Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 219: Trận Hải Chiến Tại Cửa Biển Ô Long





Sáng sớm ngày hôm sau, 150 chiến thuyền chở 1 vạn quân thuộc quân đoàn Long Hổ, 3000 chiến mã, 40 thớt voi, và lương thực, khí tài quân sự, cùng với 5000 thủy quân Đại Việt dưới trướng Đại đô đốc Trần An Bang ở trên 10 con tàu Trường Yên, đồng loạt xuất quân ra biển lớn. Đến ngày thứ tư thì đoàn thuyền đến phủ Nghệ An. Lý Hạo quyết định ghé vào cửa Hội, một cửa biển thuộc phủ Nghệ An, nghỉ ngơi.
Người đứng đầu hiện tại ở Nghệ An là quan Tri phủ Nghệ An Lại Linh ra tận nơi tiếp đón Vua. Bởi vì cha con Lý Bất Hối, Lý Bất Nhiễm đã mang 2 vạn quân của quân đoàn số Ba sang Chiêm Thành từ một tháng trước đi tiếp viện cho Chế Ma La, nên không có mặt trong buổi đón tiếp Hoàng đế Kiến Gia lần này. Lại Linh là một người tài giỏi, văn võ kiêm toàn, lại có tài dụng binh, rất được lòng cha con Lý Bất Hối. Chính vì vậy, Lý Bất Hối đã nâng đỡ Lại Linh lên làm Tri phủ Nghệ An để Lại Linh có thể áp dụng tài hoa của mình vào việc kiến thiết phủ Nghệ An. Không phụ lòng mong đợi của Lý Bất Hối, chỉ trong vòng hai năm, đồng thời dựa vào những z7dAH bản kế hoạch sơ bộ về phát triển kinh tế, những kỹ thuật phát triển canh tác của Lý Việt, mà Lại Linh đã giúp cho nhân dân phủ Nghệ An không những có cuộc sống sung túc, ấm no, mà còn tích góp được lương thực dự trữ cho quân đội cả xứ Nghệ rộng lớn.
Do Lý Bất Hối đã mang 2 vạn quân sang Chiêm Thành nên phủ Nghệ An lúc này không còn quân đội chính quy, chỉ còn các đội dân binh, dân phòng bảo vệ trật tự trị an trong phủ. Tuy nhiên, qua báo cáo của đội tình báo, Lý Hạo được biết an ninh trong phủ Nghệ An vẫn cực kỳ ổn định, bá tánh vẫn hăng say miệt mài lao động như không có chuyện gì xảy ra. Lý Hạo vô cùng hài lòng về vị quan này, đất Nghệ An quả là đất địa linh nhân kiệt, người tài được sinh ra lớp lớp, không thời nào không có.
Nghỉ ở Nghệ An một ngày, đoàn thuyền vội vã rời cửa Hội xuôi Nam. Ba ngày sau, đoàn thuyền đến cửa biển Nam Giới, ở phía nam núi Hồng Lĩnh. Trước khi chiếm được ba vùng Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh thì cửa biển Nam Giới là cửa biển cuối cùng của nước Đại Việt vùng duyên hải miền Nam. Quân Chiêm Thành thường mang thủy quân đổ bộ đánh vào Đại Việt bằng đường này.
Năm ngày sau, đoàn thuyền đến cửa Nhật Lệ, ở châu Bố Chính. Tới nơi này, vua tôi nhà Lý bắt đầu ôn lại chiến tích huy hoàng của tiên đế Lý Thánh Tông và danh tướng vĩ đại Lý Thường Kiệt vào khoảng 145 năm về trước. Chính tại cửa biển Nhật Lệ, đã diễn ra trận hải chiến dữ dội giữa thủy quân Đại Việt và thủy quân Chiêm Thành. Nguyên súy Lý Thường Kiệt thực là danh tướng toàn tài, ông không những thạo lục chiến mà ngay cả thủy chiến ông cũng tinh thông. Bấy giờ, Chiêm Thành tập trung toàn bộ thuyền chiến tại cửa biển Nhật Lệ, quyết một phen sống mái với đoàn thuyền chiến của quân ta. Bằng tài dụng binh thần kỳ, Nguyên súy Lý Thường Kiệt đã đánh bại hoàn toàn đội thủy quân đông đảo và hung hãn của Chiêm Thành, để rồi từ đó đoàn thuyền chiến Đại Việt tự do xuôi nam đánh phá các nơi ở Chiêm Thành mà không gặp bất kỳ sự phản kháng nào khác đến từ thủy quân Chiêm Thành.
* * * * * * * * * *
Ngày 30 tháng 2 năm 1213, cửa biển Ô Long, châu Ô, Chiêm Thành.
Lý Hạo ngự trên chiếc tàu Hoàng Long, mui tàu khắc hình đầu rồng uy vũ, toàn thân tàu được sơn phết vàng. Tàu Hoàng Long nằm lọt thỏm trong đại đội thuyền chiến Đại việt, được bảo vệ vô cùng cẩn mật. Tàu gồm có ba khoang, khoang trên cùng để chứa tay cung và có đài cao để vua và tướng có thể ngồi trên đó quan sát tình hình xung quanh, khoang giữa là phòng ở của vua, khoang dưới cùng để thủy thủ chèo thuyền và chứa các vật dụng cần thiết. Phòng ở của vua được trang bị đầy đủ mọi tiện nghi được thiết kế đặc biệt theo chủ ý của Lý Hạo.
Trong khoang giữa, Lý Hạo đang ngồi luận bàn với chư tướng. Ở một phòng khác ngay bên cạnh, hai tình báo viên của Khu Mật viện đang thao tác liên tục bên cạnh chiếc máy vô tuyến truyền tin. Chiếc máy liên hồi phát ra những tiếng tích te vô nghĩa trong căn phòng có phần u ám.
Lúc sau, một tình báo viên đến bẩm báo với Lý Hạo: “Bẩm Hoàng thượng, bên phía quân đoàn số Ba truyền tin, Chế Ma La cho biết, quân Chân Lạp đã tập hợp hầu hết thuyền chiến của chúng tại cửa biển Ô Long.”
Lý Hạo cho tình báo viên lui ra ngoài, bèn hỏi các tướng: “Các khanh có cái nhìn như thế nào về chuyện này?”
Đoàn Thượng được xem là một hàng tướng, kẻ đầu quân dưới trướng Lý Hạo trễ nhất, nên hắn biết mình thua thiệt so với các tướng khác, vì thế hắn cần phải thể hiện năng lực của mình nhiều hơn trước mặt vua. Để thể hiện bản thân và sự trung thành không bằng gì hơn là thường xuyên hiến kế cho vua, Đoàn Thượng chắp tay, tâu: “Bẩm Hoàng thượng, có thể thấy quân Chân Lạp đoán được chúng ta sẽ đổ bộ tại cửa biển Ô Long, nhằm hội quân với quân đoàn số Ba và quân của Chế Ma La, do đó chúng mới tập hợp tất cả thuyền chiến của chúng để đánh chặn chúng ta. Thần trộm nghĩ, quân ta nên vờ như không biết, tương kế tựu kế, để cho quân Chân Lạp tưởng rằng quân ta đã rơi vào bẫy của chúng, mặc cho chúng bao vây, đợi chúng đến gần lại dụ quân Chân Lạp vào bẫy của quân ta.”
Lý Hạo liếc mắt nhìn quanh thấy các tướng đều tỏ vẻ đồng tình, liền nói: “Có lẽ bọn chúng muốn đổ toàn bộ vốn liếng vào canh bạc này. Hà hà, trẫm ưa thích đổ bạc. Đã vậy, chúng ta sẽ đấu với chúng. Truyền lệnh của trẫm cho Trần An Bang, chuẩn bị chiến đấu.”
Qua vài lượt đưa tin, ba tên lính truyền tin trên tàu Hoàng Long lúi húi vây quanh chiếc hộp hình hỏa tiễn, đốt vào đuôi hỏa diêm của chiếc hộp.
Bùm.
Tiếng nổ lớn phát ra, rồi một đường ánh sáng bảy màu bay vụt lên trời, nổ tan, xòe ra tạo thành chùm sáng bảy màu cực kỳ đẹp mắt. Mệnh lệnh pháo hoa chính là mệnh lệnh thông báo chuẩn bị chiến đấu theo phương thức mới nhất của quân đội Đại Việt. Mỗi một hình dạng pháo hoa sẽ là một tín hiệu truyền tin khác nhau.
Ngay khi pháo hoa vừa nổ là những tên lính truyền tin đứng trên đài truyền tin của các tàu nhanh chóng phất cờ truyền tin cho nhau.
Các tiếng động ồn ào dấy lên, bước chân chạy rầm rậm trên sàu tàu, tiếng người quát tháo chỉ huy, âm thanh vận chuyển vũ khí trên tàu náo động khắp đoàn thuyền Đại Việt.
Mười chiếc tàu Trường Yên dần dần tăng tốc đi ở đầu đoàn tàu, những chiếc thuyền trợ chiến khác bám sát theo sau. Các tàu lớn chuyên chở quân đội thì nằm ở phía sau vây quanh tàu Hoàng Long.
* * * * * * * * * *
Cách đó không xa, trước cửa biển Ô Long, đoàn thuyền chiến Chân Lạp vô cùng đông đảo phủ kín cả một vùng biển rộng lớn.
Tàu Chân Lạp không đa dạng chủng loại như tàu Đại Việt mà duy chỉ có các loại thuyền lớn hoặc thuyền nhỏ, có hai đầu nhọn dài, hai bên mạn thuyền gắn các mái chèo lớn dùng để chèo thuyền, thuyền không có buồm, mỗi chiếc chở được từ vài chục người tới hơn trăm người. Thuyền Chân Lạp được đóng từ các mảnh gỗ cứng. Cách thức đóng tàu thuyền của người Chân Lạp vào thời này rất đơn giản, họ không có cưa và chỉ dùng rìu, dùng đinh sắt, bọc thân tàu bằng lá chiao, dùng hỗn hợp mỡ cá và khoáng chất nung nóng trét lên tàu, nẹp các mảnh gỗ lại bằng thân cây dừa. Các thuyền nhỏ được khoét từ một cây lớn được nung mềm bằng lửa và được cạo bằng gỗ, loại thuyền này thì sâu và rộng ở giữa, nhọn ở hai đầu.
Đoàn thuyền chiến Chân Lạp đợt này còn có cả các thuyền trưng dụng của Chiêm Thành, thuyền Chiêm Thành thì có những chiếc lớn hơn và có cánh buồm.
Thủy quân trên thuyền đa số là bới tóc, không có nón, mình trần, đi chân không, một số thì quấn ngang lưng một miếng vải gọi là xà rông, người nào người nấy đen trùi trũi, mắt sâu, một số người tóc quăn. Dáng dấp người Chân Lạp và Chiêm Thành không khác nhau là mấy, bởi đa phần họ đều là chủng tộc người Mã Lai, trong đó có một số kiểu người Chiêm Thành có hình dáng khác là do lai với tộc người Việt qua hàng mấy trăm năm giao lưu giữa hai nền văn hóa. Hầu như quân Chân Lạp đều cầm giáo dài ở tay phải, cầm khiên bên tay trái.
Bởi Chiêm Thành bị quân Chân Lạp đô hộ nên người Chiêm Thành hầu như bị bắt bớ đẩy lên chiến trường. Đoàn thuyền dàn hàng ngang ở hàng đầu tiên của đội thủy quân Chân Lạp, đều là thuyền chứa người Chiêm Thành. Trong số quân Chiêm Thành thì sử dụng thêm các vũ khí khác như cung tên, lao, liêm câu.
Sun Sat Thia, Đô đốc thủy quân Chân Lạp, trạc tuổi tứ tuần, đứng trên tàu chủ soái quân Chân Lạp, tay lăm lăm thanh giáo dài, cười gằn hỏi viên tướng bên cạnh: “Ngươi vừa nói, tàu Đại Việt chỉ có hơn trăm chiếc?”
Lim Chan Ban, phó tướng Chân Lạp, sốt sắng nói: “Thưa ngài, đúng như thế. Cả năm đội thuyền do thám đều báo lại không sai lệch bao nhiêu. Chưa hết, nghe tin tức từ phía bên kia thì chúng chỉ có khoảng 5000 thủy binh, còn lại 1 vạn người là bộ binh.”
Sun Sat Thia lộ vẻ khinh bỉ: “Phía bên kia cũng can dự vào chuyện này? Hừ, chúng chỉ là một lũ quạ đen chờ ăn xác hôi. Ta còn chưa rõ bọn chúng sao? Chúng là lũ người vô cùng gian xảo và tham lam. Ta đã nói với vua Yasuyvarman Đệ cửu là chớ nên ỷ lại vào chúng rồi mà người vẫn không nghe. Hừ, thôi bỏ đi... Nghe nói tên vua nhóc con của Đại Việt chỉ mới mười chín tuổi. Ha ha ha, đúng là chim sẻ non chưa biết việc đời. 5000 thủy binh? 1 vạn bộ binh? Quá nực cười. Mang hơn trăm chiếc thuyền đi chiến đấu với thủy quân thiện chiến của chúng ta. Hừ, vua Yasuyvarman Đệ cửu đã tốn tâm huyết điều tất cả 345 chiến thuyền cho trận chiến lần này mất rồi.”
Lim Chan Ban nhướng mày, cười hềnh hệch: “Khà khà khà, thủy quân Chiêm Thành giỏi chiến đấu trên biển là thế mà còn thảm bại trước thủy quân của ta... Ha ha ha, trận này còn cần đánh nữa sao? Sắp tới chúng ta chỉ cần chờ xem 3 vạn thủy quân của ta nuốt gọn vua quan nước Việt mà thôi.”
Sun Sat Thia chỉ tay ra ngoài khơi, hô lớn: “Tới rồi, chúng tới rồi. Truyền lệnh của ta, sẵn sàng chiến đấu.”
Lim Chan Ban lấy chiếc tù và bên hông, thổi một hơi dài, báo hiệu một trận hải chiến kinh thiên động địa sắp bắt đầu.
Chú thích:
Toàn bộ sự kiện về các nét văn hóa, trang phục, lối sống, dụng cụ, tàu thuyền, quân đội, thành quách... của người Chân Lạp là tác giả tham khảo cuốn sách “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của Chu Đạt Quan được viết từ năm 1295 - 1297 thế kỷ 13. Sách này được nhà văn Lê Hương chuyển dịch và chú thích năm 1973. Tác giả Chu Đạt Quan là người Ôn Châu, Triết Giang, biên soạn cuốn du kí này trong những năm 1295 - 1297 khi làm sứ thần của triều đình nhà Nguyên tại Chân Lạp. Thế nhưng mãi đến đầu thế kỉ 14 mới được chỉnh lý xong và cho ra mắt. Sau đó “Chân Lạp Phong Thổ Ký” được công bố trong chương 62 cuốn sách "Thuyết Phu" do Đào Tống Nghi biên soạn và được xuất bản năm 1647.
Truyện thuần phong cách cổ điển phiêu lưu khám phá, với những yếu tố tươi sáng hài hước nhưng không kém phần hấp dẫn trong phân tích và chiến đấu, đưa bạn trở về những ký ức Pokemon đẹp thời thơ ấu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.