Phá rồi lại lập, cực thịnh tất có cực suy, sau cực suy sẽ đến cực thịnh. Đất nước Đại Việt vừa trải qua nội chiến là một mất mát lớn lao, nhưng trong những cái mất mát đó thì lại có rất nhiều cái lợi thế mà người cầm quyền biết cách lợi dụng thì sẽ tạo ra được tác dụng vô cùng to lớn. Nếu là đang hòa bình yên ổn thì Lý Hạo rất khó thực hiện những cải cách mang tính đột phá, nhưng nay đã khác, thiên thời địa lợi nhân hòa đều đứng về phía hắn, có thêm Quốc sư Lý Việt tính toán không bỏ sót chỉ điểm cho hắn, vì vậy hắn cứ mạnh dạn buông tay mà làm, không cần phải do dự đắn đo.
Thông qua các cuộc thanh trừng lớn nhỏ trong triều đình thì Lý Hạo đã tiêu diệt hầu như toàn bộ thành phần bất ổn, phe phái dị kỷ, sau đó đưa người của mình lấp vào chỗ trống. Giờ đây toàn bộ trên dưới triều cương đều là người của Lý Hạo, có thể nói hắn là một vị Hoàng đế nhất ngôn cửu đỉnh, danh xứng với thực, hắn nói một không ai dám nói hai, hắn chỉ đằng đông không ai dám đi đằng tây.
Những quan chức già đời, sành sỏi còn sống sót từ rất nhiều biến cố vừa qua đều đã được chứng kiến sự thâm trầm, quả đoán, kiêu hùng của Hoàng đế Kiến Gia, mà sinh lòng rét lạnh từ tận trong tim. Số phận của những kẻ được xem là quyền thần, từng một thời quyền khuynh triều dã, thét ra lửa mửa ra khói, bây giờ như thế nào? Các ngươi đã nhìn thấy Tô Trung Từ chết như thế nào chưa? Các ngươi có thấy mộ của Trần Tự Khánh bây giờ cũng đã xanh cỏ rồi chứ hả? Các ngươi có thấy Đàm Dĩ Mông hiện tại đã là kẻ tàn phế, nằm nhà chờ chết hay không? Rồi những kẻ liên quan đến những quyền thần đó thì bây giờ đang ở đâu? Chết hết cả rồi. Những kẻ đó hoặc chết, hoặc bị biếm chức, hoặc bị tàn phế vì đủ loại nguyên nhân. Nhưng hầu như đều rất ngẫu nhiên, không hề liên quan gì đến Hoàng đế, hầu như Hoàng đế chưa từng tự tay hành động, hay truyền đạt mệnh lệnh một câu một từ nào bức tử họ. Xét trên bề mặt bên ngoài thì Hoàng đế hoàn toàn thanh bạch, Tô Trung Từ hay Trần Tự Khánh chết đi, Hoàng đế Kiến Gia còn tự mình chạy đến tận nhà khóc thương thảm thiết, còn sáng tác một bài văn tế ai oán cảm động cả trời xanh, quả là vị hiền quân đó. Tuy nhiên, những chuyện ấy chỉ có thể lừa phỉnh dân gian mà thôi, những quan chức sành sỏi trong triều đình đã sống đến giờ phút này, không có một ai là ngây thơ cả, từ đủ những tin tức mà họ nắm bắt được thì họ đều mơ hồ có được phán đoán và kết luận cho riêng bản thân mình, vị Hoàng đế Kiến Gia này quá thâm trầm, không thể chọc vào được.
Đó chính là những hồi chuông cảnh báo luôn đánh thình thịch vào tim của những vị quan chức mỗi ngày. Bởi thế ý của vua đã quyết thì không một người nào dám đứng ra phản đối, dù cho có ý phản đối thì cũng không muốn làm con chim đầu đàn, họ muốn đợi con chim đầu đàn đứng ra phản đối rồi họ mới hùa theo, bất quá không ai ngại mình sống lâu cả, thật sự như thế, tất cả những vị quan còn sống đến thời điểm này thì ai cũng ham sống, được sống là một niềm vinh hạnh vĩ đại cỡ nào, ai lại ngại cơ chứ? Hôm nay làm chim đầu đàn, ngày mai làm chim lìa cổ, rất có thể con chim lìa cổ đó sẽ được Hoàng đế khóc than thương cảm, có lẽ sẽ được Hoàng đế vì thế mà lại sáng tác ra một bài văn tế lưu danh thiên cổ, nhưng rất tiếc là chẳng có ai muốn làm con chim lìa cổ. Thế cho nên, những vị quan viên già cỗi cứ đợi mãi mà không thấy một con chim đầu đàn nào xuất hiện cả.
Còn trong dân gian thì càng không cần phải nói, những cuộc chiến tranh giữa các quân phiệt đã khiến cho dân chúng khốn khổ đến nhường nào rồi. Giờ vừa hòa bình trở lại, họ chỉ lo tu chí mà làm ăn, lo kiếm miếng cơm bỏ miệng đã mừng rỡ lắm rồi, hơi đâu mà đi quan tâm chuyện cải cách đó có đúng với truyền thống lễ nghi hay không? Cải cách như thế nào cũng được, miễn sao cải cách đó không đụng đến bát cơm trong tay người dân thường thì họ đều mặc kệ. Hơn nữa, dư luận xã hội đều đã bị Hoàng đế nắm chắc trong tay, Hoàng đế có thể lèo lái dư luận theo ý của mình, muốn xoay chiều gió dư luận như thế nào còn không phải bởi một câu nói của Hoàng đế hay sao? Nếu như có kẻ dám đứng ra phản bác cải cách của Hoàng đế thì sẽ bị dìm trong làn sóng chỉ trích dữ dội của dư luận mà khiến cho kẻ đó phải câm miệng, nếu kẻ đó còn không biết tốt xấu thì sẽ tùy từng đối tượng mà được những kẻ lưu manh đầu đường xó chợ ân cần chăm sóc, hoặc được gia chủ tộc trưởng trong nhà gọi về răn dạy, nhốt hẳn trong nhà không cho ra đường phát biểu linh tinh, hoặc thậm chí là bốc hơi, đúng vậy, là bốc hơi hoàn toàn theo nghĩa đen, chính xác là bốc hơi không dấu vết đến cả hàng xóm láng giềng cũng không biết là bốc hơi như thế nào, sau một thời gian thì không thấy ai nhắc đến kẻ đó nữa.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, Lý Hạo cũng không phải là bạo quân làm việc bất chấp lý lẽ, hắn cũng lắng nghe ý kiến của quan viên và các tầng lớp quý tộc Đại Việt. Ý kiến nào hợp lý thì hắn giữ lại, sau khi nghiền ngẫm trao đổi với Lý Việt rồi mới đưa ra những kết luận mang tính dung hòa. Quả thật có những chính sách còn chưa phù hợp với thời đại này, cần phải dời lại vài năm hoặc vài chục năm sau bắt đầu tiến hành cũng chưa muộn. Cải cách là tốt, nhưng bước tiến phải vững vàng, chắc chắn, chứ không thể bước quá dài, nếu không cẩn thận sẽ sảy chân mà té ngã. Những chính sách nào chưa phù hợp với thời đại thì hắn gác lại, sau đó áp dụng chiến lược mưa dầm thấm lâu, tuyên truyền dần dần trong dân gian, đợi tới thời cơ chín mùi là ban hành ra luật như nước chảy thành sông vậy.
Đạo trị quốc không đơn giản, đạo làm vua lại càng không đơn giản, làm vua phải co được duỗi được, phải biết quyền biến, phương thức đối xử với mỗi quan viên, mỗi tầng lớp trong xã hội phải khác nhau, nếu làm được như thế, ấy mới là vị hiền quân minh chủ. Có những chuyện Lý Hạo không định làm ngay đâu, hắn ướm thử hỏi trước, thấy thái độ quan chức, quý tộc có vẻ phản ứng kịch liệt quá thì hắn vờ vịt như đang lắng nghe lời phải, đồng tình với ý kiến của mọi người, khiến cho quần thần không ngớt ca tụng Lý Hạo là vị minh quân biết nghe lời can gián.
Ngay trang đầu tiên trong cuốn bộ luật Hồng Bàng, Hoàng đế Kiến Gia phê vào ba chữ lớn “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”, cho thấy lòng quyết tâm của Hoàng đế đối với việc nâng cao nền dân trí đất nước. Để có thể thực hiện được chủ trương “Khai dân trí” ấy, Hoàng đế ban hàng loạt thay đổi lớn trong nền giáo dục đương thời.
Thời Lý, Phật giáo và Đạo giáo rất hưng thịnh, trong đó Phật giáo chiếm địa vị chủ đạo trong đời sống văn hóa, tinh thần của tộc Việt, được các đời vua nhà Lý suy tôn làm quốc giáo. Nhưng bản chất của Phật giáo, Đạo giáo lại không phải là đạo trị nước, hai tôn giáo ấy không có lý luận thỏa đáng nào về vấn đề quân quyền, điều lệ, thể chế giúp người lãnh đạo tối cao của đất nước trị quốc an bang và quan trọng nhất chính là củng cố vững chắc địa vị của người đứng đầu đất nước. Cho nên, tuy các đời vua nhà Lý yêu chuộng Phật giáo nhưng vẫn trọng dụng Nho giáo bởi vì Nho giáo đáp ứng đầy đủ về các lý luận, học thuật, tư tưởng sâu sắc, thích hợp nhất đối với giai cấp thống trị. Nho giáo chủ trương tập trung quyền lực tối cao vào người đứng đầu đất nước là Hoàng đế, bảo vệ quyền lợi của dòng tộc thống trị. Phật giáo, Đạo giáo không thể đáp ứng được những yêu cầu quan trọng của Nho giáo là củng cố nền tảng của nhà nước quân chủ tập quyền, thống nhất đất nước thành một thể, ổn định trật tự xã hội, phân rõ vai trò của các mối quan hệ trong lý luận Tam Cương, Ngũ Thường.
Chính vì vậy, mặc dù Hoàng đế quyết tâm cải cách toàn diện nền giáo dục nhưng vẫn không thay đổi các lý luận tư tưởng gốc rễ của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, mà dựa trên nền tảng của lý luận ba tôn giáo ấy phát huy thêm những mặt kiến thức cốt lõi, tập trung chuyên ngành đối với từng cá nhân, tạo ra nền giáo dục có tính cách đại chúng và thực tiễn để nhân dân có thể hoàn toàn bộc lộ tài năng, cống hiến sức lao động phụng sự tổ quốc.
Hoàng đế Kiến Gia phổ biến rất nhiều điều lệ trong luật Giáo dục được ban hành, có ba điều mà Hoàng đế mà nhấn mạnh, điều đầu tiên là toàn dân đều có quyền được học tập, không phân biệt người sang hèn, cao quý, địa phương, tôn giáo, họ tộc, giống nòi. Điều thứ hai là bảo tồn và phát huy truyền thống, tinh hoa dân tộc Việt trong nếp sống, nếp ăn, nếp ở, nếp nghĩ thường ngày. Điều thứ ba là liên tục đổi mới, cách tân chương trình giáo dục, khuyến khích hiền tài đóng góp, bổ sung thêm những ý tưởng, sáng tạo để giúp cho nền giáo dục Đại Việt ngày càng phát triển hơn. Không có nền giáo dục nào là kiện toàn, hoàn mỹ, chỉ có liên tục đổi mới để phù hợp với xu thế, thời đại mới có thể giúp cho nền giáo dục nước nhà m41GE phát triển một cách bền vững nhất.
Bắt đầu từ thời kỳ này, cách gọi thầy đồ dạy học sẽ thay bằng giáo viên, người theo học được gọi là học sinh. Người giáo viên không chỉ là đàn ông mà còn có thể là phụ nữ. Đàn ông dạy học thì gọi là thầy giáo, phụ nữ dạy học thì gọi là cô giáo. Triều đình ra lời kêu gọi những người biết chữ, tài cao học rộng, bất kể là nam hay nữ đều tham gia vào công cuộc giáo dục đổi mới đất nước. Triều đình tiến hành thành lập các trường Công Lập ở các trung tâm của các châu, các lộ, dần dần mới phát triển rộng ra, thành lập thêm trường Công Lập ở các trại, các đạo, các huyện. Trường Công Lập thu học phí với giá rẻ vừa đủ để chi trả tiền công cho các giáo viên, đối với những gia đình nghèo khó sẽ miễn hoàn toàn học phí.
Chương trình giáo dục được các quan đầu triều bàn bạc trong cuộc Hội Triều Chúng Tinh, thống nhất quy định chia ra làm bốn cấp gồm cấp Tiểu Học, cấp Trung Học Cơ Sở, cấp Trung Học Phổ Thông và cấp Đại Học. Cấp Tiểu Học từ lớp 1 đến lớp 5, trẻ em từ 6 tuổi sẽ được cho theo học từ lớp 1. Cấp Trung Học Cơ Sở từ lớp 6 đến lớp 8, cấp Trung Học Phổ Thông từ lớp 9 đến lớp 11.
Láo nháo ăn một pháo :lenlut