Làng Đươm Hoa, ngoại thành Thăng Long.
Dưới hàng cây sấu ven đường, ba bà cụ già ngồi nhai trầu bỏm bẻm trên chõng tre đang xôn xao buôn chuyện.
Cụ già quấn khăn nâu trên đầu, móm mém nói: “Các bà có biết gì chưa? Sáng nay ở ngoài rẫy khoai, người ta thấy có chuyện kỳ lạ lắm.”
“Ôi dào ơi, tôi biết rồi, thằng Dấm nhà tôi nó mới về nhà nói oang oang ở nhà kia kìa.” Cụ già quấn khăn đen, với tay lấy cái quạt nan đuổi mấy con ruồi vo ve trước mặt, bảo.
Cụ già mặc áo màu xanh nhạt, quần nái đen, hỏi: “Có chuyện gì vậy hai bà, sao tôi chẳng biết gì cả?”
Cụ già quấn khăn đen phe phẩy quạt: “Là thế này, vào sáng sớm, bọn trẻ ra rẫy khoai thì thấy có rất nhiều rùa, rùa bò lổm ngổm ở khắp nơi, có con to bằng nắm tay, có con to bằng bắp chân, có con thì to bằng cái mâm, nhiều lắm, phải đến hàng trăm con chứ không ít.”
“Thế cơ à, thế ở đâu ra mà nhiều rùa bò vào rẫy khoai vậy hở hai bà?” Cụ già áo xanh tò mò nói.
“Chưa hết đâu, khi dân làng kéo ra xem thì người ta mới phát hiện ở cuối rẫy phát ra ánh sáng vàng. Bà có biết đó là gì không?” Cụ già quấn khăn nâu vừa nhồm nhoàm nhai trầu vừa nói.
“Tôi làm sao mà biết được? Bà cứ thử nói tôi nghe xem nào.” Cụ già áo xanh hỏi gấp.
Cụ già quấn khăn đen cười nhăn nhở, lộ cả hàm răng đen: “Bà Đào rõ vớ vẩn, ngay từ đầu bà Xổi đã nói là không biết chuyện rồi mà còn hỏi. Để tôi nói luôn cho liền mạch, người ta lùng sục đến cuối rẫy khoai thì mới thấy những con rùa bu quanh ở đây là đông nhất. Một con rùa vàng đang ngóc đầu lên, miệng há to, có nửa thân mình chôn dưới đất, nửa thân mình nằm trên mặt đất. Khi mọi người đào con rùa lên thì mới biết con rùa bằng vàng khối, trông y như thật.”
Cụ già quấn khăn nâu vội tiếp lời: “ Khi ấy người ta thấy trên mu rùa vàng có khắc mấy chứ, cụ cả Hương cũng có mặt ở đó, cụ đọc xong liền phán đây chính là hóa thân của thần Rùa Vàng từng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa khi xưa. Thế là, cụ cả Hương ra lệnh cho tuần canh trong làng mang thần Rùa Vàng về đình làng để tế lễ.”
“Ở trên mu rùa có khắc chữ gì mà cụ cả Hương lại phán như thế?” Cụ già áo xanh càng nghe càng thấy ly kỳ, không giấu nổi sự tò mò, nói.
Cụ già quấn khăn đen ngẫm nghĩ, bảo: “Cái chữ gì mà khó nhớ lắm, tôi phải hỏi đi hỏi lại thằng con nhà tôi, hình như là... Kim Quy hiện thân, đất nước thanh bình, rồi cái gì mà... cha rồng mẹ tiên, Đại Việt trường tồn.”
* * * * * * * * * *
Làng chài Lũy Bạc nằm ở ven sông Hồng, phía Bắc thành Thăng Long, vốn là làng chài yên ả, thanh bình. Đột nhiên nhiên vào hôm nay, lúc trời vừa xế chiều thì cả bến Lũy Bạc chợt trở nên náo nhiệt, dân chúng vây xem dọc ven sông đông như trẩy hội.
“Này này, anh gì đó ơi cho tôi hỏi ở bến sông có chuyện gì mà mọi người chạy ra đấy xem đông như vậy?” Một cậu thư sinh áo trắng, đầu chít khăn đen, gấp gáp đi theo anh dân chài đang cầm đinh ba, cất tiếng hỏi.
Người dân chài bước thật nhanh, đầu vẫn hướng về phía trước, đáp: “Nghe nói trên sông Hồng xảy ra chuyện lạ, tôi không rõ lắm, đi xem thì biết.”
Cậu thư sinh gật đầu: “Cám ơn anh, đi nào.”
Cậu thư sinh cùng với anh dân chài hòa vào dòng người chạy tới bờ sông thì thấy trên dòng sông cơ man nào là lá cây, dường như toàn bộ lá cây của nước Đại Việt đều tập trung hết ở đây vậy.
“Bác ơi, ở đâu ra mà nhiều lá cây trôi trên sông thế bác?” Cậu thư sinh hỏi v1Zyl một người đàn ông trung niên đứng bên cạnh. Cậu thư sinh nhìn qua bộ dáng của ông ta thì đoán rằng ông ấy là người lái đò.
Ông lái đò khoa tay, lớn giọng trả lời: Tôi không tài nào hiểu nổi chuyện gì nữa. Tôi đang chở khách qua sông thì hằng ha sa số lá cây xuất hiện ở đầu nguồn cứ như là từ trên trời rơi xuống ấy.”
Cậu thư sinh cúi xuống, vớt chiếc lá có màu đỏ ối rơi trên mỏm đất, có lẽ ai đó trên vớt lên trước rồi vứt ra đấy. Cậu thư sinh nhìn kỹ chiếc lá thì thấy chiếc lá bị đục thủng lỗ tạo thành chữ “Kiến”, kỳ lạ ở chỗ là lỗ thủng bị tạo thành bởi những vết cắn.
Thấy cậu thư sinh dán mắt vào chiếc lá thì ông lái đó nói: “Cậu muốn xem chữ trên lá hả? Ở bên kia, có rất nhiều kìa, đám thanh niên vớt lên ở đấy cả đống.” Ông lái đò vừa nói vừa chỉ tay về phía đám đông, ở giữa đám đông là những chiếc lá được vớt tạo thành đống lớn.
Cậu thư sinh hấp tấp tới gần. Ở đấy đã có vài anh lính tuần trong làng và một số thầy đồ được mời đến. Cậu thư sinh thấy những ông đồ ấy đang sắp xếp những chiếc lá thành hàng. Trên đống lá cây còn thấy có rất nhiều kiến bò tới lui. Người dân hiếu kỳ bu đến xem càng lúc càng đông, giơ tay chỉ trỏ, nói chuyện inh ỏi.
“Ha ha, kiến, kiến, tụi mày ơi, kiến nhiều quá.” Đứa trẻ đầu ba chỏm nhảy nhót vui mừng, vỗ tay hoan hô.
“Chuyện kỳ lạ quá, bà con xem kìa, kiến bò thành chữ.” Anh nông dân vác cày trên vai chỉ trỏ vào đống lá, lớn giọng nói.
“Trời xanh giáng điềm lành chăng?” Cụ già râu bạc, vuốt chòm râu, tư lự.
“Có lẽ là thiên binh thiên tướng cử người xuống gieo điềm may mắn cho Đại Việt của chúng ta.” Cô gái mặc áo vải đủ màu sặc sỡ, nhỏ giọng nói với người kế bên.
“Đây là ý chỉ của Ông Trời dẫn đường chỉ lối cho con dân của ngài đấy.” Bà già hom hem, mồm còn nhai trầu nhồm nhoàm, gật gù bảo.
Lúc ấy, một người dường như là có chức sắc của làng giơ hai tay lên cao, lớn giọng nói: “Mời bà con trật tự, mời bà con trật tự, để các giáo viên của lớp Lũy Bạc giải điềm lạ.”
Ông thầy đồ lớn tuổi nhất đứng dậy chậm rãi nói: “Sau khi bàn bạc với nhau, chúng tôi đưa ra kết luận như sau, những chữ trên lá cây này là do loài kiến cắn thủng mà thành, có lẽ những con kiến kia được trời sai xuống trần gian khiến báo tin. Khi tập hợp và loại ra vô vàn những chữ cái trùng lắp lại với nhau thì được một bài thơ.”
Một cụ già tóc bạc, chống gậy đứng ở gần ông đồ hỏi: “Kính thầy đồ, bài thơ có nội dung là gì vậy?”
Thầy đồ khom lưng với cụ già, đáp: “Bẩm cụ lớn, bài thơ ấy có nội dung là, giáo phái Âu Lạc, phò trợ Kiến Gia, giữ vững âu vàng, sông núi nghìn thu.”
* * * * * * * * * *
Lời đồn đại về các điềm lạ ở nước Đại Việt cứ thế lan đi như cơn gió bay khắp thành Thăng Long, một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc đã lan truyền khắp bốn phương. Trên các mặt báo trong cả nước rầm rộ tuyên truyền về các điềm lạ phát sinh. Những bài báo vừa đưa ra dẫn chứng, vừa gợi ý, vừa có cả các hình vẽ xác thực tận nơi, khiến cho những người hiếu kỳ đổ xô đến các địa điểm phát sinh điềm lạ chiêm ngưỡng.
Người dân ở những nơi có điềm lạ mừng rơn, ai cũng nô nức bày hàng, bày quán, dựng rạp, làm thêm các dịch vụ để kiếm tiền ăn ké vào sự kiện có một không hai này. Dân Đại Việt nhờ thường xuyên được giảng dạy về các phương thức làm giàu nên người dân giờ rất nhạy bén với mọi chuyện, hễ có cơ hội là bọn họ chớp lấy thời cơ để kiếm tiền ngay.
Do sự tuyên truyền vô tình và hữu ý được thúc đẩy lên cao trào mà dân chúng ở mọi miền đất nước nghi hoặc bàn tán xôn xao về ẩn ý của các bài thơ kỳ bí, có những thư sinh trẻ tuổi còn thành lập cả các hội quán để giải nghĩa của bài thơ. Tuy nhiên, hơn một tháng sau ngày điềm lạ phát sinh thì những bí ẩn trong các bài thơ dần dần hé lộ.
Ngày 27 tháng 5 năm 1212, ở miền duyên hải lộ Hồng tiếp tục xuất hiện sự kiện gây chấn động Đại Việt. Trong dân gian đồn đại nhau rằng, vào buổi chiều hôm ấy, ngư dân ven biển đang neo thuyền chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày đánh cá bội thu thì dị tượng đột ngột xuất hiện. Biển Đông đang yên ả, thanh bình thì bất chợt nổi sóng dữ dội mặc dù trên biển lúc ấy không hề có gió to, hàng trăm ngư dân được tận mắt chứng kiến cảnh tượng vô tiền khoáng hậu, một con rùa vàng khổng lồ từ ngoài khơi chầm chậm bơi vào bờ, cưỡi trên lưng rùa vàng là hai người, một nam một nữ, vô cùng to lớn. Cho đến khi rùa vàng đến gần hơn thì mọi người mới nhận ra hai người ấy chính là hai vị thần linh của tộc Việt, Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Hai vị cưỡi rùa vàng đến gần bờ biển, khi Quốc mẫu Âu Cơ vươn tay lên chỉ về phía một ông lão đánh cá thì rùa vàng hướng về phía ông lão há mồm, một vòng tròn ánh sáng bay từ trong miệng rùa vàng đến trên đầu ông lão. Hai vị mỉm cười với toàn bộ ngư dân rồi tan biến vào hư không, vòng tròn ánh sáng trên đầu lão ngư dân cũng theo đó mà biến mất.
Tin tức ấy truyền ra tạo nên tiếng vang cực kỳ rộng lớn trong toàn cõi Đại Việt. Không lâu sau, một giáo phái thần bí được thành lập, giáo phái lấy tên là Âu Lạc giáo, thờ phụng hai vị Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Giáo chủ của giáo phái chính là ông lão ngư dân được Quốc mẫu Âu Cơ ban vòng tròn ánh sáng, ông lão tự xưng là giáo chủ Âu Lạc Đệ Nhất, lấy hiệu là Quy Văn Tổ. Ngày mà Âu Lạc giáo mới thành lập đã thu hút được hàng ngàn người từ khắp mọi nơi đổ về xin gia nhập giáo.
Người dân nhớ về các bài thơ xuất hiện trước đó thì nhận ra có sự trùng khớp lạ lùng giữa các hiện tượng đã xảy ra, bách tính ngày càng tin tưởng vào sự thần kỳ trong điềm báo. Dần dần dân chúng chuyển dần sang thờ phụng hai vị thần Lạc Long Quân và Âu Cơ, họ tin tưởng rằng cha rồng mẹ tiên đã quay trở về với tộc Việt, giúp đỡ cho đất nước của con cháu hai Người phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Muốn biết một tiểu hoà thượng làm sao từng bước tiến vào showbiz làm tới ảnh đế sao? Hãy đọc