Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 217: Xuất Chinh – Tuyên Cáo Quật Khởi





Triệu Khắc Sảng được đưa về dịch trạm thì đến đêm mới tỉnh lại, sáng ngày hôm sau, cả đoàn sứ thần Đại Tống cun cút kéo nhau về nước Tống, không ai dám nói thêm một câu đe dọa.
Triệu Khắc Sảng trên đường trở về Đại Tống thì lâm bệnh, có lẽ là do không quen thủy thổ Đại Việt, có lẽ là do lam sơn chướng khí xứ phương nam, cũng có lẽ là do nỗi ô nhục tại điện Thiên An... có lẽ là do rất nhiều nguyên nhân cộng lại mà khiến cho Triệu Khắc Sảng sinh bệnh, bệnh tuy không nặng lắm nhưng liên miên không dứt, đêm nào cũng mơ thấy ác mộng khôn cùng, ác mộng của cái ngày hôm ấy đã khiến cho hắn sợ mất mật teo tim, chỉ mấy ngày mà như ba thu, tóc hắn bạc hẳn, cả mái đầu trắng xóa.
Về tới Đại Tống, vua Tống Ninh Tông trực tiếp đón Triệu Khắc Sảng, lần đầu tiên nhìn thấy Triệu Khắc Sảng thì Tống Ninh Tông không nhận ra vị sứ thần của nước mình nữa, người gầy rộc, ốm o, mặt hốc hác, tóc bạc trắng cả đầu. Triệu Khắc Sảng khóc rống lên, thều thào kể hết tội lỗi của vua quan An Nam, thêm mắm dặm muối, bêu vua quan An Nam trở thành hung thần ác sát, quỷ dữ ăn thịt không nhả xương. Triệu Khắc Sảng sau khi gắng gượng kiên trì về tới nước Tống, để tố cáo tội trạng của vua quan An Nam với Hoàng đế Đại Tống xong thì đổ bệnh nặng, nằm liệt giường, sống được vài năm thì mất.
Hoàng đế Tống Ninh Tông cả giận, công khai trách mắng dân An Nam man di ngạo ngược, không biết pháp tắc lễ giáo, Đại Tống sẽ trừng phạt thích đáng An Nam vì tội lỗi tày đình này.
Kiến Gia Hoàng đế không thèm đôi co nhiều lời, phúc đáp thẳng thừng, muốn chiến thì chiến, Đại Việt sẵn sàng ứng chiến.
Vua Đại Tống giận lắm, mở hội nghị họp các quan đương triều lại, cùng nhau bàn bạc đối sách với Đại Việt. Nhưng bản tính của vua quan Đại Tống đều là phường giá áo túi cơm, hiếp yếu sợ mạnh, mới mấy năm trước Thái sư Hàn Thác Trụ phát động bắc phạt đánh nhau với quân Kim toàn bị thua liểng xiểng, quân Tống bị giết tổn thất nặng nề. Lúc ấy, Thái sư Hàn Thác Trụ đứng đầu phái chủ chiến, nên mới bị mất hết uy tín, đồng thời yêu sách nghị hòa của Đại Kim còn kèm thêm cái đầu của Hàn Thác Trụ, vì vậy Sử Di Viễn mới có thể thừa cơ giết đi Hàn Thác Trụ, gửi đầu người của Hàn Thác Trụ cho quân Kim, đoạt quyền triều chính Đại Tống.
Nay, Sử Di Viễn thấy Đại Việt cứng rắn như thế, cũng có phần chùn tay, nếu phát động nam chinh, thắng thì không sao, nhưng thua thì e rằng bản thân mình lại rơi vào tình cảnh như Hàn Thác Trụ. Ai mà biết được, một khi đánh thua thì điều kiện nghị hòa của Đại Việt có kèm thêm cái đầu của bản thân Sử Di Viễn hắn hay không? Đừng nhìn Sử Di Viễn hiện tại rất phong quang, trong cung có Dương hậu chống lưng, bên ngoài phe cánh đầy triều, tha hồ tiếm đoạt quyền hành, muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Bá quan trên dưới triều dã đều sợ hãi hắn, tuy nhiên, sợ hãi thì có sợ hãi, nhưng sợ hãi đi cùng với căm hận, Sử Di Viễn chỉ cần đi một bước sai lầm là có thể vạn kiếp bất phục.
Sử Di Viễn là một chính khách điển hình. Hắn rất cáo già ma lanh và vô cùng cẩn thận. Trong lịch sử Trung Quốc, hiếm có quyền thần nào có thể chết già trên cương vị, Sử Di Viễn là một trong số ít những quyền thần hiếm hoi đó. Khi Tống Ninh Tông băng hà, Tống Lý Tông lên ngôi thì Sử Di Viễn vẫn thao túng triều đình thêm mười năm nữa cho đến lúc bệnh chết, qua đời ở tuổi thất thập. Điều đó cho thấy sự cẩn thận của Sử Di Viễn, trong cuộc đời chính trị của hắn, hầu như không có một quyết định sai lầm nào, nên hắn mới có thể chết già trên cương vị quyền thần. Một chuyện nữa là trong sự kiện Sử Di Viễn giết chết Hàn Thác Trụ, Sử Di Viễn cho người đón lõng Hàn Thác Trụ ở cầu Lục Bộ, lúc ấy Sử Di Viễn chờ đợi ở cửa triều đã lâu mà chưa thấy tin tức gì, hắn lo sợ và cải trang chuẩn bị bỏ trốn thì mới có người đến báo chuyện đã thành công, khi đó hắn mới thở phào mà ở lại. Những sự kiện này đều cho thấy sự cẩn thận, cũng có đôi phần nhát gan của Sử Di Viễn.
Đại Tống bàn nhau kế sách đánh Đại Việt thì tranh cãi nảy lửa không ngừng, người ra chủ ý, người hoạch định kế sách, người bàn đánh, người bàn lùi. Sau nhiều phen thảo luận thì tất cả vua quan Đại Tống cùng thống nhất là Đại Việt chắc chắn có dựa dẫm vào cái gì đó nên mới dám mạnh miệng chống lại Đại Tống, cần phải cho thêm mật thám tới Đại Việt để dò xét rõ quân tình của Đại Việt rồi mới ra tay, quân tử trả thù mười năm chưa muộn, cứ chờ đợi thêm thời cơ để dạy dỗ cho An Nam một bài học, tới đúng thời điểm là đánh rắn bảy tấc, chỉ một đòn liền diệt được An Nam. Quan chức Đại Tống nghĩ ra kế ấy, đều gật đầu khen phải, ai nấy cũng tâm đắc rằng sách ấy quả hay. Nhưng, có một vấn đề ở đây, khi nào đánh rắn bảy tấc thì không thấy ai nói. Có thể họ không biết để nói, cũng có thể họ biết mà không muốn nói ra, trong này có rất nhiều uẩn khúc và mối dây dưa giữa các thế lực trong triều đình Đại Tống.
Sau khi Lý Hạo nghe được kế sách Đánh Rắn Bảy Tấc của Đại Tống thì nhất thời ngẩn người một lúc lâu, mới lẩm bẩm: “Đúng là lũ không có trứng chim.”
Nguyên bản Lý Hạo chần chừ không mang quân nam hạ chinh phạt Chiêm Thành là bởi vì muốn cho Chiêm Thành và Chân Lạp hai bên đánh nhau sống chết, đánh đến lúc hai bên cùng tổn thất, Lý Hạo dĩ dật đãi lao, đợi đến khi quân bptBD Chiêm Thành và Chân Lạp thiệt hại nặng nề, gần tàn cuộc rồi Lý Hạo mới mang quân xuống phía nam thu thập cục diện. Còn một lý do nữa là Lý Hạo muốn chờ xem quân Tống có xuất binh đánh Đại Việt ngay luôn không? Nếu như Đại Tống dám đánh thì Lý Hạo sẽ rất vui mừng mà tiếp đón quân Tống thật nồng nhiệt.
Nhưng cho đến lúc này, quân Tống vẫn nhát gan chưa dám xua quân đánh Đại Việt thì Lý Hạo đành phải tiếp tục sáng tạo thêm cơ hội cho Đại Tống, trao cho Đại Tống thêm lá gan để mà tiến công Đại Việt. Lý Hạo quyết định tự thân ra trận, thân chinh dẫn binh tiến đánh Chiêm Thành.
* * * * * * * * * *
Ngày 12 tháng 2 năm 1213, Hoàng đế Kiến Gia hạ chiếu thân chinh Chiêm Thành, trao quyền xử lý đất nước lại cho Quốc sư Lý Việt, Thái úy Đỗ Kính Tu, chọn Hoàng Hậu Đàm Ngọc Trúc làm người buông rèm thính chính, Quý phi Trần Huyền Trân làm trợ lý. Tuy nhiên, Hoàng đế có dặn dò lại Hoàng Hậu Đàm Ngọc Trúc rằng nếu như gặp vấn đề gì bất trắc thì nên nghiêng về chủ ý của Quốc sư Lý Việt.
Hoàng đế Kiến Gia dẫn 1 vạn quân trực thuộc quân đoàn Long Hổ lên hàng trăm chiến thuyền lớn nhỏ dự định tiến quân vào Chiêm Thành bằng đường biển. Đoàn thuyền chiến Nam chinh đến cửa biển Đại Nam thuộc lộ Trường Yên thì dừng lại, đồng thời tiến hành tổ chức buổi lễ tuyên thệ cực kỳ long trọng.
Cửa biển Đại Nam.
Ngày 15 tháng 2 năm 1213, Lý Hạo đứng trên đài cao được dựng trước bờ biển lộng gió, đứng sát phía sau là Lê Việt Công, Lý Hùng, Lý Kỳ, Lý Kháng, đứng bên trái gồm các tướng Phan Hải Đăng, Lý Bát, Hà Cao, Trần Trung Vũ, Trần An Bang, Tô Minh Tú... đứng bên phải gồm các tướng Đoàn Thượng, Giàng Busor, Phan Huy Cảnh, Hoàng Lạc Linh...
Lý Hạo quét mắt nhìn xuống đài, hài lòng chứng kiến vạn quân triều đình Đại Việt thuộc quân đoàn Long Hổ luôn tỏa ra áp lực không tên với khí thế ngút trời. Trong 1 vạn quân của quân đoàn Long Hổ có 3000 quân Thanh Long với mũ giáp chỉnh tề đứng nghiêm dọc bờ biển, trong bộ trang phục rằn ri màu thiên thanh, kết hợp với màu xanh của nước biển tạo thành một tấm màn xanh không bờ bến.
Ngoài khơi, hàng trăm chiến thuyền lớn nhỏ xếp thành từng trận hình vuông vức trên mặt biển tạo nên không khí uy nghi, hùng vĩ vô cùng. Tuy nhiên, nổi bật lên trong đoàn thuyền chiến là sự xuất hiện của mười chiếc tàu to lớn, đây chính là mười chiếc tàu chiến kiểu mới của Đại Việt được Lý Việt phỏng chế theo dạng Tuần phòng hạm. Lý Hạo quyết định đặt tên cho loạt tàu chiến mới là tàu Trường Yên. Mỗi chiếc tàu Trường Yên có ba cánh buồm lớn gắn trên ba cột buồm, gồm ba khoang tàu, cần tới 60 thủy thủ để vận hành tàu, có thể chứa 500 hành khách. Trên sàn tàu đặt 28 khẩu súng thần công dọc theo hai bên mạn tàu.
Đa phần binh lính thuộc quân đoàn Long Hổ đã được thấy sức công phá của súng thần công trong trận chiến thành Thăng Long nhưng họ vẫn hết sức tò mò với những khẩu súng thần công được gắn trên tàu, họ thì thào bàn tán với nhau không ngớt về những chiếc tàu kỳ quái ấy. Họ kháo nhau, không biết khi lâm trận thực sự ngoài biển khơi thì chúng có được bao nhiêu tác dụng so với các loại thuyền chiến linh hoạt sẵn có của ta?
Tùng. Tùng. Tùng.
Ba hồi trống đồng nổi lên từ trên những chiếc tàu chiến vọng vào bờ biển, bay tận trời cao.
Lý Hạo đứng trước vạn quân, cất giọng âm vang: “Xưa đức Thái tổ ta dẹp yên loạn lạc gây dựng nước nhà. Đời đời tiên đế kính trời chăm dân kế chí nối nghiệp, kính nước lớn, thương nước nhỏ. Bên trong thì sửa sang, bên ngoài thì đánh dẹp. Cho nên, đến những kẻ mặc xiêm cỏ, búi tóc dùi cũng trèo núi vượt biển mà sang chầu, muôn nơi đều mến đức, tám cõi cũng phục uy. Nước Chiêm Thành kia cũng là lân bang với ta, xưa luôn hòa hiếu một lòng, giao bang hòa hảo, như keo sơn sot sắt, như môi hở răng lạnh, như tay chân khắng khít. Nhưng nay, họ bị giặc Chân Lạp dày xéo, tàn hại cửa nhà, nặng thuế thảm hình, bắt bớ người người làm nô lệ coi không bằng chó lợn, đốt phá đền đài chùa miếu, khiến cho trăm họ Chiêm Thành than khóc thấu trời. Bọn giặc Chân Lạp còn không biết đấy làm vừa, như con ong cái kiến, được nuôi rồi đốt lại, như loài rắn độc, chui áo rồi cắn người ban ơn. Chúng thường xuyên mang quân quấy nhiễu biên thùy ta, như lũ quạ tụm bầy xua quân cắn trộm đồng bào ta, cướp phá làng mạc của ta. Chúng còn đội lốt làm hải tặc cướp bóc thuyền buôn của ta, kéo quân vào miền duyên hải của ta, như lũ dòi bọ đục khoét của cải, tàn sát nhân dân ta. Khốn thay, chúng vẫn kẻ xướng người họa, giễu cợt triều đình ta, chúng nghĩ rằng, đất đai chúng xa, ta không làm gì được, chúng nghĩ rằng, thành trì chúng xa, ta không trị tội được chúng. Nhưng... chúng lầm. Nay, trẫm thể lòng vua Paramesvara Varman Đệ nhị của Chiêm Thành khẩn xin cứu viện Chiêm Thành trong cơn nước lửa. Nay, trẫm thể lòng muôn dân trăm họ Đại Việt tru diệt loài lang sói hung tàn bạo ngược. Nay, trẫm lấy chí nhân mà thay cường bạo, khởi binh đoàn quân nhân nghĩa, đi giải thoát bách tính Chiêm Thành khỏi ách tang thương. Trẫm, Kiến Gia Hoàng đế Đại Việt, hiệu lệnh ba quân tướng sĩ, xuất binh nam chinh, diệt ác nhân, cứu Chiêm Thành. Đại Việt xuất chinh, tất thắng khải hoàn.”
Tùng. Tùng. Tùng. Tùng,
Ba hồi trống đồng liền mạch đệm theo bốn từ cuối của vua.
Quân đoàn Long Hổ đồng thanh gầm rống vang động khắp biển trời.
“Đại Việt xuất chinh, tất thắng khải hoàn.”
“Đại Việt xuất chinh, tất thắng khải hoàn.”
“Đại Việt xuất chinh, tất thắng khải hoàn.”
Mười chiếc tàu Trường Yên đồng loạt hướng mạn thuyền ra ngoài khơi, 140 khẩu súng thần công giương nòng cùng lúc, đồng thanh nổ súng để kết thúc phần nghi lễ tuyên thệ xuất binh.
Đùng.
Đùng.
Đùng...
Ngày hôm nay, Lý Hạo muốn tuyên cáo với toàn bộ chúng nhân thiên hạ, ngày quân đoàn Long Hổ xuất thế sẽ là ngày Đại Việt chính thức quật khởi.
Muốn biết một tiểu hoà thượng làm sao từng bước tiến vào showbiz làm tới ảnh đế sao? Hãy đọc

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.