một lần vào buổi sáng đầu tuần, như vậy một tháng chỉ cần tổ chức bốn buổi chầu tại điện Thiên An là đủ. Buổi chầu đó chủ yếu là để báo cáo, đánh giá sơ bộ những công việc trong tuần trước và phương hướng ngắn hạn trong tuần tiếp theo.
Mọi tấu chương, công việc sẽ do Lục Bộ giải quyết trước rồi trình lên điện Trường Xuân cho Hoàng đế duyệt, mà những tấu chương này chủ yếu là do Lý Việt xét duyệt cả. Ngoài ra nhờ có sự giúp đỡ của anh em nhà Lý Việt ở Lục Bộ mà những khó khăn nan giải đều trở nên suôn sẻ hơn trước đây gấp bội phần, tuy nhiên nhiệm vụ chính của anh em nhà Lý Việt vẫn là giám sát và góp ý để các vị Thượng thư của Lục Bộ tham khảo chứ không can dự sâu vào công việc của các vị Thượng thư. Nếu như có công việc cấp bách, trọng yếu nào cần giải quyết ngay thì sẽ trình lên điện Trường Xuân, hoặc là Hoàng đế sẽ tập hợp những vị quan nắm quyền trọng yếu, tổ chức một cuộc họp cấp tốc để giải quyết vấn đề kịp thời.
Nhắc đến vấn đề lên triều theo mỗi tuần thì phải nhắc đến chuyện Hoàng đế quy định đổi mới thời gian. Đương thời, nước Việt sử dụng lịch Can chi và Âm lịch để tính thời gian. Theo sách xưa thì ở nước ta những sự kiện quan trọng thường được ghi bằng lịch Can chi, những sự kiện bình thường ghi theo lịch Âm.
Hoàng đế giới thiệu Dương lịch, lịch tuần lễ đồng thời chia một tháng ra thành bốn tuần nhỏ, mỗi tuần có bảy ngày. Hoàng đế sai người tạo ra một bộ lịch kết hợp Dương lịch, Âm lịch, Can Chi lịch, Tuần lễ lịch để giúp cho người Việt có thể sử dụng tùy thích và hoán đổi các loại lịch với nhau một cách dễ dàng.
Tuy vậy, Hoàng đế cũng chỉ muốn giới thiệu cho quần thần triều Lý biết trước về bộ lịch mới, chứ không lập tức áp dụng hệ thống lịch mới vào nước Đại Việt, mà thực hiện phổ biến dần dần để dân chúng từ từ thích nghi, cũng như vấn đề chữ Quốc Ngữ, Hoàng đế muốn để dân chúng làm quen dần và chủ trương dạy cho lớp trẻ nhỏ những kiến thức đổi mới, còn tầng lớp nho gia, sĩ phu đương thời thì chỉ khuyến khích chứ không ép buộc họ phải ngay lập tức học tập và làm theo những kiến thức đổi mới. Tóm lại, mọi vấn đề cải cách mang ý nghĩa toàn dân thì Hoàng đế đều thực hiện theo kế hoạch lần lượt là giới thiệu, phổ biến, áp dụng theo đúng chủ trương 5 năm lần thứ nhất, rồi mới tiến lên thực hiện theo kế hoạch 5 năm lần thứ hai trong Cương Lĩnh Đại Việt. Ngoài cải cách về hệ thống chữ viết và thời gian, trong Cương Lĩnh Đại Việt còn giới thiệu sơ lược về vấn đề cải cách hệ thống đo lường, tiền tệ, khuyến khích công – nông – thương nghiệp dịch vụ, xóa bỏ chế độ gia nô, người ở...
Giữa tháng 1 năm 1212, Hoàng đế ban chiếu mở khoa thi trong cả nước. Nội dung chính trong các kỳ thi có áp dụng những nội dung thi như cũ nằm trong Phật Giáo, Nho Giáo và Lão Giáo, theo hình thức tam giáo đồng nguyên của tiền triều, ngoài ra còn lựa chọn các hình thức thi Kinh Nghĩa, Thư Nghĩa; thi chiếu, chế, biểu; thi thơ phú; thi văn sách.
Và bổ sung thêm một số kiến thức chuyên môn của các bộ, các ngành mà các thí sinh đăng ký thi vào, chẳng hạn thi vào Bộ Hộ thì chọn các nội dung chuyên về việc ruộng đất, nhân khẩu, thuế khoá, muối, sắt... thi vào Bộ Công thì chọn các nội dung chuyên về việc xây dựng thành hào, cầu cống, đường sá... Đối với kỳ thi trong năm nay, Hoàng đế chỉ định bổ sung thêm một ít nội dung chuyên ngành như thế, tuy nhiên cũng nêu rõ trong các năm sau sẽ dần dần giảm bớt các câu hỏi về tam giáo, chọn các câu hỏi chuyên ngành của từng Bộ, từng ngành làm tiêu chí hàng đầu.
Triều đình cải cách tổ chức kỳ thi theo hình thức mới, đó là tổ chức theo hình thức thi Hương, thi Hội, thi Đình. Và theo đúng như kiến nghị trước đây của Trần Trung Văn, Hoàng đế đặt ra Khoa Bảng để vinh danh những người đỗ đạt trong các kỳ thi. Cụ thể là ở cuộc thi Hương, người đỗ đạt giải cao sẽ phong tặng các danh hiệu Hương Cống, Sinh Đồ. Ở cuộc thi Hội, gồm các danh hiệu Thái Học Sinh, Phó Bảng. Ở cuộc thi Đình, gồm các danh hiệu Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp, Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân.
Về việc thi cử Hoàng đế không tổ chức việc thi cử theo như các triều đại trong lịch sử mà tổ thi theo hình thức khác, những người đỗ đạt trong kỳ thi Hương tổ chức tại các huyện sẽ được phép tham dự kỳ thi Hội tại các châu, lộ. Trong kỳ thi Hương đặt ra mức số lượng để tuyển chọn gồm ba mức, mức tuyển cử, mức chọn và mức loại. Những người đỗ đạt điểm cao đủ số lượng tuyển cử sẽ được phép tham dự kỳ thi Hội, những người có điểm thấp hơn thì được chọn vừa đủ để làm việc ở huyện, ở làng, những người thấp điểm còn lại thì bị loại. Mặc dù vậy, vẫn đặt ra thang điểm để lựa chọn tuyển cử và đỗ đạt vào làm việc, nếu như có huyện nào có số lượng thí sinh đạt quá ít không đủ thang điểm thì sẽ chọn những thí sinh dôi dư ra ở các huyện lân cận thế chỗ vào để tuyển chọn hoặc làm việc.
Đối với kỳ thi Hội và thi Đình sau đó cũng áp dụng chế độ tuyển cử tương tự. Kỳ thi Hội được tổ chức sau kỳ thi Hương ba tháng, tại trung tâm của các lộ, các châu. Người đỗ đạt cao trong kỳ thi Đình sẽ được tuyển vừa đủ số lượng để tham gia kỳ thi Đình, sau kỳ thi Hội ba tháng, tại kinh thành Thăng Long.
Như vậy, những người đủ tiêu chuẩn để tham gia kỳ thi Đình ở Thăng Long là những người đã nắm chắc có thể được chọn vào làm việc tại triều đình, tới đây là kỳ thi để tuyển chọn những người làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ, làm việc ở chức vụ cao, chức vụ thấp trong triều.
Hoàng đế quyết định 5 năm sẽ tổ chức kỳ thi một lần để chọn người hiền tài vào làm việc trong bộ máy quản lý của đất nước. Kỳ thi năm nay chỉ chọn những người vào làm những công việc phụ tá, đèn sách cho các quan trên. Nhưng 5 năm sau sẽ đổi khác, quy định những quan viên từ ngũ phẩm trở xuống cũng phải tham gia kỳ thi chung với các thí sinh, nếu như điểm thấp hơn sẽ bị thí sinh thế chỗ vào làm việc. Đến 10 năm sau, quy định những quan viên từ tứ phẩm trở xuống bắt buộc phải thi. Cứ như vậy, 15 năm rồi 20 năm sau thì việc tuyển chọn toàn bộ quan lại triều đình đều được áp dụng theo chế độ thi cử. Duy chỉ có các vị Thượng thư, Thái phó, Thái úy là do đích thân Hoàng đế chỉ định.
Đối với những người luyện võ cũng được tổ chức các kỳ thi song song với những văn nhân. Những người thi ban võ sẽ được chọn làm bộ đầu, bộ khoái giữ an ninh trật tự ở các địa phương, người có tài cao hơn thì được chọn vào đội quân giữ gìn an ninh ở các châu, lộ, kinh thành. Một số ít những người đứng đầu thì được chọn vào đội Thành vệ quân, Ngự lâm quân, Túc vệ quân.
Ngày 1 tháng 2 năm 1212, kỳ thi Hương đầu tiên của nước Đại Việt chính thức bắt đầu. Toàn bộ sĩ phu, văn nhân, võ gia Đại Việt đồng loạt khăn gói, lều chõng đi tham dự kỳ thi, nô nức hưởng ứng những đổi mới, cách tân mang tính thời đại của triều đình nhà Lý.
Chú thích:
* Lịch:
- Dương lịch là lịch mặt trời, được sắp xếp sao cho năm lịch có số nguyên ngày xấp xỉ năm mặt trời. Từ đó nảy sinh năm thường có 365 ngày, năm nhuận có 366 ngày, cứ 4 năm có 1 năm nhuận.
- Âm lịch là lịch mặt trăng, cho tháng có số nguyên ngày xấp xỉ tuần trăng, đủ là 30 ngày, thiếu là 29 ngày. Năm âm lịch thường có 354 ngày, năm nhuận có 355 ngày (kém lịch dương 10, 11, 12 ngày)
- Lịch tuần lễ là loại lịch có chu kỳ cố định 7 ngày, phần lớn các ngày được gọi theo tên các vị thần, dùng bố trí xen kẽ lao động và nghỉ ngơi.
- Lịch Can chi còn gọi là hệ đếm can chi là loại lịch rất thông dụng ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nó được dùng để gọi tên các đơn vị thời gian: ghi giờ, ngày, tháng, năm theo một chu kỳ chặt chẽ hệ can chi (60) và hai tiểu hệ can (10) và chi (12). Lịch này quan hệ khắng khít với sinh hoạt con người, giúp hình thành lịch thời sinh học, lịch thời châm. Hệ 10 can gồm: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý. EL9qm Hệ 12 chi gồm: tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi.
* Khoa cử:
-Thời Lý - Trần tổ chức thi Tam giáo để tuyển những người thông hiểu cả ba tôn giáo Nho, Phật và Lão. Khoa thi Tam giáo đầu tiên diễn ra năm 1195 đời Lý Cao Tông. Người đỗ Tam giáo gọi là Tam giáo xuất thân. Khoa thi Tam giáo cuối cùng tổ chức năm 1247 đời Trần Thái Tông. Hình thức này sau đó không áp dụng nữa. Cuối thời nhà Trần, Hồ Quý Ly nắm quyền điều hành triều đình đã đặt ra lệ thi Hương đầu tiên ở các địa phương năm 1396 đời Trần Thuận Tông, lấy người đỗ được học vị cử nhân. Năm sau (1397) tổ chức thi Hội ở kinh đô. Đây là khoa thi Hội đầu tiên. Từ thời Hậu Lê, việc thi cử được tiến hành đều đặn và quy củ. Các kỳ thi theo thứ tự là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình. Người đỗ đầu cả ba thì gọi là Tam Nguyên (như Tam Nguyên Nguyễn Khuyến). Thi Hương được tổ chức mỗi 3 năm, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Thi Hội sau thi Hương 1 năm, vào năm Sửu, Mùi, Thìn, Tuất.
(Theo Lê Thái Dũng (2008), Giở trang sử Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)
- Theo quy định từ năm 1434, thi Hương tương tự như thi Hội cũng có 4 kỳ hay còn gọi là 4 trường.
+ Kỳ I thi kinh nghĩa, thư nghĩa: giải thích ý nghĩa trong câu lấy từ Tứ thư, Ngũ kinh. Bài thi phải viết theo lối biền văn - tức là có đối mà không cần vần, phần thi này nhằm kiểm tra khả năng hiểu biết kinh truyện của sĩ tử;
+ Kỳ II thi chiếu, chế, biểu: chiếu - lời vua nói, chế - vua phong thưởng cho công thần, biểu - bài văn thần dân tạ ơn vua hoặc chúc mừng vua nhân dịp ngày lễ. Sĩ tử phải biết lựa từng hoàn cảnh, từng đối tượng mà dùng giọng văn cho thích hợp. Đây là bài thi kiểm tra khả năng soạn văn bản làm quan sau này;
+ Kỳ III thi thơ phú: các bài thi được làm theo thể thất ngôn, phần thi này kiểm tra khả năng làm thơ của sĩ tử bởi đây là một trong những sinh hoạt quan trọng của tầng lớp trí thức;
+ Kỳ IV thi văn sách: là bài văn trả lời câu hỏi về một vấn đề của đề bài. Phần thi nằm kiểm tra khả năng biện bác, bàn luận vấn đề lịch sử và hiện tại của sĩ tử.
+Tùy từng triều đại mà nội dung thi có thể quy định và sắp xếp thứ tự khác nhau. Dưới triều Hồ, thí sinh phải thi thêm kỳ 5 gồm môn ám tả (chính tả) và môn toán. Năm 1855, nhà Nguyễn quy định thi Hương có 3 kỳ và một kỳ phúc hạch bằng thơ phú. Những ai đỗ ở trường nhất mới được thi trường hai, rồi trường ba, trường bốn.
(Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Thi hương, tập thượng. Paris: An Tiêm, 2002.)
Láo nháo ăn một pháo :lenlut